Luật sư chăm chú nghe đại diện VKS trình bày luận tội để nắm được nội dung luận tội, trong đó VKS sử dụng những chứng cứ nào để buộc tội bị cáo, để xác định khung hình phạt, xác định vai trò vị trí của các bị cáo trong vụ án, xác định thiệt hại, xác định tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ TNHS của bị cáo và quan điểm của VKS đề nghị HĐXX giải quyết vụ án.
Quá trình nghe, Luật sư cần phát hiện những điểm mâu thuẫn không hợp lý hoặc chưa chính xác trong lời luận tội. Những điểm bất hợp lý đó có thể là đánh giá hành vi phạm tội của bị cáo nặng hơn như:
– Bị cáo chỉ tham gia vai trò giúp sức lại đánh giá là người thực hành tích cực;
– Đánh giá khung hình phạt nặng hơn hành vi phạm tội thực tế đã thực hiện (các bị cáo chỉ đồng phạm giản đơn nhưng quy kết phạm tội có tổ chức);
– Đánh giá sai các tình tiết tăng nặng TNHS áp dụng cho bị cáo, bỏ sót tình tiết giảm nhẹ không đề nghị áp dụng cho bị cáo…
Luật sư ghi lại những điểm này cũng như ghi lại việc Kiểm sát viên kết luận về một tội phạm khác nhẹ hơn hoặc rút quyết định truy tố.
Trường hợp bào chữa trong vụ án đồng phạm, Luật sư bào chữa cho bị cáo khác được HĐXX cho trình bày lời bào chữa trước thì Luật sư lắng nghe xem trong lời bào chữa đó có điểm nào liên quan đến khách hàng mình, nhất là những tình tiết không có lợi cho khách hàng thì phân tích nhanh để tìm ra sự mâu thuẫn. Khi đến lượt mình bào chữa Luật sư trình bày phản biện lại ý kiến của Kiểm sát viên, đồng thời phản biện cả ý kiến của Luật sư khác gây bất lợi cho khách hàng mình.
Sau khi nghe Kiểm sát viên trình bày lời luận tội, nếu phát hiện có sự thay đổi quan điểm từ phía Kiểm sát viên, Luật sư cũng phải điều chỉnh bài bào chữa, bảo vệ cho phù hợp. Nếu Kiểm sát viên rút một phần nội dung truy tố thì Luật sư phải sửa lại phần này cho phù hợp theo hướng đồng ý với quan điểm rút truy tố của Kiểm sát viên và đề nghị HĐXX chấp nhận việc rút truy tố đó.
Ví dụ:
Cáo trạng truy tố khách hàng về tội cưỡng dâm người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi theo điểm b khoản 2 Điều 144 BLHS năm 2015 (phạm tội nhiều lần, cụ thể là ba lần). Qua xét hỏi, chỉ có căn cứ xác định bị cáo có hai lần thực hiện hành vi này và trong luận tội, Kiểm sát viên thay đổi về số lần bị cáo phạm tội nhưng không thay đổi về tội danh và điều khoản. Nếu luận tội của Kiểm sát viên là có căn cứ, phù hợp với sự thật khách quan của vụ án thì Luật sư ghi nhận việc rút một phần nội dung truy tố (bớt 1 lần phạm tội) trong phần bào chữa và đề nghị HĐXX ghi nhận. Tương tự như vậy với trường hợp Kiểm sát viên rút hai hành vi, không còn là phạm tội nhiều lần và đề nghị xét xử theo khoản 1 Điều 144 BLHS năm 2015 thì Luật sư bào chữa theo hướng đồng ý với việc rút quyết định truy tố của VKS.
Trước khi bắt đầu phần bào chữa trong các vụ án xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự con người, Luật sư nên thể hiện sự cảm thông đối với những thiệt hại, mất mát về con người, về sức khỏe, về tinh thần, tài sản… mà bị hại và gia đình họ đã phải gánh chịu. Đây là lời nói thể hiện thái độ ứng xử nhân văn, đồng thời để làm giảm tính chất căng thẳng, đối kháng thường rất gay gắt trong loại án này và giúp tạo ra một không khí thuận lợi hơn khi trình bày luận cứ bào chữa cho khách hàng.
Khi trình bày luận cứ bào chữa, bảo vệ, Luật sư nên bám sát theo dàn ý của đề cương đã chuẩn bị để đi đúng trọng tâm các vấn đề cần bảo vệ, tránh được sự dông dài, tràn lan, lạc đề hoặc bỏ sót những điểm quan trọng để sau khi bào chữa xong mới cảm thấy tiếc nuối. Tùy thuộc vào nhiệm vụ bào chữa cho bị cáo hay bảo vệ cho đương sự, Luật sư kết hợp giữa giọng nói với ánh mắt, nét mặt và hình thể. Khuôn mặt và giọng nói của Luật sư phải thể hiện được các sắc thái buồn vui, căm giận, cảm thông, chia sẻ… Chẳng hạn Luật sư bảo vệ muốn lên án hành vi phạm tội phải nói chậm, gằn giọng xuống thể hiện biểu cảm thái độ lên án hành vi phạm tội tàn ác dã man của bị cáo sau khi đã giết chết nạn nhân còn đang tâm cắt từng chiếc móng tay, đâm thủng con ngươi của bị hại.
Bào chữa cho bị cáo theo hướng không phạm tội.
Luật sư đi sâu phân tích làm rõ từng chứng cứ mà VKS đã sử dụng để buộc tội bị cáo là không có cơ sở, hoặc khiên cưỡng, đồng thời phân tích các chứng cứ gỡ tội là có cơ sở tin cậy. Thông thường Luật sư cần phân tích làm rõ những thiếu sót, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong quá trình điều tra làm cho tài liệu, chứng cứ dùng để buộc tội không có giá trị chứng minh.
Luật sư cũng phân tích các chứng cứ gỡ tội do bị cáo đưa ra xác định vào thời điểm bị hại bị giết bị cáo không có mặt tại hiện trường mà có mặt tại một địa điểm khác. Luật sư dẫn chứng lời khai người làm chứng nhìn thấy bị cáo ở địa điểm khác hoặc xác định bị cáo không thực hiện hành vi như cáo trạng quy buộc để khẳng định bản cáo trạng truy tố bị cáo không có căn cứ và đề nghị HĐXX tuyên bị cáo không phạm tội, trả tự do, khôi phục các quyền, lợi ích hợp pháp cho bị cáo.
Bào chữa theo hướng thay đổi tội danh
Trường hợp bào chữa cho bị cáo theo một tội danh hoặc khung hình phạt nhẹ hơn tội danh và khung hình phạt mà VKS đã truy tố:
– Luật sư cần tập trung phân tích các tình tiết liên quan tới CTTP, các tình tiết định khung hình phạt, đối chiếu với quy định của BLHS chỉ ra những điểm chưa hợp lý trong xác định tội danh và khung hình phạt của bản cáo trạng.
– Đồng thời chỉ rõ với các chứng cứ có trong hồ sơ được thẩm tra tại phiên tòa thì hành vi của bị cáo chỉ cấu thành một tội phạm khác nhẹ hơn hoặc thuộc khung hình phạt nhẹ hơn so với cáo buộc của VKS và đề nghị HĐXX chuyển sang tội danh khác nhẹ hơn hoặc khung hình phạt khác nhẹ hơn.
Ví dụ:
Vụ án Vũ Văn Đ, Vũ Văn Ngh giết người, Luật sư bào chữa đã lập luận Vũ Văn Đ, Vũ Văn Ngh không phạm tội giết người như Bản cáo trạng cáo buộc mà phạm tội cố ý gây thương tích như sau:
Kính thưa HĐXX, qua việc nghiên cứu hồ sơ vụ án và kết quả thẩm tra các chứng cứ tại phiên tòa, tôi nhận thấy việc VKS truy tố Vũ Văn Đ, Vũ Văn Ngh tội giết người theo khoản 2 Điều 123 BLHS năm 2015 là chưa chính xác vì Đ và Ngh không có ý thức tước đoạt sinh mạng của T, không có động cơ giết người. Điều này được thể hiện:
Đ và Ngh không quen biết, không có mâu thuẫn, thù oán gì với bị hại nên không có động cơ giết bị hại.
Nguyên nhân xô xát dẫn đến hành vi phạm tội do bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của người bị hại gây ra. Vì thế các bị cáo mới có hành vi đánh trả.
Sự việc xảy ra vào khoảng thời gian 16giờ chiều, trời nắng, khoảng cách giữa Đ và anh T lúc Đ dùng dao đâm anh T chỉ 1 mét nên Đ hoàn toàn nhìn rõ vị trí cần đâm trên cơ thể anh T là cái chân phải. Nếu Đ có ý thức tước đoạt sinh mạng của anh T thì đã lựa chọn vị trí hiểm yếu trên cơ thể chứ không thể lựa chọn vị trí là chân được.
Sau khi bị đâm vào chân, anh T bị thương nhưng vẫn còn chạy về nhà, mặc dù Đ và Ngh hoàn toàn có thể đuổi kịp và đâm tiếp nếu muốn tước đoạt sinh mạng T nhưng các bị cáo đã chủ động dừng lại không đuổi nữa. Việc dừng lại không đuổi tiếp chứng tỏ Đ và Ngh đã thỏa mãn với việc gây thương tích cho T vì T đã vô cớ đánh bị cáo Đ trước.
Từ các chứng cứ trên, có căn cứ xác định hành vi của các bị cáo chỉ có ý thức gây thương tích cho bị hại trong lúc tinh thần bị kích động do hành vi trái pháp luật của bị hại gây ra mà không có ý thức giết người.
Bào chữa theo hướng giảm nhẹ hình phạt
Trường hợp bào chữa nhằm giảm nhẹ hình phạt, Luật sư phân tích:
– Nguyên nhân, hoàn cảnh xảy ra sự việc;
– Động cơ, mục đích phạm tội của bị cáo;
– Khai thác sâu các tình tiết của vụ án theo hướng có lợi cho bị cáo như bị cáo phạm tội do hoàn cảnh khách quan, do bị kích động, phạm tội không phải vì động cơ đê hèn, xấu xa, vai trò trong vụ án chỉ giúp sức,…
Đồng thời Luật sư phân tích các tình tiết giảm nhẹ TNHS cần áp dụng đối với bị cáo, thể hiện sự đồng ý với việc đề nghị của Kiểm sát viên về những tình tiết giảm nhẹ đã được Kiểm sát viên đưa ra trong lời luận tội và đề nghị bổ sung tình tiết giảm nhẹ mà Kiểm sát viên chưa đề cập tới như:
– Bị hại xin giảm hình phạt cho bị cáo;
– Đồng thời phân tích tình tiết tăng nặng mà Kiểm sát viên đề nghị áp dụng là không có căn cứ.
Luật sư cũng phân tích những tình tiết thuộc về nhân thân, hoàn cảnh gia đình bị cáo có ý nghĩa để giảm nhẹ TNHS. Theo quy định của BLHS thì khi quyết định hình phạt, ngoài tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội…
Tòa án còn phải căn cứ vào nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ TNHS của bị cáo và trong trường hợp có ít nhất 2 tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015, Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt… hoặc chuyển sang một hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn vì thế Luật sư không được bỏ qua bất cứ tình tiết giảm nhẹ nào mà bị cáo được hưởng, không được bỏ sót những điểm về nhân thân của bị cáo đáng được HĐXX xem xét giảm nhẹ.
Bảo vệ cho bị hại
Khi bảo vệ cho bị hại trong các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm và danh dự của con người, tùy từng vụ án, Luật sư cần phân tích làm rõ những chứng cứ xác định hành vi phạm tội của bị cáo như:
– Cáo buộc của VKS nếu bị cáo chối tội;
– Phân tích làm tăng thêm TNHS của bị cáo (đề nghị bổ sung tình tiết tăng nặng mà VKS chưa đề nghị áp dụng, đề nghị chuyển sang tội danh khác nặng hơn hoặc áp dụng khung hình phạt khác nặng hơn như đề nghị chuyển từ khoản 1 sang khoản 2 Điều 140 tội hành hạ người khác vì phạm tội với người không có khả năng tự vệ, chuyển từ khoản 1 sang khoản 2 Điều 143 tội cưỡng dâm vì có tính chất loạn luân…);
– Phân tích làm rõ thiệt hại của khách hàng do hành vi phạm tội gây ra…
Từ đó, Luật sư đưa ra những luận điểm bảo vệ có lợi nhất cho khách hàng. Tùy vào nội dung luận cứ bảo vệ Luật sư có thể đề nghị HĐXX trả hồ sơ điều tra bổ sung để xét xử bị cáo về tội phạm nặng hơn như tội giết người thay cho tội cố ý gây thương tích, xét xử bị cáo theo khung hình phạt nặng hơn, chấp nhận yêu cầu bồi thường thiệt hại của bị hại…
Ví dụ:
Luật sư bảo vệ cho bị hại trong vụ án Vũ Văn Đ, Vũ Văn Ngh giết người. Luật sư phân tích, lập luận các bị cáo phạm tội giết người như Bản cáo trạng của VKS nhân dân tỉnh BG truy tố là có căn cứ. Phân tích các khoản tiền gia đình bị hại chi phí cho việc cấp cứu anh T, tiền viện phí, tiền mai táng phí, tổng cộng 95.000.000đ là hợp lý. Đề nghị HĐXX buộc bị cáo bồi thường cho gia đình bị hại số tiền trên và tiền tổn thất tinh thần theo quy định của pháp luật.
Kỹ năng tranh luận
Theo Điều 322 BLTTHS năm 2015 Luật sư có quyền đối đáp với Kiểm sát viên hoặc đối đáp với những người tham gia tố tụng. Để tăng tính thuyết phục, tùy theo tư cách tố tụng tham gia, Luật sư cần lập luận sắc bén để đối đáp với phía đối tụng:
– Về những chứng cứ xác định có tội, chứng cứ xác định vô tội;
– Tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội;
– Hậu quả do hành vi phạm tội gây ra;
– Nhân thân và vai trò của bị cáo trong vụ án;
– Những tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ TNHS, mức hình phạt, trách nhiệm dân sự, xử lý vật chứng, biện pháp tư pháp;
– Nguyên nhân, điều kiện phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa đối với vụ án.
Việc đối đáp của Luật sư thể hiện sự nhạy bén, khả năng phán đoán, phát hiện, tổng hợp vấn đề, khả năng lập luận cũng như hùng biện của Luật sư. Trong quá trình đối đáp, Luật sư phải xử lý nhiều tình huống phát sinh từ phía Kiểm sát viên cũng như người tham gia tố tụng đưa ra. Lời đối đáp cần ngắn gọn, tập trung làm rõ mâu thuẫn trong ý kiến của phía đối tụng, khẳng định tính đúng đắn trong quan điểm của mình thể hiện bản lĩnh của Luật sư. Chính điều này đã tác động đến tình cảm, tâm lý và nhận thức của HĐXX để có những quyết định có lợi cho khách hàng của Luật sư.
Đặc điểm của đối đáp là Luật sư phải trả lời ngay những vấn đề mình không đồng ý mà không có nhiều thời gian suy nghĩ, chuẩn bị từ trước. Do vậy, muốn đối đáp kịp thời, Luật sư phải tập trung lắng nghe, phát hiện những điểm mâu thuẫn, không hợp lý trong ý kiến của phía bên kia, tốc ký ghi nhanh, đánh dấu những điểm cần phải đáp lại, đồng thời suy nghĩ chuẩn bị ngay các lý lẽ sẽ trình bày khi đáp lại. Khi đối đáp một mặt, Luật sư sử dụng các chứng cứ của vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa, đồng thời phải triệt để sử dụng những điểm mâu thuẫn, những vấn đề do bên đối tụng đưa ra nhưng có thể vận dụng để bảo vệ tốt cho khách hàng của mình.
Một điểm cần lưu ý, đó là khi đối đáp trong các vụ án xâm phạm tính mạng, sức khỏe con người không khí tại phiên tòa thường căng thẳng do mâu thuẫn giữa các bên, có những phiên tòa gia đình bị hại đeo khăn tang, mang di ảnh người bị hại đến phòng xử án và lấy số đông để tác động tới tư tưởng của những người tiến hành và tham gia tố tụng khác:
– Luật sư cần bình tĩnh, có thái độ chia sẻ và tôn trọng những mất mát, thiệt hại về người, về của từ phía bị hại.
– Luật sư không nên có lời nói, cử chỉ tạo ra cảm nhận Luật sư không tôn trọng những mất mát mà bị hại phải gánh chịu.
– Nhưng dù đối đáp có căng thẳng song trong mọi trường hợp, Luật sư đều phải bình tĩnh, tôn trọng sự điều khiển của Chủ tọa phiên tòa, tôn trọng người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng khác; tuyệt đối không tỏ thái độ cay cú, ăn thua, lợi dụng quyền tranh luận để có lời lẽ miệt thị, đả kích, xúc phạm hoặc mạt sát, cãi nhau tay đôi với người tham gia tranh luận.
– Luật sư có nghĩa vụ tôn trọng văn hóa pháp đình, không được có lời lẽ, hành vi xúc phạm cá nhân, tổ chức tại phiên tòa và Luật sư đồng nghiệp bảo vệ cho bên đối lập.
Để được tư vấn chi tiết từ luật sư của Luật 3 Chung
Vui lòng liên hệ số hotline 085.200.8585
Hoặc liên hệ qua email: luatsu@luat3chung.vn