[TƯ VẤN LUẬT HÌNH SỰ] Kỹ năng chuẩn bị kế hoạch hỏi

Tùy từng vụ án mà kế hoạch hỏi tập trung vào các vấn đề khác nhau. Tuy nhiên, kế hoạch hỏi của Luật sư phải phục vụ hoạt động bào chữa, bảo vệ của Luật sư tại phiên tòa. Việc hỏi của Luật sư cũng nhằm đến mục tiêu:

– Làm rõ sự vô tội của bị cáo, đặc biệt là các trường hợp ngoại phạm, trường hợp giết người hay cố ý gây thương tích do phòng vệ chính đáng hoặc sự kiện bất ngờ và các trường hợp khác loại trừ tính chất tội phạm của hành vi;

– Nếu bị cáo phạm tội thì làm rõ bị cáo phạm tội nhẹ hơn so với tội mà VKS truy tố, giảm bớt tình tiết tăng nặng và đưa thêm tình tiết giảm nhẹ; Nêu rõ hoàn cảnh phạm tội, động cơ, mục đích phạm tội, nhân thân người phạm tội nhẹ hơn quy kết của VKS;

– Trường hợp vụ án đồng phạm, Luật sư có thể hỏi để làm rõ bị cáo chỉ có vai trò thứ yếu trong vụ án.

Trước khi ra phiên tòa, Luật sư phải dự kiến kế hoạch hỏi. Về nguyên tắc, quá trình chuẩn bị kế hoạch hỏi, thiết kế các câu hỏi phải căn cứ vào quyết định truy tố, định hướng bào chữa, bảo vệ của Luật sư và các tài liệu trong hồ sơ vụ án. Những vấn đề mà Luật sư dự kiến hỏi tại phiên tòa cần bám sát hành vi theo tội danh mà VKS truy tố, làm rõ các yếu tố CTTP, dấu hiệu đặc trưng của tội phạm, các tình tiết định khung, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ TNHS, nhân thân của bị cáo…, làm rõ những điểm mâu thuẫn về chứng cứ, các vi phạm thủ tục tố tụng… nhằm bảo vệ cho khách hàng.

Việc xây dựng kế hoạch hỏi giúp Luật sư hỏi có trọng tâm, xác định được những vấn đề cần làm rõ, không bỏ sót, không có những câu hỏi thừa hoặc vô nghĩa, không bị lúng túng trước sự trả lời của người bị hỏi. Đối với án xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người, việc phân biệt tội danh này với tội danh khác rất dễ nhầm lẫn, gây thiệt hại cho khách hàng như giữa tội giết người với tội cố ý gây thương tích (dẫn tới hậu quả chết người), giữa tội giết người (chưa đạt) với tội cố ý gây thương tích, Luật sư cần xác định câu hỏi pháp lý mấu chốt. Đó là khách hàng có thấy trước hậu quả chết người hay không (nếu câu trả lời là không thì hành vi của khách hàng chỉ là cố ý gây thương tích và vô ý với hậu quả chết người; Nếu câu trả lời là có thì sẽ xác định được lỗi cố ý trực tiếp (mong muốn hậu quả xảy ra) hay lỗi cố ý gián tiếp (chấp nhận hậu quả xảy ra). Tất nhiên, vấn đề pháp lý mấu chốt này đã phải đặt ra và có câu trả lời ngay từ khi nghiên cứu hồ sơ, trao đổi tiếp xúc với khách hàng trước đó mà không phải đến thời điểm này mới xuất hiện (trừ trường hợp có tình tiết đột xuất phát sinh).

Từ câu hỏi pháp lý mấu chốt này, Luật sư sẽ triển khai các câu hỏi nhanh để hỏi các đối tượng tại phiên tòa nhằm khẳng định câu trả lời cho câu hỏi pháp lý mấu chốt đó. Với câu hỏi pháp lý mấu chốt khách hàng có thấy trước hậu quả chết người hay không và để có câu trả lời cuối cùng là “không”, Luật sư cần đặt các câu hỏi về lựa chọn của khách hàng đối với vị trí bộ phận trên cơ thể bị hại mà khách hàng tấn công có phải là vị trí trọng yếu có thể gây ra cái chết cho bị hại không (chủ định nhằm vào vị trí đó hay không có chủ định), việc sử dụng của khách hàng với công cụ phạm tội (có khả năng gây ra cái chết hay chỉ gây thương tích), lực tác động khi thực hiện hành vi (mạnh hay không mạnh), nhận thức của khách hàng về khả năng chống cự của bị hại, khoảng cách giữa khách hàng và bị hại, thời gian, thời tiết… để khách  hàng có nhìn rõ vị trí tác động vào bị hại không để giúp cho HĐXX nhận định bị cáo “không” cố ý đối với hậu quả chết người. Tương tự như vậy, trong vụ án khách hàng bị buộc tội cố ý gây thương tích theo Điều 134 BLHS năm 2015 mà hành vi gây thương tích này của khách hàng xuất phát từ sự khiêu khích bằng một hành vi dùng vũ lực của bị hại làm cho khách hàng bị kích động tại thời điểm tấn công lại bị hại. Trường hợp này Luật sư cần đặt câu hỏi làm rõ hành vi dùng vũ lực của bị hại là trái pháp luật nghiêm trọng mang tính khiêu khích (tác động vào thể chất và tinh thần của khách hàng như thế nào) và trạng thái tinh thần của khách hàng bị kích động mạnh hay chỉ bị kích động về tinh thần để khi bào chữa Luật sư đề xuất khách hàng phạm tội cố ý gây thương tích trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh (Điều 135 BLHS năm 2015) hay tội cố ý gây thương tích (Ðiều 134 BLHS năm 2015) với tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm e khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015 (phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của nạn nhân gây ra) hay chỉ là tình tiết người bị hại có lỗi (đề xuất áp dụng khoản 2 Điều 51 BLHS năm 2015).

Trong kế hoạch hỏi, Luật sư cần dự kiến sẽ hỏi những người tham gia tố tụng nào, thứ tự hỏi những người tham gia tố tụng đó. Thông thường, Luật sư nên hỏi khách hàng trước, tiếp theo hỏi những người tham gia tố tụng mà lời khai của họ phù hợp với lời khai của khách hàng để xác định lời khai của khách hàng có cơ sở chấp nhận. Đối với những người có lời khai gây bất lợi cho khách hàng, Luật sư cần hỏi làm rõ những mâu thuẫn của lời khai này với các chứng cứ trong vụ án. Trong một số vụ án, Luật sư có thể dự kiến mở rộng đối tượng hỏi với người giám định, người đại diện gia đình bị cáo, đại diện nhà trường, đại diện cơ quan, tổ chức nơi bị cáo làm việc để làm rõ những tình tiết có lợi cho bị cáo.

Khi bảo vệ cho bị hại, trên nguyên tắc hỏi để phục vụ định hướng bảo vệ, Luật sư hỏi làm rõ hành vi phạm tội của bị cáo, làm rõ thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của bị hại do hành vi của tội phạm gây ra, hỏi về yêu cầu bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, kế hoạch hỏi của Luật sư với tư cách người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại trong loại án này cần lưu ý thêm một số điểm sau:

– Hỏi để bị hại trả lời cụ thể về những thương tổn, đau đớn về thể xác và tinh thần mà họ phải chịu đựng không chỉ trong lúc điều trị vết thương mà cả sau khi đã ra viện và quá trình làm việc và tái hòa nhập cộng đồng; hỏi làm rõ việc giảm thu nhập, mất thu nhập. Cách hỏi như trên giúp HĐXX cảm nhận được sâu sắc hơn tính chất, mức độ thiệt hại mà tội phạm gây ra cho bị hại.

– Nếu giữa bị hại và bị cáo có mâu thuẫn từ trước, tùy thuộc từng trường hợp Luật sư hỏi để bị hại, người làm chứng trả lời làm rõ bị hại không có lỗi là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến bị cáo phạm tội.

– Hỏi để bị hại khai rõ hành vi phạm tội của bị cáo như thái độ hung hăng coi thường sức khỏe của người khác, vô cớ dùng dao chém hoặc bị hại đã chạy nhưng bị cáo còn đuổi đến cùng để đâm…

– Hỏi để bị hại khai rõ về những thiệt hại và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

– Hỏi để làm rõ ứng xử của bị cáo trước khi phạm tội (nếu hai bên biết nhau hoặc có mâu thuẫn với nhau), cách hành xử thiếu trách nhiệm, thiếu tình người của bị cáo và gia đình họ sau khi tội phạm xảy ra như không thăm hỏi, không bồi thường…

Ngoài ra, không phải trong mọi trường hợp bị hại đều muốn làm xấu đi tình trạng của bị cáo (do sự bao dung – nhân văn của bị hại, do tình cảm bị hại – bị cáo trong một gia đình, cộng đồng, do hai bên đã thỏa thuận được bồi thường thiệt hại trước phiên tòa), vì vậy, trong kế hoạch xét hỏi, Luật sư nên đặt các câu hỏi để bị hại thể hiện được ý chí của họ về vấn đề này.

Để được tư vấn chi tiết từ luật sư của Luật 3 Chung

Vui lòng liên hệ số hotline 085.200.8585

Hoặc liên hệ qua email: luatsu@luat3chung.vn

Bài viết liên quan