Gặp gỡ trao đổi với khách hàng (bị cáo)
Để chuẩn bị cho việc bào chữa, bảo vệ tại phiên tòa, sau khi nghiên cứu hồ sơ thấy có những điểm chưa rõ, Luật sư nên gặp lại khách hàng. Nội dung trao đổi tập trung vào những vấn đề sau:
– Những điểm mâu thuẫn giữa lời khai của khách hàng và chứng cứ khác
– Những điểm chưa rõ trong hồ sơ mà khách hàng có thể làm rõ được như bị hại khai không có lời nói gì xúc phạm bị cáo nhưng do tính côn đồ nên bị cáo đã đánh bị hại gây thương tích còn bị cáo lại khai do bị hại xúc phạm quá đáng
– Bị hại khai bị cáo dùng dao còn bị cáo khai không dùng dao…
Luật sư cần trao đổi để làm rõ sự thật những vấn đề trên để có hướng bào chữa đúng đắn.
Luật sư cần thống nhất quan điểm bào chữa cho bị cáo, tránh trường hợp ra phiên tòa bị cáo có quan điểm đối lập với Luật sư. Luật sư cũng thống nhất với bị cáo những vấn đề bị cáo trình bày ý kiến bào chữa bổ sung, vì bị cáo là người hiểu rõ nhất về hành vi của mình.
Trong vụ án về tính mạng, sức khỏe thường có sự mâu thuẫn giữa lời khai của bị cáo và bị hại về hành vi, về công cụ thực hiện nên Luật sư dự kiến một số câu hỏi của HĐXX và Kiểm sát viên, trong đó có cả những câu hỏi mang tính gợi ý của Luật sư, nghe khách hàng trả lời và tư vấn lại cho họ, trong đó lưu ý cho khách hàng thể hiện cách thức trả lời sao cho chặt chẽ và có căn cứ pháp lý cũng như lưu ý việc xưng hô và thái độ ứng xử phù hợp tại Tòa.
Đối với những khách hàng có hiểu biết, hai bên thậm chí còn ngồi với nhau để dự liệu các vấn đề có thể phát sinh, các “chiêu bài” từ những người tham gia tố tụng khác (đồng phạm, người làm chứng chối tội, khai khác, khai giống như khai ở CQĐT, đổ vấy cho khách hàng, các tình huống xấu do bức xúc, mâu thuẫn, căng thẳng giữa bị hại và bị cáo…) để chủ động trong mọi tình huống.
Ví dụ:
Luật sư bào chữa cho Đào Xuân B trong vụ án cố ý gây thương tích trao đổi với B đang bị tạm giam, thống nhất với B, do hành vi dùng tuýp sắt gây thương tích cho anh Th đã rõ, B cũng khai nhận hành vi phạm tội nên hướng bào chữa cho B chỉ là giảm nhẹ chứ không thể vô tội được. Luật sư phân tích hoàn cảnh B bị người nhà anh Th quây đánh trong nhà nên mới phải gọi em đến giúp đỡ. Việc gây thương tích cho anh Th, B hoàn toàn không mong muốn nhưng do lúc tức giận đánh nhau đã gây thương tích cho anh Th. B có nhiều tình tiết giảm nhẹ. Từ đó đề nghị Tòa án giảm hình phạt cho bị cáo. Luật sư thống nhất một số câu hỏi bị cáo cần trình bày làm rõ hành vi giằng co tuýp sắt với anh Th; thống nhất điểm nào bị cáo cần bào chữa bổ sung…
Luật sư cần giới thiệu trình tự, diễn biến của phiên tòa theo quy định của pháp luật tố tụng, vai trò của Luật sư tại phiên tòa, các quyền của khách hàng theo mỗi tư cách tố tụng, thời điểm khách hàng được quyền trình bày, bị cáo nói lời sau cùng trước khi tòa nghị án… Với các trao đổi trước ngày mở phiên tòa, Luật sư sẽ nắm được nguyện vọng chính đáng của khách hàng.
Có những vụ án bị cáo cho rằng mình bị oan, bị ép cung, dùng nhục hình nên phải nhận thực hiện hành vi theo sự “hướng dẫn” của Điều tra viên còn thực ra bị cáo không thực hiện hành vi. Bị cáo nhờ Luật sư giúp minh oan cho bị cáo. Nắm được sự việc và nguyện vọng của khách hàng, Luật sư có phương án, định hướng bào chữa bảo vệ tốt nhất cho bị cáo.
Ví dụ:
Vụ án Nguyễn Thanh Ch, bị cáo kêu oan, phủ nhận lời khai tại CQĐT. Luật sư Nguyễn Đức B là người bào chữa cho bị cáo đặt câu hỏi: “Sao em lại khai báo các tình tiết trong hồ sơ một cách thuần thục như vậy nhưng khi ra tòa lại không nhận?”. Bị cáo trả lời: “Anh ơi, Điều tra viên dạy em khai như vậy”. Luật sư tiếp tục trao đổi làm rõ việc bị cáo bị bức cung, nhục hình và đã khiếu nại nhưng không được chấp nhận.
Trong vụ án về tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người do đối tượng phạm tội trình độ văn hóa thấp, không hiểu biết nhiều về pháp luật nên Luật sư cần dành thời gian phân tích cho khách hàng hiểu các quy định của pháp luật về tội danh.
Ví dụ bị cáo bị truy tố về tội giết người phải giải thích cho bị cáo hiểu về ý thức chủ quan để phân biệt tội giết người với tội cố ý gây thương tích, hiểu về bị cáo chỉ bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của bị hại nên chỉ được hưởng tình tiết giảm nhẹ chứ không thuộc trường hợp trạng thái tinh thần bị kích động mạnh nên không thể đề nghị chuyển sang tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh được.
Gặp gỡ trao đổi với bị hại
Trong các vụ án về tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người, mâu thuẫn giữa bên bị hại và bị cáo thường rất gay gắt, do đó có được sự cảm thông từ phía bị hại có ý nghĩa rất quan trọng cả về mặt pháp lý và về mặt thực tế.
Tuy nhiên, không phải vụ án nào Luật sư bào chữa cũng gặp, trao đổi với bị hại mà chỉ trong trường hợp cần thiết như lời khai của người này không có lợi cho khách hàng và có biểu hiện họ bị mua chuộc, móm cung, ép cung nên khai không đúng thì Luật sư mới gặp, trao đổi, phân tích cho họ biết hành vi của bị cáo không đúng như lời khai của họ, thuyết phục họ cần khai báo đúng sự thật đã xảy ra. Cũng có trường hợp Luật sư nên cùng với gia đình bị cáo đến gặp gỡ bị hại (hoặc gia đình họ) để gia đình bị cáo xin lỗi, bồi thường và Luật sư đóng vai trò trung gian hòa giải động viên, an ủi họ, đặt vấn đề để bị hại rút yêu cầu khởi tố, viết đơn xin giảm nhẹ hoặc đơn giản chỉ để bị hại hiểu rằng bị cáo và gia đình họ thành tâm hối cải và muốn san sẻ những tổn thất của bị hại và gia đình họ, qua đó hạn chế căng thẳng giữa hai bên tại phiên tòa.
Để được tư vấn chi tiết từ luật sư của Luật 3 Chung
Vui lòng liên hệ số hotline 085.200.8585
Hoặc liên hệ qua email: luatsu@luat3chung.vn