Các tài liệu khác liên quan gián tiếp đến nội dung khám nghiệm hiện trường, như:
– Biên bản thu giữ, niêm phong đồ vật, tài liệu tại hiện trường;
– Kết luận giám định về nội dung được phản ánh trong biên bản khám nghiệm hiện trường;
– Các tài liệu khoa học có tính chất tham khảo, luận giải cho các nội dung được phản ánh trong biên bản khám nghiệm hiện trường.
Đối với những vụ án có nhiều đồ vật, tài liệu, dấu vết xuất hiện trên hiện trường mà CQĐT xác định những đồ vật, tài liệu, dấu vết này có thể có liên quan đến một số tình tiết trong vụ án thì ngoài việc Biên bản khám nghiệm hiện trường đã phản ánh sự tồn tại và vị trí của những đồ vật, tài liệu, dấu vết này trên hiện trường thì CQĐT còn phải làm công tác thu giữ vật chứng.
Đối với các Biên bản thu giữ, niêm phong vật chứng này, Luật sư cần phân tích trong mối liên hệ mật thiết với nội dung của Biên bản khám nghiệm hiện trường để xác định xem có khớp nhau về loại vật chứng và đặc điểm của vật chứng hay không? Ngoài ra, khi phân tích độc lập các Biên bản thu giữ, niêm phong vật chứng, Luật sư cũng cần lưu ý các khía cạnh hình thức, trình tự, thủ tục và nội dung của biên bản căn cứ vào các yêu cầu luật định đối với loại Biên bản này.
Đối với những vụ án mà sau khi có biên bản khám nghiệm hiện trường, cơ quan tiến hành tố tụng tiếp tục trưng cầu giám định đối với một số nội dung được phản ánh trong Biên bản khám nghiệm hiện trường (như các vụ án tai nạn giao thông, cần giám định phương tiện gây tai nạn để xem xét dấu vết để lại trên phương tiện tham gia giao thông gây tai nạn, hướng tác động, độ nông sâu, độ rộng của dấu vết; Thu thập camera hành trình của phương tiện trên xe và camera giám sát nơi công cộng để giám định…; Hoặc những vụ hỏa hoạn, cần giám định để xác định nguồn gây cháy…).
Luật sư cần hết sức lưu ý khi phân tích các bản kết luận giám định và kết luận giám định bổ sung (nếu có). Ngoài việc xem xét độc lập về hình thức, trình tự, thủ tục của kết luận giám định, khi xem xét về nội dung của kết luận giám định, Luật sư cần đặt trong mối liên hệ với các tài liệu khám nghiệm hiện trường và các chứng cứ khác trong hồ sơ vụ án. Đặc biệt, trong nhiều trường hợp, Luật sư còn phải tự mình tìm hiểu các nguồn thông tin, tài liệu khoa học đáng tin cậy khác để kiểm chứng các nội dung trong kết luận giám định.
Ví dụ :
Qua nghiên cứu biên bản thu giữ vật chứng vụ án cố ý gây thương tích xảy ra vào ban đêm tại thôn Tân An, xã Hiền Ninh, huyện SS, TP HN với nhiều đối tượng tham gia, Luật sư thấy lời khai của một số đối tượng có mâu thuẫn và có nhiều hung khí thu giữ, trong đó khách hàng H khai rằng mình có mang theo dao nhưng thực tế không sử dụng để đâm anh T. Qua nghiên cứu hồ sơ, tại biên bản tạm giữ đồ vật tại bút lục số 53 đối với con dao thu của N.V.P, Luật sư nhận thấy: Trong biên bản ghi thu giữ gồm: “01 (một) con dao dài 65cm, chuôi bằng gỗ dài 40cm, có đường kính 3cm hình tròn. Phần lưỡi bằng kim loại tối màu dài 25cm, lưỡi dao phần đầu thuôn cong hướng xuống dưới, phần lưỡi cong dài 5cm, bản rộng lưỡi dao chỗ rộng nhất 5cm. Trên phần chuôi gỗ của dao có nhiều vết màu nâu (nghi dấu vết máu) tập trung nhiều phần đầu chuôi dao”.
Tuy nhiên, CQĐT không tiến hành thu giữ vết nghi là máu để trưng cầu giám định xác định ADN xem vết máu đấy có phải là máu của T hay không, bởi lẽ nếu đấy là máu của T thì người sử dụng con dao đâm T không phải là H mà là N.V.P. Vì vậy, khi phát hiện tình tiết này, Luật sư đề nghị CQĐT khẩn trương thu giữ ngay dấu vết máu tại con dao đã thu giữ để tiến hành trưng cầu giám định nhằm xác định chính xác ai là người đã dùng dao đâm anh T để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp khách hàng của mình.
Có những vụ án, bản thân CQĐT cũng đã thu thập các thông tin, tài liệu khoa học có giá trị tham khảo, minh chứng và củng cố thêm cho các nội dung của Kết luận giám định, thì Luật sư cũng không nên ngay lập tức tin tưởng hoàn toàn vào các tài liệu, thông tin này mà phải luôn tự mình kiểm chứng bằng nhiều phương pháp trong khả năng cho phép.
Ví dụ :
Trong vụ án tố cáo hiếp dâm xảy ra tại thôn Đ xã TS huyện K tỉnh H, Điều tra viên đã thu thập rất nhiều tài liệu về lời khai của hai người làm chứng là ông X và ông B, các ông này đều khẳng định là nhìn thấy B.V.K vật lộn, giằng xé, cởi quần dài của H.T.M để thực hiện hành vi hiếp dâm. Cơ quan giám định kết luận đối với H.T.M: “Màng trinh không bị rách, có các vết bầm tím ở đùi, ở bẹn, mông của nạn nhân H.T.M”. CQĐT đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đố với B.V.K về tội hiếp dâm. Tuy nhiên, K vẫn một mực kêu oan, nói rằng không hề thực hiện hành vi hiếp dâm, không có việc giằng xé, cởi quần áo như người làm chứng nói. Qua tìm hiểu và trao đổi với 2 người làm chứng, bằng kinh nghiệm nghề nghiệp và cảm hóa bằng tình cảm cá nhân của mình Luật sư đã tìm ra sự thực trong thời gian xảy ra sự việc, hai ông X, B không có mặt ở địa phương, mà do người nhà của M nhờ khai như vậy vì hai gia đình ở gần nhau có rất nhiều mâu thuẫn từ trước, thực tế đây là vụ đánh lộn giữa K và M nhưng do mâu thuẫn giữa hai bên, nên lợi dụng việc này đã cố tình dựng lên màn tố cáo K hiếp dâm.
Để được tư vấn chi tiết từ luật sư của Luật 3 Chung
Vui lòng liên hệ số hotline 085.200.8585
Hoặc liên hệ qua email: luatsu@luat3chung.vn