Theo quy định của BLTTHS thì bị hại và người thân của bị hại hoặc các đương sự khác có quyền nhờ Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Tuy nhiên, thực tiễn tố tụng cho thấy khách hàng có nhu cầu cần Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chủ yếu là bị hại hoặc người thân của bị hại.
Chuẩn bị cho buổi tiếp xúc, trao đổi.
Trước khi thực hiện việc tiếp xúc, trao đổi Luật sư cần có sự chuẩn bị, như tìm hiểu thông tin về vụ án, về khách hàng. Đối với khách hàng là bị hại, ngoài những thông tin về nhân thân của họ, cần tìm hiểu họ bị hành vi phạm tội xâm hại đến lợi ích gì, đã gây ra thiệt hại gì, tình trạng thể chất và tinh thần, có mối quan hệ như thế nào với người phạm tội…Trong trường hợp bị hại đã chết hoặc tuy không chết nhưng không thể thực hiện việc tiếp xúc, trao đổi thì Luật sư cần tìm hiểu người tiếp xúc, trao đổi với Luật sư có quan hệ như thế nào với bị hại, có tư cách đại diện hợp pháp cho bị hại để tham gia vụ án hay không. Đây là vấn đề Luật sư cần hết sức lưu ý vì nó không chỉ liên quan đến việc ký kết hợp đồng dịch vụ pháp lý với Luật sư mà còn liên quan đến quyền và nghĩa vụ tố tụng của họ.
Thực hiện việc tiếp xúc, trao đổi.
Thực tiễn cho thấy có nhiều vụ án không gây ra thiệt hại nhưng cũng có rất nhiều vụ án thiệt hại đã xảy ra, như bị hại chết, bị thương tích hoặc bị tổn hại đến sức khỏe, bị xâm hại tình dục… Trong những năm gần đây ở nước ta đã có rất nhiều những vụ án giết người có tính chất dã man, thậm chí mang tính thảm sát, trong đó kẻ phạm tội đã giết nhiều người hoặc giết cả một gia đình, có cả phụ nữ và trẻ em; Hoặc rất nhiều vụ xâm hại tình dục sau đó giết nạn nhân nhằm che giấu hành vi phạm tội. Trong những trường hợp như vậy, việc đầu tiên là Luật sư cần có thái độ chia sẻ, đồng cảm với những tổn hại, mất mát với bị hại hoặc người thân của họ; Đặc biệt lưu ý là trong quá trình tiếp xúc, trao đổi phải khéo léo để tránh làm tổn thương hoặc khơi thêm nỗi đau của họ.
Tuy nhiên, như đã nêu ở phần trên, bị hại trong các vụ án này có trạng thái tâm lý khá phức tạp. Do phải chịu những thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự – trong đó có những thiệt hại, những nỗi đau là không thể khắc phục hoặc bù đắp; Hoặc do sự mâu thuẫn đã có từ trước với người phạm tội… nên bị hại hoặc người thân của bị hại thường có thái độ bức xúc, căm phẫn người phạm tội, muốn họ phải bị trả giá bằng việc phải bị pháp luật trừng trị thật nặng và phải bồi thường hậu quả thật nhiều. Chính vì vậy phía bị hại thường khai báo không trung thực hoặc cung cấp những chứng cứ, tài liệu không khách quan, sai sự thật theo hướng để làm tăng tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội; Hoặc chính người bị hại cũng có lỗi nhưng muốn giấu giếm, đổ lỗi hoàn toàn cho người phạm tội. Trong những trường hợp như vậy, Luật sư cần hết sức khéo léo phân tích, thuyết phục họ khai báo một cách khách quan, trung thực.
Về nội dung trao đổi, Luật sư cần tập trung vào những vấn đề sau:
Trao đổi để làm rõ các tình tiết của vụ án.
Luật sư cần tập trung làm rõ các tình tiết của vụ án, đặc biệt là các tình tiết liên quan trực tiếp đến bị hại và đến thiệt hại của họ. Bên cạnh những vụ án chỉ có một người thực hiện hành vi phạm tội thì có những vụ án đồng phạm, có đông người tham gia và không phải người phạm tội nào cũng có hành vi trực tiếp gây ra thiệt hại cho bị hại. Trong trường hợp này Luật sư cần phải trao đổi với bị hại để làm rõ hành vi nào trực tiếp gây ra thiệt hại, ai là người thực hiện, thực hiện như thế nào… Luật sư cũng cần làm rõ mối quan hệ giữa bị hại với người phạm tội và nguyên nhân của hành vi phạm tội; Ứng xử của người phạm tội sau khi đã gây ra thiệt hại như có hay không việc xin lỗi, khắc phục và bồi thường hậu quả.
Trao đổi để làm rõ về thiệt hại của bị hại.
Thiệt hại của bị hại có thể là về thể chất hoặc tinh thần do hành vi phạm tội trực tiếp gây ra, nhưng cũng có thể bao gồm cả những thiệt hại gián tiếp khác mà bị hại hoặc người thân của họ phải gánh chịu như chi phí cấp cứu và điều trị, chi phí mai táng (trường hợp bị hại chết) hoặc những giảm sút, mất mát về thu nhập… Luật sư cần trao đổi để xác định tất cả các thiệt hại này, đặc biệt là cần yêu cầu phía bị hại cung cấp các nguồn chứng cứ, tài liệu để có cơ sở xác định các thiệt hại.
Bên cạnh những trường hợp ở thời điểm tiếp xúc, trao đổi với bị hại đã có những chứng cứ, tài liệu do cơ quan tiến hành tố tụng thu thập thể hiện thiệt hại của bị hại, như kết quả khám nghiệm tử thi, kết luận giám định pháp y… thì cũng có những trường hợp chưa có những nguồn chứng cứ, tài liệu này. Vì vậy, Luật sư cần hết sức lưu ý trao đổi và yêu cầu bị hại cung cấp ngay các tài liệu để làm cơ sở đề xuất, yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng các biện pháp tố tụng cần thiết.
Ví dụ: bị hại bị người khác cố ý gây thương tích, phải cấp cứu và điều trị tại một cơ sở y tế và dù đã có đơn yêu cầu khởi tố đến cơ quan tiến hành tố tụng nhưng cơ quan này chưa tiến hành khởi tố. Trong trường hợp này Luật sư cần trao đổi, yêu cầu phía bị hại cung cấp các tài liệu thể hiện việc cấp cứu và điều trị tại cơ sở y tế để làm cơ sở đề xuất cơ quan tiến hành tố tụng trưng cầu giám định nhằm xác định thương tích của bị hại.
Tư vấn cho bị hại.
Trên cơ sở những tình tiết của vụ án, những thông tin về mối quan hệ giữa bị hại và người phạm tội, nguyên nhân và động cơ phạm tội, ứng xử của phía người phạm tội sau khi phạm tội và gây ra thiệt hại, thái độ và trạng thái tâm lý của bị hại… Luật sư trao đổi và tư vấn cho phía bị hại về việc Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ, về cách cư xử của họ với người phạm tội, về những việc họ cần phải thực hiện để có thể bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích của mình.
Trong những vấn đề này, Luật sư cần hết sức lưu ý một số vấn đề sau:
Luật sư cần trao đổi, tư vấn để phía bị hại có ứng xử đúng quy định của pháp luật và phù hợp với ứng xử của người phạm tội. Mặc dù phải chịu những thiệt hại, mất mát có khi hết sức nặng nề nhưng phía bị hại vẫn phải có thái độ hợp tác tốt với cơ quan tố tụng, đặc biệt là cần phải khai báo và cung cấp chứng cứ, tài liệu một cách khách quan, trung thực; Có thể khoan dung, tha thứ cho người phạm tội nếu người phạm tội đã hối lỗi và đã khắc phục, bồi thường hậu quả, thay vì sự tức giận, căm thù dẫn đến những hành động thù nghịch, quá khích.
Luật sư cần trao đổi, tư vấn cho bị hại liên quan đến yêu cầu khởi tố nếu vụ án thuộc trường hợp này. Điều đáng lưu ý là Luật sư cần tôn trọng quyền này của phía bị hại. Việc bị hại yêu cầu hay không yêu cầu khởi tố vụ án hoặc đã yêu cầu nhưng muốn rút là do bị hại cân nhắc, quyết định; Luật sư chỉ giải thích pháp luật và tư vấn sao cho bị hại có sự nhận thức đúng đắn, phù hợp và đảm bảo được quyền, lợi ích chính đáng của họ.
Để được tư vấn chi tiết từ luật sư của Luật 3 Chung
Vui lòng liên hệ số hotline 085.200.8585
Hoặc liên hệ qua email: luatsu@luat3chung.vn