Hồ sơ khởi kiện vụ án HN&GĐ là một tập hợp các tài liệu quan trọng mà nguyên đơn muốn làm sáng tỏ yêu cầu của mình với Tòa án. Bên cạnh kỹ năng chung cần có khi chuẩn bị hồ sơ khởi kiện, Luật sư cần chú ý những vấn đề đặc thù sau đối với kỹ năng chuẩn bị hồ sơ trong vụ án HN&GĐ:
Về đơn khởi kiện, ngoài việc bảo đảm đầy đủ về nội dung và hình thức đơn khởi kiện theo quy định tại khoản 4 Điều 189 BLTTDS 2015, Luật sư cần thể hiện rõ trong đơn về sự kiện pháp lý làm phát sinh quan hệ HN&GĐ (ví dụ, có đăng ký kết hôn hay không? đăng ký kết hôn ở đâu? vào thời điểm nào?…).
Tùy theo quan hệ pháp luật tranh chấp mà đơn khởi kiện trình bày khái quát về các tình tiết, sự kiện phát sinh tranh chấp. Ví dụ, đối với đơn khởi kiện ly hôn, nội dung đơn cần thể hiện rõ quá trình chung sống với nhau từ thời gian nào đến thời gian nào; khoảng thời gian chung sống hòa thuận, thời gian nào thì phát sinh mâu thuẫn và cách thức giải quyết mâu thuẫn giữa các bên, kết quả các bên đã tự giải quyết mâu thuẫn ra sao? Trong quá trình chung sống đã có mấy con chung? Con tên gì? Ngày tháng năm sinh của con? Tài sản chung gồm có những tài sản gì? Nguồn gốc và tình trạng tài sản hiện nay thế nào?… Vấn đề gì các đương sự đã thỏa thuận được, vấn đề gì chưa thỏa thuận được, yêu cầu Tòa án giải quyết cụ thể như thế nào.
Đơn khởi kiện cũng cần thể hiện những yêu cầu cụ thể của khách hàng đối với Tòa án giải quyết vụ việc. Các yêu cầu này phải bảo đảm có cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn (phù hợp với các tình tiết có trong hồ sơ vụ án và thực tế). Ví dụ, đối với đơn khởi kiện ly hôn, cần phải trình bày rõ yêu cầu Tòa án giải quyết về ba vấn đề: (1) Về yêu cầu ly hôn; (2) Về yêu cầu chia tài sản chung của vợ chồng: Có yêu cầu Tòa án giải quyết không? Nếu có thì yêu cầu chia cụ thể như thế nào? Yêu cầu được nhận tài sản là hiện vật hay giá trị?; (3) Về con chung: Yêu cầu ai nuôi con? Có yêu cầu cấp dưỡng không? Mức cấp dưỡng như thế nào?…
Khi chuẩn bị hồ sơ khởi kiện, kèm theo đơn khởi kiện cần có các tài liệu phù hợp để chứng minh yêu cầu của nguyên đơn là có căn cứ và hợp pháp. Luật sư cần phân biệt những tài liệu bắt buộc phải có trong hồ sơ khởi kiện và những tài liệu nào có thể xuất trình bổ sung cho Tòa án trong quá trình giải quyết. Ví dụ, đối với vụ án ly hôn, tranh chấp về nuôi con, chia tài sản khi ly hôn thì hồ sơ khởi kiện phải có đăng ký kết hôn, giấy khai sinh của con, sổ hộ khẩu, các giấy tờ để chứng minh tài sản chung, tài sản riêng của từng người, các giấy tờ khác có liên quan… là những tài liệu chứng minh cho quan hệ hôn nhân và quan hệ cha mẹ con trong vụ án; hoặc, trong vụ án tranh chấp về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn thì tài liệu nộp cùng hồ sơ khởi kiện phải có bản án, quyết định của Tòa án đã giải quyết ly hôn… Ngoài những tài liệu bắt buộc, việc nên đưa những tài liệu nào vào hồ sơ khởi kiện thì Luật sư cần phải tính toán kỹ để có lợi nhất cho khách hàng.
Để được tư vấn chi tiết từ luật sư của Luật 3 Chung
Vui lòng liên hệ số hotline 085.200.8585
Hoặc liên hệ qua email: luatsu@luat3chung.vn