Trong phần thủ tục bắt đầu phiên tòa, Luật sư cần lưu ý những kỹ năng sau đây:
Theo dõi danh sách những người được triệu tập tại phiên tòa:
Trong các vụ án xâm phạm sở hữu, nếu người bị hại vắng mặt, Luật sư cần xem xét việc đề nghị tách vấn đề dân sự để xét xử sau theo thủ tục dân sự. Luật sư chỉ đề xuất khi vấn đề dân sự không ảnh hưởng đến việc xác định tội danh, khung khoản trong vụ án và việc vắng mặt người bị hại không ảnh hưởng đến việc bào chữa cho khách hàng. Ngoài ra, việc tách vấn đề dân sự ra giải quyết riêng cũng là một điểm có lợi cho khách hàng khi xem xét xóa án tích do khách hàng không phải thi hành vấn đề bồi thường trong bản án.
Nếu người làm chứng vắng mặt, cũng giống các vụ án khác cần xem xét việc đề xuất hoãn phiên tòa hoặc dẫn giải người làm chứng.
Ví dụ:
Trong vụ án Phạm Quang Tuấn bị khởi tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. VKS truy tố Tuấn về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản vì cho rằng Tuấn lợi dụng sự quen biết nên đã lừa bán cho ông Hà 50 ha đất (là đất trồng rừng của công ty trách nhiệm hữu hạn V) với giá 12 triệu/1ha. Tuy nhiên, theo chứng cứ trong hồ sơ vụ án, Tuấn và Hà đều khẳng định người bán đất là ông Nguyễn Văn Đóa. Tuấn chỉ\ là người môi giới, viết giấy bán đất, nhận tiền đặt cọc và giao tiền lại cho ông Đóa (số tiền đặt cọc là 150.000.000 đồng). Người làm chứng Vũ Văn Thu khẳng định: Sáng ngày 22/10/2018, ông đến nhà ông Hà ngồi chơi một lúc thì thấy ông Đoá và ông Tuấn đến nhà ông Hà thoả thuận với ông Hà về việc trả lại tiền đặt cọc cho ông Hà. Ông Đoá xin ông Hà giảm tiền phạt vi phạm hợp đồng, vì ông đang khó khăn về kinh tế, không đủ tiền để trả. Ông Đoá còn hẹn ông Hà đến trụ sở Ủy ban nhân dân xã vào sáng ngày 25/10/2018 để ông Đoá trả lại tiền. Sáng ngày 25/10/2018, ông Thu đã đi cùng ông Hà và bà Lan đến trụ sở Ủy ban nhân dân xã, ông Đoá đã trả lại cho ông Hà 150.000.000 đồng, ông Đoá còn chỉ đạo ông Tuấn viết giấy trả lại tiền cho ông Hà. Ông Thu ký vào giấy trả lại tiền với tư cách là người làm chứng. Bà Bùi Thị Tuyết Lan khẳng định lời khai của ông Thu, ông Hà và lời khai của ông Tuấn là đúng sự thật. Như vậy, trong vụ án này, lời khai của ông Thu và bà Lan là lời khai của hai người làm chứng quan trọng chứng minh sự vô tội của Tuấn. Cho nên, nếu bà Lan và ông Thu vắng mặt, Luật sư nên đề xuất hoãn phiên tòa để triệu tập họ đến phiên tòa.
Về việc đảm bảo quyền tố tụng cho khách hàng:
Đối với các bị cáo trong tội danh xâm phạm sở hữu, trong trường hợp khi bị cáo bị tạm giam, Cơ quan cảnh sát tư pháp hay còng tay bị cáo, Luật sư nên đề nghị HĐXX tháo bỏ còng tay cho bị cáo, việc tháo bỏ còng tay cho bị cáo tại phiên tòa sẽ đảm bảo được vấn đề về tâm lý cho bị cáo trong suốt quá trình diễn ra phiên tòa. Ngoài ra, trong nhiều trường hợp bị cáo có sức khỏe yếu, Luật sư cũng nên đề nghị HĐXX cho phép bị cáo được ngồi trong quá trình xét xử để tránh gây khó khăn cho bị cáo trong quá trình diễn ra phiên tòa, hoặc cũng có thể đề nghị HĐXX cho bị cáo được gặp người thân sau khi giải lao hoặc đã kết thúc phiên tòa…
kế hoạch hỏi của Luật sư:
Trong thực tế đối với các loại vụ án xâm phạm sở hữu, thông thường các chứng cứ được bổ sung như giấy biên nhận bồi thường thiệt hại, đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo của gia đình người bị hại, bổ sung huân, huy chương gia đình có công với cách mạng, giấy chứng nhận của chính quyền địa phương… Ngoài ra, trong những vụ án liên quan đến tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản liên quan đến các hợp đồng mua bán, hợp đồng tín dụng hoặc việc góp vốn, Luật sư có thể cung cấp cho HĐXX chứng cứ là các chứng từ hoặc tài liệu làm rõ việc khách hàng đã sử dụng đúng mục đích tiền, tài sản.
Về thay đổi tư cách tố tụng:
Trong vụ án xâm phạm sở hữu, có rất nhiều trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng xác định sai tư cách tố tụng của người tham gia tố tụng. Khi gặp trường hợp như vậy, Luật sư cần đề xuất HĐXX xem xét và thay đổi tư cách tố tụng cho phù hợp, đảm bảo quyền của khách hàng.
Ví dụ:
Nguyễn Văn S đã có hành vi trộm cắp một bọc màu đen trong ngăn kéo bàn làm việc của chị Nguyễn Thị N. Khi mở bọc màu đen trộm được, S đếm được 50 triệu đồng. Đây là số tiền mà Công ty V giao cho chị N bảo quản, cất giữ. CQĐT, VKS đều xác định chị N là người bị hại, ông Nguyễn Văn T (Giám đốc Công ty V) được xác định là người làm chứng. Trong trường hợp này, Luật sư của S cần đề nghị xem xét lại tư cách tố tụng của chị N và ông T để đảm bảo việc bản án sơ thẩm không bị hủy vì vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.
Để được tư vấn chi tiết từ luật sư của Luật 3 Chung
Vui lòng liên hệ số hotline 085.200.8585
Hoặc liên hệ qua email: luatsu@luat3chung.vn