Đối với các vụ án xâm phạm tính mạng, đa phần các vụ án khách hàng bị khởi tố (khởi tố bị can) đồng thời với khởi tố vụ án, trừ các trường hợp giết người chưa rõ thủ phạm. Việc khởi tố, điều tra, truy tố, đưa vụ án ra xét xử thông thường được các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện rất thận trọng, chặt chẽ (do án giết người là trọng án, có nhiều vụ được nâng lên thành án điểm). CQĐT căn cứ vào kết quả khám nghiệm, kết quả giám định và các tài liệu điều tra ban đầu để xác định chắc chắn có dấu hiệu của tội phạm và người phạm tội, từ đó khởi tố vụ án. VKS cũng phải kiểm sát chặt chẽ về mặt nội dung và tính hợp pháp của các hoạt động điều tra mới phê chuẩn quyết định khởi tố bị can Tòa án cũng phải nghiên cứu kỹ kết luận điều tra, cáo trạng và các tài liệu trong hồ sơ để quyết định đưa vụ án ra xét xử.
Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra đối với Luật sư trong quá trình điều tra loại án này là CQĐT, VKS, Tòa án có quan điểm như thế nào về tội danh áp dụng đối với hành vi của khách hàng. Hậu quả của các tội phạm có thể đều cùng là chết người nhưng các đặc trưng pháp lý cơ bản lại khác nhau như:
– Giết người;
– Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh;
– Giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng;
– Làm chết người trong khi thi hành công vụ;
– Cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người.
Luật sư cần nắm các thông tin để kịp thời đề xuất Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán về thu thập đồ vật, tài liệu về khả năng thay đổi tội danh của bị can theo hướng có lợi cho khách hàng. Trong trường hợp bị can bị truy tố về tội giết người, hậu quả chết người xảy ra mà theo cơ quan tiến hành tố tụng nguyên nhân dẫn tới cái chết là hành vi tấn công của bị can nhưng bị can không có mâu thuẫn với bị hại, động cơ gây án không rõ, nạn nhân không được cấp cứu kịp thời…Luật sư cần nghĩ đến khả năng việc khởi tố bị can về tội giết người là khiên cưỡng mà có thể chỉ là tội danh nhẹ hơn (cố ý gây thương tích).
Với hai vấn đề pháp lý mấu chốt cần làm rõ là:
(i) bị can có cố ý về hành vi nhưng vô ý về hậu quả hay không
(ii) mối quan hệ nhân quả giữa hành vi của bị can và hậu quả chết người.
Luật sư cần đề xuất lấy lời khai của những người biết về mối quan hệ bị can với người bị hại, về hành vi tấn công của bị can, về quá trình cứu chữa, điều trị cho người bị hại, yêu cầu trưng cầu giám định, giải thích giám định để có kết luận rõ về nguyên nhân chết của người bị hại.
Ví dụ:
Vụ án giết người xảy ra ngày 02/02/2018 tại xã T, huyện LG, tỉnh BG có nội dung: Khoảng 13h Vũ Văn Đ, Vũ Văn Ngh, Vũ Văn H, Nguyễn Văn Th ở thôn T, xã T – LG. Khi đi Ngh đem theo một ống tuýp inox dài khoảng 50cm, đường kính 2,5cm. Đ được Vũ Văn H đưa cho kiếm được đựng trong ống tuýp sắt màu đen có tổng chiều dài là 50cm. Thân kiếm dài 46cm cả chuôi, lưỡi kiếm dài 31,7cm màu trắng mũi nhọn, bản rộng 1,9cm (còn gọi là kiếm ống), Đ cài vào bụng trùm áo khoác lên.
Khoảng 16h cùng ngày thì Đ cùng Ngh và H đi bộ trên đường liên thôn T, xã T thì Đ bị T dùng bản dao đập nhẹ một nhát vào vùng gáy rồi bỏ đi. Đ cùng Ngh và H đi theo T, khi gặp T đã đấm một nhát vào mặt Đ, Đ rút kiếm đâm một nhát vào mặt trong đùi phải của T, Ngh dùng tuýp bằng inox đập một nhát vào vùng sau gáy T, T chạy xuống ruộng thì bị Ngh dùng tuýp ống vụt nhát thứ hai trượt vào vai phải. T chạy được 2-3 bước thì bị ngã, Đ cầm kiếm đuổi theo đâm T một nhát nữa trúng vào mặt ngoài đùi phải. Lúc này T chạy lên bờ và bỏ chạy về phía nhà chị H, Đ và Ngh có đuổi theo T khoảng 10m thấy T chạy nhanh và trèo lên bức tường rào, Đ và Ngh không đuổi theo nữa. T vào nhà chị H băng bó vết thương, khoảng gần 1 tiếng sau chị H mới gọi người đưa T đi cấp cứu. Hậu quả Đoàn Văn T bị chết lúc 17h15 cùng ngày do sốc mất máu do vết thương đùi phải, đứt động mạch đùi phải. Cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh BG đề nghị VKS truy tố Vũ Văn Đ, Vũ Văn Ngh tội giết người theo khoản 2 Điều 123 BLHS năm 2015.
Sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ án, Luật sư bào chữa cho Đ và Ngh thấy không có chứng cứ xác định Đ, Ngh có ý thức tước đoạt sinh mạng của T, việc T chết nằm ngoài mong muốn của Đ, Ngh, CQĐT đề nghị VKS truy tố Đ, Ngh về tội giết người là thiếu căn cứ, Luật sư làm văn bản gửi đến VKSND tỉnh BG đề nghị xem xét lại tội danh giết người. Văn bản đề nghị của Luật sư như sau:
Trước hết tôi xin trân trọng cảm ơn sự tạo điều kiện của Quý VKS giúp tôi thực hiện nhiệm vụ của người bào chữa.
Qua việc nghiên cứu hồ sơ vụ án, kết luận điều tra, đánh giá các chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, tôi nhận thấy việc CQĐT đề nghị VKS truy tố Vũ Văn Đ, Vũ Văn Ngh tội giết người theo khoản 2 Điều 123 BLHS năm 2015 là không có căn cứ vì Đ và Ngh không có ý thức tước đoạt sinh mạng của T, không có động cơ giết người. Điều này được thể hiện:
– Đ và Ngh không quen biết, không có mâu thuẫn, thù oán gì với bị hại nên không có động cơ giết bị hại.
– Nguyên nhân xô xát dẫn đến hành vi phạm tội do bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của người bị hại gây Vì thế các bị cáo mới có hành vi đánh trả.
– Sự việc xảy ra vào khoảng thời gian 16h chiều, trời nắng, khoảng cách giữa Đ và T lúc Đ dùng dao đâm T chỉ 1 mét nên Đ hoàn toàn nhìn rõ vị trí cần đâm trên cơ thể T là cái chân phải. Nếu Đ có ý thức tước đoạt sinh mạng của T thì đã lựa chọn vị trí hiểm yếu trên cơ thể chứ không thể lựa chọn vị trí là chân được.
– Sau khi bị đâm vào chân, T bị thương nhưng vẫn còn chạy về nhà, mặc dù Đ và Ngh hoàn toàn có thể đuổi kịp và đâm tiếp nếu muốn tước đoạt sinh mạng T nhưng các bị cáo đã chủ động dừng lại không đuổi nữa. Việc dừng lại không đuổi tiếp chứng tỏ Đ và Ngh đã thỏa mãn với việc gây thương tích cho T vì T đã vô cớ đánh bị cáo Đ trước.
Từ các chứng cứ trên thể hiện các bị cáo chỉ có ý thức gây thương tích cho bị hại trong lúc tinh thần bị kích động do hành vi trái pháp luật của bị hại gây ra mà không có ý thức giết người.
Vì vậy, đề nghị quý VKS xác định hành vi của các bị can chỉ phạm tội cố ý gây thương tích, không phạm tội giết người như đề nghị của CQĐT.
Một khía cạnh khác của việc đề xuất định tội danh hoặc thay đổi kết quả định tội danh trong vụ án đồng phạm, Luật sư không nên cứng nhắc hiểu khách hàng của mình khi là “đồng bọn” với các bị can, bị cáo khác thì cũng có nghĩa là đồng phạm giết người mà có thể chỉ là gây rối trật tự công cộng, không che giấu tội phạm hoặc không tố giác tội phạm. Do đó, phải xem xét khả năng khách hàng bị định tội danh sai theo hướng xác định sai vai trò để có đề xuất điều chỉnh kịp thời. Đề xuất điều chỉnh kịp thời ở đây còn đặt ra đối với các biện pháp ngăn chặn đang áp dụng cho khách hàng. Bởi lẽ khi quyết định áp dụng biện pháp ngăn chặn thì cơ quan tiến hành tố tụng chủ yếu lựa chọn biện pháp ngăn chặn tạm giam (vì tính chất đặc biệt nghiêm trọng của tội danh và do nhân thân bị can) nhưng dù tạm giam, cấm đi khỏi nơi cư trú hay các biện pháp ngăn chặn khác cũng còn phải được đánh giá trên cơ sở phân loại, xử lý vai trò của từng bị can. Luật sư lưu ý hết hạn tạm giữ mà không đủ chứng cứ khởi tố bị can thì đề xuất trả tự do cho khách hàng, tránh gia hạn tạm giữ hoặc tạm giam theo kiểu “để yên tâm”, rất bất lợi cho khách hàng.
Ví dụ:
Luật sư bào chữa cho Vũ Văn Ngh trong vụ án giết người ở tỉnh BG có thể đề nghị cho Ngh được thay đổi biện pháp ngăn chặn tạm giam với lý do khi phạm tội Ngh mới 17 tuổi 6 tháng, ở chung với bố mẹ tại thôn SL, xã DĐ, LG, BG. Gia đình Ngh luôn chấp hành tốt chính sách của Đảng và Nhà nước và có thu nhập ổn định. Hiện nay, Ngh đang học phổ thông trung học và đã nghỉ học 3 tháng.
Nguyện vọng của bố mẹ Ngh mong muốn Ngh không bị gián đoạn học tập nên đã làm đơn cam đoan nhận bảo lĩnh cho Ngh.
Căn cứ khoản 2 Điều 125 BLTTHS năm 2015, đề nghị Quý VKS xem xét giải quyết cho bị can Vũ Văn Ngh được tại ngoại, thay thế biện pháp tạm giam bằng biện pháp bảo lĩnh.
Đối với các vụ án xâm phạm sức khỏe, việc khởi tố vụ án phải dựa vào kết quả kết luận giám định thương tích ban đầu, tỷ lệ thương tật, phương tiện, công cụ sử dụng để gây thương tích vì đây là những tình tiết quyết định cấu thành cơ bản hoặc cấu thành tăng nặng của tội phạm. Đợi để đưa người bị hại đi giám định là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn tới vụ án thường được khởi tố rất chậm. Tuy nhiên, lại có trường hợp sau khi có kết luận giám định, đã có đủ căn cứ nhưng CQĐT do quá nhiều án đang thụ lý hoặc một nguyên nhân khác để lấy lý do nhằm “tiếp tục điều tra” mà không khởi tố. Thực tế còn có trường hợp, CQĐT “để” các bên tự giải quyết, người bị hại muốn khởi tố nhưng lại được khuyên nên “hòa giải”. Vì vậy, nếu bảo vệ cho người bị hại, Luật sư phải rất chú ý “đeo bám”, đề xuất yêu cầu CQĐT khởi tố vụ án, tránh cho vụ án bị “chìm xuồng”, gây thiệt hại cho người bị hại.
Ngoài ra, trong các vụ án về các tội phạm liên quan đến tình dục, một số nơi không tiến hành các biện pháp điều tra ban đầu hoặc không cho người bị hại đi giám định. Các dấu vết sinh học trong loại án này rất dễ bị mất đi do cả yếu tố chủ quan (bị hại muốn tắm rửa, vứt bỏ quần áo, các đồ vật gợi lại sự việc) và yếu tố khách quan (sự tự bình phục của cơ thể, điều kiện tự nhiên của môi trường bên ngoài…), do đó, Luật sư cần yêu cầu CQĐT khẩn trương thu thập vật chứng, cho bị hại đi giám định, đồng thời tư vấn cho bị hại về việc tạm lưu giữ các đồ vật, dấu vết, khám thương và yêu cầu cơ sở y tế mô tả chi tiết các thương tổn, dấu vết trên cơ thể trong giấy khám thương, bệnh án trước khi bị hại được giám định. Sau khi đã có kết luận giám định, nếu bào chữa cho bị can, Luật sư cần đề nghị CQĐT phải thông báo cho bị can biết về nội dung kết luận.
Với các tội danh như làm nhục người khác, vu khống, đôi khi vì nhiều lý do, cơ quan tiến hành tố tụng có quan điểm khác về mức độ ảnh hưởng về danh dự, nhân phẩm của bị hại nên cho rằng chỉ cần xử lý bằng biện pháp khác mà không cần xử lý hình sự. Do đó, Luật sư bảo vệ cho bị hại cũng cần trao đổi với cơ quan tiến hành tố tụng phân tích, lập luận kiến nghị thu thập chứng cứ làm rõ về tính chất, mức độ nghiêm trọng của các hành vi vu khống, làm nhục, các ảnh hưởng về mặt chính trị – xã hội như: gây bức xúc trong quần chúng nhân dân và dư luận xã hội, qua đó khẳng định sự cần thiết khách quan của việc xử lý hình sự.
Khi hồ sơ vụ án đã chuyển sang Tòa án nếu có tài liệu, chứng cứ mới, Luật sư cần giao nộp ngay cho Tòa án để đưa vào hồ sơ vụ án. Đối với vụ án xâm phạm tính mạng, sức khỏe của con người có nhiều bị cáo, lời khai của người làm chứng có mâu thuẫn nhau, Luật sư cần đề xuất triệu tập và áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo đảm sự có mặt của những người làm chứng quan trọng tại phiên tòa. Nếu thấy hồ sơ thiếu chứng cứ hoặc vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng gây bất lợi cho khách hàng, Luật sư cần đề xuất Tòa án trả hồ sơ điều tra bổ sung; Nếu có căn cứ thì đề nghị tạm đình chỉ, đình chỉ vụ án hoặc áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh, thay đổi biện pháp ngăn chặn. Do việc chứng minh các tình tiết trong vụ án về tội xâm phạm tính mạng con người phức tạp, nếu Luật sư không trao đổi trước mà chỉ trình bày luận cứ bào chữa tại phiên tòa thì HĐXX không có điều kiện nắm hết các lập luận, lý lẽ, tình tiết vụ án do Luật sư đưa ra. Để HĐXX có thời gian xem xét, đánh giá cân nhắc các quan điểm của Luật sư thì Luật sư cần có văn bản kiến nghị gửi Tòa án trước khi mở phiên tòa. Đặc biệt trong các vụ án giết người có dấu hiệu oan, sai như vụ án Vườn Điều ở Bình Thuận, vụ án Nguyễn Thanh Chấn, Hàn Đức Long ở Bắc Giang… thì việc gửi bản kiến nghị nêu rõ toàn bộ các chứng cứ, phân tích, lập luận chứng minh cho sự oan sai là rất cần thiết.
Để được tư vấn chi tiết từ luật sư của Luật 3 Chung
Vui lòng liên hệ số hotline 085.200.8585
Hoặc liên hệ qua email: luatsu@luat3chung.vn