Việc Luật sư có mặt để tham gia lấy lời khai của người bị tạm giữ, hỏi cung bị can có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giải quyết vụ án hình sự bởi nó không những làm cho người bị tạm giữ, bị can yên tâm về mặt tinh thần và luôn có niềm tin rằng họ không bị cô đơn, sẽ không bao giờ bị oan hoặc phải chịu mức án nặng hơn so với mức độ và hành vi phạm tội của mình, sự có mặt của Luật sư trong những hoạt động này còn khiến Điều tra viên cẩn trọng, khách quan, chính xác hơn, tuân thủ tuyệt đối quy định của pháp luật trong khi thực hiện công việc.
Quá trình Luật sư tham gia hoạt động lấy lời khai, hỏi cung khách hàng của mình, nếu phát hiện khách hàng của mình quá nhút nhát, quá lo sợ và bộc lộ ra bên ngoài là thái độ hoang mang, mắt nhìn dáo dác, tay chân run rẩy, hai tay nắm vào nhau, mồ hôi rịn ra ướt hết áo, nhỏ từng giọt trên thái dương và trán, trạng thái này thể hiện khách hàng quá mất bình tĩnh và run sợ. Luật sư cần trấn an khách hàng ngay bằng hành động bắt tay, giới thiệu và động viên kịp thời, để khách hàng tin tưởng và yên tâm. Trong quá trình lấy lời khai, hỏi cung mà Luật sư nhận thấy các câu hỏi của Điều tra viên nêu ra có tính chất móm cung hoặc bức cung đối với người bị tạm giữ, bị can thì Luật sư không nên phản ứng gay gắt ngay với Điều tra viên, khiến Điều tra viên trở nên xung đột với Luật sư là điều không cần thiết, mặt khác nếu Luật sư phản ứng gay gắt sẽ làm mất mặt và hạ thấp uy tín của Điều tra viên trước mặt người bị tạm giữ, bị can là điều tối kỵ, việc này còn làm cho khách hàng càng hoang mang và lo lắng hơn. Trong trường hợp này Luật sư cần khéo léo, tế nhị đề nghị Điều tra viên không nên hỏi những câu hỏi đó hoặc Luật sư đề nghị đặt những câu hỏi cho khách hàng của mình để phản bác lại câu hỏi của Điều tra viên.
Người phạm tội sau khi thực hiện hành vi phạm tội, bị Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng bắt, tạm giữ, tạm giam, trở thành bị can, bị cáo trong vụ án, tâm lý chung là đều lo sợ bị trừng phạt nặng, hiện tượng tâm lý này làm xuất hiện động cơ khai báo ở khách hàng trước cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Ở những đối tượng có nhiều tiền án, tiền sự thì khá lì lợm trong khai báo, thường khai báo nhỏ giọt, không thành khẩn, cơ quan tố tụng biết đến đâu, củng cố chứng cứ đến đâu thì đối tượng khai báo đến đó, còn chưa biết thì sẽ không khai. Đối với những khách hàng có đặc điểm như trên, Luật sư tham gia các cuộc hỏi cung cần lắng nghe các câu trả lời của khách hàng trước câu hỏi của CQĐT, ghi chép lại cẩn thận. Nếu khách hàng gặp phải câu hỏi của CQĐT mà ngập ngừng không muốn trả lời, đưa mắt nhìn lên trần nhà, vẻ mặt đăm chiêu hoặc hai môi mím chặt lại, Luật sư cần hiểu vấn đề này có chút uẩn khúc hoặc khách hàng muốn tránh né, chưa muốn trả lời, để có cách trao đổi kịp thời, không nên động viên khách hàng khai báo ngay mà lái sang nội dung khác, để khi được gặp riêng khách hàng Luật sư sẽ trao đổi lại, hỏi lại nội dung này. Đối với Luật sư, chứng cứ có lợi là điều tốt để giúp đỡ khách hàng về mặt pháp lý tốt nhất, tuy nhiên với chứng cứ bất lợi Luật sư cũng cần phải nắm được để nghiên cứu và có phương án bào chữa cho khách hàng hiệu quả nhất. Để làm được điều này, đòi hỏi Luật sư cần phải tập trung, thông minh, khéo léo trong xử lý tình huống.
Ví dụ:
Trong các vụ án mà người bị tạm giữ, bị can bị bắt quả tang, mọi vấn đề đều rõ ràng, khi tiếp xúc với khách hàng, tâm lý chung là khách hàng khai thật hết mọi việc. Thậm chí, khách hàng còn cho rằng mình đã phạm tội và phải chịu hình phạt, nên thể hiện thái độ ân hận, lo lắng và mong muốn Luật sư giúp để giảm nhẹ TNHS. Tuy nhiên, Luật sư không phải cứ thực hiện hành vi và có hậu quả đều là tội phạm, nó còn tùy thuộc vào lỗi, vào định lượng của hậu quả đó, chính vì vậy có được sự giúp đỡ của Luật sư sẽ giúp khách hàng vững tâm hơn rất nhiều. Trường hợp, khi tham gia bào chữa cho người bị tạm giữ, bị can bị truy tố về tội “trộm cắp tài sản”, nếu việc xác định giá trị tài sản trộm cắp chưa chính xác, việc này có thể gây bất lợi cho khách hàng của mình thì Luật sư cần đặt các câu hỏi để làm rõ giá trị tài sản trong từng thời điểm (giá trị tài sản khi người bị hại mua, giá trị tài sản khi bị chiếm đoạt). Qua các câu hỏi đó, Luật sư làm rõ tính chất của hành vi phạm tội (hành vi bị truy tố theo khoản nào, khung nào của điều luật). Trong những trường hợp giá trị tài sản nói riêng hoặc giá trị đối tượng của tội phạm nói chung không thể xác định một cách chính xác thì Luật sư có quyền đề nghị cơ quan tiến hành tố tụng trưng cầu giám định hoặc có công văn hỏi cơ quan thẩm định giá.
Hiểu được trạng thái tâm lý chung của khách hàng khi thực hiện hành vi bị bắt quả tang trong một số tội phạm, Luật sư xây dựng kế hoạch về: cách thức trao đổi; nội dung cần trao đổi; phương án giải quyết công việc, bảo vệ quyền và lợi ích tốt nhất cho khách hàng.
Mặt khác, trong các vụ án hình sự mà khách hàng thuộc diện lần đầu phạm tội, án chức vụ, kinh tế thường tâm lý của họ bị ảnh hưởng khá nặng nề khi vào vòng tố tụng. Nhiều khách hàng có hiện tượng tâm lý chán chường, trầm cảm, suy sụp, cho rằng thế là hết, tiền đồ mất hết, con cái, danh dự gia đình bị ảnh hưởng, họ đau khổ, nhiều người muốn tìm đến cái chết. Do đó, khi Luật sư tham gia các cuộc hỏi cung thường thấy họ có biểu hiện nét mặt buồn bã, đôi mắt thâm quầng, vô hồn, mặt hay cúi và nhìn xuống đất, họ không muốn nói, không muốn tiếp xúc với CQĐT, không muốn gặp Luật sư, thậm chí họ để cho sự việc trôi đến đâu thì trôi, chán tất cả. Với những khách hàng này, sự xuất hiện và tham gia của Luật sư là hết sức cần thiết, tạo niềm tin vững vàng hơn cho họ. Do đó, khi gặp được những khách hàng này, Luật sư cần động viên họ, khích lệ họ, thể hiện sự quan tâm và mong muốn họ trao đổi hết những nội dung quan trọng về vụ án để Luật sư có kế hoạch bào chữa tốt nhất cho khách hàng. Điều quan trọng là Luật sư phải truyền tải đến họ được thông tin quan trọng để họ có định hướng đúng đắn trong khai báo, để có hiệu quả tốt nhất.
Trong những vụ án đồng phạm, đặc điểm tâm lý khách hàng cũng diễn biến phức tạp, thường họ không chịu khai báo, sợ khai ra sẽ bị trả thù, sợ mình là người tố ra đồng bọn. Bản thân họ cũng sợ bị đồng bọn khai đổ lỗi cho mình, không biết chúng đã khai gì chưa, có lợi hay bất lợi cho mình. Một số đối tượng không chịu khai báo, nhận hết trách nhiệm về mình, khăng khăng một mình mình phạm tội không liên quan đến ai. Luật sư cần hiểu rõ sự việc, nắm bắt được trạng thái tâm lý khách hàng có đường lối cho phù hợp. Việc gặp sớm khách hàng là điều hết sức quan trọng, tuy nhiên để hiểu và định hướng đúng, Luật sư cần phải hiểu sâu, hiểu rõ bản chất sự việc, Luật sư cũng cần thận trọng với việc gặp riêng khách hàng tại nơi tạm giữ, tạm giam đây không phải nơi an toàn, để nói mọi việc công khai, vì trong phòng gặp gỡ luôn có camera ghi hình và ghi âm, nên nói gì, Luật sư cần cẩn trọng, trao đổi gì cũng hết sức thông minh, khéo léo.
Ví dụ :
Khách hàng của Luật sư bị bắt và điều tra về hành vi đồng phạm tội Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới và khởi tố bổ sung hành vi Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Khách hàng lần đầu phạm tội, tội phạm thuộc án kinh tế, qua tiếp xúc Luật sư thấy rõ khách hàng đang ở trạng thái tâm lý bất ổn, thể hiện sự hoang mang, lo lắng, lời nói luôn lắp bắp, hay thở dài, hai tay xoắn vào nhau, hay bẻ đốt ngón tay, đôi mắt đầy lo lắng vì bị khởi tố với hai tội danh. Nếu xét về khoản 1 hai tội danh này thuộc loại tội ít nghiêm trọng, nhưng xét về khung hình phạt mà khách hàng của Luật sư đối mặt đều thuộc khung 3 là loại tội rất nghiêm trọng. Qua tham gia các cuộc hỏi cung, lấy lời khai của Điều tra viên với khách hàng của mình, Luật sư nhận thấy:
Thứ nhất, khách hàng của Luật sư không trực tiếp tham gia đường dây vận chuyển tiền qua biên giới, nhưng khách hàng lại có công ty có ngành nghề đăng ký kinh doanh dịch vụ chuyển tiền này;
Thứ hai, các giấy tờ ký và đóng dấu các đối tượng vận chuyển tiền đã soạn sẵn từ trước cho khách hàng, khách hàng chỉ việc ký và hoàn tất thủ tục giúp họ chuyển được tiền ra nước ngoài và ăn hoa hồng mỗi hồ sơ là 3% trên tổng số tiền vận chuyển;
Hành vi này của khách hàng bị đánh giá là đồng phạm với vai trò giúp sức cho các đối tượng vận chuyển thành công tiền tệ qua biên giới, giúp sức ở khâu hoàn thiện hồ sơ. Do đó bị khởi tố tội danh Vận chuyển tiền tệ qua biên giới và đánh giá với vai trò đồng phạm giúp sức.
CQĐT đánh giá, việc hoàn thiện hồ sơ giả này ngoài giúp sức cho việc chuyển tiền, thì hành vi đó đã cấu thành tội độc lập là làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức nên khởi tố thêm về tội này. Tuy nhiên, các đối tượng trực tiếp vận chuyển, soạn sẵn giấy tờ thì lại không bị khởi tố về tội danh này.
Qua tiếp xúc với khách hàng Luật sư thấy rõ sự hoang mang, lo lắng và thắc mắc về việc này của đối tượng.
Qua biểu hiện lời nói, cử chỉ, ánh mắt và gương mặt của khách hàng, Luật sư nắm bắt được trạng thái tâm lý khách hàng, hiểu rõ được bản chất của sự việc. Qua đó, Luật sư sẽ có phương hướng cụ thể để giải quyết sự việc trên, như: định hướng khai báo cho khách hàng; khẳng định khách hàng không bán hồ sơ lấy tiền; khách hàng chỉ giúp sức bằng việc hoàn thiện hồ sơ và lấy tiền hoa hồng trên tổng số tiền được vận chuyển thành công.
Thực tế việc hỏi cung bị can phải thực hiện tại phòng hỏi cung, phải tiến hành ghi âm, ghi hình trong quá trình hỏi cung, khi hỏi cung Luật sư được tham gia và ký vào biên bản hỏi cung, Luật sư cần đọc kỹ lại bản khai, xem kỹ những chỗ trống cần gạch chéo và những chỗ tẩy xóa cần ký vào biên bản hỏi cung, tránh mọi hiện tượng viết thêm, gạch xóa vào biên bản hỏi cung. Để hiểu và nắm bắt được đúng tâm lý khách hàng, ngoài việc Luật sư quan sát tốt trạng thái biểu cảm, ngôn ngữ cơ thể của khách hàng khi tiếp xúc, thì Luật sư cũng cần nắm qua thông tin về khách hàng, xem khách hàng của Luật sư là người như thế nào, quan hệ với mọi người xung quanh, nơi ở, nơi làm ăn ra sao, giao du với những thành phần như thế nào; Đặc biệt cần tìm hiểu kỹ về nhân thân của khách hàng như đã có tiền án, tiền sự chưa; Có tiểu sử bệnh lý gì không; Có vợ con chưa; Bố mẹ và hoàn cảnh gia đình như thế nào… Việc nắm bắt toàn bộ những vấn đề này, giúp Luật sư hiểu rõ tâm lý khách hàng và qua đó mới có phương án bào chữa phù hợp, hiệu quả.
Nguồn: Giáo trình Kỹ năng của Luật sư khi tham gia giải quyết các vụ án hình sự
Lưu ý: việc đăng tải bài viết đã thông qua điều chỉnh của tác giả và không nhằm mục đích thương mại.
Để được tư vấn chi tiết từ luật sư của Luật 3 Chung
Vui lòng liên hệ số hotline 085.200.8585
Hoặc liên hệ qua email: luatsu@luat3chung.vn