Biên bản khám nghiệm hiện trường là một tài liệu pháp lý ghi nhận tình hình thực tế khách quan ở hiện trường và kết quả của công tác khám nghiệm hiện trường.
Các khía cạnh cần làm rõ khi nghiên cứu Biên bản khám nghiệm hiện trường
Luật sư cần nghiên cứu và phân tích về trình tự, thủ tục tiến hành khám nghiệm hiện trường:
– Việc khám nghiệm hiện trường phải được thực hiện theo trình tự, thủ tục luật định, trước khi tiến hành khám nghiệm hiện trường, Điều tra viên phải thông báo cho VKS cùng cấp biết về thời gian, địa điểm tiến hành khám nghiệm để cử Kiểm sát viên thực hành quyền công tố và kiểm sát khám nghiệm hiện trường.
– Kiểm sát viên phải có mặt để kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường.
– Khi khám nghiệm hiện trường phải có người chứng kiến;
– Có thể cho bị can, người bào chữa, bị hại, người làm chứng tham gia và mời người có chuyên môn tham dự việc khám nghiệm.
– Sau khi khám nghiệm hiện trường xong, Điều tra viên, Cán bộ điều tra lập Biên bản khám nghiệm hiện trường và phải đọc biên bản cho người tham gia khám nghiệm hiện trường nghe, giải thích cho họ quyền được bổ sung và nhận xét về biên bản. Ý kiến bổ sung, nhận xét được ghi vào biên bản;
– Trường hợp không chấp nhận bổ sung thì ghi rõ lý do vào biên bản.
– Người tham gia khám nghiệm hiện trường, Điều tra viên, Cán bộ điều tra cùng ký tên vào biên bản.
Theo đó, khi nghiên cứu về trình tự, thủ tục này mà Luật sư phát hiện có nhiều sai sót trong hoạt động, tùy thuộc kết quả phân tích tài liệu này với các tài liệu, chứng cứ khác trong hồ sơ vụ án, Luật sư sẽ cân nhắc và quyết định việc kiến nghị và đề xuất xử lý với trường hợp vi phạm này của cơ quan tiến hành tố tụng.
Luật sư cần chú ý nhiều đến những chi tiết trong biên bản khám nghiệm hiện trường, như:
– Có dấu hiệu tẩy xóa hoặc viết thêm vào biên bản không (Luật sư nhận biết qua màu chữ không đều và không cùng màu mực);
– Có trường hợp nào thành phần khám nghiệm không đầy đủ nhưng được hợp thức hóa cho đúng thủ tục không (việc nhận biết này, đòi hỏi Luật sư cần đọc kỹ nội dung biên bản khám nghiệm hiện trường, bởi lẽ thông thường Kiểm sát viên có mặt phải có nội dung thể hiện yêu cầu điều tra tại hiện trường cũng như ý kiến của Kiểm sát viên trong quá trình khám nghiệm).
Để đánh giá chính xác về trình tự, thủ tục tiến hành khám nghiệm hiện trường, đòi hỏi Luật sư khi xem xét Biên bản khám nghiệm hiện trường cần phải xem xét các yếu tố thuộc về hình thức của Biên bản khám nghiệm hiện trường, như:
Một là, hình thức của Biên bản khám nghiệm hiện trường phải theo mẫu thống nhất do Bộ Công an ban hành.
Hai là, biên bản phải ghi rõ địa điểm, giờ, ngày, tháng, năm tiến hành tố tụng, thời gian bắt đầu và thời gian kết thúc, nội dung của hoạt động khám nghiệm hiện trường, người có thẩm quyền tiến hành khám nghiệm hiện trường, người tham gia hoặc người liên quan đến hoạt động khám nghiệm hiện trường, khiếu nại, yêu cầu hoặc đề nghị của họ.
Ba là, biên bản phải có chữ ký của những người tham gia khám nghiệm hiện trường mà BLTTHS quy định. Những điểm sửa chữa, thêm, bớt, tẩy xóa trong biên bản phải được xác nhận bằng chữ ký của họ.
Trường hợp người tham gia khám nghiệm hiện trường không ký vào biên bản thì người lập biên bản ghi rõ lý do và mời người chứng kiến ký vào biên bản.
Trường hợp người tham gia khám nghiệm hiện trường không biết chữ thì người lập biên bản đọc biên bản cho họ nghe với sự có mặt của người chứng kiến. Biên bản phải có điểm chỉ của người tham gia khám nghiệm hiện trường và chữ ký của người chứng kiến.
Luật sư tuyệt đối phải nắm vững chắc các yêu cầu luật định nói trên về hình thức, trình tự, thủ tục của Biên bản khám nghiệm hiện trường thì mới có thể phân tích, đánh giá được tính pháp lý của loại tài tố tụng này.
Luật sư cần nghiên cứu sâu, phân tích kỹ từng nội dung trong Biên bản khám nghiệm hiện trường, cụ thể:
Một là, Luật sư cần xác định điều quan trọng nhất của một biên bản khám nghiệm hiện trường là phải ghi nhận được vị trí, trạng thái, quang cảnh chung của hiện trường. Theo đó, Luật sư phải đọc kỹ từng nội dung trong biên bản khám nghiệm hiện trường, cũng như những tài liệu liên quan đến công tác khám nghiệm hiện trường, như: có thể hiện rõ mốc định vị hiện trường không. Nếu không có chi tiết này, Luật sư khẳng định hiện trường khám nghiệm không đủ căn cứ xác định là hiện trường liên quan đến vụ án hình sự, theo đó những tài liệu về khám nghiệm hiện trường không có giá trị chứng minh đối với vụ án hình sự đang giải quyết.
Hai là, trong biên bản khám nghiệm hiện trường phải mô tả khái quát toàn cảnh hiện trường; Mô tả tỉ mỉ, chính xác đồ vật, dấu vết trong mối quan hệ giữa chúng ở hiện trường; Tóm tắt quá trình khám nghiệm, phát hiện và thu lượm dấu vết, phải ghi rõ tên, đặc điểm, vị trí và phương pháp thu lượm các loại dấu vết, vật chứng, tài liệu, đồ vật, mẫu vật thu được tại hiện trường; Trong quá trình khám nghiệm hiện trường đã thực hiện việc chụp ảnh, vẽ sơ đồ, đo đạc, dựng mô hình hoặc ghi hình hiện trường như thế nào. Những nội dung nêu trên vô cùng quan trọng, đòi hỏi Luật sư nếu được mời tham dự khám nghiệm hiện trường cần đề nghị CQĐT ghi chi tiết những nội dung trên, nếu không được tham dự, khi nghiên cứu tài liệu này, Luật sư cần đọc và nghiên cứu hết sức cẩn thận, có sự phân tích kỹ tất cả tài liệu đó về cả hình thức lẫn nội dung trong từng tài liệu.
Ví dụ :
Trong quá trình chụp ảnh hiện trường, chụp ảnh dấu vết, vật chứng tại hiện trường, Điều tra viên đã quên không đặt thước tỷ lệ, do đó bản ảnh này không có giá trị chứng minh vì không có căn cứ để xác định tính liên quan của bộ ảnh với hiện trường vụ án.
phương pháp nghiên cứu
Về phương pháp khám nghiệm hiện trường, đây là một nội dung rất đặc biệt, thuộc chuyên môn của Điều tra viên và những người có thẩm quyền tổ chức tiến hành khám nghiệm hiện trường. Do đó, để có thể phân tích, đánh giá được tính chuẩn xác, tính khách quan, đúng đắn của phương pháp khám nghiệm hiện trường đã được áp dụng, đòi hỏi Luật sư cần bổ trợ cho mình kiến thức về lĩnh vực này.
Nếu Luật sư được mời tham dự buổi khám nghiệm, Luật sư cần quan sát, ghi chép tỷ mỉ để nhận định Điều tra viên đã chủ trì tiến hành khám nghiệm bằng phương pháp gì, phương pháp đó có bảo đảm tính khách quan, toàn diện và đầy đủ không. Có nhiều phương pháp khám nghiệm khác nhau, như:
– Phương pháp khám nghiệm hiện trường theo khu vực (phương pháp chia ô);
– Phương pháp khám nghiệm hiện trường dựa vào phương thức gây án đã được nhận định;
– Phương pháp khám nghiệm cuốn chiếu, được áp dụng để khám nghiệm những hiện trường tương đối bằng phẳng, có chiều ngang nhỏ;
– Phương pháp khám nghiệm theo đường thẳng song song thường được áp dụng khi khám nghiệm những hiện trường có địa hình rộng, tương đối bằng phẳng (hiện trường các vụ tai nạn giao thông, cháy, nổ…).
Mỗi hiện trường khác nhau sẽ tổ chức khám nghiệm theo những phương pháp khác. Tuy nhiên, có hiện trường phức tạp, rộng và hiểm trở thì phải chia khu vực và mỗi khu vực tổ chức khám nghiệm bằng phương pháp khác nhau. Mục tiêu là phải toàn diện và đầy đủ, không bỏ qua bất kỳ chi tiết nào.
Vì vậy trong nhiều trường hợp, khi khám nghiệm hiện trường, CQĐT có thể sử dụng kết hợp các phương pháp khám nghiệm hiện trường khác nhau phù hợp với tính chất của sự việc xảy ra, đặc điểm của sự xuất hiện dấu vết, vật chứng trên hiện trường và đặc điểm cấu trúc của hiện trường đó…
Theo đó, Luật sư cần lưu ý để đánh giá xem các phương pháp khám nghiệm hiện trường có được CQĐT áp dụng phù hợp với từng loại hiện trường hay không? Đồng thời cũng cần lưu ý: Các phương pháp khám nghiệm hiện trường phải có mối quan hệ bổ sung, hỗ trợ cho nhau, không loại trừ nhau.
Ví dụ :
Luật sư cần nghiên cứu xem Điều tra viên xác định tiến hành khám nghiệm hiện trường vụ án theo phương pháp nào (phương pháp chia khu vực; phương pháp từ ngoài vào trong; phương pháp xoáy ốc hoặc phương pháp cuốn chiếu…). Đối với Luật sư, cần đọc kỹ xem, dù tiến hành khám nghiệm theo phương pháp nào thì cũng phải bảo đảm được tính đầy đủ, tính toàn diện, tính bao quát toàn bộ hiện trường, không bỏ sót bất cứ chi tiết hoặc vùng nào của hiện trường vụ án.
Luật sư cần lưu ý để đánh giá xem các phương pháp khám nghiệm hiện trường có được CQĐT áp dụng phù hợp với từng loại hiện trường đúng hay không, có thực sự phù hợp không? Đồng thời, cũng cần lưu ý, các phương pháp khám nghiệm hiện trường này có mối quan hệ bổ sung, hỗ trợ cho nhau, không loại trừ nhau. Vì vậy, trong nhiều trường hợp, khi khám nghiệm một hiện trường, CQĐT có thể sử dụng kết hợp các phương pháp khám nghiệm hiện trường khác nhau phù hợp với tính chất của sự việc xảy ra, đặc điểm của sự xuất hiện dấu vết, vật chứng trên hiện trường và đặc điểm cấu trúc của hiện trường đó…
Biên bản khám nghiệm hiện trường phải có phần ý kiến của người tham gia khám nghiệm hiện trường, đồng ý hay không đồng ý với các nội dung được thể hiện trong Biên bản khám nghiệm hiện trường. Nếu không đồng ý thì phải nêu rõ lý do. Luật sư cần đọc kỹ nội dung này, lý giải vì sao một trong những người được tham gia khám nghiệm lại không đồng ý với nội dung được đề cập trong biên bản khám nghiệm, qua đó Luật sư có nhận định và định hướng tiếp tục đi tìm chứng cứ chứng minh về sự thật của vụ án.
Để được tư vấn chi tiết từ luật sư của Luật 3 Chung
Vui lòng liên hệ số hotline 085.200.8585
Hoặc liên hệ qua email: luatsu@luat3chung.vn