[TƯ VẤN LUẬT HÌNH SỰ] Kỹ năng nghe tuyên án và thực hiện các công việc sau khi kết thúc phiên toà

Kỹ năng của Luật sư khi tòa tuyên án:

Trong loại án này, do tính chất đối kháng tương đối lớn cũng như do mỗi người đều có thể có những cách tiếp cận khác nhau về đánh giá chứng cứ, xác định tội danh, vai trò, vị trí của bị cáo, lỗi của bị hại (nếu có).

Khi Chủ tọa tuyên án, Luật sư chú ý theo dõi:

–  Những nhận định của HĐXX đánh giá về hành vi, vai trò vị trí, về tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ TNHS của bị cáo, về bồi thường thiệt hại;

–  Nhận định đánh giá về ý kiến của Kiểm sát viên, Luật sư có điểm nào không đúng thì ghi nhanh làm cơ sở để Luật sư giải thích nội dung bản án cho khách hàng, giúp họ kháng cáo sau phiên tòa sơ thẩm hoặc tư vấn cho họ nên chấp nhận bản án sơ thẩm.

Theo quy định tại Điều 258 BLTTHS năm 2015 người bào chữa, bị hại, đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự hoặc đại diện của những người đó có quyền xem biên bản phiên tòa. Nếu có người yêu cầu ghi những sửa đổi, bổ sung vào biên bản phiên tòa thì Thư ký Tòa án phải ghi sửa đổi, bổ sung đó vào biên bản phiên tòa.

Vì vậy, trong những vụ án về các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người có tính chất phức tạp, phiên tòa diễn ra gay cấn, nhiều diễn biến bất ngờ hoặc đơn giản hệ thống tăng âm tại phòng xử quá kém, HĐXX và Thư ký Tòa án khó có thể nghe hết ý kiến của người tham gia tố tụng, Luật sư nên cân nhắc đến quyền được xem biên bản phiên tòa để kiểm tra, phát hiện những điểm chưa phù hợp.

Khi đọc biên bản phiên tòa:

–  Luật sư chú ý những câu hỏi, câu trả lời của khách hàng hoặc của người khác liên quan đến khách hàng mình có được ghi đúng như diễn biến tại phiên tòa hay không;

–  Các ý kiến quan điểm của Luật sư có được ghi đầy đủ không.

Nếu biên bản ghi không đúng với diễn biến của phiên tòa gây bất lợi cho khách hàng, Luật sư đề nghị sửa đổi, bổ sung cho đúng với diễn biến tại phiên tòa. Trong trường hợp đề nghị không được chấp nhận và cũng không thấy Chủ tọa phiên tòa nêu rõ lý do và ghi vào biên bản phiên tòa thì Luật sư ghi các yêu cầu sửa đổi, bổ sung gửi cho Tòa án đưa vào hồ sơ vụ án.

Khi nghe tòa tuyên án, Luật sư cần lắng nghe và chú ý:

–  Lập luận của HĐXX trong bản án về tội danh có cơ sở vững chắc và thuyết phục không? Những điểm chưa hợp lý Luật sư cần ghi chép nhanh;

– Trong phần “xét thấy” của bản án, những nội dung nào HĐXX chấp nhận quan điểm của Luật sư, những nội dung nào HĐXX không chấp nhận quan điểm của Luật sư bào chữa, lý do vì sao.

Ví dụ :

Luật sư đề nghị chuyển tội danh từ giết người như cáo trạng truy tố của VKS đối với bị cáo Đ và Ngh sang tội danh cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người, tuy nhiên nhận định của HĐXX vẫn quyết định Đ và Ngh phạm tội giết người, Luật sư cần lắng nghe lập luận của HĐXX về tội giết người đối với bị cáo Đ và Ngh, để sau phiên tòa Luật sư sẽ định hướng và tư vấn tiếp cho bị cáo tiếp tục kháng cáo đối với bản án sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật trên.

–  Những lập luận của HĐXX liên quan đến định khung hình phạt, các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ TNHS đối với khách hàng của mình.

Đặc biệt, trường hợp HĐXX kết tội khách hàng với tội danh cố ý gây thương tích hoặc giết người với tình tiết định khung tăng nặng đó là “có tính chất côn đồ” hoặc “động cơ đê hèn”… Luật sư cần xem xét các hướng dẫn liên quan xem việc quy kết đó có chính xác không? Vấn đề bồi thường thiệt hại có hợp lý không, số tiền bao nhiêu, căn cứ vào đâu để đưa ra mức tiền đó.

Đặc biệt, liên quan đến vấn đề mức án, loại hình phạt và cách thức tổng hợp hình phạt đối với bản án đó có chính xác không; việc nhận định bị cáo phạm tội thuộc trường hợp tái phạm, tái phạm nguy hiểm có đúng không?

–  Quyết định xử lý vật chứng trong bản án tuyên của HĐXX

Theo đó nhiều trường hợp HĐXX tuyên tịch thu vật chứng và sung quỹ nhà nước là hoàn toàn không đúng, việc này dẫn đến gây thiệt hại cho bị cáo. Chính vì vậy, sau phiên tòa sơ thẩm, những nội dung nào trong bản án không đúng, lập luận nào thể hiện trong bản án chưa thỏa đáng thì đó chính là lý do để Luật sư tư vấn soạn thảo kháng cáo cho khách hàng.

Ví dụ:

Nguyễn Văn H nghe thấy anh Thụ hàng xóm nói “Tao nhìn thấy con vợ mày đang tằng tịu trên đồi với thằng K làng bên đấy, mày lên xem sự thể thế nào, khéo không là mất vợ”. Sẵn có tý rượu trong người, lại nghe Thụ nói thế, cộng thêm việc dạo này chị L lạnh nhạt với mình nên H  cầm theo con dao gọt hoa quả, phi xe máy lên đồi xem sự thể thế nào. Đến nơi, H thấy vợ mình L đang ngồi nói chuyện với K, cơn ghen bùng lên, H lao đến đâm chết anh K tại chỗ với 3 vết đâm tại vùng đầu, mặt cổ. H bị khởi tố bị can, truy tố đưa ra xét xử với tội danh giết người với tình  tiết định khung “có tính chất côn đồ”.

Trong bản án sơ thẩm HĐXX đã tuyên “tịch thu sung quỹ nhà nước chiếc xe máy H đi lên đồi để giết K, cho rằng chiếc xe phương tiện gây án”. Nhận định này của HĐXX hoàn toàn không chính xác, Luật sẽ kháng cáo đối với bản án, trong đó có phần nội dung liên quan đến vấn đề xử lý vật chứng này.

Kỹ năng của Luật sư sau khi kết thúc phiên tòa:

Sau phiên tòa Luật sư cần trao đổi nhanh với khách hàng hoặc người thân của họ về những điểm cần lưu ý trong nội dung bản án và phân tích tính có lợi và bất lợi cho họ:

–  Về việc liên quan đến kháng cáo hay không kháng cáo đối với bản án tuyên chưa có hiệu lực pháp luật.

–  Nếu cần phải kháng cáo thì kháng cáo theo hướng nào

–  Đồng thời giúp đỡ khách hàng thực hiện việc kháng cáo, như: soạn thảo đơn kháng cáo, hướng dẫn khách hàng gửi đơn đến cơ quan có thẩm quyền thụ lý đơn và hướng dẫn khách hàng cung cấp thêm tài liệu, chứng cứ quan trọng  có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án.

Ví dụ: Mẫu đơn kháng cáo như sau:

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

                      ……, ngày….. tháng…năm……

ĐƠN KHÁNG CÁO

Kính gửi: Tòa án nhân dân…………………………………………..

Người kháng cáo:……………………………………………………………………….

Địa chỉ thường trú:……………………………………………………………………..

Địa chỉ tạm trú:………………………………………………………………………….

Số điện thoại:……………………………/Fax:………………………………

Địa chỉ thư điện tử…………………………… (nếu có)

Là: bị cáo trong vụ án…bị TAND…xét xử số…/ ngày….tháng….năm…

Tôi làm đơn kháng cáo đối với bản án sơ thẩm nêu trên

Lý do của việc kháng cáo: (nêu rõ lý do kháng cáo, như: không đồng ý về tội danh…; không đồng ý về khung, khoản mà Tòa án áp dụng…hoặc không đồng ý với nội dung tòa án tuyên về phần bồi thường thiệt hại….).

Yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết những việc sau đây: nêu rõ nội dung đề nghị tòa án cấp phúc thẩm giải quyết.

Những tài liệu, chứng cứ bổ sung kèm theo đơn kháng cáo gồm có:…

1………………………………………………………………………………………………

2………………………………………………………………………………………………

3………………………………………………………………………………………………

NGƯỜI KHÁNG CÁO

 

 

 

 

 

Nếu khách hàng mong muốn hoãn thi hành án với lý do cần ổn định gia đình, gia đình neo đơn chỉ có bị cáo là lao động chính duy nhất; hoặc để chữa bệnh nếu thi hành án sẽ ảnh hưởng đến quá trình chữa bệnh theo định kỳ… Luật sư xem xét, đối chiếu các quy định của pháp luật, làm đơn và hướng dẫn khách hàng làm hồ sơ để xin hoãn thi hành án. Trường hợp bị cáo bị kết án với mức án đặc biệt nghiêm trọng, bản thân đang mắc bệnh hiểm nghèo (HIV giai đoạn cuối; ung thư giai đoạn cuối;…) hoặc phụ nữ đang mang thai, nếu cần thiết nên xin hoãn thi hành án cho khách hàng.

Ví dụ: Mẫu đơn xin hoãn thi hành án như sau:

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

ĐƠN XIN HOÃN THI HÀNH ÁN

Kính gửi: Tòa án nhân dân thành phố X (Tòa án nhân dân xét xử sơ thẩm đối với bản án)

Tôi tên là:                  sinh năm:               Giới tính:

Địa chỉ thường trú:

Địa chỉ tạm trú:

Bản án sơ thẩm số…./ngày, tháng, năm… của Tòa án nhân dân thành phố X đã tuyên phạt tôi…năm tù về tội…thời hạn tù tính từ ngày thi hành án.

Tôi làm đơn này, kính mong Tòa án nhân dân thành phố X cho tôi được hoãn thi hành hình phạt tù của bản án nêu trên vì những lý do sau:……………………..

Nếu được chấp thuận tôi xin được cam kết thực hiện nghiêm túc những quy định, yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng và chính quyền địa phương đối với người bị kết án được hoãn chấp hành hình phạt tù.

Tôi xin chân thành cảm ơn!

……, ngày…… tháng…… năm…

XÁC NHẬN                                                                                                      NGƯỜI LÀM ĐƠN

CỦA CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG

 

 

 

Trường hợp phải chấp hành bản án, thể theo nguyện vọng của gia đình mong muốn thụ án ở trại gần nhà dễ bề thăm nom và động viên để phạm nhân cải tạo tốt, được xét giảm án và nhanh chóng về với gia đình. Luật sư cần nghiên cứu các văn bản hướng dẫn chuyên ngành, hướng dẫn gia đình làm đơn và gửi đến cơ quan có thẩm quyền  xem xét và giải quyết.

Để được tư vấn chi tiết từ luật sư của Luật 3 Chung

Vui lòng liên hệ số hotline 085.200.8585

Hoặc liên hệ qua email: luatsu@luat3chung.vn

Bài viết liên quan