[TƯ VẤN LUẬT HÌNH SỰ] Kỹ năng phân tích sơ đồ hiện trường

Sơ đồ hiện trường là bản vẽ mô tả hiện trường, dấu vết, vật chứng có ở hiện trường nhằm minh họa và bổ sung cho Biên bản khám nghiệm hiện trường.

Sơ đồ hiện trường bao gồm các loại sau

–  Sơ đồ hiện trường chung;

–  Sơ đồ trung tâm hiện trường;

–  Sơ đồ từng phần hiện trường;

–  Sơ đồ chi tiết về hiện trường.

Phương pháp vẽ sơ đồ bao gồm

–  Vẽ mặt bằng

–  Vẽ mở

–  Vẽ mặt cắt

–  Vẽ phối cảnh.

Mỗi phương pháp vẽ được áp dụng căn cứ vào đặc điểm của từng loại hiện trường, loại sơ đồ và đặc điểm của đối tượng mô tả. Điều này đòi hỏi Luật sư khi phân tích sơ đồ hiện trường phải nắm được, hiểu rõ được các chi tiết mà Điều tra viên, cán bộ điều tra thực hiện việc vẽ và mô phỏng trên sơ đồ; phải nắm được đặc điểm cấu trúc của hiện trường, từ đó hình dung được hiện trường trên thực tế.

Nhìn vào sơ đồ hiện trường, phân tích những điểm ghi chú trên sơ đồ, Luật sư sẽ phát hiện ra những điểm hợp lý, bất hợp lý trong mối liên hệ với các chứng cứ, tài liệu khác. Đôi khi sự phát hiện ra những chi tiết tưởng chừng hết sức nhỏ trên sơ đồ hiện trường, nhưng chi tiết đó lại giúp Luật sư bào chữa/bảo vệ thành công cho khách hàng của mình.

Lưu ý khi phân tích sơ đồ hiện trường

Luật sư phải nghiên cứu xem việc vẽ sơ đồ hiện trường có thực hiện theo đúng mẫu tại Thông tư số 61/2017/TT-BCA ngày 14/12/2017 của Bộ Công an không và việc vẽ sơ đồ hiện trường có thực hiện ngay tại hiện trường như quy định không, thành phần tham dự ký vào biên bản tại hiện trường thế nào? Qua đó, nếu phát hiện ra sai phạm Luật sư sẽ có kiến nghị hợp lý gửi đến các cơ quan tiến hành tố tụng, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích tốt nhất cho khách hàng của mình.

Ví dụ :

Vụ tai nạn giao thông xảy ra vào hồi 20h ngày 13/6/2018 tại km 24+900 quốc lộ 1A thuộc địa phận xã TL, huyện TT, tỉnh HT giữa xe mô tô Wave không biển số, do anh Nguyễn Văn L điều khiển với xe mô tô mang biển kiểm soát 31-K3 23xx do anh Bùi Đăng K điều khiển. Hậu quả cuộc va chạm này, anh K tử vong tại chỗ.

Trong vụ án này, khi nghiên cứu tài liệu về hiện trường vụ án, Luật sư đã phát hiện ra tài liệu về khám nghiệm hiện trường có nhiều sai sót, đặc biệt công tác lập biên bản hiện trường, vẽ sơ đồ hiện trường rất sơ sài, bỏ qua nhiều chi tiết quan trọng, quyết định việc nhận định: ai là người có lỗi trong sự va chạm này, mối quan hệ nhân quả trực tiếp giữa hành vi và hậu quả đó như thế nào…

Cụ thể: CQĐT công an huyện TT khi tổ chức khám nghiệm hiện trường, thu giữ và phát hiện dấu vết đã có nhiều sai sót, như: bỏ qua việc vẽ vào sơ đồ hiện trường biển báo STOP; không chụp ảnh định vị hiện trường gắn với biển STOP; không mô tả vào biên bản khám nghiệm hiện trường vật chứng quan trọng này từ trong đường nhỏ chạy ra, phía đối diện con đường làng là biển báo STOP; đặc biệt không tổ chức thu giữ đầy đủ các vật chứng vương vãi tại hiện trường. Theo đó, Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích cho L đã đưa ra kiến nghị: với những chứng cứ, tài liệu thu thập trong hồ sơ, đặc biệt những chứng cứ, tài liệu phán ánh về hiện trường vụ án, hoàn toàn không đủ căn cứ để xác định được lỗi của Nguyễn Văn L. Với những căn cứ, cơ sở mà Luật sư đưa ra rất thuyết phục, buộc CQĐT phải đình chỉ điều tra vì không đủ cơ sở và chứng cứ chứng minh về tính có lỗi của hành vi trong mối quan hệ với hậu quả xảy ra.

Để được tư vấn chi tiết từ luật sư của Luật 3 Chung

Vui lòng liên hệ số hotline 085.200.8585

Hoặc liên hệ qua email: luatsu@luat3chung.vn

Bài viết liên quan