[TƯ VẤN LUẬT HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH] Các dạng tranh chấp cơ bản, phổ biến về hôn nhân và gia đình

BLTTDS 2015 quy định một điều luật riêng (Điều 28) về thẩm quyền xét xử của Tòa án đối với việc giải quyết các tranh chấp về HN&GĐ. Theo đó, các tranh chấp về HN&GĐ thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án, bao gồm:

 Ly hôn, tranh chấp về nuôi con, chia tài sản khi ly hôn:

Đây là loại tranh chấp phổ biến nhất trong các vụ án về HN&GĐ. Theo đó, một bên yêu cầu Tòa án giải quyết đồng thời cả ba mối quan hệ phát sinh từ hôn nhân hợp pháp (hoặc một số trường hợp được coi là hôn nhân hợp pháp) đó là quan hệ vợ chồng, quan hệ về con chung và quan hệ về tài sản phát sinh trong thời kỳ hôn nhân. Trong quan hệ về hôn nhân này, một bên yêu cầu được ly hôn để chấm dứt quan hệ vợ chồng, còn một bên không chấp nhận việc ly hôn mà có yêu cầu đoàn tụ. Tranh chấp về nuôi con là việc các bên không thống nhất được ai là người có trách nhiệm trực tiếp nuôi con, ai là người có nghĩa vụ cấp dưỡng, mức cấp dưỡng và thời gian cấp dưỡng nuôi con khi ly hôn. Ngoài ra, đương sự không có sự thống nhất về phương thức chia tài sản, giá trị tài sản… và có yêu cầu Tòa án giải quyết để phân định tài sản chung, tài sản riêng, nghĩa vụ tài sản của vợ chồng khi ly hôn.

Tranh chấp về chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân:

Tranh chấp về chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân được hiểu là mối quan hệ hôn nhân của vợ chồng vẫn đang tồn tại. Giữa họ không có yêu cầu Tòa án giải quyết việc ly hôn mà chỉ yêu cầu phân chia tài sản chung của vợ chồng. Yêu cầu này xuất phát từ nhu cầu chính đáng của họ như để thực hiện nghĩa vụ tài sản riêng, phải thi hành án về tài sản mà tài sản của họ lại là tài sản chung hợp nhất của vợ chồng nên cần xác định quyền sở hữu về tài sản trong khối tài sản chung đó, nhưng giữa họ đã không thể thỏa thuận được việc phân chia. Do vậy, họ làm đơn khởi kiện thì trường hợp này pháp luật quy định là có tranh chấp về tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân, được xếp vào loại án về HN&GĐ thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.

Tuy nhiên, nếu giữa họ không có tranh chấp về tài sản chung của vợ chồng mà đã tự nguyện, thống nhất phân chia bằng văn bản thì Luật sư cần hướng dẫn cho họ liên hệ với các tổ chức hành nghề công chứng để xác nhận việc thỏa thuận chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân.

Tranh chấp về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn:

Đây là trường hợp khi đương sự khởi kiện về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn thì trước đó, họ đã chấm dứt hôn nhân và đã có một bản án hoặc quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án giao con cho một bên trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc. Nhưng sau đó, phát sinh một trong các căn cứ làm thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn (Điều 84 Luật HN&GĐ 2014), cụ thể là:

a) Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;

b) Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

Các chủ thể có quyền khởi kiện trong tranh chấp này gồm:

(i) Cha, mẹ; (ii) Người giám hộ; (iii) Trường hợp có căn cứ người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì trên cơ sở lợi ích của con, người thân thích, cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em, hội liên hiệp phụ nữ có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con.

Tranh chấp về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định tại khoản 3 Điều 28 BLTTDS 2015.

Tranh chấp về xác định cha, mẹ cho con hoặc xác định con cho cha, mẹ:

Trong thực tiễn cuộc sống, có nhiều trường hợp có thể xuất phát từ quan hệ hôn nhân, quan hệ ngoài hôn nhân hoặc vì một lý do nào đó mà dẫn đến việc người cha, người mẹ không thừa nhận người nào đó là con của họ sinh ra hoặc người con không thừa nhận một người nào đó là cha, là mẹ của mình hoặc cho rằng người đó là cha, là mẹ của họ nên theo yêu cầu của bản thân họ hoặc cá nhân, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền khác xác định và có tranh chấp thì thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định tại Điều 28 BLTTDS 2015 là vụ án tranh chấp về HN&GĐ.

Đối với những trường hợp yêu cầu xác định cha, mẹ cho con hoặc xác định con cho cha, mẹ không có tranh chấp, các bên tự nguyện thỏa thuận thì thuộc thẩm quyền của UBND.

Tranh chấp về cấp dưỡng:

Tranh chấp về cấp dưỡng có thể từ việc người có nghĩa vụ cấp dưỡng trốn tránh nghĩa vụ hoặc có sự thay đổi mức cấp dưỡng khi có căn cứ cho rằng mức cấp dưỡng đó không còn phù hợp với người được cấp dưỡng nữa. Tuy nhiên, yêu cầu cấp dưỡng này chỉ được Tòa án thụ lý để giải quyết là vụ án tranh chấp khi giữa họ không thỏa thuận được mức cấp dưỡng, thời gian cấp dưỡng, cấp dưỡng một lần hay theo định kỳ. Ngoài người được cấp dưỡng có yêu cầu, thì còn có người thân thích, cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em, hội liên hiệp phụ nữ theo quy định tại Điều 119 Luật HN&GĐ 2014 cũng có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó cho người được cấp dưỡng.

Các tranh chấp khác về hôn nhân và gia đình mà pháp luật có quy định:

Tranh chấp về HN&GĐ thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án được quy định tại Điều 28 BLTTDS 2015 rất đa dạng. Các tranh chấp về HN&GĐ có đặc điểm khác với các tranh chấp dân sự khác thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án bởi nguồn gốc phát sinh từ chính những mâu thuẫn nảy sinh từ tình cảm trong quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng. Việc ghi nhận các tranh chấp khác về HN&GĐ mà pháp luật có quy định là một quy định mở, có những vụ việc tranh chấp về HN&GĐ khác BLTTDS 2015 không quy định nhưng lại được quy định tại một văn bản pháp luật khác có liên quan đến quan hệ HN&GĐ và giữa họ có tranh chấp về quyền và nghĩa vụ.

Một vụ án tranh chấp về HN&GĐ có nhiều quan hệ pháp luật đan xen phải giải quyết như quan hệ hôn nhân, quan hệ cha con, mẹ con, cấp dưỡng, quan hệ tài sản, có vụ án lại chỉ bao hàm một yêu cầu như yêu cầu cấp dưỡng… Tuy nhiên, xuất phát từ quyền tự định đoạt của đương sự, Tòa án có thể giải quyết từng yêu cầu riêng biệt của đương sự mà không bắt buộc phải giải quyết tất cả các vấn đề của quan hệ hôn nhân trong cùng một vụ án. Ví dụ, đương sự chỉ yêu cầu giải quyết tranh chấp về ly hôn, giao nuôi con chung mà không yêu cầu phân chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn thì Tòa án cũng không được giải quyết cả phần chia tài sản chung của vợ chồng trong cùng một vụ án hoặc đương sự chỉ yêu cầu giải quyết tranh chấp về tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân. Như vậy, khi Tòa án giải quyết các yêu cầu của đương sự phải nằm trong giới hạn của phạm vi khởi kiện, yêu cầu của các bên đương sự theo quy định tại Điều 188 BLTTDS 2015.

Việc BLTTDS 2015 quy định thành một điều khoản riêng là Điều 28 về tranh chấp HN&GĐ thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án có ý nghĩa khoa học và thực tiễn sâu sắc. Các tranh chấp về HN&GĐ có chung nguồn gốc xuất phát từ quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng và các quan hệ này được điều chỉnh bởi một ngành luật riêng – ngành luật HN&GĐ. Ngoài ra, sự phân loại này còn có ý nghĩa trong việc xác định về tư cách đương sự, phạm vi khởi kiện, các hoạt động thu thập chứng cứ liên quan đến quan hệ nhân thân, quan hệ tài sản và hoạt động vận dụng, áp dụng các nguyên tắc, quy phạm pháp luật để giải quyết vụ, việc HN&GĐ.

Để được tư vấn chi tiết từ luật sư của Luật 3 Chung

Vui lòng liên hệ số hotline 085.200.8585

Hoặc liên hệ qua email: luatsu@luat3chung.vn

Bài viết liên quan