Người bị buộc tội theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 4 BLTTHS năm 2015 gồm người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo. Theo đó, khi tiếp xúc với người bị buộc tội, để cuộc tiếp xúc diễn ra tốt đẹp, đạt hiệu quả cao, việc nắm bắt đặc điểm tâm lý đối tượng là hết sức quan trọng, Luật sư cần phân biệt hai diện người trong quá trình tiếp xúc, đó là: khách hàng chưa bị khởi tố bị can và khách hàng đã là bị can, bị cáo trong vụ án. Theo đó, những người chưa bị khởi tố bị can, tâm lý chung thường rất tò mò muốn tìm hiểu thông tin sự việc xảy ra CQĐT đã biết đến đâu, hiện nay tiến trình điều tra đang ở mức độ nào, liệu có bị khởi tố bị can không và làm thế nào để khai báo có lợi nhất. Do đó, dù tiếp xúc với Luật sư khách hàng cũng rất thận trọng và rụt rè, bản thân họ đang lúng túng, nghi ngại không biết có tin tưởng Luật sư được không, liệu khai báo hết sự thật thì tốt hay không tốt, vì thế họ trao đổi với Luật sư cầm chừng, vừa trao đổi vừa theo dõi và nghe ngóng. Trạng thái tâm lý này khiến khách hàng có cách thức nói chuyện ngập ngừng, lấp lửng, ấp úng và không nói hết sự việc, khiến Luật sư khó phán đoán và nhìn nhận sự việc một cách đầy đủ. Ở những khách hàng này thường có biểu hiện không dám nhìn thẳng vào Luật sư khi nói chuyện. Chính vì vậy, trong buổi tiếp xúc, trao đổi với khách hàng là người bị buộc tội ở diện người này, Luật sư cần tạo cảm giác thân thiện, an toàn và khách hàng hoàn toàn yên tâm, tin tưởng tuyệt đối ở Luật sư, có như vậy họ mới cởi mở, bộc bạch hết mọi điều và mong muốn được Luật sư giúp đỡ về pháp lý.
Đối với khách hàng lần đầu phạm tội, họ rất run sợ, lo lắng, một số khách hàng khi tìm đến với Luật sư ở trạng thái đầy thất vọng, họ cho rằng cuộc đời của họ thế là hết, họ tỏ thái độ bi quan, chán chường, điều này thể hiện ở việc họ thường thở dài khi nói chuyện với Luật sư, hoặc thốt ra những câu đầy bi quan, chán nản như “đời em bỏ đi rồi” hoặc “đời em coi như hết rồi”… Có những khách hàng ở trạng thái phó mặc, muốn ra sao thì ra, khi tiếp xúc với Luật sư, khách hàng thường tỏ thái độ bất cần, không hợp tác. Trái lại với tâm lý đầy áp lực đó, thì một số khách hàng lại khăng khăng cho rằng mình bị oan, thậm chí họ ám thị đến mức luôn nghĩ rằng hành vi của mình là đúng sao lại đánh giá là tội phạm. Đòi hỏi Luật sư khi tiếp xúc, trao đổi cần hết sức tế nhị, bình tĩnh, nắm bắt được tâm lý nhiều chiều, nhiều trạng thái, nhiều cảm xúc đó của khách hàng để biết cách chia sẻ, động viên họ tin tưởng vào khả năng của Luật sư, tin vào sự đúng đắn của pháp luật, qua đó Luật sư có phương pháp tiếp xúc, trao đổi phù hợp, đạt hiệu quả. Sau khi nghe khách hàng trình bày, Luật sư cần phải biết cách tóm lược lại toàn bộ vấn đề đã xảy ra, phân tích cho họ hiểu đúng, sai và mấu chốt của sự việc cần giải quyết, nút thắt của vấn đề là ở đâu, cần tháo gỡ ở điểm nào, việc này phải tiến hành theo một lộ trình, có kế hoạch và muốn làm được như vậy Luật sư phải nắm được toàn diện về vụ án, thông tin đầy đủ, khách quan mà không phải chỉ nghe trình bày một phía từ khách hàng.
Ví dụ :
Ngày 12/6/2019, anh Nguyễn Văn L sinh năm 1967 trú tại Hưng Hà, TB, người đàn ông với dáng người nhỏ thó, khắc khổ, lặn lội đường sá xa xôi lên Hà Nội tìm đến Văn phòng Luật sư X theo sự giới thiệu của người quen K để nhờ sự giúp đỡ pháp lý cho chính anh. Khi tiếp xúc với khách hàng lần đầu tiên đến văn phòng, Luật sư rất ân cần mời nước, hỏi han sức khỏe và việc đi lại như thế nào. Sau đó, Luật sư hỏi anh đến đây có việc gì? Khi nghe Luật sư hỏi câu đó, đối tượng khóc nấc lên và nói rằng anh ta bị oan, bị cơ quan tố tụng làm sai lệch sự thật và đưa anh vào lao lý. Sau khi nghe khách hàng trình bày, Luật sư hỏi lại vài chi tiết chưa rõ để sáng tỏ hơn, đồng thời yêu cầu anh L cung cấp thêm những giấy tờ, tài liệu liên quan đến vụ án. Anh L đã đưa ra bản kết luận điều tra, cáo trạng truy tố, nội dung ghi âm xét xử sơ thẩm, tuy nhiên chờ nghị án kéo dài 3 ngày mới tuyên, theo anh L nói thì VKS đã đề nghị mức án 9-12 tháng tù. Anh L bị xét xử về tội Cố ý gây thương tích theo khoản 1 Điều 134 BLHS năm 2015, mức độ tổn hại sức khỏe của bị hại theo cáo trạng xác định là 9%, bản thân anh L cũng bị tổn hại sức khỏe là 10%, theo như bản kết luận điều tra và cáo trạng truy tố, thì anh L có dùng cuốc của chính nạn nhân giơ lên, nạn nhân đưa hai tay lên đỡ khi trước đó bị anh L đánh cho ngã xõng xoài ra mặt đất. Hành vi này theo cáo trạng mô tả là dùng hung khí nguy hiểm thuộc điểm a khoản 1 Điều 134 BLHS năm 2015. Tuy nhiên, qua trình bày của anh L có nhiều điểm rất mâu thuẫn, không đúng như cáo trạng buộc tội, khi trình bày nhiều lúc phải tạm ngưng lại vì anh L khóc nấc lên, nghẹn ngào, cho rằng mình bị oan. Lời khai của người làm chứng cũng nhiều điểm mâu thuẫn với lời khai của những người làm chứng khác, mâu thuẫn với lời khai của bị can, bị hại. Luật sư hỏi thêm anh L: Quá trình điều tra CQĐT có cho tiến hành đối chất không? Anh L trả lời không có. Thế họ có cho tiến hành thực nghiệm điều tra tại hiện trường vụ án không? Anh L nói: Không có. Biết được một số chi tiết quan trọng, tuy nhiên Luật sư chưa thể đưa ra nhận định hay kết luận gì được vì đó chỉ là lời khai của một phía, Luật sư chưa có hồ sơ đầy đủ về vụ án. Lúc này Luật sư cần an ủi, động viên anh L, nếu anh L muốn Luật sư giúp đỡ cần phải ký hợp đồng pháp lý, sau đó Luật sư sẽ tiến hành các công việc bảo vệ quyền và lợi ích tốt nhất cho anh L theo quy định của pháp luật.
Trong vụ án này, bị can đến với Luật sư và Văn phòng Luật sư với trạng thái tâm lý đau khổ, mất niềm tin vào cơ quan bảo vệ pháp luật, tâm trạng đầy oan ức và mong muốn Luật sư tìm lại công bằng cho họ. Qua thái độ giao tiếp, quan sát hình dáng, cử chỉ và thái độ của khách hàng, Luật sư sẽ có cách phán đoán tâm lý và cách thức làm việc với khách hàng hiệu quả.
Đối với khách hàng là người có nhiều tiền án, tiền sự thì họ tiếp xúc, trao đổi với Luật sư tâm lý thoải mái, cởi mở hơn, họ nói rất nhiều vì bản thân khách hàng trước đó đã từng quen với việc có Luật sư hoặc có sự xuất hiện của Luật sư ở các phiên tòa xét xử. Do đó, Luật sư khi tiếp xúc, trao đổi với diện người này cần lắng nghe, ghi chép lại thông tin sự việc, trao đổi để khai thác thêm những thông tin cần thiết khác, không đưa ra bất cứ khẳng định chắc chắn nào, chỉ định hướng đường lối giải quyết công việc sao cho hiệu quả nhất, tuy nhiên thông tin đưa đến cho Luật sư vẫn đang là thông tin một chiều từ phía khách hàng, mà khách hàng thuộc diện người khá nhiều kinh nghiệm trong việc tiếp xúc, trao đổi với Luật sư ở những lần phạm tội trước đó, nên Luật sư cần cẩn trọng trong mọi thông tin trao đổi với khách hàng.
Ví dụ :
Ngày 18/02/2019, Bùi Công H sinh ngày 20/7/1984 đến Văn phòng luật sư H&M để nhờ giúp đỡ về vụ án “Tàng trữ trái phép chất ma túy” theo khoản 1 Điều 249 BLHS năm 2015. Khi tiếp xúc với H, ấn tượng của Luật sư với nhân vật này rất lạ, đó là một người nói nhiều, tinh thần không được minh mẫn, kể về câu chuyện phạm tội của mình theo hướng: “Tôi bị một người quen biết trên mạng, rủ đi uống rượu, sau đó tôi bị nó cài thuốc vào rượu, uống say mềm không biết gì, tôi không biết những ai đưa tôi ra sân bay, ai thu dọn đồ ở khách sạn cho tôi, tôi chỉ biết mình bị bắt ở sân bay, lúc đó mới biết trong ví cá nhân có 02 viên Ketamin và một ít dạng vụn loại Methamphetamin. Tôi cần CQĐT tìm nhân vật đã cài bẫy bỏ thuốc vào ví của tôi”.
Luật sư nghe và ghi chép lại toàn bộ câu chuyện mà khách hàng kể, sau đó Luật sư trao đổi với khách hàng một số nội dung, như:
Làm thế nào anh quen được đối tượng bí ẩn đó? Trả lời: Tôi quen trên mạng xã hội.
Cụ thể là quen trên Zalo hay Facebook? Trả lời: Quen trên
Ai là người chủ động làm quen trên mạng xã hội? Trả lời: Là tôi.
Thế Facebook của đối tượng như thế nào? Trả lời: Nó xóa luôn sau khi tôi bị bắt nên tôi không còn thông tin liên hệ với nó.
Khi gặp đối tượng, anh có nhận ra là người quen không? Trước đó đã từng biết nhau chưa? Trả lời: Không quen, không biết nhau.
Anh liên lạc thế nào với đối tượng để gặp được? Trả lời: Gọi qua
Điều khó hiểu là nếu vậy nó thù hằn gì anh mà lại đưa anh vào bẫy nhỉ? Hoặc ai là người thuê nó làm hại anh nhưng nếu thuê nó phải là người chủ động làm quen và hẹn gặp anh mà không phải là anh chủ động? Trả lời: Điều đó tôi không biết.
Những ai đưa anh ra sân bay? Họ có quen biết anh không? Trả lời: Tôi say và hoàn toàn không biết gì.
Tại sân bay sự việc xảy ra như thế nào? Trả lời: Tại đó, qua khu vực kiểm tra an ninh, họ phát hiện trong ví của tôi có ma túy, họ đưa tôi đi xét nghiệm thì kết luận tôi dương tính với ma túy. Họ liền giữ tôi và lúc sau có một đội công an đến đưa tôi về trụ sở làm việc, tôi không thấy những người đưa tôi ra sân bay ở đâu cả.
Anh có nghiện không? Trả lời: Tôi không nghiện. Thế không nghiện sao lại kết luận dương tính với ma túy? Trả lời: Có thể nó cho ma túy vào rượu của tôi khi đi nhậu, cái này tôi cũng không rõ.
Bản thân anh trước đó có bị bắt và xử lý hình sự hay hành chính về hành vi gì không? Trả lời: Có tôi bị xử lý 01 lần 03 năm tù về hành vi mua bán trái phép chất ma túy.
Kết luận giám định, được thể hiện trong hồ sơ thế nào? Trả lời: 0,228 gram Methamphetamin và 0,0452 gram Ketamin.
Mong muốn của anh là gì? Trả lời: Tôi muốn được trắng án, cụ thể là đình chỉ vụ án, vì tôi không phạm tội, tôi bị bẫy.
Với sự việc như trên, chứng cứ phía CQĐT thu được là đối tượng thuộc diện bị bắt quả tang có ma túy “trong chiếc ví cá nhân” của đối tượng, đối tượng đi một mình (theo đối tượng nói: lúc đó không còn ai đi cùng nữa) mặt khác, Luật sư không thể biết nội dung đối tượng khai có đúng không, CQĐT đã làm những gì xung quanh sân bay nơi đối tượng đến làm thủ tục, vì những nội dung đó nằm trong hồ sơ vụ án (cụ thể: lập biên bản quả tang, niêm phong, giám định, đã cho trích xuất camera ở những vị trí đối tượng xuất hiện trước, trong và sau khi làm thủ tục tại sân bay chưa…). Bản thân Luật sư cũng không biết được trước đó đối tượng khai như thế nào (vì qua tiếp xúc đối tượng nói tôi say quá, nên cũng không nhớ khai những gì ở CQĐT). Mặt khác CQĐT kết luận chất có trong ví là chất gì, trọng lượng bao nhiêu, đối tượng không nắm chắc, chỉ áng áng như trên và Luật sư cũng không biết đối tượng bị kết luận là dương tính với ma túy ở kết luận nào, đối tượng có phải là đối tượng nghiện ma túy hay không… Luật sư không thể khẳng định và không thể kết luận được, chỉ có thể nói là: giữa lời khai của anh và kết luận trong cáo trạng truy tố của VKS có nhiều điểm mâu thuẫn, bản thân đối tượng thể hiện trạng thái tâm lý không ổn định, đầy toan tính nhưng có nhiều điểm lộn xộn, không lôgíc cần phải nghiên cứu hồ sơ mới có thể có kế hoạch rõ ràng cho vụ án này được. Luật sư cần thẳng thắn trao đổi với khách hàng là nếu anh muốn chúng tôi giúp đỡ, thì chúng tôi phải ký hợp đồng dịch vụ pháp lý với anh, sau đó mới làm các thủ tục xin sao chụp hồ sơ để nghiên cứu được, sau khi nghiên cứu mới có đường lối cho việc giải quyết vụ án. Việc này tùy thuộc ở anh, anh có thể ký hoặc không, nhưng VPLS chỉ có thể tiến hành được theo luật sau khi ký kết hợp đồng pháp lý.
Khách hàng là người dưới 18 tuổi phạm tội, Luật sư cần xác định họ luôn phải có người giám hộ đi cùng trong mọi cuộc tiếp xúc hoặc trao đổi. Về bản chất, khách hàng này là những người còn nhiều non nớt trong cuộc sống, nên khi bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, bị khởi tố bị can thì họ luôn luôn tỏ ra lo sợ, sợ bị trừng phạt nặng, sợ bị đi tù, dễ khóc, chưa có nhiều thủ đoạn, vì vậy khi trao đổi họ khá thành khẩn, bộc bạch hết sự việc với Luật sư, mong chờ Luật sư cứu giúp. Tuy nhiên, nhiều em mặc dù tuổi đời còn nhỏ nhưng đã có vài tiền án, tiền sự thì lại tỏ ra rất bất cần đời, lì lợm, ngang bướng, khó tiếp xúc và khó gần. Nắm bắt được các dạng tâm lý này, Luật sư sẽ có phương pháp tiếp cận và giải quyết vấn đề tốt nhất.
Mỗi một diện người khác nhau sẽ có những đặc điểm tâm lý khác nhau và mỗi thời điểm tố tụng khác nhau sẽ có những trạng thái tâm lý chuyển biến khác nhau. Do đó, Luật sư khi tiếp xúc, trao đổi với khách hàng cần phân định được từng diện người và xác định được đúng trạng thái tâm lý khách hàng để có cuộc tiếp xúc, trao đổi thành công, hiệu quả.
Để được tư vấn chi tiết từ luật sư của Luật 3 Chung
Vui lòng liên hệ số hotline 085.200.8585
Hoặc liên hệ qua email: luatsu@luat3chung.vn