[TƯ VẤN LUẬT HÌNH SỰ] Kỹ năng xác định tâm lý bị hại tại phiên tòa xét xử vụ án hình sự

Theo diễn biến sự việc phạm tội, quá trình giải quyết vụ án, lúc này trạng thái tâm lý bị hại có nhiều thay đổi, có thể tích cực hơn mà cũng có thể tiêu cực hơn trước. Việc thay đổi trạng thái tâm lý này có nhiều yếu tố tác động, một trong những yếu tố quan trọng chính là thái độ và cách ứng xử của bị can, bị cáo đối với bị hại và gia đình bị hại trong quá trình giải quyết vụ án trên.

Hiểu được diễn biến trạng thái tâm lý này Luật sư bảo vệ cho bị hại sẽ có phương hướng và kế hoạch bảo vệ thỏa đáng như:

–  Yêu cầu xử kín đối với những vụ án nhạy cảm và tâm lý bị hại không ổn định;

–  Yêu cầu bồi thường thiệt hại thỏa đáng hoặc tư vấn đường lối giải quyết vụ án phù hợp.

Theo đó, Luật sư bào chữa cho bị can, bị cáo cũng cần hiểu và nắm được trạng thái tâm lý bị hại để có những cách thức giải quyết vụ án hiệu quả nhất.

Trong thực tiễn giải quyết các vụ án hình sự về tội xâm phạm sở hữu, có nhiều vụ án, mặc dù người phạm tội đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, đủ yếu tố CTTP, nhưng nguyên nhân sâu xa lại xuất phát từ chính sự vi phạm pháp luật của bị hại. Khi đã xảy ra vụ việc có tính chất hình sự, trong tâm lý bị hại, về lương tâm con người, cũng sẽ có những trăn trở, suy nghĩ. Trong trường hợp này, nếu nhận bào chữa cho người phạm tội, Luật sư cần tìm hiểu bản chất, nguyên nhân vụ án, từ đó có thể tiếp xúc, trao đổi với bị hại để họ hiểu ra sự việc có lỗi của họ, từ đó có hướng xin giảm nhẹ cho người phạm tội tại phiên tòa xét xử.

Ví dụ:

Trong vụ án cướp tài sản xảy ra tại huyện Đ tỉnh H.T, chị H là người làm nông nghiệp, hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn. Chị tiết kiệm tiền mua được chiếc máy may và nhận may gia công cho bà L ở phố huyện. Cuối năm, tiền công may cả năm được 18 triệu đồng. Trước tết, chị H đến nhà bà L xin được lĩnh để có tiền mua sắm tết cho gia đình. Mặc dù trong nhà không thiếu tiền nhưng bà L chỉ trả cho chị H số tiền 8 triệu đồng, số còn lại lấy lý do chưa có để trả. Không có đủ tiền mua sắm tết cho gia đình, chị H rất buồn, đem chuyện kể với chồng là anh K. Quá bất bình và nóng tính, anh K rủ hai người bạn đến nhà bà L để đòi tiền công cho vợ.

Tại nhà bà L, anh K túm cổ áo bà L đe dọa, khi bà L nói không có tiền trả, anh K đã tát bà L mấy cái và cùng hai người bạn chở một số đồ đạc trong nhà bà L về để trừ nợ. Toàn bộ sự vệc được camera an ninh nhà bà L ghi lại. Sau đó, bà L báo công an, anh K và hai người bạn bị khởi tố về tội Cướp tài sản.

Khi nhận bào chữa cho 3 bị can, qua nghiên cứu hồ sơ vụ án, qua lời khai của bị hại, Luật sư nhận thấy ban đầu, khi sự việc mới xảy ra, thái độ của bà L rất căng thẳng, đề nghị phải xử lý nghiêm các đối tượng đã đánh, lấy tài sản của bà. Tuy nhiên, trong các lời khai sau đó, dường như thái độ của bà L đã bớt căng thẳng, bà chỉ đề nghị xử lý các đối tượng theo đúng quy định pháp luật.

Luật sư đã liên lạc, xin gặp bà L, trong buổi tiếp xúc, Luật sư đã tâm sự để bà L hiểu được hoàn cảnh gia đình của chị H, anh K, lý do chị H phải đi may gia công thuê cho bà, nay xảy ra sự việc, anh K bị tạm giam, chị H phải vừa một mình nuôi 3 con nhỏ cùng mẹ chồng già yếu, vừa phải chăm lo, tiếp tế cho chồng… Sau buổi tiếp xúc, có phần ân hận vì việc làm của mình, bà L đã có đơn đến các cơ quan tiến hành tố tụng xin miễn TNHS cho các bị can.

Do vụ án không thuộc trường hợp khởi tố theo yêu cầu của bị hại, nên dù bị hại có đơn nhưng cơ quan tiến hành tố tụng vẫn phải tiếp tục giải quyết theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, với nguyên nhân, bối cảnh phạm tội, đặc biệt là thái độ của bị hại, kết quả Tòa án đã xét xử và tuyên cả ba bị cáo được hưởng án treo.

Theo quy định của BLTTHS năm 2015, bị hại có thể là cơ quan, tổ chức bị thiệt hại về tài sản, uy tín do tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra. Về nguyên tắc, bị hại là cơ quan, tổ chức không có biểu hiện “tâm lý” như đối với bị hại là cá nhân, con người cụ thể. Tuy nhiên, vì là bị hại trong vụ án hình sự nên cơ quan, tổ chức cũng là một đối tượng tham gia tố tụng trong vụ án hình sự. Việc xác định mong muốn, nguyện vọng của cơ quan, tổ chức có ý nghĩa quan trọng đối với Luật sư khi tham gia vụ án hình sự để bảo vệ quyền lợi cho khách hàng của mình. Luật sư có thể xác định “tâm lý” của bị hại là cơ quan, tổ chức qua hành vi, thái độ, nguyện vọng của người đại diện cho cơ quan, tổ chức đó khi tham gia vụ án.

Do thiệt hại đối với cơ quan, tổ chức trong vụ án hình sự chỉ về tài sản, uy tín nên thường những người có thẩm quyền, người đại diện cho bị hại là cơ quan, tổ chức cũng không quá bức xúc với hành vi của người phạm tội. Đối với họ, việc người phạm tội đã bị xử lý về hình sự là đủ, và họ thường cũng không quá quan tâm đến mức án. Điều họ quan tâm trong vụ án là việc thu hồi tài sản, bồi thường danh dự… Nắm được “tâm lý” này, Luật sư có thể giúp khách hàng của mình trong quá trình giải quyết vụ án, bảo đảm quyền và lợi ích tốt nhất cho khách hàng mà mình bào chữa, bảo vệ.

Để được tư vấn chi tiết từ luật sư của Luật 3 Chung

Vui lòng liên hệ số hotline 085.200.8585

Hoặc liên hệ qua email: luatsu@luat3chung.vn

Bài viết liên quan