Việc phát hiện và thu giữ dấu vết hình sự có thể thực hiện được nhờ thuộc tính phản ánh của vật chất, hiện tượng trong thế giới khách quan. Tính phản ánh (“tự” phản ánh hoặc phản ánh thông qua sự tác động qua lại lẫn nhau) là đặc tính chung của mọi sự vật, hiện tượng. Dấu vết hình sự chính là sự phản ánh vật chất (những biểu hiện cụ thể) được hình thành và tồn tại ở dạng vật chất (trong một phạm vi không gian, thời gian nhất định) trong mối quan hệ tất yếu với vụ việc phạm tội đã xảy ra. Đây là sự phản ánh đặc điểm bề ngoài của một vật (vật tạo dấu vết) tác động lên một vật khác (vật tiếp nhận dấu vết) do hành vi phạm tội gây ra (dấu vân tay, dấu chân, dấu giày, quần áo, răng, đường xe chạy v.v.). Vì vậy, việc phát hiện và thu thập dấu vết hình sự cần phải được tiến hành một cách cẩn thận, nhanh chóng, kịp thời, không bỏ sót, làm mất hoặc làm hư hỏng các dấu vết đó. Thông qua các dấu vết hình sự (những biểu hiện, hiện tượng hữu hình, cụ thể như dấu vân tay, dấu chân, dấu giày, quần áo,…) có thể xác định được diễn biến của hành vi phạm tội, người phạm tội và các tình tiết khác về vụ án. Trên cơ sở quy luật hình thành dấu vết đó, việc tiến hành thu thập các dấu vết là chứng cứ chứng minh cho hành vi phạm tội tại hiện trường vụ án cũng như các dấu vết mà Luật sư phát hiện, thu giữ đó có thể chứng minh cho khách hàng của Luật sư ngoại phạm hoặc minh oan cho khách hàng.
Ví dụ :
Trong vụ án Nguyễn Thanh C, ở BG, đây là vụ án oan điển hình nhất liên quan đến việc Luật sư bào chữa cho ông C đã phát hiện nhiều dấu vết lạ, khả nghi tại hiện trường vụ án, Luật sư đã yêu cầu CQĐT tiến hành thu giữ dấu vết đó để phục vụ công tác điều tra, song CQĐT công an tỉnh BG đã bỏ qua đề nghị này, dẫn đến vụ án đã bị oan sai. Cụ thể: tại Biên bản khám nghiệm hiện trường vụ án mạng xảy ra tại nhà nạn nhân H thể hiện rất rõ: “Nạn nhân nằm trên vũng máu, tại hiện trường phát hiện một lưỡi dao cạnh nạn nhân, lưỡi dao có dính máu,… nền nhà có nhiều vết chân trần dính máu… dấu tay có vết máu trên cửa, trên ổ bật công tắc điện…”. Luật sư đã đề nghị thu giữ toàn bộ dấu vết chân lạ trên hiện trường, dấu vết vân tay ở cánh cửa, ở ổ bật tắt công tắc điện. Đồng thời cần thu giữ cẩn thận con dao tại hiện trường vụ án, các dấu vết vân tay trên con dao, cũng như giám định vết máu để xác định máu này là máu của ai? Máu người hay máu động vật.
Hiếm có vụ án giết người nào mà có nhiều dấu vết để lại hiện trường như vụ án này. Rất đáng trách các cơ quan tiến hành tố tụng đã không khai thác triệt để các ý nghĩa, giá trị của những vật chứng, dấu vết tội phạm, đã không tiến hành giám định dấu vân tay, chân để xác định dấu vân tay, chân của ai để lại hiện trường, trong điều kiện, hoàn cảnh nào, lý do vì sao mà lại đơn thuần, chủ quan, phiến diện, chỉ dựa vào số đo bàn chân để khẳng định ông C đã để lại dấu chân ở hiện trường là sai lầm cực kỳ nghiêm trọng. CQĐT còn chưa khai thác vật chứng để lại hiện trường là lưỡi dao. Đáng lẽ ra, việc cần làm trong trường hợp cụ thể này là phải xác định nghi phạm và người thân của nghi phạm có loại dao này không? Nguồn gốc của con dao này?… Tuy nhiên, CQĐT không làm sáng tỏ những vấn đề cần thiết, mà đã bỏ qua tất cả.
Trong nhiều vụ án, đôi khi chỉ dựa vào một cúc áo, một sợi tóc của nghi phạm để lại hiện trường, nhưng CQĐT xác minh đúng nguồn gốc, điều kiện, hoàn cảnh thu thập vật chứng, biết khai thác các ý nghĩa, giá trị của vật chứng nên đã xác định đúng kẻ phạm tội. Tuy nhiên, tại vụ án này thì ngược lại, quá nhiều vật chứng, dấu vết trực tiếp đã bị bỏ qua, không được khai thác, phục vụ công tác điều tra. Còn nữa, nhiều người biết, hàng ngày nạn nhân vẫn đeo nhẫn ở ngón tay, nhưng khi khám nghiệm hiện trường, chỉ thấy vết đeo nhẫn trên tay nạn nhân, mà không thấy nhẫn đâu. Tình tiết này cũng đã bị bỏ qua, mặc cho gia đình nạn nhân đã nhiều lần đề cập đến, mặc cho Luật sư bào chữa cho bị can đã gửi nhiều đơn khiếu nại đến các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, yêu cầu phải làm rõ các dấu vết quan trọng xuất hiện tại hiện trường vụ án. Tuy nhiên, CQĐT đã không làm đầy đủ các yêu cầu. Đây là biểu hiện của việc điều tra phiến diện, không đầy đủ, không toàn diện, không khách quan. Mãi sau này, với sự bền bỉ và kiên trì, Luật sư và gia đình anh C trong vụ án mới được lật lại, anh C mới được minh oan.
Ngoài ra, các dấu vết thu giữ được còn là chứng cứ quan trọng giúp cho Luật sư xác định chính xác khoảng thời gian hình thành nên các dấu vết đó, theo đó có thể xác định được nghi can có mặt hay không có mặt ở hiện trường tại thời điểm xảy ra vụ việc phạm tội. Vì vậy, với Luật sư đi tìm dấu vết vật chất, chẳng khác gì tìm ra “người chỉ đường” tin cậy và nếu Luật sư nắm vững quy luật tồn tại, biến đổi của dấu vết vật chứng tại hiện trường vụ án, mối quan hệ hình thành và tác động qua lại giữa các dấu vết với các vật, hiện tượng trong thế giới khách quan; đặc điểm của từng loại dấu vết đối với các đối tượng bị tác động… sẽ giúp ích cho Luật sư rất nhiều trong quá trình đi tìm sự thật về vụ án mà mình đang nhận lời bào chữa, bảo vệ.
Mặt khác, theo quy luật của thời gian, cũng như sự ảnh hưởng của thời tiết (mưa, gió, nhiệt độ, côn trùng…) tác động không nhỏ đến sự hình thành, tồn tại của dấu vết vật chứng. Chính vì vậy, ngay sau khi nhận lời bào chữa, bảo vệ cho khách hàng, Luật sư cần hỏi ngay khách hàng về vụ việc xảy ra ở đâu, như thế nào và đặc biệt Luật sư cần đến và tiếp cận hiện trường để xem xét các dấu vết.
Ví dụ:
Ngày 01/01/2017, tại thị xã huyện LG, BT đã xảy ra một vụ án gây chấn động cả nước, tuy nhiên, quá trình điều tra do không tiến hành đầy đủ, khách quan dẫn đến vụ án oan. Vụ án này là một bài học đau xót cho hệ thống cơ quan tư pháp ở Việt Nam, theo đó không biết bằng phương pháp điều tra vụ án như thế nào, khiến cho đối tượng HVN từ lúc đầu không chịu nhận tội, sau đó buộc phải nhận mình là người đã thực hiện hành vi phạm tội. Mặt khác, HVN đã có lời khai về tang vật của vụ án là con dao mà đối tượng dùng để gây án, được chôn cẩn thận tại địa điểm X, thuộc xã Y huyện LG, BT. Theo đó, CQĐT đã cho tiến hành đào xới hiện trường nơi chôn cất và thu giữ con dao. Tại hiện trường thu giữ vật chứng, Luật sư của bị can HVN đã nhận thấy: thời điểm xảy ra vụ án cho đến thời điểm thu giữ vật chứng (mà CQĐT thu giữ) chỉ có 02 tháng. Tuy nhiên, hình dạng con dao thật lạ, nó khác hoàn toàn lời khai của bị can HVN trong hồ sơ và nó cũng có hình dạng khá đặc biệt: con dao có độ dài khoảng 15cm, mũi nhọn và toàn thân con dao đã bị hoen gỉ, đất đỏ bám đầy. Với kiến thức về dấu vết vật chứng và sự biến đổi dấu vết vật chứng theo thời gian, Luật sư đã có nhận định: Không thể trong khoảng thời gian ngắn mà con dao inox sáng choang dùng gây án, chôn dưới đất 02 tháng đã trở thành cục gỉ sét như vậy được. Luật sư đã có văn bản kiến nghị gửi đến CQĐT đề nghị xem xét kĩ lại vật chứng, theo Luật sư, con dao mà CQĐT thu thập không thể là vật chứng của vụ án được. Tuy nhiên, CQĐT đã bỏ qua, không coi trọng quan điểm của Luật sư bào chữa, do đó vụ án đã bị oan. Hơn nữa, về lá thư nạn nhân M hẹn hò ông S gặp tại vườn điều mà bà Nh (vợ ông S) khi giặt đồ phát hiện ra, từ đó tổ chức đánh ghen, giết chết nạn nhân M… cũng bị các nhà báo, Luật sư phản bác, bản thân Luật sư đã đi điều tra, tìm hiểu và nắm được một sự thật quan trọng đó là người viết ra lá thư là người không biết chữ, vậy mà trong hồ sơ lại có lời khai của bà Nh khai chính bà là người viết lá thư. Việc thu giữ các dấu vết vật chứng này rất quan trọng, nó đã trở thành những chứng cứ minh oan cho ông HVN.
Thực tiễn điều tra các vụ án hình sự cho thấy, sau khi tội phạm xảy ra thường có nhiều loại dấu vết khác nhau được để lại ở hiện trường (như: Dấu vết đường vân, dấu vết cơ học, dấu vết súng đạn; dấu vết in, dấu vết cắt, dấu vết trượt…). Đây là những phản ánh vật chất do hành vi phạm tội gây ra được lưu giữ trên các đồ vật khác nhau dưới các dạng thể rắn, thể lỏng, thể khí, mùi vị, âm thanh, ánh sáng, từ trường, điện trường… Các dấu vết (như dấu vân tay để lại trên tường, mặt bàn, ly…) được phát hiện và thu giữ nhờ các phương tiện khoa học kỹ thuật (kính lúp, bột ô xít nhôm, ô xít đồng, mạt sắt,…).
Tuy nhiên, chỉ khi nào việc thu giữ các dấu vết đó được thông qua các thủ tục pháp lý nghiêm ngặt theo quy định của BLTTHS (như: Biên bản khám nghiệm hiện trường, biên bản thu giữ mẫu vật, biên bản xác minh, biên bản giám định,…) thì các dấu vết được phát hiện, thu giữ tại hiện trường (sau khi được chuyển hóa) mới có thể được coi là chứng cứ và mới có giá trị chứng minh về các tình tiết của vụ án hình sự đã xảy ra. Cần chú ý: Đối với mỗi loại dấu vết cần phải có những phương tiện để phát hiện và thu thập thích hợp.
Ví dụ:
Vào hồi 21h ngày 21/6/2018 tại KM 46+900 thuộc xã TM, thị xã ST, tỉnh H xảy ra vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng làm chết 01 người. Người điều khiển xe ô tô trình bày nguyên nhân gây tai nạn chính là do nổ lốp xe. Tại biên bản khám nghiệm hiện trường có ghi nhận: Không có vết lốp răn để lại trên hiện trường, xe được xe khác kéo về. CQĐT xác định lỗi thuộc về lái xe đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với đối tượng. Bị can P đã mời Luật sư bào chữa cho mình. Sau khi tiếp cận vụ án, qua trao đổi với khách hàng, Luật sư nhận định: Hiện trường vụ án và hiện trường tang vật rất quan trọng. Luật sư đã đến hiện trường vụ án, tuy nhiên theo thời gian, vụ án lại xảy ra ở nơi giao thông đi lại đông nên hầu như không còn dấu vết tại hiện trường, ngoại trừ các dấu vết để lại theo đánh số và bản vẽ sơ bộ đánh dấu trên hiện trường. Luật sư đến nơi để tang vật liên quan đến vụ án, theo đó Luật sư quan sát tỉ mỉ về chiếc lốp xe, nhận thấy: Cơ quan công an đã không tháo lốp trước khi xe khác kéo xe gây tai nạn về, theo đó qua quan sát Luật sư khẳng định: Nếu có giám định cũng không còn khả năng kết luận: Lốp nổ trước khi gây tai nạn hay lốp nổ sau khi gây tai nạn. Luật sư tiếp tục đến hiện trường vụ án lần nữa và xác định: Tại hiện trường không có vết rê, vết phanh hay vết răn của lốp xe. Theo Luật sư nhận định: Lốp nổ trước khi gây tai nạn. Theo đó, Luật sư đề nghị CQĐT cần đình chỉ vụ án vì khách hàng không có lỗi khi tham gia giao thông.
Dấu vết sinh vật rất đa dạng và có nguồn gốc khác nhau: Từ con người và động vật như: Dấu vết máu, chất bài tiết, lông, tóc, thịt, da, cơ, xương…; Từ thực vật như: Gỗ, hoa, lá, quả, hạt, sợi…; Từ các vi sinh vật: Tảo, nấm, vi khuẩn…; Từ các nguyên liệu, sản phẩm ngành dệt may: Tơ, sợi, vải và các sản phẩm từ sợi vải… Tuy nhiên, các dấu vết sinh học đều có đặc điểm chung là nhanh chóng bị phân huỷ, mất mát và biến đổi do sự tác động của các yếu tố môi trường, con người và chúng thường tồn tại dưới dạng vi vết nên dễ bị hoà lẫn vào môi trường. Vì vậy, việc tìm kiếm và phát hiện dấu vết phải được tiến hành kịp thời, thận trọng, tỉ mỉ với sự trợ giúp của phương tiện kỹ thuật cần thiết (đèn pin, đèn tia cực tím,…). Việc thu giữ, bảo quản các dấu vết sinh vật cần được thực hiện theo các nguyên tắc sau: thu giữ phải kịp thời; Bảo quản tốt; Cần gửi đi giám định càng sớm càng tốt. Nắm được quy luật hình thành, tồn tại và ý nghĩa của loại dấu vết này, giúp Luật sư phát hiện, tìm kiếm, thu giữ dấu vết kịp thời nhằm chứng minh khách hàng vô tội, hoặc sự việc không như CQĐT nhận định và kết luận.
Ví dụ :
Vụ án hiếp dâm xảy ra tại huyện K tỉnh H, nạn nhân là chị NTHT. Chị T hiện trong tình trạng tinh thần hoảng loạn, lo sợ và không muốn gần gũi nói chuyện cùng ai, kể cả Luật sư bảo vệ cho mình. Qua gần gũi và trao đổi với chị T, thì khi bị các đối tượng hiếp dâm chị đã cắn 1 vết ở cổ khá sâu và mạnh 1 đối tượng hiếp dâm chị. Tuy nhiên, không chỉ có một đối tượng thực hiện hành vi với chị mà có tới 03 đối tượng khác nữa. Sau khi chị cắn một đối tượng đã bị tên này đánh cho ngất xỉu nên chị không thể mô tả các đối tượng còn lại có hình thức như thế nào.
Luật sư bảo vệ cho chị T đã đến hiện trường nơi xảy ra vụ án 2 ngày sau khi nhận lời bảo vệ cho khách hàng. Tại hiện trường, Luật sư T đã chụp ảnh lại toàn bộ hiện trường vụ án sau khi CQĐT đã tiến hành khám nghiệm hiện trường chi tiết và tỉ mỉ. Luật sư còn thu giữ được một mẩu vải bị xé rách tại hiện trường, màu đỏ. Khi trao đổi với chị T, chị nói: lúc đó chị có giằng co với hung thủ và xé áo hung thủ nhưng tối nên chị không biết nó mặc áo màu gì, đồng thời chị có cắn vào cổ bên trái của hung thủ. Theo chị nghĩ hung thủ có thể là những người biết chị và ở gần nơi chị ở. Luật sư lang thang nhiều ngày quanh khu vực quán nước, nơi hiện trường và các chỗ vui chơi của huyện K. Luật sư có nghi ngờ một đối tượng mặc dù trời mùa hè nóng bức nhưng đối tượng vẫn quàng khăn ở cổ (khăn mỏng), qua tìm hiểu những người dân xung quanh nơi đối tượng ở thì được biết, trước đây không thấy, dạo này thấy đối tượng quàng khăn, kể cũng lạ nhưng không ai hỏi. Luật sư liền đến dò hỏi các quầy thuốc xung quanh, có một quầy thuốc ở làng kế bên xác nhận đối tượng 3 ngày trước có tới mua bông băng và oxy già sát trùng. Luật sư đã cung cấp toàn bộ thông tin về đối tượng cho CQĐT, cùng phối hợp CQĐT để tìm cho ra hung thủ gây án. Khi đối tượng được mời đến trụ sở CQĐT làm việc, yêu cầu cởi khăn thì hiện nguyên hình vết răng cắn ở cổ bên trái chưa lành. Với bằng chứng này hung thủ đã phải cúi đầu nhận tội và khai ra đồng bọn cùng thực hiện hành vi với mình. Ngoài ra, CQĐT cũng làm rõ và tìm được chiếc áo bị xé vạt mà hung thủ vứt ở bụi cây sau nhà.
Từ việc trao đổi thông tin với việc truy tìm dấu vết trên thân thể đối tượng gây án, Luật sư đã tìm ra người phạm tội với khách hàng của mình nhanh chóng.
Ngoài dấu vết vật chất, dấu vết sinh học, thì dấu vết máu thường xuất hiện khá nhiều ở những vụ án liên quan đến tính mạng, sức khỏe, cướp tài sản, cướp giật tài sản trên đường… Máu là một loại mô liên kết ở dạng lỏng, chỉ chảy ra ngoài cơ thể khi có tác động của ngoại lực làm tổn thương da, phần mềm, mạch máu, trừ một số trường hợp sinh lý và bệnh lý. Ngay sau khi hình thành, do tác động của môi trường, dấu vết máu nhanh chóng bị thay đổi: Chuyển từ màu đỏ sang đỏ nâu (do bị khô), màu xám đen hoặc đen (do bị thối vì độ ẩm quá cao)… Dựa vào mầu sắc của dấu vết máu có thể xác định thời gian xuất hiện của chúng. Mặt khác, căn cứ vào hình dạng, vị trí của dấu vết có thể xác định được hướng, vị trí và phương thức hình thành dấu vết máu… Tuy nhiên, máu không phải là dấu vết tồn tại lâu, nên việc nhanh chóng thu giữ dấu vết này là hết sức quan trọng có ý nghĩa truy nguyên công cụ, phương tiện gây án hoặc khẳng định nạn nhân có đúng là người để lại vết máu trên công cụ, phương tiện đó không. Nắm được quy luật hình thành, tồn tại và ý nghĩa của loại dấu vết này, giúp Luật sư nhanh chóng tiếp cận hiện trường cùng phát hiện và thu giữ để phục vụ cho hoạt động bào chữa, bảo vệ cho khách hàng của mình hiệu quả.
Ví dụ:
Ngày 01/10/2018, tại địa bàn quận 7 thành phố HCM đã xảy ra một vụ xô xát giữa hai đối tượng NVA và TVB. Hậu quả, NVA bị chém vào cổ tay trái, vết thương sâu, máu chảy nhiều. Theo kết luận giám định, A bị tổn thương cơ thể là 8%. A khai bị B chém vào tay. A đề nghị xử lý B trước pháp luật. Với đề nghị và tỷ lệ tổn thương cơ thể của A, CQĐT đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với B theo khoản 1 Điều 134 BLHS năm 2015. B được tại ngoại, sau khi bị khởi tố, B đã mời Luật sư bào chữa cho mình, B luôn kêu oan.
Qua trao đổi với B, Luật sư nắm được sự việc như sau: Do NVA nợ của B số tiền khá lớn (vài trăm triệu đồng), nhưng cứ khất lần không chịu trả. Quá bức xúc trước thái độ và hành vi của A, mặc dù B đã rình rập nhiều ngày nhưng cũng không gặp được A. Vào ngày 01/10/2018, B đã thấy A đi ngang qua cổng chợ khi B đang ngồi uống nước, B liền lao ra chặn A lại và yêu cầu vào trong nhà cạnh chợ nói chuyện, nhưng A không chịu. A liền rút con dao bầu, cán dài khoảng 30cm, lưỡi dao vát hình bầu dục, dao dùng chọc tiết lợn giơ lên và nói “mày mà ép tao là tao chém chết”, vừa nói A vừa bỏ chạy. Do cuống quá, nên hai chân của A đã vấp vào nhau. A liền ngã sấp mặt xuống đường và gây ra vết thương ở tay mình. Con dao vứt tại hiện trường gần khu vực chợ.
Qua tìm hiểu về vụ án, thì lời khai của A hoàn toàn khác với những gì Luật sư nắm được từ B. Theo đó, A khai: Do B đuổi, sợ quá A bỏ chạy, vấp chân vào nhau và ngã ngửa ra đường, cùng lúc đó B lao đến dùng dao mang theo chém A, A giơ tay lên đỡ và bị chém vào cổ tay trái.
Về vết thương: Bị chém mạnh, vết chém sâu vào mặt trong cổ tay. Hiện tại CQĐT chưa thu được con dao có vết máu của nạn nhân A,
CQĐT cũng như nạn nhân cho là của B gây thương tích cho A.
Qua nghiên cứu sự việc, Luật sư nhận định:
1. Con dao là vật chứng quan trọng cần phải thu giữ, vì trên con dao ngoài dấu vết máu ra còn có dấu vân tay của người cầm nó;
2. Qua điều tra, Luật sư còn biết A thuận tay phải, không thuận tay trái, trong khi thương tích ở cổ tay trái;
3. Theo quy luật, khi đang chạy, nếu vấp chân theo đà phải ngã sấp, như vậy lời khai của B hợp lý, lời khai của A không hợp lý.
Sau đó, Luật sư đã dày công tìm kiếm các đống rác xung quanh hiện trường xảy ra vụ án ở gần chợ và đã tìm ra 05 con dao, trên các con dao đều có vết màu sẫm, khô, nghi là máu. Luật sư đã cẩn thận thu giữ tất cả 05 con dao cho vào túi ni lông buộc chặt lại và đem nộp cho CQĐT. Theo kết luận giám định truy nguyên về vết máu trên các con dao được đánh số thứ tự từ 01 đến 05: thì con dao số 03 là của A; các dấu vết trên cán dao chỉ có dấu vết vân tay của A, một vài dấu vân tay khác nữa, nhưng hoàn toàn không có dấu vân tay của B. Tất cả những con dao còn lại là máu động vật, không phải nhóm máu người.
Mặt khác, khi dựng lại hiện trường, nhiều lần theo mô tả lời khai của phía A, thì A giơ tay đỡ, nhưng A toàn giơ tay thuận tức là tay phải đỡ, sau đó được nhắc mới chuyển sang tay trái. Điều này Luật sư đã quan sát, và ghi chép tỉ mỉ.
Theo quy luật hình thành dấu vết, nếu giơ tay đỡ, thì vết thương phải được hình thành ở má ngoài cổ tay, không thể chính giữa được. Tuy nhiên, vết thương của A là chính giữa cổ tay, điều này không được phù hợp với hiện trường thực nghiệm.
Điều quan trọng nhất cho thực nghiệm lại hiện trường, khi A xoắn chân và ngã, theo cơ chế chạy và đà chạy thì A đã luôn ngã sấp mà không thể thực hiện việc ngã ngửa ra được.
Với những bằng chứng xác thực nêu trên, Luật sư đã chứng minh vết thương ở cổ tay trái của A do chính A tạo ra khi bỏ chạy, vấp chân ngã đã bị con dao cầm ở tay phải vô ý chém xuống cổ tay trái tạo ra vết thương. Bằng việc thu thập dấu vết này, Luật sư đã minh oan cho khách hàng của mình.
Đối với những vụ án phạm tội liên quan đến cháy, nổ do dùng bom mìn, xăng, a xít để phạm tội, hiện nay loại tội phạm dạng này đang ngày một gia tăng. Công tác khám nghiệm hiện trường và giám định dấu vết cháy nổ luôn là một công việc rất khó khăn trong quá trình điều tra vụ án, bởi lẽ trong nhiều trường hợp hiện trường cháy nổ chỉ là nhằm đánh lạc hướng điều tra và che đậy hành vi phạm tội như giết người, hiếp dâm, tham ô, trộm cắp tài sản… Sau khi vụ cháy nổ xảy ra, dù chỉ còn là một đống tro tàn, hiện trường bị xáo trộn, bị xóa bởi lửa cháy, nước cứu hỏa thì trên đó vẫn tồn tại những dấu vết nhất định nào đó… Việc khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi và thu thập các dấu vết này giúp cho việc xác định nguyên nhân dẫn đến cháy nổ, quá trình diễn biến và các tình tiết của vụ việc đã xảy ra, trên cơ sở đó xác định có hành vi phạm tội xảy ra hay không và truy tìm đúng thủ phạm gây án, tránh được sự oan sai. Điều đáng nói, với những vụ án này dấu vết dường như là bị xóa sạch, theo đó cần tỉ mỉ tìm kiếm những dấu vết còn sót lại ở hiện trường mà chưa bị cháy nổ làm mất, để từ đó lần ra người thực hiện hành vi phạm tội;
Ví dụ:
Đêm ngày 07/02/2017, tại nhà số XX/68, chùa LP người dân phát hiện có cháy và hô hoán, gọi lực lượng phòng cháy chữa cháy đến chữa cháy. Tại hiện trường phát hiện nạn nhân NTN đã chết trong phòng ngủ, vùng đầu có nhiều vết thương, đồ đạc trong phòng bị lục soát vứt trên nền nhà. Khám nghiệm tử thi, xác định toàn thân nạn nhân bị cháy đen,… nạn nhân chết do chấn thương sọ não nặng, vỡ xương sọ, dập thoát não và đã chết trước khi bị thiêu… Nạn nhân bị hạ sát ngay tại tầng hai, phía trước tủ có vết máu đọng và loang, trong nhà vệ sinh cũng thu được rất nhiều vết máu, đồ đạc trong các ngăn tủ bị lục soát và vứt ra nền nhà, kẻ gian đã lấy đi một số tài sản. CQĐT xác định đây là một vụ án giết người cướp tài sản. Các vết thương ở vùng đầu do vật tày cứng có trọng lượng có cạnh gây nên, phù hợp với chiếc búa thu được ở gầm giường nơi nạn nhân bị đốt, trước khi rút khỏi hiện trường, đối tượng đã chất quần áo chăn màn lên người nạn nhân và thiêu xác nhằm xóa dấu vết.
Quá trình điều tra, CQĐT đã xác định: Sau khi ly dị chồng, chị N kết bạn với một số người đàn ông. Sàng lọc danh sách những người quen của chị, khoanh vùng còn khoảng 30 người liên quan. Tuy nhiên, suốt nhiều ngày phải bới tìm từng mảnh vụn trong phần rác trên nền nhà, lực lượng khám nghiệm không thể thu được bất kỳ dấu vết nào.
Cán chiếc búa đinh nghi là hung khí thu được tại hiện trường cũng đã cháy thành than, không thể thu được dấu vân tay của kẻ thủ ác. Một đồng nghiệp của chị N cho biết, ngoài chiếc Samsung cũ đang dùng, chị mới mua một chiếc điện thoại Nokia 7370 rất đắt tiền. Nhưng lần tìm nhiều ngày trong đống tàn tro, lực lượng công an không thu được bất cứ dấu vết nào liên quan đến chiếc điện thoại đó.
Trong quá trình giám định hiện trường, lực lượng kỹ thuật hình sự còn thu được một dấu vân tay ở mặt trong chiếc tủ kính tại phòng khách tầng 2. Nhưng đáng tiếc dấu vân tay này lại không trùng với bất cứ một người bạn nào của chị N trong danh sách tình nghi mà CQĐT thiết lập. Hướng điều tra duy nhất còn sót lại chính là chiếc điện thoại của nạn nhân đã bị kẻ gây ra tội ác đã lấy đi. Đồng nghĩa với việc kẻ đó chính là chủ nhân của dấu vân tay mà đối tượng đã để lại trên mặt tủ kính tại hiện trường vụ án.
Từ dấu vân tay để lại trên tủ kính, công an làm rõ chủ nhân của dấu vân tay này là Trần Chí C (sinh năm 1954), đang làm việc tại một khách sạn. Đáng chú ý, qua định vị chiếc điện thoại di động mới của chị N cũng nằm tại khu vực C làm việc. Gần 1 tháng sau ngày xảy ra vụ việc, lực lượng công an đã tìm gặp C, đề nghị cho xem chiếc điện thoại mà ông ta đang sử dụng. Bất ngờ, C tự thừa nhận mình mua chiếc điện thoại này của chị N vào đúng buổi tối chị bị sát hại. C nói, đọc báo mới biết vụ việc đau lòng xảy đến với chị N.
Đối tượng C còn đưa ra một “lịch trình” khác sau khi rời nhà chị N nhưng những chứng cứ mà người hàng xóm cung cấp đã chống lại
1. Tối hôm ấy, Trần Chí C đã đến thăm nhà chị N hai lần. Lần đầu vào khoảng 20h30 nhưng chị không có nhà, và lần thứ hai vào khoảng 22h30 và được chị N mở cửa cho vào.
Trò chuyện với C, chị N cho hay mình vừa mua điện thoại mới nhưng chưa biết cách sử dụng nên còn nhờ C dạy cho cách dùng. Đang nợ nần quá nhiều, lại muốn có một khoản tiền để em gái chữa bệnh, C lầm tưởng chị N có rất nhiều tiền nên đã ra tay sát hại.
Từ các dấu vết thu giữ được tại hiện trường xác định được quá trình diễn biến của vụ án như sau: Nạn nhân bị đối tượng tấn công bất ngờ tại phòng khách tầng 2 và kéo vào nhà vệ sinh hạ sát. Sau khi nạn nhân đã chết, đối tượng đưa xác nạn nhân đặt lên giường phòng ngủ, lục soát tài sản trong các phòng. Tài sản bị mất ban đầu được xác định là 2 điện thoại di động. Đối tượng là người quen nạn nhân, biết nạn nhân ở một mình, có tính toán kỹ và chuẩn bị hung khí là chiếc búa đinh trước khi gây án… Từ các dấu vết thu được tại hiện trường, CQĐT đã xác định được Trần Chí C sinh năm 1954, trú tại số 5/151 KN, Vĩnh Tuy, Hai Bà Trưng, HN là thủ phạm gây án.
Dấu vết hiện trường rất quan trọng, dù chỉ là một đống tro tàn thì nó vẫn có thể cất lên “tiếng nói” mách bảo và chỉ hướng cho công tác điều tra. Vì thế, dẫu hiện trường vụ án đã bị xóa sạch bởi lửa cháy, nước cứu hỏa thì vẫn còn những dấu vết khác, bắt kẻ phạm tội phải cúi đầu nhận tội.
Qua nghiên cứu về vụ án này, Luật sư cần rút ra bài học cho mình trong việc phát hiện, thu giữ dấu vết vật chứng liên quan đến vụ án tại hiện trường, nếu thấy bản thân Luật sư không có đủ điều kiện để tiến hành thu thập các dấu vết hình sự liên quan đến vụ án, thì Luật sư có thể trao đổi đề nghị CQĐT hoặc cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thu thập, đó là:
1. Phát hiện và tìm ra những dấu vân tay còn sót lại ở hiện trường;
2. Phát hiện và tìm ra chiếc điện thoại đời mới bị mất và có đặt phần mềm định vị, từ đó xác định chiếc điện thoại đó do ai dùng, ở đâu;
3. Rà soát danh, chỉ bản đối chiếu để truy nguyên dấu vân tay ra hung thủ trong vụ án giết người man rợ nêu trên.
Để được tư vấn chi tiết từ luật sư của Luật 3 Chung
Vui lòng liên hệ số hotline 085.200.8585
Hoặc liên hệ qua email: luatsu@luat3chung.vn