[TƯ VẤN LUẬT HÌNH SỰ] Khái niệm, phân loại hiện trường vụ án hình sự

Khái niệm khám nghiệm hiện trường:

Hiện trường là một thuật ngữ được sử dụng rộng rãi trong cuộc sống. Theo Từ điển tiếng Việt thì: “Hiện trường là nơi xảy ra hoạt động hay sự việc gì”. Với khái niệm này thì hiện trường có nội hàm rất rộng, bao gồm nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội. Theo đó, khái niệm về hiện trường bao gồm hai nội dung cơ bản sau:

Một là, hiện trường là một nơi, tức là một khoảng không gian cụ thể.

Hai là, tại khoảng không gian cụ thể đó có sự việc xảy ra.

Khái niệm trên đã không chỉ rõ “sự việc” xảy ra đó là sự việc gì, tính chất ra sao. Do đó, có thể hiểu là sự việc bất kỳ. Theo khái niệm này thì hiện trường là một khái niệm rất rộng, chỉ cần có sự việc xảy ra, trong khoảng không gian cụ thể, thì đó là hiện trường.

Trong công tác đấu tranh và phòng ngừa tội phạm, khái niệm hiện trường cũng được sử dụng rộng rãi. Tuy nhiên, nội hàm khái niệm hiện trường trong đấu tranh phòng ngừa tội phạm có nội hàm hẹp hơn khái niệm hiện trường nói chung.

Theo Điều 201 BLTTHS năm 2015 có thể hiểu nội hàm khái niệm hiện trường trong điều tra tố tụng hình sự như sau:

Một là, hiện trường trước hết là một nơi, tức là một khoảng không  gian, thời gian cụ thể.

Hai là, nơi đó đã xảy ra sự việc phạm tội hoặc là nơi phát hiện ra tội phạm.

Hiểu về hiện trường như trên là phù hợp với BLTTHS năm 2015, điều chỉnh mối quan hệ giữa các chủ thể trong điều tra, xử lý các tội phạm. Trong thực tiễn của quá trình đấu tranh, phòng chống tội phạm cho thấy: Khi nhận được tin báo về sự việc xảy ra, từ nguồn tin ban đầu chưa đầy đủ thông tin, tài liệu cho phép xác định một vụ việc có phải là tội phạm hay không.

Qua đó, có thể đưa ra định nghĩa về hiện trường trong khoa học hình sự như sau: Hiện trường là nơi xảy ra, nơi phát hiện sự việc mang tính hình sự.

Phân loại hiện trường:

Hiện trường các vụ việc mang tính hình sự tồn tại khá đa dạng, phong phú tùy thuộc vào tính chất thực hiện hành vi phạm tội, loại tội phạm xảy ra, nơi xảy ra vụ việc,… Do vậy, hiện trường có thể phân làm nhiều loại khác nhau dựa trên những căn cứ nhất định.

Căn cứ vào loại vụ việc đã xảy ra, có thể phân loại thành các hiện trường như:

–  Hiện trường có người chết, có thể chia thành

  • Hiện trường có người chết do súng đạn;
  • Hiện trường có người chết dưới nước;
  • Hiện trường có người chết do ngộ độc;
  • Hiện trường có người chết treo cổ;
  • Hiện trường có người chết do tự sát

–  Hiện trường trộm, có thể chia thành

  • Trộm cắp tài sản trong các kho tàng, cửa hàng;
  • Trộm cắp tài sản trên các phương tiện giao thông;
  • Trộm cắp tài sản trên tàu thuyền;…

–  Hiện trường xâm hại tình dục;

–  Hiện trường cướp;

–  Hiện trường các vụ cố ý gây thương tích;

–  Hiện trường phạm tội công nghệ cao;

–  Hiện trường cháy;

–  Hiện trường tai nạn (giao thông, lao động…);

–  Hiện trường chống khủng bố .v.v..

Để được tư vấn chi tiết từ luật sư của Luật 3 Chung

Vui lòng liên hệ số hotline 085.200.8585

Hoặc liên hệ qua email: luatsu@luat3chung.vn

Bài viết liên quan