[TƯ VẤN LUẬT HÌNH SỰ] Kỹ năng của luật sư trong giai đoạn truy tố

Đặc điểm của giai đoạn truy tố

Giai đoạn truy tố bắt đầu từ khi VKS thụ lý hồ sơ vụ án, kèm theo bản kết luận điều tra do CQĐT giao. Nhiệm vụ và quyền hạn của VKS khi thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong giai đoạn này được quy định tại Điều 236 và Điều 237 của BLTTHS năm 2015. Theo đó, VKS trên cơ sở kết luận của CQĐT cùng các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án và trên cơ sở kết quả của hoạt động kiểm sát điều tra sẽ tiến hành một số hoạt động và xem xét, ra các quyết định tố tụng.

Kết thúc giai đoạn này, VKS sẽ quyết định việc truy tố bằng các quyết định:

–  Quyết định truy tố bị can (Điều 243);

–  Chuyển hồ sơ vụ án và bản cáo trạng đến Tòa án (Điều 244);

–  Trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung (Điều 245);

–  Giải quyết yêu cầu điều tra bổ sung của Tòa án (Điều 246);

–  Tạm đình chỉ vụ án (Điều 247);

–  Đình chỉ vụ án (Điều 248).

Có thể thấy, giai đoạn truy tố là một giai đoạn tố tụng rất quan trọng. Với tư cách là cơ quan có thẩm quyền quyết định việc truy tố, VKS sẽ nghiên cứu, xem xét, đánh giá chứng cứ có trong hồ sơ và quyết định có truy tố bị can ra xét xử trước Tòa án hay không.

Kỹ năng nghiên cứu hồ sơ vụ án

Một đặc điểm nổi bật của giai đoạn này là hồ sơ của vụ án đã được CQĐT chuyển cho VKS, đã chứa đựng khá đầy đủ các chứng cứ, tài liệu do CQĐT thu thập hoặc những người tham gia tố tụng giao. Vì vậy, bên cạnh những hoạt động luôn được thực hiện trong suốt quá trình tham gia giải quyết vụ án là thu thập chứng cứ, tài liệu thì hoạt động chủ yếu của Luật sư trong giai đoạn truy tố là nghiên cứu hồ sơ vụ án. Chỉ có thể trên cơ sở nghiên cứu các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án thì Luật sư mới có những đề xuất phù hợp và kịp thời với VKS để bào chữa hoặc bảo vệ cho khách hàng của mình.

Kỹ năng nghiên cứu hồ sơ vụ án sẽ được trình bày kỹ hơn, đầy đủ hơn trong phần chuẩn bị cho việc bào chữa, bảo vệ của Luật sư khi vụ án ở giai đoạn chuẩn bị xét xử. Trong giai đoạn truy tố, Luật sư cần có một số lưu ý sau:

Thứ nhất, trước khi nghiên cứu hồ sơ vụ án, tùy theo từng vụ án cụ thể mà Luật sư cần tìm hiểu thêm các kiến thức liên quan đến nội dung của vụ án để việc nghiên cứu hồ sơ đạt hiệu quả.

Ví dụ:

Tìm hiểu các kiến thức về y học, sinh học… nếu vụ án có nạn nhân bị chết, bị thương tích và có các biện pháp điều tra được áp dụng như giám định pháp y, khám nghiệm tử thi; tìm hiểu các kiến thức về vũ khí, về hóa học… nếu phương tiện, thủ đoạn phạm tội là dùng súng hoặc hóa chất độc hại.

Thứ hai, Luật sư cần phân chia các nguồn chứng cứ, tài liệu thành từng nhóm để nghiên cứu, như:

–  Nhóm các biên bản ghi lời khai, biên bản hỏi cung;

–  Nhóm các biên bản về khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, xem xét dấu vết trên thân thể…

Việc phân nhóm các nguồn chứng cứ, tài liệu giúp cho việc nghiên cứu diễn ra được dễ dàng và nhanh chóng hơn, đặc biệt là dễ phát hiện ra những sai sót hoặc mâu thuẫn hơn.

Kết quả phải đạt được sau khi nghiên cứu hồ sơ 

–  Phải xác định được là đã có hay chưa nguồn chứng cứ, tài liệu chứng minh những vấn đề quan trọng, bắt buộc của vụ án.

Ví dụ:

Biên bản khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi trong vụ án giết người đã có hậu quả là nạn nhân chết; kết luận giám định pháp y về tỉ lệ tổn hại sức khỏe trong vụ án xâm hại sức khỏe; giấy tờ, tài liệu chứng minh tuổi của nạn nhân trong vụ án hiếp dâm trẻ em hoặc dâm ô với trẻ em.

–  Nếu đã có nguồn chứng cứ, tài liệu thì nguồn chứng cứ, tài liệu đó có được thu thập một cách hợp pháp, đúng quy định không; Có giá trị chứng minh như thế nào đối với các tình tiết của vụ án;

–  Có gì mâu thuẫn giữa các nguồn chứng cứ, tài liệu đã thu thập được không, cần hết sức lưu ý đến vấn đề này. Thực tiễn cho thấy trong các vụ án về các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người, thường hay xảy ra mâu thuẫn giữa các nguồn chứng cứ, tài liệu mà CQĐT đã thu thập. Luật sư cần hết sức chú ý đối chiếu giữa lời khai của bị can, bị cáo với lời khai của bị hại, của người làm chứng; Giữa những lời khai trong những lần khác nhau của cùng một người; Giữa lời khai với kết luận giám định, kết quả khám nghiệm, thực nghiệm, đối chất; Giữa kết luận giám định, kết quả khám nghiệm với vật chứng được thu giữ…;

–  Sau khi nghiên cứu hồ sơ, Luật sư cân nhắc để đưa ra những yêu cầu hoặc kiến nghị với VKS. Cần hết sức lưu ý là những yêu cầu, kiến nghị của Luật sư phải có căn cứ pháp lý và có cơ sở thực tiễn, không thuần túy chỉ căn cứ vào kết quả nghiên cứu hồ sơ mà phải dựa trên nhiều cơ sở khác, đặc biệt là phải dựa trên cơ sở diễn biến, kết quả các  hoạt động điều tra mà CQĐT đã thực hiện và có sự tham gia, chứng kiến của Luật sư. Tất nhiên, các yêu cầu, kiến nghị của Luật sư phải mang lại lợi ích hợp pháp cho người mà Luật sư bào chữa hoặc bảo vệ.

Để được tư vấn chi tiết từ luật sư của Luật 3 Chung

Vui lòng liên hệ số hotline 085.200.8585

Hoặc liên hệ qua email: luatsu@luat3chung.vn

Bài viết liên quan