Giai đoạn điều tra vụ án có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong toàn bộ quá trình giải quyết vụ án. Nhiệm vụ chủ yếu nhất của giai đoạn này là thu thập chứng cứ để làm cơ sở (phương tiện) chứng minh các tình tiết của vụ án, do chủ thể chính của giai đoạn này là CQĐT thực hiện, đồng thời có sự tham gia của một số chủ thể tố tụng khác, trong đó có Luật sư.
BLTTHS năm 2015 với xu hướng bảo đảm thực thi hơn nữa quyền con người và bảo đảm dân chủ trong tố tụng hình sự nên đã có những sửa đổi, bổ sung quan trọng so với BLTTHS năm 2003, trong đó có những quy định liên quan đến giai đoạn điều tra. Một số những sửa đổi, bổ sung quan trọng là
1. về thủ tục đăng ký bào chữa (Điều 78 BLTTHS);
2. Về quyền thu thập chứng cứ của người bào chữa;
3. Về việc tham gia vào các hoạt động điều tra của người bào chữa và của những người tham gia tố tụng khác…
Những quy định sửa đổi, bổ sung của BLTTHS năm 2015 đã tạo thuận lợi rất lớn cho Luật sư khi tham gia vụ án để bào chữa hoặc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại, đương sự.
Kỹ năng thu thập chứng cứ
Quy định quyền thu thập chứng cứ của người bào chữa là một trong những điểm mới và rất tiến bộ của BLTTHS năm 2015. Quyền thu thập chứng cứ của người bào chữa được quy định tại Điều 81, Điều 88 và trong một số điều luật khác của BLTTHS năm 2015.
Quyền được thu thập chứng cứ là một trong những quyền rất quan trọng của quyền bào chữa, tạo điều kiện thuận lợi rất lớn cho Luật sư khi thực hiện các hoạt động bào chữa cho người bị buộc tội. Luật sư cần phải nắm vững các quy định của BLTTHS để tiến hành các hoạt động thu thập chứng cứ một cách hợp pháp và đạt hiệu quả, đặc biệt phải có kỹ năng thu thập phù hợp với tính đặc thù của từng tội phạm hoặc từng loại tội phạm cụ thể.
Ngoài những vấn đề có tính chất chung như trong các vụ án hình sự, khi thu thập chứng cứ trong các vụ án về các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người, Luật sư cần lưu ý:
– Cần bám sát các dấu hiệu đặc thù quy định trong cấu thành của các tội phạm để xác định nguồn chứng cứ cần thu thập nhằm bào chữa cho người bị buộc tội theo hướng không có tội hoặc chuyển sang tội danh nhẹ hơn, khung hình phạt nhẹ hơn.
Cụ thể:
Trong một số tội có quy định dấu hiệu độ tuổi của bị hại là dấu hiệu định tội hoặc định khung hình phạt, như “dưới 16 tuổi”, “từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi”, “dưới 13 tuổi”… Luật sư cần xem xét nguồn chứng cứ do cơ quan tố tụng thu thập có thể hiện rõ ràng dấu hiệu này hay không; Trường hợp chưa có hoặc có nhưng chưa rõ ràng hay có sự mâu thuẫn thì Luật sư cần phải tiến hành thu thập nguồn chứng cứ liên quan đến dấu hiệu này.
Ví dụ :
Nguyễn Văn T (22 tuổi) có hành vi giao cấu với em Lê Thị V, bị gia đình V bắt quả tang. Mặc dù T và V yêu nhau và tự nguyện quan hệ tình dục nhưng gia đình em V vẫn làm đơn tố cáo tới CQĐT của Công an huyện M vì cho rằng T đã có hành vi giao cấu với người dưới 16 tuổi, kèm theo đơn tố cáo có giấy khai sinh bản gốc của em V. Sau khi xem xét giấy khai sinh và xác định tính đến thời điểm bị T giao cấu, em V mới có 15 tuổi 7 tháng 16 ngày nên CQĐT của Công an huyện M đã ra quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn T về tội giao cấu với người dưới 16 tuổi. Tuy nhiên, sau khi được mẹ của T nhờ làm người bào chữa cho T, khi tiếp xúc với mẹ của T và một số người phụ nữ cùng xóm, Luật sư được những người này cho biết: ngày tháng năm sinh của em V được ghi trong giấy khai sinh là không đúng. Mẹ của T cho biết bà còn có một người con tên là G (là em kế của T) sinh cùng ngày với em V, cùng sinh ở Trạm y tế xã N; Tương tự, một phụ nữ cùng xóm cũng cho biết bà cũng có một người con sinh cùng ngày với em G và V. Theo đó, em V đã trên 16 tuổi vì theo giấy khai sinh của em V thì ngày tháng là đúng, nhưng năm sinh thì sai, cụ thể là năm sinh của V đã bị ghi giảm 01 năm.
Trong trường hợp này, Luật sư cần xác định là phải thu thập chứng cứ để chứng minh tuổi thật của em V. Do mới chỉ là thông tin mẹ của T và người hàng xóm cung cấp nên Luật sư cần phải tìm nguồn chứng cứ có giá trị pháp lý để chứng minh, trong đó có nguồn chứng cứ vô cùng quan trọng là giấy chứng sinh của em V do Trạm y tế xã N cấp. Nếu có đủ cơ sở chứng minh V đã đủ 16 tuổi thì có thể bào chữa cho T theo hướng không có tội.
Như đã nêu, hậu quả của nhóm tội phạm này có thể là thiệt hại về tính mạng, sức khỏe… và trên thực tế việc chứng minh gặp nhiều khó khăn và dễ xảy ra sai sót. Một số tội phạm có dấu hiệu định tội rất đặc trưng nên cũng cần hết sức phải chú ý. Luật sư cần nghiên cứu kỹ các nguồn chứng cứ đã được CQĐT thu thập để xác định có hay không sự mâu thuẫn hoặc sai sót để từ đó có hướng thu thập chứng cứ.
Ví dụ :
Trần Văn Ch bị CQĐT Công an huyện T khởi tố về tội giết người. Bước đầu CQĐT xác định: Trong khi cùng nhau tát ao để bắt cá (chỉ có Ch và K), do có mâu thuẫn nên K đã dùng một đoạn cây dài 0,7m, đường kính 0,3 cm đập một nhát vào đầu K khiến K tử vong tại chỗ; Kết luận giám định pháp y cho thấy K bị vỡ hộp sọ, chết do dập não. CQĐT đã tiến hành khám nghiệm hiện trường và thu giữ đoạn gậy có dính máu của K. Tuy nhiên, với tư cách là người bào chữa cho Ch Luật sư đã được Ch cho biết: Khi đang cãi nhau thì chính K là người đã dùng một con dao dài, có chuôi bằng gỗ mà K luôn mang theo người lao đến chém Ch trước, nhưng do tay của K đang dính bùn trơn tuột làm con dao văng xuống ao, mũi dao chỉ sợt qua cẳng tay của Ch gây chảy máu; Ch đã nhặt đoạn gậy cây ngay ở đó đánh K, đúng lúc K bị mất đà chúi đầu xuống nên nhát đập đã trúng vào đầu của K. Ch cũng đã khai tình tiết này với CQĐT nhưng không được CQĐT ghi nhận và điều tra.
Rõ ràng đây là một thông tin quan trọng vì nếu đúng như vậy thì Ch dùng đoạn cây đánh K là ở trong tình thế phòng vệ chính đáng do K đã dùng dao chém Ch trước; Điều đó cũng có nghĩa Ch không phạm tội giết người mà có thể Ch không có tội hoặc phạm tội giết người do vượt quá giới hạn của phòng vệ chính đáng phụ thuộc vào việc hành vi chống trả và hậu quả gây ra cái chết của K có vượt quá giới hạn cần thiết để chấm dứt sự tấn công của K hay không. Để có cơ sở xác định tình tiết này, Luật sư cần phải tìm cách thu giữ con dao của K cũng như các nguồn chứng cứ để chứng minh K hay mang con dao này theo bên người; Đồng thời phải có biện pháp phù hợp để xác định thương tích trên cẳng tay của Ch.
– Đối với những trường hợp phạm tội có sự phân biệt khó khăn và dễ nhầm lẫn với trường hợp phạm tội khác như đã nêu ở phần 1 của Chương này, Luật sư cần hết sức chú ý xem xét các chứng cứ CQĐT đã thu thập thể hiện ý thức chủ quan của người bị buộc tội, từ đó xác định sự cần thiết phải thu thập thêm các chứng cứ khác. Việc chứng minh ý thức chủ quan của một con người là hết sức khó khăn, phải dựa trên cơ sở nhiều chứng cứ khác nhau, trong đó có cả những chứng cứ trực tiếp và gián tiếp; Việc bỏ qua những chứng cứ gián tiếp hoặc đôi khi là những tình tiết nhỏ nhặt có thể khiến cho việc xác định ý thức chủ quan không chính xác, dẫn đến việc xác định tội danh sai.
– Cần hết sức lưu ý là tuy BLTTHS đã quy định quyền thu thập chứng cứ của người bào chữa nhưng đó là một quyền bị giới hạn vì không phải biện pháp thu thập chứng cứ nào quy định trong BLTTHS cũng cho phép người bào chữa sử dụng (xem Điều 88 BLTTHS năm 2015); Đồng thời, thực tiễn cho thấy có nhiều lý do mà ngay cả những biện pháp mà người bào chữa được sử dụng nhưng khi thực hiện gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, bên cạnh những trường hợp Luật sư có thể tự mình chủ động thu thập thì trong những trường hợp gặp khó khăn hoặc không thể thực hiện được Luật sư phải đề nghị cơ quan tố tụng thu thập theo quy định tại khoản 3 Điều 81 của BLTTHS năm 2015. Chẳng hạn, như trong các tình huống nêu trên, Luật sư có thể đề nghị Trạm y tế xã M cung cấp giấy chứng sinh của em Lê Thị V, nếu Trạm y tế vì lý do nào đó không chịu cung cấp thì Luật sư cần đề nghị với CQĐT có biện pháp thu thập; Tất nhiên, kèm theo đề nghị phải có lời trình bày của mẹ bị can T và người phụ nữ cùng xóm về việc giấy khai sinh của em V có ghi nhầm năm sinh của em; Hay Luật sư cần đề nghị CQĐT tiến hành hỏi Ch để làm rõ thêm lời khai của Ch, tiến hành thu giữ con dao mà K đã sử dụng để chém Ch…
Kỹ năng tham gia một số các hoạt động điều tra
Nhằm đảm bảo cho các hoạt động điều tra được tiến hành đúng với quy định của pháp luật, ngăn ngừa xảy ra vi phạm nên BLTTHS năm 2015 quy định các hoạt động điều tra do CQĐT tiến hành phải có sự kiểm tra, giám sát của VKS và có sự tham gia của một số người, trong đó có người bào chữa hoặc người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự. Quy định này cũng là để nhằm thực hiện dân chủ trong tố tụng hình sự và đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người bị buộc tội cũng như của những người tham gia tố tụng. Trong BLTTHS năm 2015 thì quyền được tham gia các hoạt động điều tra của Luật sư với tư cách là người bào chữa quy định tại Điều 73 và của luật sư với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại, đương sự quy định tại Điều 84.
Tham gia hoạt động hỏi cung bị can
Các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người được xác định có tính nguy hiểm cao cho xã hội nên phần lớn trong các vụ án bị can thường bị áp dụng biện pháp ngăn chặn là tạm giam. Vì vậy, tham gia hoạt động hỏi cung bị can là một trong những hoạt động quan trọng và phổ biến của Luật sư trong các vụ án này.
Luật sư cần có một số lưu ý sau:
Trước khi tham gia buổi hỏi cung, Luật sư cần nắm các thông tin của vụ án, đặc biệt những vấn đề, tình tiết còn chưa được CQĐT chứng minh hoặc có những mâu thuẫn, từ đó xác định những vấn đề, tình tiết cần phải làm rõ. Luật sư cũng cần tìm hiểu các đặc điểm nhân thân và trạng thái tâm lý của bị can để việc tiếp xúc và hỏi bị can được tập trung và đạt hiệu quả;
Khi Điều tra viên hỏi bị can, Luật sư cần phải tập trung theo dõi, đối chiếu những nội dung hỏi và trả lời giữa Điều tra viên và bị can với những nội dung, tình tiết của vụ án mà Luật sư đã biết để từ đó xác định những nội dung, tình tiết mới hay có sự mâu thuẫn, xác định những vấn đề, tình tiết cần phải hỏi bị can;
Khi được hỏi bị can, Luật sư cần hỏi thăm sức khỏe của bị can, tình hình giam giữ, động viên bị can, giải thích pháp luật cho bị can nếu thấy cần thiết. Tùy theo từng vụ án cụ thể, tùy từng trường hợp phạm tội cụ thể mà Luật sư xác định những nội dung cần hỏi bị can. Tuy nhiên, trong các vụ án về các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người Luật sư cần tập trung hỏi bị can để làm rõ các vấn đề như: Bị can có hay không thực hiện hành vi phạm tội; Nếu có thì thực hiện như thế nào (diễn biến, thời gian, địa điểm thực hiện; công cụ, phương tiện thực hiện…); Ý thức chủ quan khi thực hiện hành vi; Động cơ, nguyên nhân phạm tội; Mối quan hệ giữa bị can và bị hại… Đặc biệt, Luật sư cần hỏi kỹ về những vấn đề, tình tiết có thể dẫn đến việc loại trừ hoặc giảm nhẹ TNHS cho bị can được quy định trong nhiều tội phạm thuộc nhóm tội phạm này.
Kỹ năng tham gia một số hoạt động điều tra khác
Như đã nêu, một trong những sửa đổi, bổ sung của BLTTHS năm 2015 là mở rộng quyền tham gia các hoạt động điều tra của người bào chữa và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại, đương sự. Theo Điều 73, Điều 84 của BLTTHS năm 2015 thì người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự được quyền “có mặt” hoặc “tham gia” các hoạt động như lấy lời khai của người bị bắt, bị tạm giữ, hỏi cung bị can, đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói và một số hoạt động điều tra khác. Tuy nhiên, hoạt động điều tra khác là hoạt động nào lại không quy định rõ; Đồng thời, người bào chữa và người bảo vệ có vai trò gì, được làm gì khi “có mặt” hoặc “tham gia” các hoạt động cũng không được quy định cụ thể. Có thể nói đây là một hạn chế của BLTTHS năm 2015, gây khó khăn cho người bào chữa và người bảo vệ khi tham gia các hoạt động điều tra.
Tuy nhiên, trên cơ sở các nguyên tắc và các quy định chung của BLTTHS, trên cơ sở quyền và nghĩa vụ của người bào chữa và người bảo vệ, khi “có mặt” hoặc khi “tham gia” một số hoạt động điều tra theo quy định.
Luật sư cần lưu ý các vấn đề sau:
Trước khi tham gia hoạt động nào Luật sư cần phải nắm vững các quy định của BLTTHS về hoạt động đó; Đặc biệt, phải nắm vững nội dung và các tình tiết của vụ án;
Luật sư phải chú ý quan sát và đối chiếu với quy định của BLTTHS để xác định hoạt động điều tra có thực hiện theo đúng quy định hay không; Có phù hợp với nội dung, tình tiết của vụ án hay không.
Ví dụ:
Theo các chứng cứ đã thu thập được thì hành vi A và đồng bọn dùng dao chém, dùng gậy đánh B được thực hiện vào lúc 18h, tại một địa điểm không có đèn chiếu sáng và trời có mưa to. Do chưa xác định được chính xác hành vi của từng bị can nên CQĐT đã tổ chức thực nghiệm điều tra. Tuy nhiên, buổi thực nghiệm được tổ chức vào lúc 17h, trời không mưa và hiện trường được chiếu sáng từ nguồn của một máy phát điện.
Trong quá trình quan sát, Luật sư phải ghi chép diễn biến của hoạt động điều tra, đặc biệt là những gì mà khi đối chiếu với quy định của BLTTHS, với nội dung và tình tiết của vụ án Luật sư thấy không phù hợp hoặc có vi phạm. Đây là cơ sở để Luật sư có những kiến nghị hoặc khiếu nại với cơ quan và người có thẩm quyền tố tụng.
Như ở ví dụ nêu trên, việc tổ chức thực nghiệm điều tra không đúng về thời gian và không gian, về điều kiện thời tiết khi hành vi phạm tội được thực hiện chắc chắn sẽ khó có thể chứng minh một cách chính xác hành vi cụ thể của A cũng như đồng bọn trong việc gây thương tích cho B, ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan vụ án. Luật sư hoàn toàn có thể dựa trên cơ sở những quan sát được ghi chép lại để kiến nghị hoặc khiếu nại với cơ quan và người có thẩm quyền tố tụng về vi phạm này.
Để được tư vấn chi tiết từ luật sư của Luật 3 Chung
Vui lòng liên hệ số hotline 085.200.8585
Hoặc liên hệ qua email: luatsu@luat3chung.vn