[TƯ VẤN LUẬT HÌNH SỰ] Xác định tâm lý của người bị buộc tội trước khi tham gia phiên tòa

Thông thường, trong hoàn cảnh tố tụng là khách hàng đã bị VKS truy tố bằng bản cáo trạng để ra tòa án xét xử sơ thẩm, VKS triệu tập bị can để tống đạt cáo trạng, hoặc giao nhận cáo trạng trong nhà tạm giữ, tạm giam, lúc này trong bị can thường xuất hiện tâm lý mâu thuẫn nội tâm rất quyết liệt theo hai khuynh hướng: Vừa muốn gặp gỡ với VKS xem tình hình của mình có ổn không, có phức tạp không, có phương án nào để tháo gỡ không; Mặt khác lại ở trạng thái né tránh, sợ bộc lộ sơ hở sẽ là “đòn tấn công” lại từ phía cơ quan buộc tội. Với tâm lý này bị can rất mong chờ có Luật sư giúp đỡ, bảo vệ cho mình về mặt pháp lý. Những điều mà mong muốn gặp gỡ các cơ quan và người có thẩm quyền tiến hành tố tụng để hỏi, thì nay bị can sẽ đặt hàng loạt câu hỏi đó cho Luật sư, đồng thời họ thoải mái hơn không lo bị sơ hở và buộc tội nặng hơn khi trao đổi những vấn đề này với Luật sư.

Hiểu được tâm trạng này từ phía khách hàng, Luật sư cần xác định: Giai đoạn này quan trọng, khách hàng cần hiểu họ sẽ có kết cục ra sao, sẽ bị kết án về tội gì, khoản nào và mức hình phạt họ sẽ phải đón nhận là gì. Để có thể trả lời được các câu hỏi khó đó của khách hàng, Luật sư cần phải nghiên cứu kỹ hồ sơ, có kế hoạch bào chữa chi tiết, đầy đủ, định hướng rõ ràng và hướng dẫn khách hàng về toàn bộ kế hoạch mà Luật sư sẽ dự định tiến hành tại phiên tòa. Việc truyền tải những thông tin về kế hoạch bào chữa của Luật sư đến với khách hàng là hết sức quan trọng và cần thiết, có như vậy khách hàng mới yên tâm và biết được mình sẽ ra sao. Tất nhiên, Luật sư cần nói rõ đó chỉ là phương án và kế hoạch dự liệu của Luật sư, còn mọi diễn biến và kết luận tại phiên tòa thì phụ thuộc vào nhận định và quyết định của HĐXX, Luật sư sẽ làm hết sức mình để bảo vệ quyền và lợi ích tốt nhất cho khách hàng.

Đặc điểm tâm lý bao trùm, chi phối toàn bộ tâm lý khác của khách hàng từ trước cho đến thời điểm này chính là mong muốn được giảm nhẹ TNHS, giảm nhẹ hình phạt, nhiều khách hàng muốn Luật sư giúp đỡ cho mình được hưởng án treo. Từ đặc điểm này tùy từng diện đối tượng mà hình thành thái độ khai báo tại phiên tòa khác nhau. Với đối tượng lần đầu phạm tội, phạm tội nghiêm trọng, phạm tội ít nghiêm trọng, đã khắc phục hết hậu quả, được bị hại có đơn xin giảm nhẹ TNHS cho bị can, bị cáo thì họ khai báo rất thành khẩn, tỏ ra ăn năn, hối lỗi và mong muốn được làm lại cuộc đời, không muốn bị cách ly khỏi xã hội, mong được sự khoan hồng của nhà nước bằng một bản án nhẹ nhất có thể.

Chưa kể đến ở những giai đoạn trước đó, Luật sư và khách hàng của Luật sư luôn định hướng bào chữa theo hướng vô tội. Theo định hướng bào chữa của Luật sư, bị can kiên quyết không chịu nhận tội. Điều này được thể hiện trong các bản cung, bản khai hoặc các biên bản giao nhận các quyết định tố tụng liên quan đến vụ án, bị can đều ghi là tôi không đồng ý với quyết định trên (quyết định khởi tố bị can, kết luận điều tra, cáo trạng…). Tuy nhiên, vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, mâu thuẫn, bản thân khách hàng của Luật sư cũng có một phần lỗi để xảy ra hậu quả, hậu quả xảy ra đặc biệt nghiêm trọng, nhưng lỗi đó và hậu quả có mối quan hệ nhân quả trực tiếp không? Lỗi đó là lỗi gì? Lỗi hành chính hay lỗi hình sự? Lỗi đó đủ để kết luận khách hàng của Luật sư đã phạm tội chưa? Vấn đề này còn đang đấu tranh quyết liệt.

Khi sang đến giai đoạn truy tố, VKS đã ban hành bản cáo trạng truy tố và đặc biệt khi bị cáo nhận được quyết định đưa vụ án ra xét xử của Thẩm phán, thì trạng thái tâm lý của khách hàng bỗng trở nên nhiều suy tư, lo lắng. Liệu cứ tiếp tục cãi là mình vô tội thì có bị cho là chống đối và không thành khẩn hay không? Liệu việc không nhận tội của mình có bị kết tội nặng thêm không? Trong con người của khách hàng là sự mâu thuẫn tâm lý giằng xé giữa hai trạng thái khác nhau, lúc này chỉ có Luật sư mới đủ bình tĩnh, sáng suốt và nhận định phương án giải quyết sao cho phù hợp và hiệu quả nhất, không nên cố cãi mà đẩy sự việc vào bế tắc, gây khó cho khách hàng và hiệu quả về mục tiêu bào chữa không đạt được. Song nếu chắc chắn khẳng định khách hàng của Luật sư là vô tội, Luật sư cần trấn an tâm lý khách hàng, cùng đấu tranh bảo vệ cái đúng, bảo vệ lẽ phải đến cùng, không được nản chí và không được thoái lui. Luật sư phải hiểu trạng thái tâm lý khách hàng, nắm được vụ án toàn diện, vững vàng chuyên môn sẽ tư vấn và định hướng bào chữa cho khách hàng hiệu quả và đúng đắn nhất.

Ví dụ :

Sáng 19/6/2019, TAND tỉnh HB tuyên án phúc thẩm với 5 bị cáo trong vụ tai biến chạy thận làm 9 người chết ở Bệnh viện đa khoa HB. Tòa chấp nhận một phần kháng cáo, tuyên phạt Hoàng Công L 30 tháng tù về tội Vô ý làm chết người, được trừ 14 ngày tạm giam. Trước đó, với 11 Luật sư bào chữa trong vụ án trên miễn phí cho mình, bác sĩ L cùng 11 Luật sư luôn kêu oan, lý do oan đã được các Luật sư đưa ra phân tích khá nhiều thời gian. Có thể nói, với 11 Luật sư và việc khẳng định oan sai, thêm vào đó là 2 lần Tòa án thành phố HB trả hồ sơ điều tra bổ sung, thay đổi tội danh liên tục, điều này khiến cho bác sĩ L càng ngày càng rơi vào trạng thái tâm lý hoang mang, lo lắng. Tuy nhiên, bác sỹ L luôn ấn định trong đầu là mình vô tội. Cho đến khi TAND thành phố HB xét xử và tuyên bố mức án 42 tháng tù đối với Hoàng Công L, lúc này mọi niềm tin trong bác sĩ L và gia đình đều sụp  đổ. L nghi ngờ tất cả, cho rằng 11 vị Luật sư kia cũng chẳng thể làm gì được, hơn nữa có cãi thì cũng không cãi được vì họ đã cố ý kết tội thì không thể làm gì khác được. Tâm lý lúc này là bế tắc và chán chường, nhiều lúc muốn tìm đến cái chết. Điều này đã làm cho bác sĩ L rơi vào tình trạng trầm cảm nặng, bế tắc, gương mặt thất thần, đôi mắt đăm chiêu, vô vọng, mất niềm tin.

Theo đó, trước phiên xử phúc thẩm, tâm lý của bác sĩ, của gia đình vô cùng căng thẳng, lo lắng. Thực sự, họ không biết kết cục của phiên phúc thẩm sẽ là như thế nào, có nên tiếp tục chối tội không hay nhận tội, nhưng nếu nhận tội liệu có được hưởng án treo không? Rất nhiều câu hỏi bủa vây. Là Luật sư cần hết sức tỉnh táo và sáng suốt nhận định đường lối và phương án giải quyết trong tình huống này, hiểu được tâm trạng khách hàng để an ủi, động viên, đồng thời cũng đưa ra kế hoạch và đường lối thật chuẩn xác sau khi tiếp xúc, trao đổi về vụ án với các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong giai đoạn này.

Đối với khách hàng là người dưới 18 tuổi, thì đặc điểm tâm lý có nhiều cung bậc cảm xúc rất khác nhau, khó tả, có lẽ do đặc điểm tâm sinh lý của lứa tuổi này chưa phát triển toàn diện, mọi hành động còn non nớt, đặc biệt xu hướng tự khẳng định mình và có chút nổi loạn khiến các em phạm tội mà không biết sợ. Chỉ đến khi các em phải đối mặt với bản án nghiêm khắc và bị tạm giam thì lúc đó tâm trạng sợ hãi, hoảng loạn mới choáng ngợp các em.

Ví dụ :

Vụ án đưa ra xét xử 7 em nhỏ, lứa tuổi từ 14-16 nổi tiếng ở quận Hà Đông, HN với tội danh: “Phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia” theo Điều 303 BLHS năm 2015 với khung hình phạt ở khoản 1 từ 03 năm đến 12 năm. Hành vi rất đơn giản đó là các em nhỏ thấy cây cột điện do mưa bão bị đổ ở giữa cánh đồng, các em rủ nhau ra cưa lấy sắt vụn, mỗi ngày cưa một ít, và đã thực hiện tổng cộng 7 lần, số tiền các em bán được là 20 triệu đồng (tiền bán sắt vụn). Khi bị phát hiện, các em hoàn toàn không biết cây cột điện này là cột truyền tải điện 500KV Bắc Nam. Do đều là lứa tuổi chưa thành niên, còn đang đi học, các em được gia đình bảo lĩnh nên chỉ bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú. Gia đình các em có hoàn cảnh khó khăn, nên không mời Luật sư bào chữa mà do các cơ quan tiến hành tố tụng chỉ định Luật sư bào chữa cho các em. Tâm lý các em ở giai đoạn điều tra, truy tố và chuẩn bị xét xử khá thoải mái, các em vẫn được đi học bình thường, vẫn về nhà ăn cơm bình thường với gia đình. Quá trình triệu tập hỏi cung và lấy lời khai, các em luôn có người giám hộ là bố mẹ đi kèm, cùng Luật sư luôn luôn có mặt khi cần thiết. Do tâm lý thoải mái, nghĩ là hành vi và sự việc không có gì nên các em hầu như không lo lắng và không biết sợ. Tâm lý thoải mái, cộng với tuổi vị thành niên nên các em khai rất thật, có sao nói vậy, còn trêu đùa nhau, cười đùa rất vui. Có lẽ các em chưa biết mức án mà mình sẽ phải đối diện, chưa biết hậu quả pháp lý phải gánh chịu trước tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng nên không biết sợ.

 

Ví dụ :

Vụ án người dưới 18 tuổi phạm tội “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi” theo điểm b khoản 1 Điều 142 BLHS năm 2015 với mức án từ 07 năm đến 15 năm, đây là tội phạm rất nghiêm trọng. Lý do phạm tội: Cậu thanh niên 16 tuổi 9 tháng, đem lòng yêu cô bé NNT 12 tuổi 11 tháng qua mạng xã hội. Sau đó, hai đứa hẹn hò và rủ nhau đi nhà nghỉ quan hệ tình dục với nhau nhiều lần. Gia đình cô bé đã theo dõi và phát hiện ra sự việc, đồng thời báo với CQĐT. Tại CQĐT do lứa tuổi chưa thành niên vẫn còn non nớt, tâm lý chung là quá hoảng sợ và lo lắng, nên cậu bé rất thật thà khi khai báo, cậu ta khai ra đã quan hệ tình dục với NNT khoảng 4 lần vào những thời điểm nào và tại đâu rất chi tiết, cô bé NNT xác nhận lời khai trên là đúng. Với lời khai bất lợi này, cậu bé phải đối diện với khung hình phạt từ 12 năm đến 20 năm. Tại CQĐT, cô bé năn nỉ gia đình cho hai đứa lấy nhau làm vợ chồng, nạn nhân và bị can ôm nhau khóc nức nở, đầy sợ hãi không nhận thức và không biết được hành vi của mình đã phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.

Với tâm lý người dưới 18 tuổi hình thành khá nhiều trạng thái khác nhau như vậy nên Luật sư cần nắm bắt được để khi tiến hành hoạt động bào chữa cho họ có cách tiếp cận và có phương án bào chữa hiệu quả nhất.

Ví dụ :

Vụ án Lê Văn L, một vụ án đã gây bàng hoàng trong dư luận về tội phạm ở lứa tuổi dưới 18. Ngày 24/8/2011, Lê Văn L đã giết chết vợ chồng chủ tiệm vàng NB (ở Phương Sơn, LN, BG) cùng con gái nhỏ 18 tháng tuổi. Con gái lớn của nạn nhân 8 tuổi bị chém đứt tay. Sau khi sát hại dã man các nạn nhân, L còn lấy số tài sản gần 1 tỷ 300 triệu đồng. Vụ án đã gây rúng động cả nước bởi sự tàn bạo, tính man rợ trong hành vi của một kẻ phạm tội mới hơn 17 tuổi. Do quy định về độ tuổi áp dụng hình phạt tử hình nên L đã không bị kết án tử hình do tính nhân đạo của pháp luật hình sự Việt Nam. Tính đến thời điểm gây án, L còn thiếu 54 ngày nữa mới tròn 18 tuổi. Cho nên, dù đã phạm hai tội thuộc loại đặc biệt nghiêm trọng, thì tổng hợp hình phạt mà L phải gánh chịu chỉ là 18 năm tù.

Khi mới bị bắt tạm giam để điều tra, ấn tượng đầu tiên đối với Luật sư bào chữa khi vào trại gặp và tham gia các cuộc hỏi cung đối với Lê Văn L là tâm lý rất khó tả, cực kỳ lì lợm, ngang tàng, không biết sợ, L luôn nói với Luật sư: “Cháu đã bị cả xã hội khinh ghét rồi nên cháu cũng chẳng cần gì”. Với bản tính vốn sẵn ngang bướng như vậy, nên ở trong trại giam, L rất thiếu tự giác, hay la ó, hùa vào với những đối tượng khác để thực hiện những hành vi chống đối lại cán bộ.

Tâm lý buồn bã, chán nản cộng với một số đối tượng giam chung hù dọa “tội của mày có mà tù lâu, án dài, tù cả đời” cộng với cá tính ngang tàng… nên L phớt lờ mọi quy định. Sau lần bị phạt, L càng thêm căm tức và nổi loạn kinh khủng hơn. L tâm sự, nhiều lúc chỉ muốn tìm cách trốn khỏi nơi giam và nung nấu cách thoát ra, trốn ra được sẽ bỏ sang nước khác.

Diễn biến tâm lý của L tương đối phức tạp, khó hợp tác và luôn lầm lì, tuy nhiên nhiều khi gặp riêng Luật sư L cũng có những trải lòng và cũng tỏ ra ân hận, Luật sư cũng thấy được chút lương tâm và le lói ánh sáng của sự muốn hoàn lương còn sót lại trong thẳm sâu tâm hồn của L – một tội phạm “máu lạnh”, ở lứa tuổi dưới 18 đã phạm trọng tội mà ai nghe đến đều rùng mình ghê sợ. Nắm bắt được trạng thái tâm lý này, Luật sư biết cách tiếp cận, nói chuyện, khơi dậy tình yêu thương và trách nhiệm trong con người của L để hoàn thành công việc bào chữa của mình hiệu quả nhất.

Đối với khách hàng phạm tội là những bị can trong các vụ án mà xuất phát từ bạo lực gia đình hoặc phạm tội trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân. Thường vụ án này bị cáo là vợ/chồng của nạn nhân, là người yêu của nạn nhân, thậm chí nhiều vụ án là con đẻ của nạn nhân. Mỗi vụ án là một nỗi đau riêng, khi tiếp xúc với khách hàng ở dạng này, đặc điểm nổi bật là họ rất đau khổ, ân hận, xen lẫn xót xa, họ đều khẳng định phạm tội khi bị dồn vào bước đường cùng, lúc đó họ hoảng loạn và không biết đã hành động giết người mà người bị giết lại là người thân trong gia đình như vậy. Biểu hiện tâm lý của họ ra bên ngoài thường hay gục mặt xuống bàn, nhiều người thỉnh thoảng ngoái lại nhìn người thân, rồi vội vàng quay lên vì sợ ánh mắt hờn trách, căm thù từ phía gia đình nạn nhân là người chồng, người vợ của mình. Tuy nhiên, họ rất muốn nói lời xin lỗi, muốn được con cái, người thân tha thứ, họ luôn chắp tay và nói lời xin lỗi với bộ dạng đau khổ, mặt cúi gằm không dám nhìn ai. Từ đầu đến cuối là sự ân hận, là niềm đau và tâm lý vô cùng xấu hổ, rất muốn được những người thân trong gia đình tha thứ. Hiểu được tâm trạng đó, nắm bắt được hoàn cảnh và nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội, Luật sư sẽ có đường lối bào chữa cho khách hàng hướng tới sự đồng cảm, sẻ chia và nhân đạo nhất đối với họ. Luật sư cần thay mặt khách hàng nói lời xin lỗi, xoa dịu bớt nỗi đau mà ngay bản thân khách hàng cũng đang phải gánh chịu vì nạn nhân cũng là người thân thích của họ.

Ví dụ :

Trần Thị N là người phụ nữ có 3 đời chồng và 5 người con, ba người con lớn đã đi làm ăn xa, chỉ còn hai người con với ông chồng thứ ba, trong hai đứa con với ông thứ ba có một đứa bị mắc bệnh bại não.

Người chồng thứ ba đánh đập chị triền miên, ngày nào cũng đánh, đánh nhiều đến nỗi nếu một ngày không bị đánh có lẽ đối với chị là điều may mắn nhất của đời người. Hôm đó, vào ngày 30 tết, cũng là ngày giỗ cha đẻ của chị N. Chị N làm mâm cơm cúng cha, nhào sẵn chậu bột chút nữa làm bánh cúng giao thừa. Khi mâm cơm cúng vừa dọn lên chưa kịp cúng, chồng chị N đi uống rượu say về, nhìn thấy chị N ông chồng liền đạp cho chị một cái ngã ngửa ra nhà. Tiện tay, ông ta còn hắt luôn mâm cơm trên bàn thờ ra sân, đồng thời bê chậu bột đổ vào người chị N. Sau đó, ông ta lệnh khệnh, chao đảo đi vào giường nằm ngủ. Chị N ngồi dậy, nhìn mâm cơm tung tóe ngoài sân, nghĩ lại chuỗi ngày sống với người chồng vũ phu, từng thước phim đau khổ như quay lại cả một chuỗi ngày đen tối. Rồi chị quay ra nhìn ông chồng đang nằm ngủ ngon lành. Lòng chị N trào lên cơn uất hận. Chị N liền đi vào nhà, dập cầu giao điện, bế hai đứa nhỏ ra sân nằm, sau đó vào nhà hắt can xăng và châm lửa đốt. Ông N đã bị chết khi trên đường đi cấp cứu.

Cả quá trình Luật sư gặp, tiếp xúc với người phụ nữ bất hạnh này, điều ấn tượng nhất để lại nhiều suy tư cho Luật sư là người phụ nữ khắc khổ, bị sống trong cảnh bạo lực gia đình, bị đối xử rất bất công, bị hành hạ hàng ngày bằng việc chửi đánh, xúc phạm. Có lẽ sự việc đến nông nỗi này là chị N cũng đã phải trải qua cả một chuỗi ngày vô cùng buồn đau, sự buồn đau đó còn hằn trên nét mặt chị ấy. Lúc nào gặp Luật sư cũng khóc, cũng ân hận, cũng xót xa, điều chị ân hận nhất đó là: hai con của chị sẽ sống ra sao, một cháu bị bại não sẽ sống như thế nào nếu chị phải đi tù. Hiểu được tâm trạng và hoàn cảnh của chị N, Luật sư có đường lối bào chữa cho chị, trước mắt chị N cần được tại ngoại để nuôi và chăm sóc hai con nhỏ trước sự bảo lãnh của gia đình và chính quyền địa phương. Tuy nhiên, hành vi giết chồng trong cơn tức giận là điều chị N phải gánh chịu hậu quả pháp lý nghiêm khắc, Luật sư sẽ có kế hoạch bào chữa phù hợp, hiệu quả cho chị N.

Nguồn: Giáo trình Kỹ năng của Luật sư khi tham gia giải quyết các vụ án hình sự

Lưu ý: Việc đăng tải bài viết đã thông qua điều chỉnh của tác giả và không nhằm mục đích thương mại.

Để được tư vấn chi tiết từ luật sư của Luật 3 Chung

Vui lòng liên hệ số hotline 085.200.8585

Hoặc liên hệ qua email: luatsu@luat3chung.vn

Bài viết liên quan