[TƯ VẤN LUẬT HÌNH SỰ] Nhóm tài liệu do cơ quan tiến hành tố tụng thu thập

Nhóm tài liệu mà cơ quan tiến hành tố tụng căn cứ vào đó để ra văn bản yêu cầu Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự định giá tài sản làm căn cứ giải quyết vụ án. Cần xem xét tính hợp pháp, tính xác thực của các tài liệu này, từ đó làm căn cứ để đánh giá bản Kết luận định giá tài sản.

Vấn đề chung về nhóm tài liệu do cơ quan tiến hành tố tụng (THTT) thu thập:

Vậy nhóm tài liệu này gồm những gì? Đó là toàn bộ các tài liệu liên quan đến tài sản và tài sản mà cơ quan tiến hành tố tụng có được trong quá trình giải quyết vụ án như:

–  Biên bản phạm tội quả tang;

–  Biên bản khám nghiệm hiện trường;

–  Biên bản khám xét; Biên bản thu giữ tang vật;

–  Biên bản niêm phong tang vật, tang vật hay tài sản thu giữ hoặc tài sản bị xâm phạm và một tài liệu nữa, đó chính là biên bản ghi lời khai có liên quan đến tài sản trong các vụ án mà tài sản bị hủy hoại, hư hỏng, mất mát.

Luật sư cần xem xét toàn bộ các tài liệu này xem có được lập, thu thập theo đúng quy định của BLTTHS không? Tại Điều 7 BLTTHS năm 2015 quy định: Mọi hoạt động tố tụng hình sự phải được thực hiện theo quy định của Bộ luật này. Không được giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử ngoài những căn cứ và trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định. Điều này cho thấy, nếu việc thu thập chứng cứ không đúng quy định pháp luật thì không bảo đảm tính hợp pháp của chứng cứ. Thu thập chứng cứ, tài liệu không đầy đủ thì kết luận định giá sẽ không phản ánh đúng được giá trị của tài sản cần định giá, bản kết luận định giá không thỏa mãn tính xác thực của chứng cứ, từ đó không đủ cơ sở để giải quyết vụ án.

Lỗi mà cơ quan tố tụng thường mắc phải 

Một là, không thu thập kịp thời, đúng pháp luật các tài liệu, chứng cứ liên quan đến tài sản cần định giá;

Hai là, khi gửi thông tin về các tài liệu, đồ vật cho Hội đồng định giá những thông tin về số lượng, chất lượng các đồ vật, tài liệu CQĐT gửi đi cần giám định còn sơ sài, không rõ đặc điểm, chủng loại; Hiện tài sản còn hay không còn; Đã qua sử dụng hay chưa; Nhiều tài sản không được niêm phong hay bảo quản đúng quy định pháp luật; Các tài liệu có liên quan gửi cơ quan Hội đồng định giá thường không ghi hoặc ghi không đầy đủ theo đúng quy định tại BLTTHS;

Ba là, không nêu thời hạn định giá theo quy định tại BLTTHS;

Bốn là, xác định thời điểm để tính giá trị thiệt hại của tài sản không chính xác, không đúng thời điểm tài sản bị chiếm đoạt, hư, hỏng…

Ví dụ:

Năm 2016, anh Đ.C.L trú tại Tân Phú, Phú Thành, huyện LT, tỉnh HB có chuyển nhượng cho bà N.P.N một mảnh đất mà anh Đ.C.L nhận khoán từ Công ty TNHH MTV SB. Hai bên có thống nhất về việc bà N.P.N tạo điều kiện để anh Đ.C.L kéo ống dẫn nước qua mảnh vườn này phục vụ tưới tiêu cho cây trồng trên vườn nhà anh Đ.C.L. Mảnh vườn đã được anh Đ.C.L xây tường bao xung quanh. Sau khi nhận chuyển nhượng, bà N.P.N tiếp tục xây tường bao cao hơn diện tích tường mà anh Đ.C.L đã xây. Ngày 07/3/2017, Anh Đ.C.L phá một góc tường phía bên trái mảnh đất để dẫn ống bơm nước qua vườn mà bà N.P.N đã nhận chuyển nhượng. Ngày 14/3/2018, anh Đ.C.L lại tiếp tục phá một góc tường phía bên phải mảnh đất để lắp đặt ống bơm nước qua vườn phục vụ tưới tiêu. Tại hiện trường, bức tường được xây bằng gạch ba banh, phần trên của bức tường ở hai góc bị đập bỏ. Dưới đất, các viên gạch ba banh vẫn còn nguyên không bị vỡ nát. Do mâu thuẫn nên bà N.P.N đã làm đơn tố cáo anh Đ.C.L về tội hủy hoại tài sản.

Biên bản hiện trường được CQĐT lập, không thể hiện việc đo, vẽ diện tích bị đập bỏ, không mô tả được xây bằng loại gạch gì, phần tường nào của ai xây. Ngày 11/4/2019, cơ quan cảnh sát điều tra công an huyện LT đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với anh Đ.C.L.

Cơ quan cảnh sát điều tra công an huyện LT đã đề nghị trưng cầu Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự định giá tổng thiệt hại toàn bộ tài sản bị hủy hoại. Hội đồng định giá gồm 04 thành viên đã tiến hành họp và và bản kết luận định giá tổng giá trị tài sản bị hủy hoại là 3.500.000 đồng.

Sau khi có cáo trạng truy tố Đ.C.L, TAND huyện LT đã trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung.

Ngày 28/6/2019, cơ quan cảnh sát điều tra công an huyện LT đã ra quyết định số 03 đình chỉ vụ án hình sự, đình chỉ điều tra bị can Đ.C.L

Trong vụ án này,

Thứ nhất, cơ quan cảnh sát điều tra công an huyện LT không xác định rõ tài sản bị hủy hoại là tài sản của những ai. Điều này dẫn đến việc kể cả có bản kết luận định giá tài sản cũng sẽ không xác định được tài sản của ai bị hủy hoại, giá trị bị hủy hoại là bao nhiêu, không xác định được chủ thể phạm tội trong vụ án cố ý hủy hoại, hư hỏng tài sản cũng như giá trị tài sản bị hư hỏng hay hủy hoại tối thiểu mà điều luật quy định.

Thứ hai, không xác định rõ khối lượng của tài sản bị hủy hoại, mức độ hủy hoại tài sản tại thời điểm bị hủy hoại, các viên gạch ba banh có bị hủy hoại hoàn toàn không, có thể tái sử dụng lại không. Sau khi lập biên bản hiện trường, hiện trường có thể bị xáo trộn, thay đổi, các tài sản bị hủy hoại, hư hỏng có thể sẽ không còn nữa. Nếu không làm rõ các vấn đề trên sẽ rất khó để Hội đồng định giá đưa ra được giá trị chính xác của tài sản bị hủy hoại hoặc hư hỏng cũng như không thể xác định được sau thời điểm bị can hủy hoại có thể bị người khác hủy hoại thêm hay không.

Thứ ba, không xác định được thời điểm tài sản hình thành, không đánh giá, phân tích tình trạng mới, cũ của tài sản cần định giá. Điều này gây khó khăn cho Hội đồng định giá tài sản trong việc xác định được giá trị thật của tài sản ở thời điểm cần định giá. Vì không xác định được tài sản mới hay tài sản cũ, nếu là tài sản cũ thì không xác định được thời gian đưa vào sử dụng để trích khấu hao theo quy định của pháp luật.

Thứ tư, không làm rõ giá trị tài sản cần định giá theo từng lần bị hủy hoại. Điều này đặc biệt quan trọng trong việc xác định CTTP, khi điều luật quy định giá trị tối thiểu của tài sản bị xâm hại ở mỗi lần thực hiện hành vi phạm tội hoàn thành. Trong vụ án này, tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản được quy định, hướng dẫn tại Điều 178 BLHS năm 2015, xác định: “Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng…”. Tuy nhiên, cơ quan cảnh sát điều tra lại cộng dồn hai hành vi không kế tiếp liên tục về thời gian xảy ra (ngày 07/3/2017) với một hành vi (ngày 14/3/2018) để truy cứu TNHS đối với Đ.C.L là không phù hợp với quy định pháp luật.

Ví dụ :

Vụ án vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ gây hậu quả nghiêm trọng.

Ngày 27/5/2018, T.T.Đ điều khiển xe ô tô Toyota biển kiểm soát 30Y-68xx theo hướng Sơn La – Hà Nội, khi đến km 118+500, quốc lộ 6A thuộc đoạn xã Phú Cường, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình lấn sang phần đường xe chạy ngược chiều dẫn đến va vào phần đầu bên phải của xe ô tô MERCEDES – S350 biển kiểm soát 29A-116.xx đi ngược chiều. Cơ quan Cảnh sát giao thông đã lập biên bản hiện trường và xét thấy có căn cứ khởi tố vụ án hình sự nên đã chuyển hồ sơ cho CQĐT công an huyện TL tỉnh HB để khởi tố điều tra theo quy định của pháp luật. Trong các ngày 22/7/2018 và 02/01/2019, cơ quan cảnh sát điều tra, Công an huyện TL đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự và Quyết định khởi tố bị can đối với T.T.Đ.

Ngày 29/5/2018, đại diện cơ quan cảnh sát giao thông, cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện TL, cùng đại diện VKS nhân dân huyện TL đã tiến hành lập biên bản khám nghiệm phương tiện giao thông bị tai nạn (xe ô tô biển kiểm soát 29A-116.xx) với 18 chi tiết bị hỏng. Đây là xe ô tô được nhập khẩu nguyên chiếc không phổ biến tại thị trường Việt Nam. Sau đó, do để xe lâu không có phương tiện đi lại, chủ phương tiện giao thông đã có đơn đề nghị xin nhận lại xe để đưa đi sửa chữa. Ngày 11/6/2018, CQĐT đã bàn giao xe lại cho chủ phương tiện.

Ngày 11/7/2018, cơ quan cảnh sát điều tra có quyết định trưng cầu định giá tài sản để xác định thiệt hại đối với xe biển kiểm soát 29A – 116.xx và đến ngày 24/8/2018 mới có Biên bản kiểm tra thực trạng xe. Ngày 04 và 28/9/2018 Hội đồng định giá tài sản mới tổ chức kiểm tra hiện trạng thực tế của xe tại Công ty Ngôi sao VN – quận LB, Hà Nội là gara ôtô mà chủ phương tiện đang sửa chữa xe.

Theo yêu cầu định giá của cơ quan cảnh sát điều tra, ngày 24/12/2018, Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự tỉnh HB đã có kết luận định giá với giá trị thiệt hại là 1.629.628.500 đồng đối với 02 ô tô với 111 chi tiết hư hại.

TAND huyện TL đã đưa vụ án ra xét xử, tại phiên tòa, theo kiến nghị của Luật sư, HĐXX đã trả hồ sơ để điều tra bổ sung làm rõ lại giá trị thiệt hại của tài sản.

Gần nửa năm sau kể từ lần định giá thứ nhất, ngày 12/6/2019, Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự tỉnh HB lại tiếp tục họp Hội đồng định giá để xác định lại giá trị tài sản định giá với một kết quả khác là 849.075.000 đồng sau khi đã trừ khấu hao.

Ngày 06/9/2019, vụ án lại tiếp tục được đưa ra xét xử nhưng một lần nữa Luật sư chỉ ra hàng loạt những vi phạm pháp luật trong hoạt động định giá tài sản của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự của huyện TL. HĐXX lại yêu cầu trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Vụ án kéo dài trong nhiều năm, đến nay, tang vật là hai chiếc ô tô không còn nữa vì đã bị chủ xe đem bán.

Trong vụ việc này,

Thứ nhất, cơ quan cảnh sát điều tra đã trả lại tài sản khi chưa xác định được chính xác những hư hỏng, thiệt hại thực tế đã xảy ra. Trong khi pháp luật quy định: “Khi vụ tai nạn giao thông đường bộ xảy ra, các phương tiện giao thông có liên quan đều phải được tạm giữ để phục vụ công tác khám nghiệm, điều tra giải quyết (trừ các phương tiện giao thông ưu tiên theo quy định).”

Thứ hai, Khi tổ chức khám phương tiện giao thông đã không mời cơ quan có chức năng chuyên môn về phương tiện giao thông để đánh giá mức độ thiệt hại của những chi tiết bị hư hỏng, dẫn đến việc lúc đầu khám nghiệm thì có 18 chi tiết nhưng khi Hội đồng định giá cùng cơ quan chuyên môn khám nghiệm sau khi giao xe cho người sử dụng phương tiện thì lại có tới 111 chi tiết bị hư hỏng.

Từ sai phạm trên dẫn đến vụ việc phải trả hồ sơ để định giá lại nhiều lần mà vẫn không xác định được giá trị thực tế của tài sản bị hư hỏng.

Ví dụ :

Nguyễn Quốc V có vợ và 3 người con, trú tại tổ dân phố 2, thị trấn Chư Sê, huyện CS tỉnh GL. Đoàn Thị X có 03 người con, đã ly hôn chồng năm 2006. Hiện Đoàn Thị X trú tại làng Ia Hla, huyện CP, tỉnh GL. Từ năm 2007, Nguyễn Quốc V và Đoàn Thị X sống chung với nhau như vợ chồng và làm chung 4 ha tiêu. Đoàn Thị X đầu tư tiền, Nguyễn Quốc V trực tiếp chăm sóc, trong thời gian sống với nhau và làm ăn chung không có mâu thuẫn gì.

Vào khoảng 10h ngày 14/4/2018, Nguyễn Quốc V cho Đoàn Thị X 4.000.000 đồng, X không lấy và nói: “Một vụ tiêu tôi đầu tư cho anh, cho ăn mặc, đầu tư tiền, anh thu cả tỷ, anh không thấy buồn à”, rồi Đoàn Thị X bỏ đi chơi. Sau khi X đi chơi về, V đi bộ đến nhà ông Đỗ Q ở cùng thôn mua một gói cháo và 13.000 đồng tiền xăng (được khoảng ½ lít) đựng vào túi ni lông, mang về treo túi xăng ở xe máy dựng ở trước sân nhà của X rồi vào nhà làm cháo ăn, khi ăn cháo V nói với X: “Bây giờ bà muốn gì”? X nói: “Anh về với vợ con anh đi, tôi không sống được với anh”. Nghe vậy, V bực tức cầm tô cháo đang ăn hất vào mặt Đoàn Thị X và nói: “Mày dồn tao vào đường chết, mày phải chết” rồi V đi ra xe cầm túi xăng, quay lại. Lúc này, khoảng 20h30’ cùng ngày, Nguyễn Quốc V cầm túi xăng tạt vào người Đoàn Thị X đang nằm trên giường, trong phòng ngủ và tay phải bật quẹt gas, lửa bốc cháy từ chỗ Nguyễn Quốc V đứng đến chỗ Đoàn Thị X, làm Đoàn Thị X bị cháy bỏng và cháy nhà, cháy các đồ dùng trong nhà…

Theo Biên bản hiện trường được lập tại nhà Đoàn Thị X ở Làng Hra, xã Ia Hla, huyện CP, tỉnh GL, nhà cấp 4, rộng 8,6m, dài 14,6m, diện tích là 125,56m2, có 2 cửa ra vào, cửa rộng 2m, cao 2,3m. Trên nền nhà, đồ dùng bị cháy và vật dụng chữa cháy ngổn ngang biến dạng diện rộng (4,28m x 3,8m). Phòng ngủ, giường, tủ, nệm, mùng mền, quần áo bị cháy hoàn toàn, xà gồ gỗ bị cháy xám đen biến dạng, toàn bộ la phông và hệ thống xà gồ đã bị cháy, mái tôn do bị cháy lớn đã bị thủng, cong vênh.

CQĐT đã ra Quyết định trưng cầu định giá tài sản bị hủy hoại là “Một căn nhà xây tường xung quanh, trên mái lợp tôn có chiều rộng 5m, chiều dài 13,5m, diện tích 67,5m2 và các tài sản là đồ vật bị hư hỏng; Một khu nhà tắm và nhà vệ sinh có diện tích rộng 3m x 4,8m; Một dàn la phông nhà bằng nhựa.

Tại bản kết luận định giá tài sản ngày 02/5/2018 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự của huyện CP định giá tổng cộng giá trị tài sản là: 200.999.000 đồng.

Tại Giấy chứng nhận giám định pháp y số 442 ngày 14/11/2018 của bác sĩ pháp y tỉnh GL kết luận Đoàn Thị X bị thương tật 83%.

Hành vi nêu trên của Nguyễn Quốc V đã phạm tội cố ý gây thương tích và tội hủy hoại tài sản theo quy định tại khoản 3 Điều 134 và khoản 3 Điều 178 BLHS năm 2015. Tại bản án sơ thẩm số 28/2019/ HSST ngày 09/5/2019, TAND tỉnh đã tuyên Nguyễn Quốc V 15 năm tù về 02 tội danh “Cố ý gây thương tích” và “Hủy hoại tài sản” theo quy định tại khoản 3 Điều 134 và khoản 3 Điều 178 BLHS năm 2015, buộc bị cáo phải bồi thường 851.284.000 đồng.

Trong vụ án này,

Thứ nhất, cơ quan cảnh sát điều tra đã không kịp thời có mặt tại thời điểm xảy ra hành vi phạm tội. Khi có mặt vào ngày hôm sau thì hiện trường trong tình trạng đã bị xáo trộn dẫn đến không kiểm soát được số lượng tài sản bị hủy hoại.

Thứ hai, không niêm phong các tài sản bị thiệt hại tại thời điểm thực hiện hành vi phạm tội. Không thu thập các chứng cứ liên quan đến tài sản cần định giá như nguyên liệu, chất liệu sử dụng đối với các loại tài sản như tủ, giường, xà gồ… chúng được làm bằng loại gỗ gì, thuộc nhóm gỗ nào… Nếu xác định được loại gỗ gì, chất lượng ra sao sẽ giúp cho Hội đồng định giá xác định được chính xác giá trị tài sản bị hủy hoại.

Thứ ba, Chưa mô tả cụ thể mức độ thiệt hại sơ bộ của tài sản bị hủy hoại, trong khi đó, sau khi kiểm tra hiện trường lại không niêm phong cửa ra vào, không phong tỏa khu vực hiện trường vụ án cho tới khi hoàn thành công tác định giá tài sản. Điều này dẫn đến việc, khi hội đồng định giá cần kiểm tra hiện trường vụ án thì hiện trường đã bị thay đổi, các tài sản bị hủy hoại hiện tại không còn nguyên vẹn đầy đủ, gây khó khăn cho công tác định giá, nhất là trong trường hợp phải định giá lại tài sản.

Thứ tư, khi trưng cầu định giá không ghi cụ thể, chính xác tài sản cần định giá như trong biên bản hiện trường, dẫn đến việc Hội đồng định giá chỉ định giá một nửa căn nhà bị thiệt hại là không đúng với thiệt hại thực tế xảy ra.

Có thể thấy, trong các vụ án hình sự mà bắt buộc phải tiến hành định giá tài sản thì kết quả định giá tài sản có ý nghĩa quyết định đối với việc khởi tố hay không khởi tố và là căn cứ pháp lý để xác định khung hình phạt cũng như trách nhiệm dân sự giữa các bên liên quan trong vụ án. Tuy nhiên, việc thu thập các tài liệu, chứng cứ, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định, đánh giá tính xác thực của tài sản cần định giá. Ở mỗi loại hồ sơ vụ án, Luật sư cần nắm chắc các quy định pháp luật về tố tụng hình sự, từ đó chỉ ra được những vi phạm trong hoạt động thu thập, đánh giá chứng cứ của các cơ quan tố tụng trước khi đưa ra yêu cầu định giá đối với Hội đồng định giá.

Đề xuất với cơ quan THTT

Sau khi nghiên cứu nhóm tài liệu này, tùy theo từng giai đoạn trong hoạt động điều tra mà Luật sư đưa ra yêu cầu, đề xuất đối với các cơ quan tiến hành tố tụng nhằm bảo vệ quyền lợi tốt nhất cho đương sự. Cụ thể:

Một là, cần đề nghị cơ quan tiến hành tố tụng nhanh chóng, kịp thời ban hành văn bản yêu cầu định giá tài sản để làm căn cứ xử lý vụ việc.

Hai là, cần đề xuất, đề nghị cơ quan tiến hành tố tụng thu giữ đầy đủ và bảo quản các tang vật cần định giá theo đúng quy định của pháp luật; Thu thập đầy đủ các tài liệu, giấy tờ, lời khai liên quan đến đồ vật, tài liệu cần định giá, như: Giấy tờ chứng minh quyền sở hữu; Giấy tờ mua bán tài sản; Giấy tờ về kiểm định chất lượng tài sản; Hóa đơn bán hàng; Biên bản khám nghiệm tài sản, phương tiện…

Văn bản yêu cầu giám định, định giá tài sản phải bảo đảm đầy đủ các nội dung theo quy định của BLTTHS, trong đó đặc biệt lưu ý các nội dung yêu cầu định giá phải cụ thể, rõ ràng, chi tiết đối với từng loại, từng bộ phận của tài sản bị hư, hỏng hay mất mát v.v, không nêu chung chung. Đồng thời, phải bảo đảm việc yêu cầu định giá phù hợp với khả năng chuyên môn của Hội đồng định giá ở địa phương.

Đưa ra các đề nghị trong trường hợp phát hiện CQĐT xác định không đúng thời điểm cần định giá của tài sản trên cơ sở nguyên tắc định giá mà pháp luật quy định: Giá trị tài sản định giá là giá trị tại thời điểm tài sản đó bị chiếm đoạt, bị xâm hại, mà không phải là thời điểm bị can, bị cáo tẩu tán hay thời điểm CQĐT thu giữ hoặc thời điểm diễn ra hoạt động định giá của Hội đồng định giá như ở ví dụ 1, nếu cơ quan cảnh sát điều tra yêu cầu định giá tài sản bị hủy hoại từng lần là bao nhiêu, khi đó sẽ xác định được giá trị tài sản bị hủy hoại ở mỗi lần thấp hơn mức khung CTTP thì bị cáo đã không bị truy tố.

Luật sư cần nghiên cứu các biên bản hiện trường, biên bản khám nghiệm, biên bản giao, nhận tài sản cần định giá giữa cơ quan tiến hành tố tụng với Hội đồng định giá có đúng loại, số lượng tài sản cần định giá không, có đúng pháp luật không?

Để được tư vấn chi tiết từ luật sư của Luật 3 Chung

Vui lòng liên hệ số hotline 085.200.8585

Hoặc liên hệ qua email: luatsu@luat3chung.vn

Bài viết liên quan