Khi phân tích, đánh giá Biên bản khám nghiệm tử thi, các bản ảnh chụp tử thi, Kết luận giám định (KLGĐ) về tử thi, Luật sư cần phân tích được đầy đủ các khía cạnh hình thức pháp lý của các tài liệu, trình tự, thủ tục khám nghiệm tử thi, trình tự, thủ tục thực hiện giám định và các nội dung được ghi nhận, phản ánh trong Biên bản khám nghiệm tử thi, kết luận giám định… Từ đó tiếp tục đánh giá tính hợp pháp, tính khách quan và tính liên quan của các tài liệu này
Biên bản khám nghiệm tử thi và các bản ảnh chụp tử thi:
Thứ nhất, khi nghiên cứu, phân tích các tài liệu liên quan đến công tác khám nghiệm tử thi, đòi hỏi Luật sư cần hết sức chú ý kiểm tra về hình thức của văn bản này. Theo đó, Biên bản khám nghiệm tử thi cũng phải được lập theo mẫu luật định và phải có đủ các yếu tố, nội dung bắt buộc. Luật sư cần xác định:
– Biên bản khám nghiệm tử thi có ghi rõ địa điểm, giờ, ngày, tháng, năm tiến hành khám nghiệm tử thi hay không?
– Thời gian bắt đầu và thời gian kết thúc của cuộc khám nghiệm có được cập nhật chính xác không?
Đây là nội dung hết sức quan trọng, nó thể hiện tính xác thực của một hoạt động được diễn ra và tiến hành. Nếu biên bản không đề cập chi tiết này, Luật sư cần kiến nghị, yêu cầu CQĐT xem xét lại tính hợp pháp của một văn bản quan trọng, theo đó văn bản này không có giá trị chứng minh.
Thứ hai, Luật sư cần nghiên cứu, phân tích kỹ về nội dung của hoạt động khám nghiệm tử thi được phản ánh trong biên bản khám nghiệm tử thi. Trước hết, Luật sư phải nghiên cứu xem thành phần tiến hành có đúng theo quy định của pháp luật không, như: tên người có thẩm quyền tiến hành khám nghiệm tử thi, người tham gia khám nghiệm tử thi hoặc người liên quan đến hoạt động khám nghiệm tử thi, khiếu nại, yêu cầu hoặc đề nghị của họ.
Thứ ba, Luật sư cần kiểm tra kỹ về Biên bản khám nghiệm tử thi, xem biên bản có chữ ký của những người tham gia khám nghiệm tử thi hay không. Những điểm sửa chữa, thêm, bớt, tẩy xóa trong biên bản có được xác nhận bằng chữ ký của những người tiến hành và tham gia khám nghiệm không. Trường hợp người tham gia khám nghiệm tử thi không ký vào biên bản, mặc dù người lập biên bản đã ghi rõ lý do và mời người chứng kiến ký vào biên bản, nhưng Luật sư cần hết sức lưu ý về chi tiết này, lý do vì sao không ký là điều Luật sư cần tìm hiểu thực chất về nó.
Thứ tư, Luật sư cần kiểm tra kỹ về trình tự, thủ tục khám nghiệm, như:
– Việc khám nghiệm tử thi do Giám định viên pháp y tiến hành dưới sự chủ trì của Điều tra viên và phải có người chứng kiến.
– Các thành phần có mặt đầy đủ không? Có thiếu ai không?
– Việc thiếu đó có ảnh hưởng đến tính hợp pháp của văn bản này không?
– Có sự tham gia của Giám định viên kỹ thuật hình sự có thể được mời tham gia khám nghiệm tử thi để phát hiện, thu thập dấu vết phục vụ việc giám định hay không?
Điều này là hết sức quan trọng, bởi nếu người tiến hành không đủ tư cách, không đúng thành phần hoặc người cần phải có mặt không đến thì có nghĩa việc khám nghiệm đã không bảo đảm tính hợp pháp, do đó kết quả khám nghiệm hoàn toàn có thể bị lệch lạc và Luật sư có quyền nghi ngờ về giá trị chứng minh của chứng cứ này.
Trường hợp cần khai quật tử thi thì phải có quyết định của CQĐT và thông báo cho người thân thích của người chết biết trước khi tiến hành. Trường hợp người chết không có hoặc không xác định được người thân thích của họ thì thông báo cho đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi chôn cất tử thi biết.
Để nắm bắt, đánh giá được trình tự, thủ tục khám nghiệm tử thi trên đây, Luật sư cần dựa vào việc phân tích, đánh giá các yếu tố về hình thức của Biên bản khám nghiệm tử thi và kiểm chứng thông qua thủ tục xét hỏi tại phiên tòa.
Thứ năm, nội dung của Biên bản khám nghiệm tử thi phải nhận dạng tử thi, các đặc điểm bên ngoài của tử thi (chiều dài tử thi, quần áo, vật dụng mang theo); Tình trạng tử thi, dấu vết để lại trên tử thi. Đặc biệt, Luật sư cần nghiên cứu kỹ về bộ ảnh chụp tử thi là tài liệu gắn liền với Biên bản khám nghiệm tử thi, Luật sư cần xem xét tính phù hợp giữa các dấu vết thể hiện trên bản ảnh với mô tả dấu vết trong Biên bản khám nghiệm tử thi.
Khi nghiên cứu, phân tích Biên bản khám nghiệm tử thi, Luật sư cần nghiên cứu trong mối quan hệ biện chứng với các tài liệu, chứng cứ khác trong đó quan trọng nhất là các vật chứng được xác định là hung khí gây án và lời khai của các bị can, người làm chứng, người liên quan trong vụ án mà đáng chú ý nhất là các lời khai có giá trị xác định cách thức mà các bị can thực hiện hành vi xâm phạm lên cơ thể nạn nhân. Từ đó, Luật sư có thể đánh giá đặc điểm của hung khí, cách thức thực hiện hành vi của bị can xâm phạm lên cơ thể của nạn nhân có phù hợp với các dấu vết trên tử thi hay không? Nói cách khác, cơ chế hình thành các dấu vết trên cơ thể tử thi như thế nào? Các dấu vết trên tử thi có quan hệ nhân quả với hành vi của bị can hay không? Đây chính là kỹ năng của Luật sư đánh giá tính liên quan của các tài liệu khám nghiệm tử thi.
Kết luận giám định pháp y về tử thi:
Thứ nhất, Kết luận giám định phải được lập theo mẫu được ban hành theo Thông tư số 61/2017/TT-BCA ngày 14/12/2017 của Bộ Công an quy định về biểu mẫu, giấy tờ, sổ sách về điều tra hình sự. Khi nghiên cứu, phân tích, đánh giá về hình thức của Kết luận giám định pháp y, Luật sư cần dựa vào mẫu này để đối chiếu, đánh giá:
– Thời gian, địa điểm tiến hành giám định tử thi;
– Thành phần tiến hành, tham gia giám định tử thi;
– Những người tiến hành giám định, họ có đủ thẩm quyền tiến hành giám định và đủ tiêu chuẩn của giám định viên tư pháp thực hiện giám định hay không? (cụ thể: họ giữ chức vụ gì; thuộc cơ quan, tổ chức giám định nào; số thẻ, ngày tháng năm cấp thẻ, nơi cấp thẻ…);
– Các nội dung cụ thể trong từng phần của kết luận giám định pháp y như thế nào; Có đủ chữ ký của những người tiến hành giám định hay không?
Để đánh giá được tính chất pháp lý của văn bản Kết luận giám định tử thi, Luật sư cần nắm được những yêu cầu luật định về hoạt động giám định tư pháp quy định tại Luật Giám định tư pháp.
Thứ hai, nội dung của KLGĐ pháp y về tử thi phải nêu rõ yêu cầu giám định, các tài liệu, hồ sơ giám định, phương pháp giám định và phần kết luận phải nêu rõ thông tin kết quả giám định, xác định được nguyên nhân chết.
Để đánh giá được tính đúng đắn, khách quan của KLGĐ pháp y về tử thi trong đó quan trọng nhất là kết luận về nguyên nhân chết, là một công việc rất khó bởi đây là chuyên môn pháp y, không phải ai cũng có kiến thức và khả năng để phân tích, đánh giá. Do đó, Luật sư cần phân tích, đánh giá tài liệu này một cách khách quan, toàn diện trong mối quan hệ biện chứng với các tài liệu, chứng cứ khác trong hồ sơ vụ án. Đồng thời, nếu có thể, Luật sư cần tham khảo ý kiến chuyên môn của các chuyên gia trong lĩnh vực pháp y từ nhiều kênh đáng tin cậy khác (có thể từ các tài liệu chuyên khảo của các cơ sở đào tạo y khoa, từ ý kiến của các chuyên gia pháp y thuộc các cơ sở giám định pháp y khác).
Ví dụ:
Vụ án “Cố ý gây thương tích và gây rối trật tự công cộng” xảy ra tại TP. ĐH, tỉnh QB. Luật sư tham gia với vai trò người bảo vệ cho bị hại Trần Hùng C (đã chết). Trong vụ án này, bị hại Trần Hùng C bị các đối tượng là bị can tấn công bằng nhiều hung khí (dao, kiếm, tuýp sắt…) và có nhiều vết thương trên khắp cơ thể. Bị hại Trần Hùng C tử vong trong quá trình cấp cứu. Lúc đầu, các bị can trong vụ án bị khởi tố về tội “Giết người”, tuy nhiên quá trình vụ án bị trả hồ sơ điều tra bổ sung, đã xuất hiện bản Kết luận giám định xác định nguyên nhân chết thì có nội dung kết luận nạn nhân chết do có tiền sử bệnh tim; các thương tích trên người bị hại không đủ gây tử vong đối với người bình thường không có tiền sử bệnh tim. Từ đó, các bị can đã được thay đổi quyết định khởi tố bị can từ “Giết người” sang “Cố ý gây thương tích”.
Luật sư bảo vệ cho bị hại đã nghiên cứu các tài liệu khám nghiệm tử thi, tiếp xúc với gia đình bị hại thì được biết từ khi sinh ra đến khi tử vong, bị hại Trần Hùng C không hề có một triệu chứng, biểu hiện nào của người bị bệnh tim. Đồng thời, căn cứ vào các dấu vết trên tử thi; các bản ảnh chụp tử thi; các tài liệu, chứng cứ khác trong hồ sơ vụ án (lời khai của các bị can, người làm chứng, người liên quan; các hung khí là vật chứng trong vụ án) Luật sư nhận thấy bị hại Trần Hùng C bị nhiều đối tượng cùng một lúc tấn công quyết liệt lên nhiều vùng trọng yếu (đầu, vùng ngực, bụng, đùi) gây ra nhiều thương tích từ vùng đầu (chẩm trái, chẩm phải), gẫy xương sườn, vết chém rách đùi, đứt nhiều ngón tay…Tham khảo ý kiến chuyên môn của một số chuyên gia pháp y tại Trung tâm giám định pháp y Hà Nội về biểu hiện của những người có tiền sử bệnh tim, về hình ảnh của van tim, bản ảnh mổ tim…Từ đó xác định Kết luận giám định pháp y tử thi về nguyên nhân chết của bị hại là do có tiền sử bệnh tim là một kết luận không chính xác. Qua đó, Luật sư bảo vệ cho bị hại sẽ có văn bản kiến nghị hoặc tư vấn cho gia đình bị hại làm đơn kiến nghị gửi đến các cơ quan tiến hành tố tụng, yêu cầu xem xét thấu đáo sự việc, lấy lại sự công bằng cho bị hại và gia đình bị hại, các đối tượng phạm tội phải bị xử lý về tội Giết người mới chính xác.
Bản thân mỗi Luật sư mà tự trang bị, bổ sung cho mình kiến thức về pháp y là điều rất đáng khuyến khích. Có kiến thức chuyên môn về pháp y, về tử thi, đồng thời, tham khảo ý kiến từ các chuyên gia pháp y sẽ giúp Luật sư có được những đánh giá, nhận định đúng đắn khi giải quyết hồ sơ vụ án hình sự về xâm phạm tính mạng, sức khỏe con người.
Để được tư vấn chi tiết từ luật sư của Luật 3 Chung
Vui lòng liên hệ số hotline 085.200.8585
Hoặc liên hệ qua email: luatsu@luat3chung.vn