[TƯ VẤN LUẬT HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH] Bản chất pháp lý của tranh chấp về hôn nhân và gia đình

Luật HN&GĐ điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực HN&GĐ, cụ thể là các quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản giữa vợ và chồng, giữa cha mẹ và con, giữa những người thân thích, ruột thịt khác. Về hình thức, đối tượng điều chỉnh của Luật HN&GĐ cũng giống như đối tượng điều chỉnh của Luật Dân sự là cùng điều chỉnh các quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản. Tuy nhiên, về nội dung pháp lý, quan hệ pháp luật về HN&GĐ có những đặc điểm riêng, sau đây:

Thứ nhất, căn cứ hình thành quan hệ HN&GĐ là những sự kiện pháp lý đặc biệt làm phát sinh quan hệ hôn nhân, huyết thống và nuôi dưỡng. Yếu tố tình cảm gắn bó giữa các chủ thể là một nét đặc trưng và trong rất nhiều trường hợp, yếu tố này quyết định việc xác lập, tồn tại hay chấm dứt quan hệ HN&GĐ.

Thứ hai, quan hệ nhân thân trong sự điều chỉnh của pháp luật HN&GĐ là nhóm quan hệ chủ đạo và có ý nghĩa quyết định tính chất và nội dung của quan hệ tài sản. Chỉ khi quan hệ hôn nhân được xác lập thì từ đó, quyền và nghĩa vụ tài sản giữa các chủ thể trong các quan hệ này mới phát sinh.

Thứ ba, chủ thể của quan hệ HN&GĐ chỉ có thể là các cá nhân, không thể là các cơ quan, tổ chức. Quyền và nghĩa vụ của các thành viên trong quan hệ HN&GĐ gắn liền với nhân thân của mỗi chủ thể, không thể chuyển giao cho người khác. Trong đó, quyền và nghĩa vụ tài sản của các chủ thể này không dựa trên cơ sở hàng hóa – tiền tệ, không mang tính chất đền bù ngang giá.

Thứ tư, quan hệ HN&GĐ được pháp luật điều chỉnh luôn hướng tới mục tiêu xây dựng chế độ HN&GĐ Việt Nam hạnh phúc, bền vững, lâu dài. Các chủ thể khi thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình phải xuất phát từ lợi ích chung của gia đình.

Những đặc trưng pháp lý trên của quan hệ pháp luật HN&GĐ, được thể hiện xuyên suốt trong các nguyên tắc, các quy phạm pháp luật của Luật HN&GĐ Việt Nam. Theo đó, khi tham gia vào các quan hệ pháp luật HN&GĐ, các chủ thể phải thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật về HN&GĐ. Việc một chủ thể không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật có thể sẽ xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể khác, dẫn đến tranh chấp. Các tranh chấp của các chủ thể tham gia quan hệ pháp luật về HN&GĐ là những tranh chấp giữa cá nhân này với cá nhân khác về quyền nhân thân và/hoặc quyền tài sản.

Để duy trì trật tự xã hội, Nhà nước thiết lập cơ chế pháp lý bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể khi tham gia quan hệ pháp luật về HN&GĐ. Khi một người có quyền và lợi ích hợp pháp về nhân thân và/hoặc về tài sản bị xâm phạm thì họ có quyền sử dụng các biện pháp do pháp luật quy định để bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình như yêu cầu người có hành vi trái pháp luật chấm dứt thực hiện hành vi, yêu cầu Tòa án hay cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của họ.

Các vụ việc phát sinh trong lĩnh vực HN&GĐ được gọi là các vụ việc về HN&GĐ, được Tòa án giải quyết theo trình tự pháp luật quy định. Trong khoa học pháp lý, trình tự do pháp luật quy định cho việc giải quyết vụ việc dân sự, được gọi là “tố tụng dân sự”. Pháp luật tố tụng dân sự quy định về các nguyên tắc cơ bản, trình tự, thủ tục khởi kiện để Tòa án giải quyết các vụ án về tranh chấp dân sự, HN&GĐ,

kinh doanh, thương mại, lao động… Trong đó, đối với những việc có tranh chấp về quyền và nghĩa vụ về nhân thân và/hoặc về tài sản giữa các bên tham gia quan hệ pháp luật HN&GĐ được gọi là vụ án HN&GĐ, thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo Điều 28 BLTTDS 2015 và được giải quyết theo trình tự quy định tại Phần thứ hai (từ Chương XII đến Chương XIV) về thủ tục giải quyết vụ án tại Tòa án cấp sơ thẩm. Đối với những việc không có tranh chấp về quyền và nghĩa vụ giữa các bên mà chỉ yêu cầu Tòa án công nhận hoặc không công nhận một sự kiện pháp lý nào đó về HN&GĐ thì đó là việc dân sự, thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo Điều 29 BLTTDS 2015 và Phần thứ sáu (Chương XXIII và Chương XXVIII) về thủ tục giải quyết việc dân sự. Như vậy, về quy trình, thủ tục giải quyết các tranh chấp HN&GĐ (hay còn gọi là luật về hình thức) không có ngoại lệ riêng hay sự khác biệt nào về thủ tục khi Tòa án thụ lý, hòa giải, xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm các vụ án HN&GĐ.

Như trên đã phân tích, quan hệ pháp luật HN&GĐ có những đặc trưng pháp lý riêng, do vậy, khi giải quyết tranh chấp về HN&GĐ, Luật sư nên lưu ý về một số điểm đặc thù của loại án về HN&GĐ, đó là:

Thứ nhất, tranh chấp về HN&GĐ là tranh chấp giữa cá nhân này với cá nhân khác về quyền và nghĩa vụ phát sinh trong quan hệ HN&GĐ.

Muốn trở thành chủ thể quan hệ pháp luật HN&GĐ, cá nhân đó phải có năng lực pháp luật và năng lực hành vi. Tùy từng quan hệ về kết hôn, ly hôn, quan hệ giữa vợ và chồng, giữa cha mẹ và con… mà mỗi cá nhân tham gia phải đáp ứng các điều kiện nhất định về năng lực chủ thể. Những người có năng lực hành vi dân sự chưa đầy đủ, hoặc bị mất năng lực hành vi, hoặc người có khó khăn trong thức, làm chủ hành vi thì quyền và nghĩa vụ về nhân thân cũng như tài sản của họ sẽ do những người đại diện theo pháp luật, người giám hộ thực hiện thay theo quy định của pháp luật, trừ quyền kết hôn thì không ai có thể thay thế được.

Trong trường hợp, một người bị xâm phạm về quyền và lợi ích khi tham gia quan hệ pháp luật về HN&GĐ thì có quyền khởi kiện tại Tòa án. Tuy nhiên, để tự mình, bằng chính hành vi của mình định đoạt, quyết định và tiến hành việc khởi kiện tại Tòa án với tư cách là một chủ thể độc lập thì phải là người có năng lực hành vi tố tụng theo quy định tại khoản 2 Điều 69 BLTTDS 2015. Đối với người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì năng lực hành vi tố tụng dân sự của họ được xác định theo quyết định của Tòa án. Trường hợp đương sự không đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự, thì không thể tự mình thực hiện hành vi khởi kiện. Chỉ trong một số trường hợp luật định, một cá nhân nào đó không có năng lực pháp luật tố tụng dân sự mà bị xâm phạm về quyền và lợi ích hợp pháp thì mới xuất hiện quyền được khởi kiện của cá nhân khác, cơ quan, tổ chức. Như vậy, quyền khởi kiện của cá nhân trong quan hệ tranh chấp HN&GĐ luôn được pháp luật bảo đảm ở mức độ ưu tiên đầu tiên. Trong trường hợp này, người đại diện sẽ thay mặt họ tham gia tố tụng trong quá trình Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, dù được người khác khởi kiện thì tư cách nguyên đơn vẫn thuộc về người có quyền khởi kiện và lợi ích hợp pháp của họ trong vụ án sẽ thuộc về cá nhân đó khi Tòa án ra phán quyết.

Thứ hai, có nhiều quan hệ pháp luật đan xen khi giải quyết tranh chấp về HN&GĐ.

Theo yêu cầu khởi kiện của người khởi kiện, khi giải quyết các tranh chấp về quyền và nghĩa vụ của các chủ thể trong vụ án HN&GĐ, Tòa án có thể phải giải quyết nhiều quan hệ pháp luật trong cùng một vụ án mới bảo đảm được tính triệt để, toàn diện của vụ việc. Xuất phát từ yêu cầu đặc trưng giải quyết toàn diện vụ án nên ngoài việc áp dụng văn bản pháp luật HN&GĐ, thì cần phải áp dụng các văn bản pháp luật khác điều chỉnh các quan hệ pháp luật về tài sản có liên quan.

Ví dụ 1:

A khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết về quan hệ tình cảm vợ chồng (xin được ly hôn), chia tài chung khi ly hôn, nuôi con và yêu cầu cấp dưỡng với B. Tòa án thụ lý giải quyết vụ án ly hôn. Trong quá trình xem xét yêu cầu chia tài sản chung của vợ chồng có thể có đơn yêu cầu độc lập của người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan như yêu cầu giải quyết về hợp đồng vay tài sản, hợp đồng tặng cho tài sản, hợp đồng gửi giữ tài sản, tranh chấp quyền sử dụng đất… Đây là những quan hệ pháp luật phái sinh mà Tòa án phải xem xét giải quyết mới có thể xác định tài sản chung, tài sản riêng của vợ chồng. Do đó, để giải quyết triệt để vụ án ly hôn, chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn, Tòa án cần phải xác định những quan hệ pháp luật nào đang tồn tại xung quanh là căn cứ để xác định tài sản chung, tài sản riêng của vợ, chồng.

Thứ ba, vấn đề về thời hiệu khởi kiện không áp dụng đối với các quan hệ pháp luật về HN&GĐ.

Quan hệ HN&GĐ được pháp luật điều chỉnh luôn hướng tới mục tiêu xây dựng chế độ HN&GĐ Việt Nam hạnh phúc, bền vững, lâu dài. Mặt khác, quan hệ nhân thân trong sự điều chỉnh của pháp luật HN&GĐ là nhóm quan hệ chủ đạo nên cần có một cơ chế pháp lý riêng để bảo vệ cho các quan hệ đó.

Thứ tư, giải quyết tranh chấp về ly hôn, pháp luật không cho phép ủy quyền cho người khác tham gia tố tụng.

Tranh chấp về ly hôn với đặc thù là giải quyết mối quan hệ tình cảm giữa vợ, chồng. Tình cảm gắn liền với nhân thân, chỉ những người trong cuộc mới có thể hiểu và quyết định việc tiếp tục duy trì hay chấm dứt tình cảm của mình mà không ai có thể thay thế được. Tuy nhiên, đối với các tranh chấp về cấp dưỡng, tranh chấp về nuôi con, tranh chấp về chia tài sản chung khi ly hôn, chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân thì không bị giới hạn bởi quy định này.

Thứ năm, tính chất của mối quan hệ hôn nhân quyết định thủ tục tố tụng và đường lối giải quyết về nội dung tranh chấp của Tòa án trong vụ án HN&GĐ.

Về tính chất của quan hệ hôn nhân, có ba mối quan hệ là hôn nhân hợp pháp, hủy việc kết hôn trái pháp luật, những trường hợp nam, nữ sống với nhau như vợ chồng nhưng không được công nhận là vợ chồng. Luật HN&GĐ 2014 quy định rất rõ về căn cứ pháp lý, hậu quả pháp lý tương ứng với tính chất của các mối quan hệ hôn nhân trên.

Việc xác định rõ quan hệ hôn nhân của đương sự trong vụ án và yêu cầu của đương sự là căn cứ để xác định thủ tục tố tụng là việc HN&GĐ hay vụ án HN&GĐ. Chỉ có hôn nhân hợp pháp (hoặc một số trường hợp được coi như hôn nhân hợp pháp) nếu có tranh chấp về ly hôn, tranh chấp về nuôi con, chia tài sản khi ly hôn; tranh chấp về chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân theo quy định tại Điều 28 BLTTDS 2015 mới thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo thủ tục án HN&GĐ. Đối với yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật, Tòa án sẽ thụ lý giải quyết theo thủ tục việc dân sự theo quy định tại Điều 29 BLTTDS 2015. Đối với trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không có đăng ký kết hôn hoặc hủy kết hôn trái pháp luật, các bên tranh chấp về nuôi con, chia tài sản thì Tòa án áp dụng khoản 7 Điều 28 BLTTDS 2015 để giải quyết theo thủ tục án dân sự.

Để được tư vấn chi tiết từ luật sư của Luật 3 Chung

Vui lòng liên hệ số hotline 085.200.8585

Hoặc liên hệ qua email: luatsu@luat3chung.vn

Bài viết liên quan