Theo quy định tại khoản 8 Điều 3 Luật TM 2005 thì MBHH là hoạt động thương mại, theo đó bên bán có nghĩa vụ giao hàng, chuyển quyền sở hữu hàng hóa cho bên mua và nhận thanh toán; bên mua có nghĩa vụ thanh toán cho bên bán, nhận hàng và quyền sở hữu hàng hóa theo thỏa thuận.
Luật TM 2005 không đưa ra khái niệm về hợp đồng MBHH. Theo nguyên tắc áp dụng BLDS được quy định tại Điều 4 BLDS 2015, những nội dung mà Luật TM 2005 không quy định thì sẽ áp dụng các quy định của BLDS 2015 với tư cách là luật chung điều chỉnh quan hệ hợp đồng.
Điều 430 BLDS 2015 quy định: “Hợp đồng mua bán tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên bán chuyển quyền sở hữu tài sản cho bên mua và bên mua trả tiền cho bên bán”. Hợp đồng MBHH trong thương mại là sự thỏa thuận của các bên nhằm xác lập, thay đổi, chấm dứt quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ mua bán mà bản chất là việc chuyển giao quyền sở hữu hàng hóa để đổi lấy tiền, tiền ở đây là giá trị của tài sản đó. Với tính chất là một hành vi thương mại, chủ thể thực hiện hoạt động MBHH là các thương nhân và thương nhân thực hiện nhằm mục đích thu lợi nhuận.
Từ những phân tích trên có thể đưa ra khái niệm như sau: Hợp đồng MBHH là sự thỏa thuận giữa các thương nhân theo đó, bên bán có nghĩa vụ giao hàng, chuyển quyền sở hữu hàng hóa cho bên mua và nhận thanh toán; bên mua có nghĩa vụ thanh toán cho bên bán, nhận hàng và quyền sở hữu hàng hóa theo thỏa thuận. Sự thỏa thuận này có thể thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc được xác lập bằng hành vi cụ thể, trừ những trường hợp mà pháp luật có quy định phải bằng văn bản.
Các tiêu chí để Luật sư nhận diện hợp đồng MBHH trong thương mại thể hiện ở các đặc điểm đặc trưng cơ bản sau:
Thứ nhất, về chủ thể của hợp đồng là giữa thương nhân với thương nhân tham gia giao kết và thực hiện hợp đồng. Thương nhân với tư cách là chủ thể của hợp đồng MBHH có thể là thương nhân được thành lập theo pháp luật Việt Nam hoặc là thương nhân nước ngoài. Thương nhân nước ngoài là chủ thể của các hợp đồng MBHH quốc tế, được thành lập, đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật nước ngoài hoặc được pháp luật nước ngoài công nhận.
Theo Luật TM 2005, thương nhân là các tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp, cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có đăng ký kinh doanh. Các tổ chức kinh tế là thương nhân gồm có: công ty TNHH một thành viên, công ty TNHH hai thành viên trở lên, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã. Thương nhân là cá nhân kinh doanh gồm có chủ doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh do một cá nhân làm chủ. Trường hợp hộ kinh doanh do hộ gia đình làm chủ không được xếp vào hình thức tổ chức hay cá nhân kinh doanh nhưng hộ kinh doanh cũng là một chủ thể kinh doanh trong nền kinh tế thị trường và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký kinh doanh nên cũng phải được coi là thương nhân.
Thứ hai, về đối tượng của hợp đồng MBHH là hàng hóa. Hàng hóa là sản phẩm lao động của con người để buôn bán, trao đổi trên thị trường. Hàng hóa có đặc tính là sản phẩm do lao động làm ra và có thể lưu thông trên thị trường. Cùng với sự phát triển của xã hội và nền kinh tế thì hàng hóa ngày càng phong phú, đa dạng: hàng hóa hữu hình, hàng hóa vô hình, hàng hóa hình thành trong tương lai… Việc xác định những hàng hóa được phép lưu thông, hạn chế lưu thông và cấm lưu thông trên thị trường do Nhà nước quyết định phụ thuộc vào điều kiện kinh tế – xã hội trong từng thời kỳ.
Luật TM 2005 tiếp cận khái niệm hàng hóa từ khái niệm tài sản. Khoản 2 Điều 3 Luật TM 2005 quy định: Hàng hóa bao gồm: tất cả các loại động sản, kể cả động sản hình thành trong tương lai; những vật gắn liền với đất đai. Thông thường, tài sản trong thế giới vật chất được phân loại theo tiêu chí động sản và bất động sản. Theo nguyên tắc chung, những tài sản không phải là bất động sản thì là động sản. Pháp luật dân sự quy định bất động sản là những tài sản gồm có đất đai, nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất đai, kể cả các tài sản gắn liền với nhà, công trình xây dựng đó, các tài sản khác mà pháp luật quy định. Như vậy, khái niệm hàng hóa trong Luật TM 2005 gần như tiệm cận với khái niệm tài sản trong pháp luật dân sự, chỉ trừ đất đai – là tài sản đặc biệt, tài sản thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước thống nhất quản lý. Nếu so với khái niệm hàng hóa trong Luật TM 1997, khái niệm hàng hóa trong Luật TM 2005 đã được xác định rõ ràng và mở rộng hơn rất nhiều từ “động sản hình thành trong tương lai”, các loại cổ phiếu, trái phiếu, các tài sản vô hình như quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp… Quy định này của Luật TM 2005 đưa khái niệm hàng hóa phù hợp hơn với thông lệ quốc tế.
Thứ ba, về nội dung của hợp đồng: Hợp đồng là sự thỏa thuận thống nhất ý chí của các bên giao kết về các điều khoản trong hợp đồng. Các điều khoản đó được hiểu là nội dung của hợp đồng. Hoạt động MBHH diễn ra đa dạng, phong phú và phức tạp. Vì vậy, thỏa thuận của các bên trong hợp đồng MBHH cũng rất đa dạng và tùy thuộc vào tính chất của từng loại hàng hóa. Bản chất của hợp đồng mua bán hàng hoá thông thường được thể hiện ở hai thỏa thuận chính sau đây: một là, thỏa thuận về nghĩa vụ giao hàng và chuyển quyền sở hữu hàng hóa của bên bán; hai là, thỏa thuận về nghĩa vụ nhận hàng và thanh toán tiền hàng của bên mua. Hai thỏa thuận chính này là cơ sở giúp cho các Luật sư phân biệt hợp đồng MBHH với các hợp đồng khác như các hợp đồng dịch vụ gắn liền với hàng hóa (hợp đồng đại lý MBHH, hợp đồng ủy thác MBHH, hợp đồng giao nhận hàng hóa, hợp đồng gia công…).
Ví dụ :
Quan hệ MBHH khác với quan hệ cho thuê hàng hoá. Khi cho thuê hàng hóa, quyền sử dụng và quyền chiếm hữu hàng hóa chuyển giao cho bên thuê song người cho thuê không chuyển giao quyền sở hữu hàng hóa mà vẫn là chủ sở hữu đối với hàng hóa.
Quan hệ MBHH khác với quan hệ đại lý MBHH. Đối tượng của hợp đồng đại lý thương mại là việc bên đại lý thực hiện MBHH cho bên giao đại lý và được hưởng thù lao từ dịch vụ này. Đây là tiêu chí quan trọng để phân biệt hợp đồng đại lý MBHH với hợp đồng MBHH (có khối lượng hàng hóa lớn) mà trên thực tế thường có sự nhầm lẫn. Đối tượng của hợp đồng MBHH chính là quyền sở hữu hàng hóa, cụ thể là bên bán có nghĩa vụ chuyển giao quyền sở hữu hàng hóa cho bên mua. Trong hợp đồng đại lý MBHH, bên giao đại lý vẫn là chủ sở hữu hàng hóa hoặc tiền đã giao cho bên đại lý.
Thứ tư, về hình thức của hợp đồng: Hình thức của hợp đồng là cách thức thể hiện và ghi nhận ý chí của các bên trong giao kết hợp đồng. Để phù hợp với thực tiễn kinh doanh, Luật TM 2005 đã quy định hình thức của hợp đồng có thể bằng lời nói, bằng hành vi cụ thể hoặc bằng văn bản. Trong nhiều trường hợp, tùy theo tính chất của hàng hóa hoặc tính phức tạp của quan hệ mua bán mà pháp luật quy định hợp đồng MBHH đó bắt buộc phải được lập thành văn bản hợp đồng, ngoài ra phải tuân thủ các quy định về công chứng, chứng thực.
Hình thức hợp đồng bằng lời nói thường được áp dụng trong quan hệ mua bán những hàng hóa có giá trị vừa và nhỏ hoặc giữa các thương nhân đã có quan hệ bạn hàng lâu năm. Các bên có thể gặp nhau trực tiếp thỏa thuận hoặc trao đổi qua điện thoại.
Hình thức hợp đồng bằng hành vi được thực hiện phổ biến trong việc MBHH qua hệ thống siêu thị. Thương nhân bán hàng thể hiện việc muốn bán hàng hóa qua hành vi bầy hàng và niêm yết giá. Thương nhân mua hàng thể hiện việc muốn mua thông qua hành vi lấy hàng và thanh toán tiền.
Lựa chọn hình thức hợp đồng bằng văn bản là phổ biến giữa các thương nhân trong giai đoạn hiện nay. Các bên trong hợp đồng có thể trực tiếp gặp nhau ký kết vào một văn bản hợp đồng hoặc thông qua công văn, tài liệu giao dịch giữa các bên. Luật TM 2005 cũng thừa nhận các hình thức có giá trị tương đương với văn bản gồm có điện báo, telex, fax, thông điệp dữ liệu và các hình thức khác theo quy định của pháp luật. Đây là quy định tiến bộ phù hợp với sự phát triển của khoa học kỹ thuật. Hình thức bằng văn bản ghi nhận một cách rõ ràng, cụ thể quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng, thể hiện nhiều ưu điểm như sau: là phương tiện để bên bán và bên mua dễ dàng thực hiện hợp đồng; là chứng cứ trước cơ quan giải quyết tranh chấp nếu có tranh chấp xảy ra.
Thứ năm, về mục đích của hợp đồng: Mục đích của hợp đồng được xác định thông qua ý chí của chủ thể hướng tới khi giao kết hợp đồng. Đối với hợp đồng MBHH, chủ thể của hợp đồng là các thương nhân mà thương nhân thực hiện hoạt động MBHH nhằm mục đích phát sinh lợi nhuận. Do đó, mục đích của các bên tham gia hợp đồng MBHH là mục đích sinh lợi. Lưu ý rằng mục đích sinh lợi là mục đích mà các chủ thể mong muốn khi thực hiện hợp đồng MBHH, không phân biệt trên thực tế, hoạt động này có thu được lợi nhuận hay không thu được lợi nhuận. Trường hợp trong hợp đồng, một bên chủ thể có thể xác định rõ mục đích sinh lợi thông qua hành vi mua, bán hàng. Đối với chủ thể còn lại thì hành vi MBHH chỉ là nhằm phục vụ, nâng cao hiệu quả của hoạt động sản xuất, kinh doanh, không nhằm mục đích trực tiếp phát sinh lợi nhuận thì cũng được coi là có mục đích lợi nhuận. Ví dụ, Công ty TNHH dịch vụ H.Y ký kết hợp đồng cung cấp bánh ngọt cho Công ty may mặc T.C để cho công nhân ăn giữa ca. Công ty TNHH dịch vụ H.Y bán hàng nhằm mục đích sinh lời còn Công ty may mặc T.C mua hàng nhằm phục vụ hoạt động sản xuất để thu lợi nhuận.
Việc nhận diện chính xác hợp đồng MBHH sẽ giúp Luật sư xác định quy định pháp luật để giải quyết về quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ hợp đồng. Để nhận diện được bản chất của hợp đồng MBHH, trước hết, Luật sư cần nghiên cứu kỹ văn bản hợp đồng và các phụ lục hợp đồng (nếu có) nhằm xác định chủ thể giao kết hợp đồng, mục đích và thỏa thuận về quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng. Các bên có thỏa thuận về việc giao hàng, chuyển giao quyền sở hữu, nhận hàng và thanh toán không? Bên cạnh đó, Luật sư cũng cần xem xét thực tế quá trình thực hiện hợp đồng của các bên. Có phải các bên trong hợp đồng sau khi có việc giao hàng là thanh toán tiền hàng theo đúng thỏa thuận trong hợp đồng không? Đây là cơ sở để xác định các bên có ký hợp đồng MBHH giả tạo nhằm che giấu một giao dịch khác không? Luật sư cần lưu ý rằng bản chất của hợp đồng không phụ thuộc vào tên gọi của hợp đồng mà phụ thuộc vào đối tượng hợp đồng các bên thỏa thuận và về quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng.
Để được tư vấn chi tiết từ luật sư của Luật 3 Chung
Vui lòng liên hệ số hotline 085.200.8585
Hoặc liên hệ qua email: luatsu@luat3chung.vn