Với tư cách là người bào chữa, khách hàng của Luật sư là người bị buộc tội, bao gồm người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo hoặc người thân thích của họ. Người thực hiện các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người có đặc điểm nhân thân rất đa dạng, nhiều người có tiền án hoặc tiền sự, lại thực hiện loại tội phạm có tính nguy hiểm cao cho xã hội nên theo quy định của BLTTHS hiện hành phần lớn bị can, bị cáo bị áp dụng biện pháp ngăn chặn là tạm giam. Do vậy, bên cạnh những khách hàng là người bị buộc tội không bị tạm giam thì khách hàng chủ yếu của Luật sư là người thân thích của người bị buộc tội đó.
Khi tiếp xúc, trao đổi lần đầu với khách hàng, Luật sư cần thực hiện các công việc sau:
Chuẩn bị cho buổi tiếp xúc, trao đổi.
Buổi tiếp xúc, trao đổi của Luật sư với khách hàng có thể được Luật sư hoặc được cơ quan tiến hành tố tụng (trong trường hợp Luật sư gặp bị can, bị cáo ở trại tạm giam) sắp xếp trước về mặt thời gian nhưng cũng có thể đột xuất do khách hàng tự đến gặp Luật sư. Tuy nhiên, trong bất cứ trường hợp nào thì Luật sư cũng nên có sự chuẩn bị tốt cho buổi tiếp xúc, trao đổi. Trong đó, Luật sư cần tìm hiểu các thông tin về vụ án và đặc biệt là phải tìm hiểu các đặc điểm nhân thân nổi bật của người bị buộc tội, như tuổi, nghề nghiệp, trình độ học vấn, hoàn cảnh gia đình, tiền án, tiền sự… Trên cơ sở các thông tin này, Luật sư xác định phương pháp và nội dung tiếp xúc, trao đổi cho phù hợp và đạt hiệu quả.
Ổn định tâm lý, giải thích pháp luật cho khách hàng.
Như đã trình bày ở phần nội dung trên, người thực hiện các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người có trạng thái tâm lý phức tạp, xuất phát từ tính chất đặc thù của nhóm tội phạm này. Trạng thái tâm lý lo sợ bị pháp luật trừng trị nghiêm khắc hay lo sợ bị phía bị hại trả thù, lo sợ bị “ quả báo” hoặc trạng thái ngược lại là không sợ vì coi thường pháp luật, coi thường tính mạng, sức khỏe của người khác hay cho rằng bị hại cũng có lỗi… khiến họ có xu hướng khai báo không trung thực, không hợp tác với cơ quan tiến hành tố tụng và với cả Luật sư. Vì vậy, tùy theo từng trạng thái tâm lý cũng như tùy từng đối tượng cụ thể mà Luật sư có phương pháp phù hợp, có thể mềm dẻo nhưng cũng có thể kiên quyết, rõ ràng để ổn định tâm lý cho khách hàng, trong đó cần giải thích về pháp luật để họ có nhận thức đúng đắn và có cư xử phù hợp. Trong thực tế có những trường hợp dù đã được Luật sư giải thích, thuyết phục nhưng khách hàng vẫn có thái độ coi thường pháp luật, coi thường tính mạng, sức khỏe người khác hoặc không nhận lỗi thì Luật sư có thể từ chối không nhận lời làm người bào chữa cho họ.
Ví dụ :
Ngày 02/12/2018, Nguyễn Văn Tr sinh ngày 20/5/1996, trú tại thôn M, xã N, huyện MN đã dùng dao chém ông Lê Văn C, là hàng xóm của Tr. Khi đang thực hiện hành vi thì Tr bị Công an xã N bắt giữ. Kết quả giám định pháp y cho thấy ông C bị nhiều thương tích ở cẳng tay trái, tỷ lệ tổn thương cơ thể là 21%. Trên cơ sở này, CQĐT Công an huyện MN đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Tr về tội cố ý gây thương tích. Tuy nhiên, Tr không bị tạm giam.
Sau khi bị khởi tố, Tr và vợ đã đến Văn phòng Luật sư Y, do Luật sư Y là Trưởng Văn phòng để nhờ Luật sư Y bào chữa cho Tr. Khi được Luật sư Y yêu cầu trình bày tình tiết sự việc, Tr trình bày rằng lý do Tr chém ông C là vì hai bên gia đình có mâu thuẫn tranh chấp về đất đai, hôm đó ông C đã chửi bới vợ của Tr nên Tr đã lấy dao chém ông C. Tr cho rằng việc chém ông C là đúng vì ông đã có lời lẽ xúc phạm vợ của Tr, hơn nữa nếu không chém ông C trước thì rất có thể ông C sẽ chém Tr hoặc vợ của Tr vì ông này tính khí rất hung hãn. Chính vì vậy nên từ khi xảy ra sự việc Tr và vợ không thăm hỏi cũng không bồi thường cho ông C. Về trình độ học vấn Tr học hết lớp 7 rồi ở nhà làm ruộng, sau đó lấy vợ và sinh được 02 con.
Rõ ràng, do hung hãn nên mặc dù ông C chỉ có hành vi chửi vợ của Tr nhưng Tr đã dùng dao chủ động chém ông C nhiều nhát và do trình độ học vấn thấp, nhận thức hạn chế nên Tr cho rằng việc chém ông C là đúng, lại suy diễn có thể không chém trước thì sẽ bị ông C chém. Thái độ coi thường pháp luật, coi thường tính mạng, sức khỏe của người khác cũng như sự không hối lỗi, không có hành vi bồi thường hay khắc phục hậu quả của Tr sẽ gây bất lợi cho Tr và ảnh hưởng đến hiệu quả của hoạt động bào chữa của Luật sư. Vì vậy, Luật sư cần phải giải thích pháp luật để Tr nhận thức được tính nguy hiểm và trái pháp luật khi Tr có hành vi chém ông C; để Tr cũng thấy được sự nghiêm khắc hoặc khoan hồng của pháp luật phụ thuộc vào việc Tr hối lỗi hay không hối lỗi. Trong trường hợp Tr vẫn không có sự nhận thức đúng và giữ nguyên thái độ thì Luật sư có thể phải từ chối nhận lời làm người bào chữa cho Tr.
Nội dung trao đổi với khách hàng.
Phạm vi những nội dung Luật sư cần trao đổi với khách hàng tùy thuộc vào từng vụ án và tùy thuộc vào thời điểm trao đổi diễn ra vào giai đoạn tố tụng nào của quá trình giải quyết vụ án. Nếu thời điểm Luật sư trao đổi với khách hàng khi vụ án mới được khởi tố hoặc đang trong giai đoạn điều tra thì phạm vi các nội dung cần trao đổi sẽ rộng hơn, trao đổi sẽ kỹ hơn so với thời điểm đã có kết luận điều tra hoặc cáo trạng truy tố, khi đó các chứng cứ, tài liệu đã thu thập được khá đầy đủ nên việc trao đổi sẽ chỉ tập trung vào những nội dung còn chưa rõ ràng hoặc có sự mâu thuẫn. Luật sư cũng cần có phương pháp trao đổi phù hợp tùy thuộc vào từng khách hàng cụ thể, từng trường hợp cụ thể, có thể để khách hàng tự trình bày hoặc khéo léo đặt những câu hỏi gợi mở cho khách hàng trả lời. Tuy nhiên, nhìn chung Luật sư cần trao đổi với bị can, bị cáo hoặc người thân của họ để làm rõ những vấn đề sau:
– Bị can, bị cáo có thực hiện hành vi phạm tội như trong các quyết định khởi tố, truy tố đối với bị can, bị cáo hay không; Nếu bị can, bị cáo cho rằng mình bị oan, tức là không thực hiện hành vi thì phải làm rõ dựa trên cơ sở nào cơ quan tiến hành tố tụng lại cáo buộc bị can, bị cáo thực hiện; Đồng thời bị can, bị cáo dựa trên cơ sở nào để có thể chứng minh mình không thực hiện hành vi;
– Trong trường hợp bị can, bị cáo thừa nhận có thực hiện hành vi phạm tội thì cần phải làm rõ: Cụ thể là đã thực hiện hành vi gì (Ví dụ: Hành vi đâm, chém người khác; Hành vi ôm ấp, sờ mó vào các bộ phận nhạy cảm trên cơ thể của trẻ em; Hành vi chửi bới, cởi bỏ quần áo của người khác trước đám đông…); Hành vi đó được thực hiện như thế nào (công cụ, phương tiện được sử dụng; Thời gian, địa điểm thực hiện…); Hành vi đó đã gây ra hậu quả gì (nạn nhân chết, bị thương tích…); Nguyên nhân thực hiện hành vi (do mâu thuẫn trong gia đình hay trong việc làm ăn chung; do ghen tuông; do nạn nhân có lỗi …); Có những ai khác cùng thực hiện với bị can, bị cáo…
– Diễn biến của vụ án: Hành vi phạm tội bị phát hiện do nạn nhân hoặc người khác tố cáo hay trường hợp phạm tội quả tang; Các hoạt động tố tụng đã được cơ quan tố tụng thực hiện (lấy lời khai; hỏi cung; khám nghiệm; giám định; đối chất; nhận dạng; thực nghiệm…).
– Thái độ và cư xử của bị can, bị cáo (hoặc của người thân) sau khi thực hiện hành vi phạm tội, như: Có khai nhận hay không khai nhận hành vi phạm tội; Có xin lỗi phía bị hại hoặc có bồi thường, khắc phục hậu quả …
Như đã nêu, trước khi tiếp xúc, trao đổi với khách hàng, Luật sư cần có sự chuẩn bị trước, trong đó cần tìm hiểu thông tin về vụ án. Trên cơ sở những thông tin này Luật sư cần có sự thẩm định về sự trung thực, tính chính xác của những nội dung mà khách hàng trình bày với Luật sư, mặc dù sự thẩm định có thể chỉ là bước đầu và cần phải dựa trên cơ sở những chứng cứ, tài liệu được thu thập. Thực tiễn cho thấy có nhiều trường hợp bị can, bị cáo bị khởi tố, truy tố, xét xử oan, sai nhưng cũng có nhiều trường hợp bị can, bị cáo khai báo gian dối, quanh co chối tội.
Đặc biệt, trong giai đoạn đầu của vụ án, khi các chứng cứ chưa được thu thập đầy đủ thì bị can thường khai báo quanh co với hy vọng trốn tránh được tội lỗi hoặc cố gắng đổ lỗi cho nạn nhân… Đối với Luật sư dù là người có vai trò bào chữa cho bị can, bị cáo nhưng bị can, bị cáo không phải lúc nào cũng trình bày sự việc với Luật sư một cách trung thực, nhất là ở những lần tiếp xúc đầu tiên hay ở giai đoạn đầu của vụ án.
Luật sư cũng cần hết sức lưu ý đến những đặc thù của nhóm tội để có những trao đổi sâu, kỹ càng về những vấn đề có tính chất mấu chốt từ đó có cơ sở xác định định hướng bào chữa cho bị can, bị cáo theo hướng không có tội hoặc tội danh nhẹ hơn.
ví dụ:
Chẳng hạn, như ở tình huống nêu trên (Ví dụ 1) khi Nguyễn Văn Tr trình bày lý do Tr chém ông C là do hai bên có mâu thuẫn tranh chấp về đất đai, ông C đã chửi bới vợ của Tr nên Tr đã dùng dao chém ông C. Luật sư cần phải hỏi kỹ ông C chửi như thế nào, trong bao lâu, có cử chỉ gì kèm theo… để xác định có phải ông C đã có hành vi trái pháp luật là xúc phạm nhân phẩm, danh dự của vợ Tr dẫn đến tình trạng Tr bị kích động về tinh thần, không kìm chế được nên đã chém ông C. Nếu có cơ sở để xác định Tr bị kích động mạnh về tinh thần thì trong trường hợp này có thể bào chữa theo hướng Tr không phạm tội, vì theo quy định tại Điều 135 của BLHS năm 2015 thì hành vi cố ý gây thương tích cho người khác trong tình trạng tinh thần bị kích động mạnh chỉ cấu thành tội khi gây tổn hại sức khỏe cho người khác với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% trở lên.
Trên cơ sở những nội dung đã trao đổi với bị can, bị cáo (hoặc người thân thích của họ) thì ngoài những vấn đề chung liên quan đến việc ký kết hợp đồng dịch vụ pháp lý cũng như những vấn đề chung của bất kể vụ án hình sự nào thì Luật sư cần trao đổi và tư vấn cho khách hàng một số vấn đề sau:
– Luật sư cần phân tích, trao đổi để bị can, bị cáo có được sự nhận thức đúng về tình trạng pháp lý của họ;
– Luật sư cần tư vấn cho bị can, bị cáo cách cư xử phù hợp với cơ quan và người tiến hành tố tụng, đặc biệt là với phía bị hại. Trong trường hợp bị can, bị cáo đã thừa nhận hoặc có chứng cứ rõ ràng bị can, bị cáo đã thực hiện hành vi phạm tội và đã gây ra thiệt hại, Luật sư cần thuyết phục bị can, bị cáo (hoặc người thân của họ) phải xin lỗi hoặc bồi thường, khắc phục hậu quả cho phía bị hại. Nếu vì lý do nào đó bị can, bị cáo hoặc người thân không thể đến gặp trực tiếp phía bị hại hoặc phía bị hại từ chối không nhận khoản bồi thường thì Luật sư tư vấn cho họ đến cơ quan tố tụng để nộp khoản bồi thường này.
Để được tư vấn chi tiết từ luật sư của Luật 3 Chung
Vui lòng liên hệ số hotline 085.200.8585
Hoặc liên hệ qua email: luatsu@luat3chung.vn