[TƯ VẤN LUẬT HÌNH SỰ] Kỹ năng của luật sư trong giai đoạn khởi tố vụ án

Tư cách là Luật sư bào chữa.

Trước khi vụ án được khởi tố, nếu Luật sư có được những chứng cứ, tài liệu do Luật sư thu thập hay do khách hàng cung cấp thể  hiện chưa đủ cơ sở để khởi tố vụ án, khởi tố bị can thì phải cung cấp ngay cho cơ quan có thẩm quyền để các cơ quan này xem xét. Thực tế cho thấy có nhiều trường hợp do các nguyên nhân như bị áp lực bởi dư luận xã hội hoặc của phía bị hại hay do nóng vội… mà cơ quan tố tụng đã vội vàng khởi tố vụ án, khởi tố bị can mặc dù chỉ mới có lời tố cáo của bị hại, thiếu những chứng cứ vật chất chứng minh hành vi phạm tội như chưa có kết quả giám định pháp y, chưa thu giữ được vật chứng  hoặc không có lời khai của người làm chứng…;

Khi đã có quyết định khởi tố vụ án, quyết định khởi tố bị can thì Luật sư phải kiểm tra về căn cứ, thẩm quyền và trình tự khởi tố. Đặc  biệt, cần hết sức chú ý kiểm tra các nguồn chứng cứ được sử dụng làm cơ sở cho căn cứ khởi tố vụ án có tính chất đặc thù của nhóm tội, như:

–  Kết quả khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi;

–  Kết luận giám định pháp y;

–  Các lời khai của bị hại, của người làm chứng…

Luật sư không chỉ kiểm tra các thuộc tính (tính xác thực, tính liên quan và tính hợp pháp) của các nguồn chứng cứ này mà còn phải đối chiếu với các quy định của BLHS để xem xét có hay không căn cứ để khởi tố vụ án, khởi tố bị can.

Ví dụ: quy định về tỷ lệ % tổn hại sức khỏe trong các tội xâm phạm sức khỏe; hay quy định về độ tuổi của nạn nhân trong một số tội phạm…;

Đối với những vụ án khởi tố theo yêu cầu của bị hại

Đối với những vụ án này, đương nhiên Luật sư phải kiểm tra có hay không yêu cầu khởi tố theo đúng quy định  của BLTTHS;

Luật sư cũng cần phải đánh giá các chứng cứ và đối chiếu với các quy định của BLHS để xác định tội danh mà cơ quan tố tụng áp dụng ghi trong các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đúng hay chưa, trong đó đặc biệt lưu ý đến những trường hợp hay có sự nhầm lẫn như đã nêu ở phần 1 của Chương này;

Trên cơ sở sự kiểm tra, đánh giá các nguồn chứng cứ do cơ quan tố tụng thu thập và trên cơ sở các chứng cứ, tài liệu do chính Luật sư thu thập hoặc do khách hàng cung cấp, đối chiếu với quy định của BLHS và BLTTHS, Luật sư cần có những đề xuất, kiến nghị kịp thời với cơ quan tố tụng để bào chữa cho người bị buộc tội ngay giai đoạn  này. Chẳng hạn:

–  Đề xuất triệu tập và lấy lời khai của người làm chứng;

–  Đề xuất trưng cầu giám định;

–  Kiến nghị không khởi tố hoặc hủy bỏ quyết định khởi tố;

–  Kiến nghị thay đổi quyết định khởi tố;

–  Kiến nghị thay đổi biện pháp ngăn chặn được áp dụng …

Tư cách là Luật sư bảo vệ.

Luật sư cần cung cấp các nguồn chứng cứ, tài liệu do Luật sư thu thập được hoặc do khách hành cung cấp cho cơ quan tố tụng xem xét làm căn cứ khởi tố vụ án, khởi tố bị can;

Trong trường hợp vụ án được khởi tố theo yêu cầu của bị hại, Luật sư giúp bị hại làm đơn yêu cầu khởi tố kèm theo các chứng cứ, tài liệu làm căn cứ;

Trong trường hợp vụ án và bị can đã được khởi tố thì Luật sư cần phải kiểm tra, đánh giá các nguồn chứng cứ và đối chiếu với quy định của BLHS và BLTTHS để xác định các quyết định khởi tố đã đúng quy định hay chưa và có đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại hay không.

Ví dụ: Có đủ cơ sở bị can thực hiện hành vi giết người nhưng chỉ khởi tố về tội cố ý gây thương tích; Có nhiều người cùng thực hiện hành vi phạm tội, cùng gây thiệt hại cho bị hại nhưng chỉ có một người bị khởi tố …;

Trong trường hợp cơ quan tố tụng không khởi tố vụ án thì Luật sư cần phải xem xét căn cứ mà cơ quan tố tụng đã áp dụng để không khởi tố vụ án quy định tại Điều 157 BLTTHS năm 2015. Ngoài những căn cứ chung đối với mọi vụ án thì cần đặc biệt lưu ý đến căn cứ “Không có sự việc phạm tội” và “Hành vi không cấu thành tội phạm”. Thực tiễn tố tụng cho thấy đây là các căn cứ được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng áp dụng để không khởi tố vụ án có nhiều sai sót, đặc biệt là trong các vụ án về các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người.

Trên cơ sở kiểm tra, đánh giá các nguồn chứng cứ và đối chiếu với quy định của BLHS và BLTTHS, Luật sư cần có những đề xuất và kiến nghị kịp thời để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại, như:

–  Đề xuất trưng cầu giám định;

–  Kiến nghị áp dụng các biện pháp điều tra, các biện pháp ngăn chặn cần thiết;

–  Khiếu nại đối với quyết định không khởi tố vụ án…

Để được tư vấn chi tiết từ luật sư của Luật 3 Chung

Vui lòng liên hệ số hotline 085.200.8585

Hoặc liên hệ qua email: luatsu@luat3chung.vn

Bài viết liên quan