[TƯ VẤN LUẬT HÌNH SỰ] Kỹ năng tham gia hoạt động điều tra

Kỹ năng tham gia hỏi cung bị can.

Để tham gia vào hoạt động hỏi cung của vụ án về các tội xâm phạm sở hữu, Luật sư cần chú ý những vấn đề sau:

Thứ nhất: Thực hiện các thủ tục để trở thành Luật sư của vụ án. Thủ tục để được cấp văn bản thông báo người bào chữa cũng như những khó khăn mà Luật sư gặp phải trong các vụ án xâm phạm sở hữu giống như các nhóm tội khác. Trong thực tiễn, một số trường hợp Luật sư còn gặp khó khăn trong việc làm thủ tục nhận bào chữa cho bị can, bị cáo.

Thứ hai: Trước khi tham dự buổi hỏi cung, Luật sư cần phải chuẩn bị một số vấn đề cần làm rõ trong nội dung vụ án để trao đổi với Điều tra viên khi lấy lời khai hoặc hỏi cung, như:

–  Động cơ phạm tội; Hung khí, phương tiện phạm tội;

–  Hành vi cụ thể; Hậu quả của hành vi;

–  Mối liên hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả…

Chuẩn bị một số câu hỏi cho khách hàng (nếu Điều tra viên cho phép hỏi) để làm rõ tình tiết giảm nhẹ, thái độ của khách hàng sau vụ việc, vấn đề khắc phục hậu quả… Khi hỏi để làm rõ các vấn đề, đối với bị can trong loại tội danh này, Luật sư nên hỏi bằng những câu hỏi đơn giản, dễ hiểu, không nên hỏi những câu hỏi khó cho việc tư duy và trả lời của bị can. Luật sư cũng cần chuẩn bị lời nhắn nhủ của gia đình trước khi gặp bị can. Ảnh của người thân cho bị can xem tại trại tạm giam…

Nếu được Điều tra viên cho phép hỏi, Luật sư nên hỏi những tình tiết quan trọng và có lợi cho khách hàng, những tình tiết giảm nhẹ như bị can hoặc gia đình đã bồi thường hiệt hại và khắc phục hậu quả cho người bị hại hay chưa. Đây là vấn đề rất quan trọng mà Luật sư nên nhớ khi bào chữa cho các loại vụ án này. Ngoài ra, Luật sư nên trao đổi với bị can về tình tiết thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải. Đây là một tình tiết giảm nhẹ mà các bị can trong vụ án xâm phạm sở hữu thường không được hưởng vì họ hay quanh co, thay đổi lời khai.

Bị can trong các vụ án xâm phạm sở hữu thường là người có trình độ hiểu biết hạn chế về văn bản giấy tờ, nên Luật sư cần chú ý hướng dẫn bị can đọc lại cẩn thận trước khi ký vào các biên bản hỏi cung, cũng như hướng dẫn gạch chéo những phần giấy còn viết để trống.

Sau khi đã kết thúc công việc hỏi cung, Luật sư nên đề nghị Điều tra viên cho Luật sư được làm việc riêng với bị can và có sự giám sát của Điều tra viên. Luật sư có thể đọc thư, lời nhắn nhủ của gia đình bị can. Trước khi đọc, Luật sư cần phải đưa cho Điều tra viên đọc trước để bỏ đi những phần nội dung không được phép đọc cho bị can. Hỏi thăm tình hình sức khỏe, điều kiện ăn, ở của bị can trong trại tạm giam. Luật sư cần quan tâm đến việc khách hàng có bị dụ cung, móm cung không. Trong vụ án xâm phạm sở hữu mà các bị can thường là người ít hiểu biết về pháp luật nên rất dễ bị người khác xúi giục, dụ cung để khai sai, thừa nhận mình thực hiện hành vi phạm tội.

Một trong những điểm mới của BLTTHS năm 2015 so với BLTTHS năm 2003 về hỏi cung bị can là việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh. Khoản 6 Điều 183 BLTTHS năm 2015 quy định: “Việc hỏi  cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở CQĐT, cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra phải được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh. Việc hỏi cung bị can tại địa điểm khác được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh theo yêu cầu của bị can hoặc của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng”.

Ngoài ra, BLTTHS cũng quy định trong quá trình hỏi cung bị can, nếu người bào chữa muốn hỏi khách hàng thì phải được sự đồng ý của Điều tra viên; Sau khi Điều tra viên tiến hành hỏi cung xong, người bào chữa được quyền chủ động hỏi, trao đổi với khách hàng mà không phụ thuộc vào việc đồng ý hay không đồng ý của Điều tra viên (khoản 1 Điều 73 BLTTHS năm 2015). Đồng thời, trước khi tiến hành hỏi cung, Điều tra viên phải thông báo về ngày, giờ cũng như địa điểm tiến hành hỏi cung cho người bào chữa biết để người bào chữa sắp xếp công việc, lên kế hoạch để tham dự hỏi cung. Như vậy, các quy định mới nêu trên đã tạo điều kiện thuận lợi cho Luật sư trong quá trình tham gia hỏi cung bị can nhằm bảo vệ quyền lợi cho họ.

Kỹ năng tham gia một số hoạt động điều tra khác.

Trong vụ án về xâm phạm quyền sở hữu thì các hoạt động điều tra liên quan đến tài sản là rất quan trọng. Luật sư có thể tham gia vào những hoạt động sau:

Tham gia định giá tài sản là tang vật của vụ án. Đối với các tội danh về xâm phạm sở hữu thì vấn đề định giá tài sản là tang vật của vụ án cũng rất quan trọng, căn cứ vào kết quả định giá sẽ xác định được giá trị thiệt hại của người bị hại hay xác định được giá trị tài sản bị chiếm đoạt để làm căn cứ định khung hình phạt. Trong trường hợp này, Luật sư cần phải có đơn đề nghị Điều tra viên cho Luật sư tham gia vào buổi định giá tài sản là tang vật của vụ án.

Hướng dẫn và giúp đỡ bị can về thủ tục xử lý tài sản của bị can để khắc phục hậu quả. Khi bị can đã đồng ý về việc khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại thì Luật sư sẽ phải giúp bị can bán tài sản hoặc giúp bị can làm các thủ tục để trả lại tài sản cho người bị hại.

Ví dụ :

Ở vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại tỉnh QT, trong quá trình tham gia bào chữa cho các bị can Nguyễn Thanh T và Mẫn Thị D tại giai đoạn điều tra, Luật sư đã phân tích về tình tiết giảm nhẹ tại điểm b khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015 cho các bị can nên họ đồng ý bán một phần tài sản của cá nhân. Khi bị can đồng ý thì Luật sư sẽ hướng dẫn cho các bị can viết đơn đề nghị được bán tài sản để nhằm mục đích khắc phục hậu quả ngay tại trại tạm giam. Luật sư mời Công chứng viên vào trại tạm giam để giúp các bị can thực hiện thủ tục ủy quyền cho người thân bán tài sản, công chứng các loại giấy tờ, chuyển tiền vào tài khoản của CQĐT để đảm bảo khắc phục hậu quả cho người bị hại…

Để được tư vấn chi tiết từ luật sư của Luật 3 Chung

Vui lòng liên hệ số hotline 085.200.8585

Hoặc liên hệ qua email: luatsu@luat3chung.vn

Bài viết liên quan