Đối với vụ án về các tội xâm phạm sở hữu, khi nghiên cứu hồ sơ vụ án, Luật sư cần lưu ý những vấn đề sau đây:
Một là, sao chụp và sắp xếp hồ sơ vụ án: Hồ sơ vụ án về các tội xâm phạm sở hữu thường không nhiều như một số tội phạm khác, bởi vậy khi sao chụp hồ sơ vụ án Luật sư nên sao chụp toàn bộ hồ sơ, tài liệu trong bộ hồ sơ vụ án về nghiên cứu để tránh bỏ sót những tài liệu quan trọng liên quan đến những tình tiết có lợi cho khách hàng. Khi đã sao chụp được hồ sơ vụ án, Luật sư cần sắp xếp một cách khoa học từng loại tài liệu, như:
– Bản cáo trạng
– Bản kết luận điều tra
– Các biên bản ghi lời khai
– Biên bản hỏi cung
– Các văn bản tố tụng…
Hai là, kỹ năng khi nghiên cứu hồ sơ vụ án: Đây là một kỹ năng đặc biệt quan trọng của Luật sư, nó sẽ giúp cho Luật sư tìm ra phương án bào chữa hay bảo vệ sau này tại các giai đoạn tố tụng. Kỹ năng nghiên cứu hồ sơ vụ án của các tội xâm phạm sở hữu cũng giống như nghiên cứu hồ sơ của các loại tội phạm khác.
Ba là, nghiên cứu các lời khai và căn cứ định tội danh: Đa số các tội xâm phạm sở hữu có tính chất chiếm đoạt tài sản. Do vậy, để xác định việc cơ quan tiến hành tố tụng có đánh giá đúng tội danh cho bị can, bị cáo hay không thì khi nghiên cứu hồ sơ vụ án, đặc biệt là nghiên cứu các lời khai, Luật sư phải hết sức lưu ý về các hành vi của bị can, bị cáo có dấu hiệu của sự chiếm đoạt tài sản hay không. Dấu hiệu chiếm đoạt tài sản được thể hiện qua mục đích chiếm đoạt hoặc qua hành vi chiếm đoạt của bị can, bị cáo. Về mục đích chiếm đoạt: Đây sẽ là dấu hiệu bắt buộc trong CTTP của một số tội, như:
– Tội cướp tài sản (Điều 168 BLHS năm 2015)
– Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (Điều 169 BLHS năm 2015)
– Tội cưỡng đoạt tài sản (Điều 170 BLHS năm 2015)
– Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (Điều 175 BLHS năm 2015).
Mục đích chiếm đoạt tài sản là yếu tố thuộc về mặt chủ quan của tội phạm nên để đánh giá người phạm tội khi thực hiện hành vi phạm tội có mục đích chiếm đoạt hay không không phải là điều dễ dàng. Luật sư cần nghiên cứu hành vi phạm tội, nguyên nhân, điều kiện, hoàn cảnh, công cụ, phương tiện phạm tội… để đánh giá trong sự kết hợp với ý chí chủ quan của người phạm tội qua sự thừa nhận của họ tại lời khai trong hồ sơ vụ án. Do vậy, khi nghiên cứu hồ sơ các loại vụ án này, Luật sư nên tìm ra các căn cứ để xác định bị can, bị cáo có mục đích “nhằm” chiếm đoạt tài sản hay không, đặc biệt trong một số trường hợp khi tiếp xúc với bị can, bị cáo thấy họ kêu oan.
Ví dụ:
Trong vụ án “Cướp tài sản” xảy ra tại xã XĐ, huyện TH, tỉnh TB. Do mâu thuẫn giữa anh Vũ Trường Lâm và anh Nguyễn Thành Trung trong việc cả hai cùng có quan hệ tình cảm với chị Hải Yến ở xã XĐ, huyện TH, tỉnh TB. Anh Trung đem bức xúc này về kể cho bạn là Trần Quốc Anh nghe (cả Trung và Anh đều là người cùng xã với chị Hải Yến, còn Lâm thì ở xã khác). Khi nghe chuyện xong, Quốc Anh có nói với Trung: “Mày ở đây mà mày phải sợ nó à, để tao đánh cho nó một trận cho nó không dám đến nữa”. Ngày hôm sau, Trung và Quốc Anh đã phục Lâm trên đoạn đường vắng ở giữa thôn. Khoảng 23h trên đường từ nhà chị Hải Yến về thì Lâm đã bị Trung và Quốc Anh chặn đánh và đập phá xe máy của Lâm. Sợ quá, Lâm bỏ xe chạy xuống ruộng ngô kêu cứu, đúng lúc đó có rất nhiều ánh đèn của tổ dân phòng đi tới, trong lúc hốt hoảng Trung và Quốc Anh đã lấy chính chiếc xe máy của Lâm để tẩu thoát. Ngày hôm sau, Trung và Quốc Anh ra trình báo tại cơ quan công an và giao nộp lại xe máy. TAND huyện TH đã tuyên phạt Trung và Quốc Anh đều về tội cướp tài sản và tội hủy hoại tài sản của công dân. Trong trường hợp này, TAND huyện TH đã đánh giá hành vi phạm tội của các bị cáo như vậy là chưa chính xác, bởi vì trong hoàn cảnh này, các bị cáo đã không có mục đích chiếm đoạt tài sản của Lâm, việc lấy chiếc xe đó để nhằm mục đích tẩu thoát, tránh khỏi sự truy đuổi của dân phòng. Do vậy, nếu xét xử các bị cáo ở tội danh này sẽ là không chính xác, bản án sau đó đã bị kháng cáo và bản án phúc thẩm đã thay đổi tội danh cho các bị cáo.
Ở vụ án khác, trong khoảng thời gian từ năm 2018-2019 tại huyện TT, thành phố HN, ông Nguyễn Văn Thành đã nhiều lần vay tiền của bà Vân, tổng cộng 5 lần với tổng số tiền là 2,1 tỷ đồng với mục đích kinh doanh vật liệu xây dựng. Theo thỏa thuận, ông Thành sẽ trả cho bà Vân lãi suất vay là 3% /tháng, đến hết năm 2018, ông Thành sẽ trả lại cho bà Vân toàn bộ gốc và lãi. Tuy nhiên, khi đến hạn thanh toán, do kinh doanh thua lỗ, ông Thành đã không có tiền để trả lại cho bà Vân, sau đó ông Thành khất nợ cho bà Vân bằng cách, đã dùng tài sản của ông là 1 chiếc xe ô tô du lịch và 50m2 đất của ông (những tài sản này đã đem thế chấp để vay tiền tại ngân hàng) để làm hợp đồng chuyển nhượng cho bà Vân và hứa khi nào đủ tiền ông Thành sẽ chuộc lại toàn bộ tài sản trên. Khi bà Vân phát hiện ra số tài sản này đã bị thế chấp tại ngân hàng, bà Vân đã tố cáo hành vi của ông Thành, ông Thành đã bị khởi tố và đưa ra xét xử về tội danh “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Ông Thành làm đơn kháng cáo kêu oan, Luật sư đã nhận định, trong trường hợp này mặc dù ông Thành không thực hiện cam kết trả nợ đúng hạn, có những hành vi gian dối nhất định trong việc khất nợ đối với bà Vân, nhưng các hành vi đó chỉ nhằm mục đích giãn nợ và hoãn trả nợ mà thôi. Quan hệ vay nợ giữa ông Thành và bà Vân chỉ là giao dịch dân sự. Cơ quan tiến hành tố tụng đã hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh doanh, thương mại nên đã gửi văn bản kiến nghị đến tòa cấp phúc thẩm và tòa cấp phúc thẩm đã chấp nhận kháng cáo của ông Thành và hủy bản án sơ thẩm vì không chứng minh được mục đích chiếm đoạt tài sản của ông Thành đối với bà Vân.
Khi nghiên cứu lời khai của bị can, bị cáo Luật sư cũng cần lưu ý là thường mục đích chiếm đoạt tài sản sẽ xuất hiện trước hoặc trong quá trình thực hiện hành vi phạm tội. Trên thực tế vẫn có những trường hợp mục đích chiếm đoạt tài sản lại xuất hiện sau khi bị can, bị cáo thực hiện hành vi phạm tội, tùy theo từng trường hợp hành vi phạm tội sẽ bị khởi tố một tội danh về xâm phạm sở hữu phù hợp. Ví dụ: Có những trường hợp khi thực hiện một hành vi giết người, hiếp dâm, cố ý gây thương tích… người phạm tội mới thấy nạn nhân có tài sản trong người và lấy đi thì ngoài việc người phạm tội phạm vào tội giết người, hiếp dâm, cố ý gây thương tích thì sẽ bị khởi tố thêm tội cướp tài sản.
Hoặc trong một số trường hợp, hành vi của người phạm tội sẽ bị chuyển hóa từ tội này sang tội khác trong cùng nhóm tội, như: từ tội cướp giật tài sản, tội công nhiên chiếm đoạt tài sản, tội trộm cắp tài sản sang tội cướp tài sản. Các trường hợp này có thể xảy ra khi thực hiện hành vi phạm tội, người phạm tội chưa chiếm đoạt được tài sản hoặc đã chiếm đoạt được tài sản, nhưng đã bị người bị hại hoặc người khác giành lại, mà người phạm tội tiếp tục dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc tấn công người bị hại hoặc người khác nhằm chiếm đoạt cho được tài sản, thì trường hợp này không phải là “hành hung để tẩu thoát” mà đã có đầy đủ các dấu hiệu cấu thành tội cướp tài sản. Trong trường hợp này, mục đích chiếm đoạt đã xuất hiện trước khi thực hiện hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc để giữ cho được tài sản khi tẩu thoát. Hoặc đối với hành vi bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật mà sau khi thực hiện hành vi mới có mục đích chiếm đoạt thì sẽ có sự chuyển hóa từ tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật (Điều 157 BLHS năm 2015) sang tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (Điều 169 BLHS năm 2015)…
Đối với một số tội như tội cướp giật tài sản (Điều 171 BLHS năm 2015), tội công nhiên chiếm đoạt tài sản (Điều 172 BLHS năm 2015), tội trộm cắp tài sản (Điều 173 BLHS năm 2015), tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174 BLHS năm 2015) thì việc đánh giá ý thức chiếm đoạt của người phạm tội trong một số trường hợp này phải dựa vào hành vi chiếm đoạt của người phạm tội. Bởi vì trong thực tiễn sẽ khó đánh giá được mục đích chiếm đoạt tài sản của người phạm tội nếu chỉ căn cứ theo lời khai của họ. Thực tế đã có nhiều trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án đã xác định không đúng tội danh của bị can, bị cáo khi xác định ý thức chiếm đoạt của họ.
Ví dụ:
Vụ án xảy ra ngày 14/9/2018 tại quận HC, thành phố ĐN. Nguyễn Chung là chủ thầu xây dựng hệ thống lưới điện cho quận HC, thành phố ĐN, trong quá trình thi công, Chung có thuê lại Đỉnh lắp hệ thống điện cho Ủy ban nhân dân quận HC. Trong khoảng thời gian thực hiện công việc, Đỉnh chưa được trả công nên có yêu cầu Chung cho ứng tiền trước. Do Chung chưa nhận được tiền từ chủ dự án, nên Chung đã không ứng tiền cho Đỉnh được. Khuya ngày 29/10/2018, Đỉnh đã lén đột nhập vào kho của công trình lấy 10 cuộn dây điện có tổng trị giá 30 triệu đồng mang về nhà cất giữ với mục đích bán đi để trừ nợ. Sáng ngày 30/10/2018, Thịnh là thủ kho của công trình đã phát hiện bị mất tài sản là một số cuộn dây điện nên báo cho Chung biết. Sau đó, Chung cùng một số công nhân của công trình tìm hiểu thì đã xác định được Đỉnh lấy các cuộn dây điện trên. Chung đã đề nghị Đỉnh trả lại nhưng Đỉnh không trả mà nói đã lấy để trừ nợ tiền công, sau đó Chung tố cáo với cơ quan công an về sự việc trên.
Trong quá trình xác minh, CQĐT không truy cứu TNHS đối với Đỉnh vì cho rằng Đỉnh đã không có mục đích chiếm đoạt các cuộn dây điện. Việc CQĐT không truy cứu TNHS đối với Đỉnh là chưa chính xác, trong trường hợp này, cần phải truy cứu TNHS đối với Đỉnh về tội trộm cắp tài sản. Bởi vì, tội trộm cắp tài sản không bắt buộc phải chứng minh mục đích chiếm đoạt của người phạm tội, bởi vì hành vi chiếm đoạt và thủ đoạn thực hiện đã phản ánh đầy đủ bản chất cũng như dấu hiệu cơ bản của tội này và là cơ sở để phân biệt tội trộm cắp tài sản với các tội phạm khác. Trong vụ án cụ thể trên, Đỉnh đã có hành vi lén lút chiếm đoạt các cuộn dây điện. Tội phạm đã hoàn thành khi anh Đỉnh mang các cuộn dây điện ra khỏi kho của công trình. Rõ ràng hành vi của Đỉnh là hành vi chiếm đoạt. Việc đánh giá ý thức chiếm đoạt của người phạm tội phải dựa vào hành vi khi thực hiện chứ không phải theo sự thừa nhận của người phạm tội. Hơn nữa, sau khi lấy tài sản anh Đỉnh không hề cho ai biết và khi hành vi đã bị phát hiện thì anh Đỉnh mới cho rằng mục đích lấy tài sản là để trừ nợ vào tiền công cho mình. Hành vi của anh Đỉnh đã đáp ứng tất cả các yếu tố thuộc mặt khách quan của tội trộm cắp tài sản.
Nghiên cứu các kết luận định giá về tài sản:
Trong các vụ án về xâm phạm sở hữu, hậu quả gây ra chủ yếu là những thiệt hại về tài sản. Do vậy, khi nghiên cứu hồ sơ vụ án, trong trường hợp tài sản bị chiếm đoạt không phải là tiền, Luật sư cần phải nghiên cứu kỹ các tài liệu liên quan đến việc định giá tài sản.
Ví dụ:
Trong vụ án cướp tài sản xảy ra tại Công ty K thuộc Khu công nghiệp tỉnh HY. Công ty K đang trong quá trình xây dựng nhà máy tại Khu Công nghiệp tỉnh HY. Do Công ty K đang trong quá trình xây dựng và lắp đặt các thiết bị máy móc, nên tại phía sau nhà máy có một số hộp gỗ và nhựa dùng để bọc các máy móc, thiết bị. Khoảng 20h55 ngày 15/5/2018, Lê Đình Văn đã gọi điện cho Lê Duy Đông cũng ở cùng thôn nói: “Tý anh mang xe ô tô chở cho em một ít củi và đồ phế liệu ở Khu công nghiệp tỉnh HY về bán”. Văn nhờ Đông gọi thêm 1 xe tô tô nữa đến chở, sau đó, Đông đã gọi điện thoại cho Vũ Xuân Vinh để nhờ Vinh chở hàng cho Văn, Vinh đồng ý. Còn Văn gọi thêm một số đối tượng nữa đến cổng nhà máy để giúp đỡ bốc hàng. Cả Đông, Vinh, Văn cùng các đối tượng này đã đi 2 xe ô tô vào trong Công ty K để lấy toàn bộ số hộp gỗ và nhựa trên. Khi bảo vệ giữ lại, Văn và các đối tượng đã dùng hung khí uy hiếp bảo vệ, rồi dùng ô tô để chiếm đoạt số tài sản này, sau đó đi bán đồ phế liệu. Văn và các đối tượng đã bị khởi tố về tội cướp tài sản, toàn bộ số vỏ gỗ và nhựa đã được thu về trả cho Công ty K. Căn cứ vào biên bản định giá tài sản bị cướp ngày 17/6/2018, Hội đồng định giá tài sản căn cứ vào giá trị hóa đơn mua hàng của phía Công ty K để xác định giá trị số tài sản mà Văn và đồng bọn đã cướp là 211 triệu đồng và đã truy tố các đối tượng theo khoản 3 Điều 168 BLHS năm 2015. Luật sư cho rằng, khi Công ty K lắp đặt xong các máy móc, thiết bị thì số hộp nhựa và gỗ này là tài sản của công ty dùng để thanh lý và đã đề nghị giám định lại giá trị thiệt hại của tài sản trên, số tài sản thiệt hại đã được thay đổi theo giá phế liệu và giá trị thiệt hại là 25 triệu đồng.
Nghiên cứu lời khai và biên bản hỏi cung: Trong các vụ án về xâm phạm sở hữu, bị can, bị cáo thường có nhân thân không tốt, nhiều trường hợp đã có tiền án, tiền sự… do vậy trong quá trình điều tra, CQĐT thường hay áp đặt điều tra theo hướng có tội và đôi khi còn dùng các biện pháp bức cung, nhục hình… bắt bị can, bị cáo buộc phải nhận tội trong một số vụ án phức tạp, vụ án không có người làm chứng. Vì vậy khi bị can, bị cáo kêu oan, Luật sư phải nghiên cứu rất kỹ các biên bản hỏi cung, biên bản lấy lời khai.
Nghiên cứu về nhân thân bị can, bị cáo: Khi nghiên cứu các tài liệu về nhân thân bị can, bị cáo Luật sư sẽ hiểu hơn về hoàn cảnh phạm tội, lý do phạm tội của các bị cáo. Với vụ án về xâm phạm sở hữu, có nhiều trường hợp bị can, bị cáo có hoàn cảnh gia đình đặc biệt, là hậu quả của các tệ nạn xã hội, có trường hợp khi phạm tội vẫn còn là vị thành niên… Trong thực tế, có những trẻ em phạm tội trộm cắp tài sản chỉ do hoàn cảnh gia đình, cha mẹ không được hạnh phúc, đẩy các em vào cuộc sống lang thang, cơ nhỡ rồi sinh ra trộm cắp, cướp giật tài sản để kiếm sống; có những trường hợp lại là nạn nhân của các trò chơi trong thời đại công nghệ mới; có những vụ án chỉ do “nghiền” intenet không có tiền trả mà đi cướp để đủ tiền trả internet…
Ví dụ:
Vụ án trộm cắp tài sản xảy ra trên địa bàn quận HM, chị Nguyễn Quỳnh Trang đỗ xe ô tô ở rìa đường để vào cửa hàng thời trang, do chủ quan chưa kéo hết một bên kính, nên bị cáo đã thò tay vào trong xe ô tô lấy trộm chiếc máy tính xách tay để ở hàng ghế sau. Khi nghiên cứu hồ sơ, Luật sư thấy lý do khiến bị can phạm tội bắt nguồn từ những cú sốc tình cảm, bị can bị vợ bỏ, sau đó không lâu mẹ lại qua đời, trong lúc buồn bã không làm chủ được mình, bị can đã sa ngã và nghiện ma túy rồi sinh ra trộm cắp.
Luật sư khi nghiên cứu hồ sơ thì cần phải lưu ý về nhân thân bị can, bị cáo để có thêm căn cứ giảm nhẹ và cảm thông của HĐXX.
Để được tư vấn chi tiết từ luật sư của Luật 3 Chung
Vui lòng liên hệ số hotline 085.200.8585
Hoặc liên hệ qua email: luatsu@luat3chung.vn