[TƯ VẤN LHS-XÂM PHẠM QUYỀN SỞ HỮU] Kỹ năng trao đổi với cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng

Trong các vụ án về xâm phạm sở hữu, việc trao đổi giữa Luật sư và Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng cũng giống như các loại vụ án khác, thường sẽ xoay quanh các vấn đề về thủ tục tố tụng, vấn đề về chứng cứ, các vấn đề về thay đổi biện pháp ngăn chặn cho bị can, bị cáo.

Về thủ tục tố tụng:

Khi có căn cứ cần trả hồ sơ để điều tra bổ sung thì Luật sư cần trao đổi, kiến nghị với cơ quan tiến hành tố tụng.

Ví dụ:

Trong vụ án “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại quận H, Vũ Đình Sơn và Hồ Phương Lan có quan hệ tình cảm với nhau. Do Sơn biết và đã từng làm về nghề kinh doanh sửa chữa xe ô tô, nên vào đầu năm 2018, Sơn đã bàn với Lan góp vốn để mở cửa hàng sửa chữa xe ô tô. Lan sẽ đầu tư vốn, còn Sơn sẽ lo trách nhiệm về chuyên môn kỹ thuật và khách hàng, tiền lãi thu được sẽ chia đôi. Theo cáo trạng, từ ngày 17/01/2018 đến ngày 19/10/2018, Lan đã chuyển 6 lần với tổng số tiền là 1,5 tỷ đồng với mục đích để xây dựng cửa hàng sửa chữa xe ô tô. Sơn đã nhận trực tiếp từ Lan 3 lần với tổng số tiền là 1 tỷ đồng. Còn số tiền 500 triệu đồng Lan đã chuyển khoản cho em trai Sơn là Trung theo tài khoản ngân hàng để Trung giao lại cho Sơn. Tổng số tiền Sơn đã nhận là 1,5 tỷ đồng và khi nhận được số tiền này Sơn đã dùng vào việc cá độ bóng đá và thua hết. Từ nguyên nhân này, đến giữa năm 2019, Sơn và Lan mâu thuẫn tình cảm, nên Lan không muốn làm ăn chung với Sơn nữa, Lan yêu cầu Sơn trả lại số tiền đã góp, nhưng Sơn không trả lại tiền cho Lan. Lan đã làm đơn tố cáo Sơn đến CQĐT về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Sơn đã bị khởi tố và bị áp dụng điểm a khoản 4 Điều 175 BLHS về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Sơn kêu oan và chỉ thừa nhận đã nhận từ Lan 1 tỷ đồng. Sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ án, Luật sư nhận thấy, CQĐT đã chưa làm rõ tổng số tiền mà Sơn chiếm đoạt của Lan, chưa tiến hành đối chất giữa Lan và Trung để làm sáng tỏ số tiền 500 triệu đồng Lan chuyển cho Trung là tiền gì. Theo lời khai của Trung thì số tiền 500 triệu đồng Lan chuyển cho Trung là tiền Lan cho Trung vay với lãi suất 6 tháng là 20%, nếu sau này Trung không trả được thì Sơn sẽ trả cho Lan. Ngoài ra, CQĐT cũng chưa làm rõ căn cứ là số tiền Lan chuyển cho Sơn là để hùn vốn làm ăn hay là tiền vay cá nhân… Luật sư soạn thảo văn bản kiến nghị trả hồ sơ để điều tra bổ sung làm rõ các vấn đề trên.

Về chứng cứ của vụ án:

Trong quá trình nghiên cứu hồ sơ, tài liệu của vụ án, Luật sư nhận thấy có những tình tiết có lợi mà cơ quan tiến hành tố tụng chưa xem xét để đánh giá một cách khách quan, toàn diện theo hướng có lợi cho bị can, bị cáo, hoặc trong một số trường hợp Luật sư thấy cần bổ sung những chứng cứ, tình tiết có lợi cho bị can, bị cáo thì Luật sư sẽ chủ động trao đổi với cơ quan tiến hành tố tụng để điều tra bổ sung nhằm làm rõ sự thật khách quan của vụ án.

Ví dụ:

Trong vụ án “Cướp tài sản” xảy ra tại quận C, Nguyễn Văn Tr đã được thuê thi công công trình xây dựng trường mầm non ở xã X. Trong quá trình thi công, anh Tr đã trực tiếp thi công một phần công trình, phần còn lại anh Tr đã thuê Quản Trung M thi công. Trong quá trình thi công, Tr đã trả cho M một phần tiền thi công là 17.200.000 đồng, phần còn lại hai bên tính toán sau khi quyết toán công trình Tr sẽ trả nốt cho M là 13.900.000 đồng. Nhưng sau khi Tr đã quyết toán công trình thì không những không trả phần tiền còn lại cho M mà còn nói rằng đã hết trách nhiệm và M phải tự đến chủ đầu tư để chủ đầu tư thanh toán. Khi M đến gặp chủ đầu tư thì chủ đầu tư không thanh toán mà nói phải gọi Tr đến để giải quyết nợ nần. M đã về và yêu cầu gặp Tr nhiều lần nhưng không được. Sau nhiều lần đòi tiền Tr không trả, nên vào ngày 14/8/2018 M đã gọi em họ là Quản Trung N và vợ là Đỗ Thị H đến tìm gặp Tr để giải quyết nợ nần. Khi gặp Tr, M yêu cầu Tr phải thanh toán nốt tiền công cho M nhưng Tr vẫn nói là không có trách nhiệm thanh toán vì Tr đã bàn giao cho chủ đầu tư trả tiền cho M rồi. Do bức xúc M và N đã đấm vào mặt Tr và yêu cầu Tr về lán xây dựng của M đang thi công (gần một trường đại học trên quận C) để yêu cầu Tr viết giấy nhận nợ là 13.900.000 đồng và viết giấy để lại xe, chứng minh nhân dân cho M, khi nào có tiền trả thì sẽ trả lại xe máy và chứng minh nhân dân. Đến ngày 21/8/2018, Tr đã đến Công an quận C để trình báo toàn bộ sự việc trên. Sau quá trình xác minh, điều tra, Công an quận C đã xác định Quản Trung M và Quản Trung N phạm tội cướp tài sản theo quy định tại khoản 1 Điều 168 BLHS. Luật sư đã có văn bản kiến nghị gửi Tòa án đề nghị bổ sung tình tiết có lợi cho các bị cáo là tình tiết về nguyên nhân dẫn đến các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội, cụ thể trong trường hợp này nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội bắt nguồn do lỗi của người bị hại, do Tr đã không thanh toán sòng phẳng tiền công xây dựng cho M. Ngoài ra, khi tiếp cận người bị hại, Luật sư đã phân tích cho Tr về tình cảm, cả Tr và M cùng làm xây dựng, lại cùng quê nên Tr đã đồng ý viết đơn xin giảm nhẹ cho các bị cáo.

Về việc thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn:

Trong các vụ án xâm phạm về sở hữu thì vấn đề thay đổi biện pháp ngăn chặn đối với các bị can cũng luôn được đặt ra. Bởi vì, nhiều tội trong nhóm tội danh xâm phạm sở hữu như tội cướp giật, trộm cắp, cưỡng đoạt tài sản… thì số tài sản thường không lớn. Khi có Luật sư tham gia bào chữa cho các bị can, bị cáo thì gia đình bị can, bị cáo cũng rất mong muốn Luật sư tìm cách để giúp người thân của họ được tại ngoại. Luật sư phải xem xét tính chất mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội của bị can, bị cáo, giá trị tài sản bị chiếm đoạt thế nào để có thể cùng bị can, bị cáo đề nghị cơ quan tiến hành tố tụng xem xét thay đổi biện pháp ngăn chặn. Thông thường để được xem xét thay đổi biện pháp ngăn chặn sau khi vụ án đã kết thúc quá trình điều tra và bị can, bị cáo đã thành khẩn khai báo, có nơi cư trú rõ ràng nhằm bảo đảm sự có mặt của họ theo giấy triệu tập của cơ quan tiến hành tố tụng.

Về việc định giá tài sản:

Đây là điểm rất quan trọng đối với loại án về xâm phạm sở hữu, mà trong quá trình định giá tài sản sẽ có những chỗ còn chưa chính xác, do vậy Luật sư cần đề nghị CQĐT xem  xét, giám định lại kết luận giám định như ví dụ về vụ “Cướp tài sản” xảy ra tại Công ty K đã nêu ở ví dụ 6.

Kỹ năng trao đổi với các cơ quan, tổ chức khác:

Ngoài việc trao đổi với cơ quan tiến hành tố tụng, trong quá trình giải quyết vụ án, Luật sư còn phải trao đổi với các cơ quan, tổ chức khác liên quan để làm rõ hơn các tình tiết khách quan của vụ án, cơ quan công luận để có thể thông tin kịp thời các vấn đề của vụ án lên công luận trong những trường hợp xét thấy có dấu hiệu oan sai, vi phạm tố tụng…; hoặc trong một số trường hợp đối với bị can, bị cáo có hoàn cảnh nhân thân đặc biệt, Luật sư cần phải đến làm việc với chính quyền địa phương để xin xác nhận về nhân thân có lợi cho bị can, bị cáo…

Ví dụ:

Trong vụ án “cướp tài sản” xảy ra tại Công ty K thuộc Khu công nghiệp tỉnh HY. Công ty K đang trong quá trình xây dựng nhà máy tại Khu Công nghiệp tỉnh HY. Do Công ty K đang trong quá trình xây dựng và lắp đặt các thiết bị máy móc, nên tại phía sau nhà máy có một số hộp gỗ và nhựa dùng để bọc các máy móc, thiết bị. Khoảng 20h55 ngày 15/5/2018, Lê Đình Văn đã gọi điện cho Lê Duy Đông cũng ở cùng thôn nói: “Tý anh mang xe ô tô chở cho em một ít củi và đồ phế liệu ở Khu công nghiệp tỉnh HY về bán”. Văn nhờ Đông gọi thêm 1 xe tô tô nữa đến chở, sau đó, Đông đã gọi điện thoại cho Vũ Xuân Vinh để nhờ Vinh chở hàng cho Văn, Vinh đồng ý. Còn Văn gọi thêm một số đối tượng nữa đến cổng nhà máy để giúp đỡ bốc hàng. Cả Đông, Vinh, Văn cùng các đối tượng này đã đi 2 xe ô tô vào trong Công ty K để lấy toàn bộ số hộp gỗ và nhựa trên. Khi bảo vệ giữ lại, Văn và các đối tượng đã dùng hung khí uy hiếp bảo vệ, rồi dùng ô tô để chiếm đoạt số tài sản này, sau đó đi bán đồ phế liệu. Văn và các đối tượng đã bị khởi tố về tội cướp tài sản, toàn bộ số vỏ gỗ và nhựa đã được thu về trả cho Công ty K.

Căn cứ vào biên bản định giá tài sản bị cướp ngày 17/6/2018, Hội đồng định giá tài sản căn cứ vào giá trị hóa đơn mua hàng của phía Công ty K để xác định giá trị số tài sản mà Văn và đồng bọn đã cướp là 211 triệu đồng và đã truy tố các đối tượng theo khoản 3 Điều 168 BLHS. Trong trường hợp này, Luật sư cần trao đổi và đề nghị với cơ quan định giá tài sản để đề nghị về cách xác định giá trị thiệt hại. Với tang vật của vụ án là số gỗ và nhựa, đây là các vỏ bọc bảo vệ các bộ phận máy móc, sau khi đã lấy các bộ phận máy ra để lắp vào dây chuyền công nghệ thì các vỏ này đương nhiên sẽ không còn giá trị là các sản phẩm mới và đã được chuyển đến bãi thanh lý của nhà máy, nên việc cơ quan định giá căn cứ vào các hóa đơn mua hàng để định giá là không chính chính xác, mà phải định giá theo giá trị phế liệu của thị trường. Sau khi tiến hành giám định lại giá trị thiệt hại của tài sản trên, số tài sản thiệt hại đã được thay đổi theo giá phế liệu và giá trị thiệt hại đã giảm xuống là 25 triệu đồng. Với giá trị thiệt hại như vậy, thì các bị can đã được chuyển từ khoản 3 xuống khoản 1 Điều 168 BLHS năm 2015.

Ví dụ :

Trong vụ án “Cướp tài sản” tài sản xảy ra tại quận ĐĐ, TP HN: Khoảng 15h30 ngày 19/12/2018, Nguyễn Khánh Linh (sinh ngày 16/4/2000; ĐKNKTT: Số 8, ngõ 28, BĐ, HN) đến số nhà 98, ngõ VC, ĐĐ, HN để gội đầu và đây cũng là nhà của Nguyễn Minh Hiếu (sinh ngày 08/7/2002 – Hiếu là người yêu của Linh). Sau khi Linh đến và có gặp Hiếu, Hiếu đã rủ Linh lên tầng 2 ngồi nói chuyện. Trong lúc nói chuyện Hiếu có hỏi vay tiền của Linh, nhưng Linh trả lời không có và không tin Hiếu hết tiền, nên Linh có kiểm tra người Hiếu và thấy đúng là Hiếu không có tiền để trong người. Quá trình nói chuyện Linh có thò tay vào túi áo khoác đang mặc để lấy chiếc cặp tóc và làm rơi số tiền 460.000 đồng (gồm 01 tờ mệnh giá 200.000 đồng, 02 tờ mệnh giá 100.000 đồng, một tờ mệnh giá 50.000 đồng, 1 tờ mệnh giá 10.000 đồng). Khi nhìn thấy tiền rơi ra, Hiếu đã nhặt và đút vào túi quần của mình, ngay lập tức Linh đã nói Hiếu trả lại nhưng Hiếu không trả và bảo “tao lấy cho mày chừa cái tội găm tiền”. Sau đó Hiếu đi lên tầng 3 và đưa số tiền này cho bà nội nhờ cầm hộ rồi quay xuống tầng 2 bảo với Linh “tiền tao đưa cho bà nội đánh lô hết rồi” và bảo Linh đi về. Sau đó Linh xuống tầng 1 để gội đầu, còn Hiếu quay lên tầng 3 gặp bà nội lấy lại số tiền đã gửi rồi đi xuống tầng 1 đứng trước mặt Linh chải đầu. Lúc này Linh phát hiện thấy túi quần phía sau của Hiếu có vết hằn của tiền nên đã thò tay vào lấy tiền ra, thấy số tiền 460.000 đồng có những mệnh giá như trên nên có hỏi Hiếu là tại sao tiền của Linh lại ở trong túi Hiếu, Hiếu không trả lời mà liền dùng hai tay túm lấy tay Linh giật tiền ra nhưng không được, rồi Hiếu liền dùng miệng cắn vào tay Linh nhiều nhát, Linh vẫn giữ chặt, Hiếu tiếp tục dùng hai tay túm tóc Linh để ghì đầu xuống và giật lấy toàn bộ số tiền trên. Ngay sau đó chạy đi và dùng hết số tiền đó chơi điện tử.

Khoảng gần một tháng sau, Linh đã làm đơn trình báo cơ quan công an phường VC, quận ĐĐ về hành vi của Hiếu. Tại cơ quan điều tra Hiếu đã khai nhận hành vi phạm tội của mình như đã nêu ở trên, VKS nhân dân quận ĐĐ đã ra bản cáo trạng truy tố Hiếu ra TAND quận ĐĐ để xét xử bị can Hiếu về tội Cướp tài sản theo quy định tại khoản 1 Điều 168 BLHS năm 2015. Trong quá trình bào chữa cho Hiếu, Luật sư nhận thấy, trong vụ án này, khi phạm tội, Hiếu mới 16 tuổi 5 tháng 11 ngày, Hiếu có hoàn cảnh hết sức đặc biệt, bố mẹ Hiếu đã ly hôn từ khi Hiếu còn nhỏ và mỗi người đã có gia đình riêng, Hiếu phải ở với bà nội đã già và không có thu nhập ổn định nên cuộc sống hai bà cháu hết sức vất vả, nguồn thu nhập chính của 2 bà cháu là cho thuê tầng 1 để làm quán cắt tóc gội đầu lấy tiền sinh sống, Hiếu không được đến trường như các bạn đến lớp 8 Hiếu phải nghỉ học, lời khai của Hiếu hết sức ngây ngô và trẻ con “Chỉ muốn có tiền để 1 lần được chơi điện tử như các bạn” và số tiền chiếm đoạt không lớn… Do vậy trong trường hợp này để bảo vệ tốt nhất các quyền và lợi ích hợp pháp cho Hiếu, Luật sư cần phải tiến hành tiếp xúc, trao đổi với UBND quận ĐĐ, với Hội liên hiệp phụ nữ quận ĐĐ, Hội bảo vệ quyền trẻ em quận ĐĐ để đề nghị các Cơ quan trên xác nhận về hoàn cảnh nhân thân đặc biệt của Hiếu và có văn bản đề nghị gửi đến TAND quận ĐĐ xem xét không áp dụng các quy định quá nghiêm khắc đối với Hiếu để cách ly bị cáo Hiếu ra khỏi đời sống xã hội, mà xem xét giáo dục, cải tạo bị cáo tại địa phương như vậy sẽ có hiệu quả cao trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Để được tư vấn chi tiết từ luật sư của Luật 3 Chung

Vui lòng liên hệ số hotline 085.200.8585

Hoặc liên hệ qua email: luatsu@luat3chung.vn

Bài viết liên quan