[TƯ VẤN LUẬT HÌNH SỰ] Một số vấn đề chung về dấu vết hình sự

Khái niệm dấu vết hình sự:

Tất cả các đối tượng vật chất, khi tác động vào nhau đều để lại những phản ánh vật chất, thể hiện quá trình tác động. Trong các vụ án hình sự, phản ánh vật chất giữa các đối tượng vật chất trong vụ án hình sự thì gọi là dấu vết hình sự.

Đại từ điển tiếng Việt năm 2010, có định nghĩa về dấu vết như sau: “Dấu vết là cái còn lưu lại theo đó để nhận biết sự vật, hiện tượng đã in lại, tạo ra nó”. Có thể nói rằng, khái niệm này là khái niệm phản ánh chung nhất về dấu vết, trong các lĩnh vực. Theo đó, khái niệm đã chỉ ra rằng, dấu vết là kết quả của quá trình tác động giữa các đối tượng vật chất với nhau, sự tác động này đã để lại những dấu vết, mà qua đó có thể nhận biết được toàn bộ quá trình tác động giữa các vật chất đó để tạo ra dấu vết. Tuy nhiên, nội hàm khái niệm dấu vết như trên quá rộng, trong khoa học hình sự cần có khái niệm phù hợp hơn.

Theo Từ điển Bách khoa Công an nhân dân, năm 2006: “Dấu vết hình sự là những phản ánh vật chất hình thành và tồn tại trong mối quan hệ nhất định với vụ việc mang tính hình sự được phát hiện, thu thập, đánh giá và sử dụng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm”. Khái niệm dấu vết này không phải là khái niệm dấu vết nói chung, mà là khái niệm dấu vết hình sự. Khái niệm này chỉ ra rằng, dấu vết hình sự là kết quả của quá trình tác động giữa các đối tượng vật chất với nhau. Các phản ánh vật chất này đã phản ánh toàn bộ quá trình tác động của các đối tượng vật chất trong các vụ việc hình sự, khoa học hình sự gọi là dấu vết hình sự. Việc phát hiện, thu thập, đánh giá và sử dụng những dấu vết này có ý nghĩa rất quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Từ sự phân tích trên, có thể thấy khái niệm dấu vết hình sự bao hàm một số nội dung sau:

Thứ nhất, dấu vết hình sự phải là những phản ánh vật chất. Phản ánh vật chất hình thành khi hai hay nhiều đối tượng vật chất tác động qua lại lẫn nhau. Quá trình tác động đó sẽ hình thành nên các phản ánh vật chất. Phản ánh vật chất này khác với loại phản ánh khác là phản ánh tinh thần. Phản ánh tinh thần là phạm trù lời khai, là kết quả của nhận thức khách quan thông qua phản ánh chủ quan của con người. Phản ánh vật chất là thứ mà con người có thể tri giác được như có thể nhìn thấy, cầm, nắm…

Thứ hai, dấu vết hình sự hình thành trong mối quan hệ với tội phạm hoặc những sự việc mang tính chất hình sự.

Dấu vết trong các vụ việc hình sự là kết quả của sự tác động qua lại giữa các đối tượng trong vụ việc đó gây ra. Vụ việc mang tính hình sự là khái niệm pháp lý dùng để chỉ những vụ việc khi xảy ra làm phương hại tới những khách thể nhất định được BLHS bảo vệ. Đó là những vụ án, là những vụ tai nạn, vụ tệ nạn xã hội, ở đó có thể có tội phạm hoặc không có tội phạm. Dấu vết hình sự là kết quả tất yếu của vụ việc mang tính hình sự, việc phát hiện, thu thập, đánh giá dấu vết hình sự để phục vụ điều tra làm rõ bản chất vụ việc là hết sức cần thiết.

Từ sự phân tích trên, khái niệm dấu vết hình sự có thể phát biểu như sau:

Dấu vết hình sự là những phản ánh vật chất, hình thành và tồn tại trong mối quan hệ với vụ việc mang tính hình sự, cần được phát hiện, thu thập, đánh giá và sử dụng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Phân loại dấu vết hình sự:

Có nhiều cách để phân loại dấu vết hình sự. Mỗi căn cứ sẽ cho cách phân loại khác nhau. Dưới đây là một số cách phân loại phổ biến:

Một là, căn cứ vào trạng thái tồn tại của dấu vết hình sự, dấu vết được phân loại như: Dấu vết ở dạng chất rắn; Dấu vết ở dạng chất khí; Dấu vết ở dạng chất lỏng; Dấu vết ở dạng mùi vị; Dấu vết ở dạng âm thanh; Dấu vết ở dạng ánh sáng; Dấu vết ở dạng từ trường;…

Hai là, căn cứ vào sự phản ánh hình thái, cấu trúc bên ngoài và sự tác động qua lại giữa vật gây vết và vật tiếp nhận dấu vết, dấu vết hình sự được phân loại thành các dạng: Dấu vết lõm, dấu vết in, dấu vết trượt, dấu vết cắt. Đối với các loại dấu vết này, đặc điểm về mặt hình thái (của vật gây vết, dấu vết) là một trong những đối tượng dùng để truy nguyên.

+ Dấu vết in: Hình thành chủ yếu do sự di chuyển vật chất, khi có sự tác động qua lại giữa vật gây vết và vật mang vết. Tại vị trí tiếp xúc dấu vết phản ánh đặc điểm phần lồi của vật gây vết. Dấu vết in được chia thành 2 loại: Dấu vết in ra và dấu vết in lõm.

Dấu vết in lồi: Dấu vết in được hình thành khi vật gây vết để lại một lớp mỏng vật chất trên bề mặt của vật mang vết.

Dấu vết in lõm: Là dấu vết được hình thành khi vật gây vết lấy đi một lớp mỏng vật chất trên bề mặt vật mang vết.

+ Dấu vết lõm: Được hình thành khi vật gây vết tác động vào bề mặt vật mang vết làm cho bề mặt vật mang vết bị biến dạng. Tại vị trí tiếp xúc dấu vết phản ánh đặc điểm hình dáng bên ngoài của vật gây vết (phần tiếp xúc với vật mang vết).

+ Dấu vết trượt: Là một dạng dấu vết lõm hoặc dấu vết in, song sự hình thành là do sự tác động có tính chất di chuyển của một trong hai đối tượng, hoặc cả hai đối tượng tạo ra tại vị trí tiếp xúc dấu vết phản ánh là những đường xước song song.

+ Dấu vết cắt: Là một dạng của dấu vết lõm, song được hình thành do sự tác động lưỡi cắt lên bề mặt vật mang vết, làm cho vật mang vết bị lõm xuống hoặc đứt rời ra. Tại vị trí tiếp xúc dấu vết cắt phản ánh được đặc điểm riêng của lưỡi cắt dưới dạng các đường nhỏ chạy song song.

Ba là, căn cứ vào sự phản ánh cấu trúc bên trong của đối tượng gây vết, để lại dấu vết, trong đó sự hình thành dấu vết là do sự di chuyển một phần vật chất của đối tượng gây vết. Theo căn cứ phân loại này, dấu vết hình sự được phân thành hai loại cơ bản là dấu vết sinh học và dấu vết hóa học. Thuộc tính của dấu vết cũng chính là thuộc tính của đối tượng gây vết, nó là yếu tố chủ yếu dùng để truy nguyên.

+ Dấu vết sinh học: Dấu vết máu, dấu vết tinh trùng, dấu vết lông, tóc, bông vải sợi, dấu vết rong, rêu, tảo, bụi phấn hoa, các chất bài tiết khác như: nước tiểu, phân, nước bọt…

+ Dấu vết hóa học: Dấu vết sơn, dấu vết dầu, mỡ, dấu vết đất, dấu vết thuốc súng, dấu vết độc chất…

Bốn là, căn cứ vào đối tượng gây vết để phân loại, có các loại dấu vết hình sự như: Dấu vết vân tay; Dấu vết chân, giày, dép; Dấu vết công cụ; Dấu vết súng đạn; Dấu vết răng; Dấu vết phương tiện giao thông; Dấu vết súc vật kéo.

Năm là, căn cứ vào chính tên gọi của các chất, vật thể là dấu vết, theo đó có thể phân loại dấu vết thành các loại như: Dấu vết máu; Dấu vết lông tóc; Dấu vết vải sợi; Dấu vết sơn; Dấu vết đất; Dấu vết thủy tinh; Dấu vết kim loại…

Sáu là, căn cứ vào sự phân chia, các phần vật thể bị tách ra từ tổng thể của một vật thể, dấu vết hình thành là các đường rạn, vỡ, đứt, rách, gãy trên các phần vật thể (Phần chìa khóa bị gãy nằm lại trong ổ khóa; Các mảnh của một tài liệu bị xé vụn; Đoạn dây bị đứt…). Các loại dấu vết này còn được gọi là dấu vết khớp. Thuộc tính của dấu vết ở mỗi phần vật thể bị tách ra là đối tượng chủ yếu dùng để truy nguyên đối tượng cần truy nguyên.

Bảy là, căn cứ vào các chuyên ngành của giám định kỹ thuật hình sự, có thể phân loại dấu vết hình sự theo tên các chuyên ngành, bao gồm: Dấu vết đường vân; Dấu vết cơ học; Dấu vết súng đạn; Dấu vết cháy nổ và sự cố kỹ thuật; Dấu vết âm thanh; Dấu vết hóa học; Dấu vết sinh học; Dấu vết điện tử.

Tám là, căn cứ vào loại vụ việc để phân loại dấu vết, bao gồm: Dấu vết tai nạn giao thông; Dấu vết cháy, nổ; Dấu vết tự sát…

Chín là, căn cứ vào kích thước, khối lượng của dấu vết, dấu vết được, có thể được phân loại thành vĩ vết và vi vết.

+ Vĩ vết: Dấu vết có kích thước và khối lượng lớn đến một mức nhất định mà mà mắt thường có thể quan sát được.

+ Vi vết: Dấu vết có kích thước và khối lượng rất nhỏ, mắt thường khó có thể quan sát thấy nếu không sử dụng các phương tiện kỹ thuật phóng đại.

Mười là, căn cứ vào khả năng quan sát của thị giác, dấu vết được phân loại gồm dấu vết ẩn và dấu vết hiện.

+ Dấu vết ẩn: Dấu vết có màu sắc không tương phản với màu sắc của vật mang vết hoặc với môi trường xung quanh, dấu vết không rõ màu và hình thức tồn tại mà mắt thường không thể nhận biết được nếu không sử dụng phương tiện.

+ Dấu vết hiện: Dấu vết có thể nhận biết được bằng mắt thường do hình thức tồn tại và màu sắc của dấu vết tương phản với vật mang vết hoặc với môi trường xung quanh.

Ngoài những cách phân loại cơ bản trên, căn cứ theo các tiêu chí khác, dấu vết hình sự còn có thể được phân loại thành: Dấu vết giả, dấu vết thật…

Cơ chế hình thành dấu vết hình sự:

Dấu vết hình sự là kết quả của sự tác động qua lại giữa các đối tượng vật chất trong các vụ việc hình sự. Dấu vết hình sự hình thành thông qua hai quá trình tác động và quá trình phản ánh và những yếu tố cấu thành cơ bản là các đối tượng (các hệ thống vật chất) tham gia trong các quá trình này.

Đối tượng tác động: Đối tượng tác động để tạo thành dấu vết hình sự bao gồm: Con người, công cụ, phương tiện, môi trường (sự vật và hiện tượng).

Con người: Con người bằng hành vi của mình trực tiếp hay thông qua các công cụ, phương tiện để tác động lên đối tượng bị tác động tạo nên dấu vết hình sự. Con người trong vụ án hình sự bao gồm thủ phạm và nạn nhân. Thủ phạm và nạn nhân có thể tương tác và tương tác với môi trường vật chất xung quanh, tạo nên dấu vết hình sự.

Công cụ, phương tiện: Công cụ, phương tiện là đối tượng tác động khi chúng được chủ thể tác động sử dụng để gây án hoặc gây ra sự việc mang tính chất hình sự. Loại đối tượng tác động này vô cùng đa dạng, cùng với cách thức tác động chúng là cơ sở thực tiễn chính yếu tạo nên sự đa dạng của dấu vết hình sự.

Môi trường: Là đối tượng tác động tạo nên dấu vết hình sự trong những trường hợp bản thân nó có mối quan hệ với hành vi của chủ thể tạo ra dấu vết hình sự như: Độ ẩm, nhiệt độ nóng, lạnh, mưa gió, đất, bụi, các cấu trúc vật chất đang tồn tại ở hiện trường khi sự việc xảy ra…

Đối tượng bị tác động: Đối tượng bị tác động bao gồm: Con người, vật thể, môi trường. Đối tượng bị tác động cũng chính là đối tượng mang dấu vết hình sự còn những đối tượng bị tác động nhưng không mang dấu vết hình sự thì không có ý nghĩa.

Con người: Con người là đối tượng bị tác động thường gặp, nhất là bị hại, trong những trường hợp cụ thể những chủ thể khác như: Bị can, người bị tình nghi, người bị tạm giữ cũng có thể là đối tượng bị tác động. Vì khi những chủ thể này tác động lên đối tượng bị tác động sẽ nhận lại từ đối tượng bị tác động những tác động trở lại và trở thành đối tượng bị tác động.

Vật thể: Đó là những đối tượng vật chất tồn tại ở hiện trường bị những tác động nhất định của đối tượng tác động trong quá trình diễn ra sự việc, những tác động đó để lại hoặc tạo nên dấu vết hình sự trên vật thể.

Môi trường: Môi trường là đối tượng bị tác động khi có hành vi của chủ thể tác động vào môi trường, tạo nên những dấu vết hình sự và ngược lại môi trường cũng tác động trở lại tạo nên những dấu vết để lại ở thủ phạm, nạn nhân và những phương tiện gây án.

Quá trình tác động: Quá trình tác động của đối tượng tác động lên đối tượng bị tác động về tổng thể là quá trình liên tục về mặt thời gian và không gian. Dấu vết hình sự hình thành trong quá trình thực hiện hành vi của chủ thể tác động.

Về mặt không gian: Dấu vết hình sự xuất hiện ở nơi diễn ra hành vi của chủ thể tác động. Nếu hành vi của chủ thể tác động là hành vi phạm tội thì dấu vết hình sự sẽ có mặt ở 3 địa điểm: Địa điểm chuẩn bị phạm tội, địa điểm thực hiện hành vi phạm tội, địa điểm che giấu tội phạm. Tuy nhiên, tùy thuộc vào những điều kiện cụ thể (địa điểm, loại án…) mà thể loại và cường độ xuất hiện của dấu vết hình sự có khác nhau. Thực tế này cần được chú ý trong quá trình khám nghiệm hiện trường các vụ án cụ thể.

Về mặt thời gian: Dấu vết hình sự xuất hiện trong khoảng thời gian xảy ra sự việc, tức là khi có sự tác động của các đối tượng với nhau và tồn tại cho đến khi được phát hiện, thu lượm, bảo quản. Thời gian tác động giữa đối tượng tác động và đối tượng bị tác động là khoảng thời gian diễn ra sự tác động để tạo nên dấu vết. Khoảng thời gian này dài hay ngắn phụ thuộc vào từng loại tác động trong những trường hợp cụ thể. Trong quá trình này có thể xảy ra nhiều sự tác động khác nhau để tạo ra những dấu vết hình sự khác nhau. Thời gian tác động làm xuất hiện từng dấu vết cụ thể được phản ánh trong dấu vết và đây cũng là cơ sở để xác định dấu vết nào có trước và dấu vết nào có sau trong quá trình tác động, đồng thời cũng là cơ sở để phân biệt dấu vết nào là dấu vết hình sự và dấu vết nào không phải là dấu vết hình sự.

Quá trình tác động diễn ra trong sự tương tác giữa đối tượng tác động và đối tượng bị tác động và nằm trong mối quan hệ nhân quả. Sự tác động của đối tượng tác động lên đối tượng bị tác động xảy ra trong mối quan hệ tương tác. Khi đối tượng tác động tác động vào đối tượng bị tác động một lực thì sẽ nhận lại phản lực từ đối tượng bị tác động. Sự tương tác này tạo nên những thay đổi vật chất ở cả đối tượng tác động và đối tượng bị tác động.

Mối quan hệ giữa dấu vết hình sự (kết quả) với sự tác động (nguyên nhân) là mối quan hệ biện chứng, được thể hiện ở tính đa dạng của dấu vết hình sự bởi tính đa dạng của sự tác động. Mỗi dấu vết hình sự được hình thành có thể do nhiều sự tác động (nhiều nguyên nhân) nhưng nguyên nhân chủ yếu để hình thành nên dấu vết hình sự là sự tác động của đối tượng tác động lên đối tượng bị tác động – nguyên nhân này quyết định sự xuất hiện của dấu vết hình sự.

Trong một vụ án, dấu vết hình sự xuất hiện tạo thành chuỗi theo trình tự thời gian, độc lập với nhau về phương diện phản ánh, nhưng lại thống nhất với nhau trong mối quan hệ với vụ việc, đây là cơ sở khoa học quan trọng để phát hiện, thu lượm và đánh giá dấu vết hình sự. Khi khám nghiệm hiện trường, CQĐT và Điều tra viên phải đánh giá riêng từng dấu vết hình sự và vừa đánh giá các dấu vết hình sự trong mối quan hệ giữa chúng với nhau và giữa cả chuỗi dấu vết với vụ việc.

Quá trình phản ánh: Phản ánh là thuộc tính cơ bản của vật chất, mà dấu vết hình sự là một dạng tồn tại vật chất cụ thể cho nên dấu vết hình sự cũng mang đặc tính phản ánh, nội dung phản ánh rất đa dạng phong phú về vụ án hình sự hay vụ việc mang tính hình sự. Nhờ đặc tính phản ánh của dấu vết hình sự, trên cơ sở đó để phát hiện, thu thập, bảo quản, đánh giá cũng như khai thác giá trị thông tin từ dấu vết hình sự, sử dụng trong hoạt động tố tụng hình sự.

Để được tư vấn chi tiết từ luật sư của Luật 3 Chung

Vui lòng liên hệ số hotline 085.200.8585

Hoặc liên hệ qua email: luatsu@luat3chung.vn

Bài viết liên quan