[TƯ VẤN LUẬT HÌNH SỰ] Kỹ năng của luật sư trong phần tranh luận tại phiên tòa và tòa tuyên án

Kỹ năng của Luật sư trong phần tranh luận tại phiên tòa:

Về việc nghe, ghi chép của Luật sư khi Kiểm sát viên hoặc các Luật sư đồng nghiệp trình bày quan điểm: Khi nghe, Luật sư sẽ tập trung và lưu ý vào những phần liên quan đến khách hàng mà mình bào chữa, điểm nào có lợi cho khách hàng mà chưa rõ ràng, những điểm bất lợi cho khách hàng không đúng như hướng bào chữa để chuẩn bị cho việc đối đáp.

Ví dụ :

Trong vụ án “Cướp tài sản” xảy ra ở quận C như đã nêu (xem ví dụ 11), mục đích của Luật sư và bị cáo là sẽ bào chữa theo hướng giảm nhẹ hình phạt thì khi đại diện VKS trình bày lời luận tội, Luật sư phải chú ý nghe và ghi chép xem trong lời luận tội đại diện VKS đã ghi nhận và nêu tình tiết khắc phục hậu quả, đó là M và N đã trả lại đầy đủ tài sản cho Tr hay chưa, đã nêu nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội là do lỗi của người bị hại hay chưa hay đơn xin giảm nhẹ trách nhiệm cho các bị cáo của người bị hại… Trên thực tế đã có không ít Luật sư không theo dõi và ghi chép kịp những điểm không đồng tình với VKS, do vậy trong phần đối đáp đã không đối đáp trúng và đúng ý cần làm rõ.

Về kỹ năng của Luật sư khi trình bày luận cứ bảo vệ: Với những vụ án về xâm phạm sở hữu, các tình tiết của vụ án thường không quá phức tạp, do vậy Luật sư nên trình bày một cách trọng tâm những vấn đề liên quan đến khách hàng. Luật sư không nên trình bày bài bào chữa quá dài dòng, dàn trải quá nhiều vấn đề dẫn đến HĐXX và những người tham dự phiên tòa mất tập trung, như vậy sẽ làm mất đi sự cảm hóa, thuyết phục lớn lao của lời nói. Khi trình bày các vấn đề liên quan đến con số cụ thể (như số tiền bị chiếm đoạt, giá trị tài sản bị thiệt hại) trong vụ án, Luật sư nên nhìn vào tài liệu đọc chính xác con số đó.

Sau khi Luật sư trình bày xong bài bào chữa, thông thường trong vụ án về xâm phạm sở hữu, các bị cáo bị hạn chế về khả năng trình bày lời bào chữa, do vậy Luật sư sẽ trình bày và ít khi bị cáo bổ sung.

Đối đáp: Ở phần đối đáp, pháp luật quy định mọi người tham gia tranh luận có quyền đáp lại ý kiến của người khác, nhưng chỉ được phát biểu một lần đối với mỗi ý kiến mà mình không đồng ý. Luật sư cần tận dụng cơ hội này để kịp thời đề nghị HĐXX bác bỏ những ý kiến không có cơ sở chấp nhận.

Khi đối đáp, Luật sư cần nắm chắc và bám sát vào các quy định của pháp luật để đưa ra lập luận của mình như: sự khác biệt giữa hành vi cướp ở dạng đe dọa sử dụng vũ lực ngay tức khắc (Điều 168 BLHS năm 2015) và hành vi cưỡng đoạt tài sản (Điều 170 BLHS năm 2015); tình tiết hành hung khi bị phát hiện thì khi nào là hành hung để tẩu thoát, khi nào thì sẽ chuyển hóa sang tội danh khác nặng hơn; tình tiết gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng trong các tội từ Điều 168 đến Điều 178 BLHS năm 2015, đặc biệt là hậu quả gây thiệt hại về tài sản; tình tiết sử dụng thủ đoạn nguy hiểm khác hoặc dùng thủ đoạn nguy hiểm trong các điều 168, 169, 171 BLHS năm 2015.

Kỹ năng của Luật sư trong phần tuyên án:

Đối với các vụ án về xâm phạm sở hữu, do nhận thức và nắm bắt các thông tin về bản án của bị cáo rất hạn chế, nên trong phần tuyên án, để có thể giúp đỡ được khách hàng Luật sư cần phải lưu ý những kỹ năng sau:

Luật sư cần chăm chú lắng nghe những nhận định về tội phạm, hình phạt và các quyết định của HĐXX đối với khách hàng của mình. Ngoài tội danh, hình phạt, Luật sư cần chú ý đến trách nhiệm dân sự của khách hàng được tuyên trong bản án như thế nào…

Cần ghi tóm tắt những quyết định của Tòa án về phần tội danh, điều khoản BLHS mà Tòa án áp dụng, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ TNHS, hình phạt với từng bị cáo và các quyết định bồi thường thiệt hại.

Giúp khách hàng xem biên bản phiên tòa, do đặc thù của vụ án xâm phạm sở hữu, các bị cáo thường có nhận thức xã hội và pháp lý hạn chế, đối với một số tội trong nhóm tội này (như cướp tài sản, cưỡng đoạt tài sản, cướp giật tài sản, trộm cắp tài sản…) thì tuổi đời của các bị cáo thấp và nhân thân đã có tiền án tiền sự, trong một số trường hợp Thư ký ghi biên bản phiên tòa cũng không cẩn trọng, kỹ càng dẫn đến những sai sót không đáng có ảnh hưởng đến quyền lợi của bị cáo. Hoặc đối với những vụ án diễn biến phức tạp, Tòa án không chấp nhận quan điểm của Luật sư hoặc khi xét hỏi, tranh luận thấy Thư ký rất ít ghi chép thì Luật sư cần đề nghị với Tòa án cho xem biên bản phiên tòa. Sau khi kết thúc phiên tòa, Luật sư sẽ giúp bị cáo xem lại biên bản phiên tòa, chú ý những lời khai quan trọng có lợi hoặc gây bất lợi cho bị cáo.

Chia sẻ cùng bị cáo và gia đình bị cáo: Trong trường hợp mà nội dung bản án đã tuyên không được như kỳ vọng của bị cáo và gia đình bị cáo thì bị cáo và gia đình bị cáo sẽ rất bức xúc. Trong những trường hợp này Luật sư cần phải có những chia sẻ, cảm thông sâu sắc để động viên bị cáo và gia đình của họ. Tránh trường hợp Luật sư tỏ ra thản nhiên, vô cảm trước nỗi đau và mất mát đối với bị cáo và gia đình. Có những trường hợp vui vẻ ra bắt tay, hỏi thăm nói chuyện với Luật sư đồng nghiệp, vị đại diện VKS… như vậy là điều không nên vì sẽ rất gây phản cảm đối với khách hàng. Còn trong trường hợp bản án đúng như nguyện vọng và mong muốn mà Luật sư và bị cáo đã định hướng thì Luật sư cần ra động viên, dặn dò bị cáo, về việc cải tạo thật tốt để sớm trở về hòa nhập với cộng đồng.

Để được tư vấn chi tiết từ luật sư của Luật 3 Chung

Vui lòng liên hệ số hotline 085.200.8585

Hoặc liên hệ qua email: luatsu@luat3chung.vn

Bài viết liên quan