Tranh chấp về HN&GĐ có đặc điểm là yếu tố tình cảm, đôi khi có ý nghĩa quyết định sự tồn tại hay chấm dứt quan hệ giữa các bên. Hệ quả chấm dứt các quan hệ về hôn nhân có thể sẽ rất nặng nề đối với những người trong cuộc, đặc biệt là những đứa trẻ sau khi cha mẹ ly hôn… Do vậy, khi tiếp xúc với nguyên đơn, Luật sư phải là người am hiểu sâu sắc về tâm lý, có kỹ năng và kinh nghiệm trong việc giải quyết về án HN&GĐ để có lời khuyên thấu đáo cho khách hàng cả về “tình” và “lý”.
Trao đổi với khách hàng về nội dung tranh chấp
Một đặc điểm dễ nhận thấy ở khách hàng là nguyên đơn trong vụ án ly hôn là họ luôn là người có bức xúc về tình cảm với vợ hoặc chồng của họ. Khi gặp luật sư, họ có thể kể các câu chuyện mâu thuẫn vụn vặt trong đời sống vợ chồng, thậm chí dễ xảy ra việc nói xấu đổ lỗi cho nhau. Nếu Luật sư thiếu khả năng định hướng cho việc khai thác thông tin thì có thể sẽ sa đà vào những câu chuyện “không tên” của khách hàng, dẫn đến việc buổi trao đổi với khách hàng không có trọng tâm, không làm rõ được những vấn đề pháp lý cần thiết.
Trước hết, Luật sư cần phải xác định được yêu cầu cụ thể của khách hàng, tìm hiểu những bức xúc và nguyện vọng của họ. Luật sư cần phải chủ động dẫn dắt câu chuyện khi trao đổi với khách hàng, để xác định được cuối cùng khách hàng cần gì và mong muốn đạt được lợi ích gì từ việc yêu cầu giải quyết đó?
Nếu khách hàng là nguyên đơn có yêu cầu ly hôn thì cần làm rõ là yêu cầu đơn phương ly hôn hay thuận tình ly hôn? Có yêu cầu chia tài chung hay không? Vợ chồng có con chung không? Có yêu cầu, tranh chấp về việc giao con cho ai nuôi và yêu cầu về cấp dưỡng nếu có thì như thế nào? Nếu thuận tình ly hôn thì các bên có thống nhất được về vấn đề chia tài sản chung, về việc nuôi con hay không?
Trường hợp khách hàng có mâu thuẫn trong đời sống chung của vợ chồng, vì nhiều lý do họ không muốn ly hôn, chỉ muốn xác định cụ thể tài sản riêng của mỗi người, thì Luật sư cần làm rõ yếu tố mâu thuẫn trong việc chia tài sản chung của họ như thế nào? Nếu họ chỉ muốn xác định tài sản riêng của vợ hoặc chồng mà không có mâu thuẫn khi phân chia tài sản thì thủ tục giải quyết sẽ đơn giản hơn (chỉ cần đến tổ chức hành nghề công chứng để lập văn bản phân chia tài sản chung). Trường hợp khách hàng có tranh chấp trong việc phân chia tài sản thì yêu cầu Tòa án phân chia tài sản nào. Trong trường hợp này, Luật sư cần tìm hiểu về nguồn gốc, tình trạng pháp lý và thực tế hiện nay của tài sản đó, căn cứ phân chia tài sản, yêu cầu phân chia tài sản cụ thể, nguyện vọng được nhận bằng tiền hay bằng hiện vật…
Trường hợp khách hàng đã ly hôn, thì cần làm rõ họ có yêu cầu gì sau khi có bản án, quyết định của Tòa án về việc ly hôn. Yêu cầu về thay đổi người nuôi con hay thay đổi về mức cấp dưỡng nuôi con hay thay đổi cả việc nuôi con và đề nghị bên kia cấp dưỡng? Căn cứ cho việc yêu cầu thay đổi đó là gì?
Đối với tranh chấp yêu cầu xác định cha, mẹ cho con hoặc xác định con cho cha, mẹ thì cần phải làm rõ yếu tố tranh chấp trên cả phương diện pháp lý và thực tế của yêu cầu này để xác định thẩm quyền giải quyết của UBND hay TAND, cũng như thủ tục giải quyết và căn cứ cho yêu cầu của khách hàng mình?
Luật sư cần khai thác thêm thông tin từ khách hàng để nhận diện về quan hệ pháp luật tranh chấp
Để xác định được chính xác quan hệ pháp luật tranh chấp trong vụ án HN&GĐ, Luật sư cũng cần lưu ý đến hai yếu tố đó là: (i) yêu cầu và phạm vi yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn; và (ii) quy định pháp luật điều chỉnh về nội dung tranh chấp. Thông thường có ba quan hệ được giải quyết đồng thời trong các tranh chấp về HN&GĐ theo thứ tự là quan hệ hôn nhân, quan hệ con chung và quan hệ về tài sản. Tuy nhiên, quan hệ hôn nhân là quan hệ gốc. Khi yêu cầu giải quyết ly hôn khách hàng có thể lựa chọn không yêu cầu Tòa án giải quyết về tài sản. Yêu cầu chia tài sản có thể tách ra giải quyết trong vụ án khác khi đương sự phía đối lập cũng không có yêu cầu. Theo nguyên tắc, đương sự yêu cầu giải quyết phân chia về tài sản nào thì Tòa án giải quyết về tài sản ấy. Tuy nhiên, đã giải quyết về tranh chấp đối với tài sản nào thì những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phải được Tòa án triệu tập tham gia tố tụng.
Về phương pháp luận, Luật sư luôn phải có tư duy so sánh, đối chiếu giữa yêu cầu thực tế của khách hàng (về việc giải quyết tranh chấp) với những quy định của luật nội dung, luật tố tụng có liên quan đến yêu cầu khởi kiện đó. Sự liên quan và phù hợp giữa hai yếu tố này là cơ sở để Luật sư xác định được quan hệ pháp luật tranh chấp và phạm vi khởi kiện, phạm vi Tòa án xét xử trong vụ án về HN&GĐ.
Khi tiếp xúc với khách hàng, Luật sư phải tìm hiểu về bản chất làm phát sinh mối quan hệ giữa các bên với nhau. Cấu thành sự kiện pháp lý làm phát sinh quan hệ pháp luật về HN&GĐ thường có hai hoặc nhiều sự kiện. Nếu thiếu một trong các sự kiện đó thì cấu thành sự kiện sẽ không có hiệu lực. Ví dụ, quan hệ pháp luật giữa cha mẹ và con phát sinh do kết quả của việc sinh con (là một sự kiện) và đăng ký giấy khai sinh cho con tại cơ quan đăng ký hộ tịch (là một hành vi); hoặc, quan hệ giữa người vợ và người chồng phải phát sinh từ sự kiện kết hôn hợp pháp trên cơ sở đủ điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn.
Khi xác định quan hệ pháp luật HN&GĐ hợp pháp hay không hợp pháp thì Luật sư cần xác định rõ các yếu tố cấu thành nên sự kiện pháp lý đó. Chẳng hạn như, muốn xác định việc kết hôn của vợ chồng có hợp pháp hay không thì phải làm rõ về sự kiện kết hôn của họ. Về nội dung câu hỏi, có thể là: Họ có đăng ký kết hôn không? nếu có thì đăng ký kết hôn ở đâu? Thời điểm cụ thể kết hôn? Giấy chứng nhận kết hôn ai đang giữ? Nếu họ không có đăng ký kết hôn thì họ chung sống như vợ chồng từ thời điểm nào? Hiện còn đang chung sống không?…
Nếu yêu cầu ly hôn của họ được xác định trên cơ sở hôn nhân hợp pháp, Luật sư nhận diện được quan hệ pháp luật tranh chấp trong vụ án này là tranh chấp ly hôn và sẽ thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo Điều 28 BLTTDS 2015. Ngược lại, nếu yêu cầu ly hôn của họ trên cơ sở việc kết hôn trái pháp luật hoặc có đủ điều kiện kết hôn nhưng không đăng ký kết hôn thì yêu cầu giải quyết ly hôn của họ là không phù hợp, họ chỉ có thể yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật theo thủ tục việc dân sự theo Điều 29 BLTTDS 2015 hoặc yêu cầu Tòa án không công nhận quan hệ vợ chồng.
Trao đổi với khách hàng về diễn biến tranh chấp và căn cứ đối với các yêu cầu khởi kiện
Khi làm rõ diễn biến tranh chấp, Luật sư cần chú ý đến tính “có căn cứ” cho yêu cầu của nguyên đơn. Ví dụ, nguyên đơn yêu cầu xin ly hôn, Luật sư cần làm rõ các yếu tố về quá trình chung sống, thời điểm phát sinh mâu thuẫn, nguyên nhân mâu thuẫn, các biện pháp mà các bên đã duy trì tình cảm nhưng không có kết quả… Mục đích là để tư vấn cho khách hàng nên hay không nên khởi kiện, nếu khởi kiện thì chứng cứ, tài liệu cần cung cấp cho Tòa án như thế nào…
Khi tìm hiểu về hoàn cảnh thực tế của khách hàng là nguyên đơn, Luật sư cần đặt câu hỏi liên quan đến điều kiện sống hiện tại của họ với việc quyền và lợi ích của khách hàng sẽ được giải quyết như thế nào nếu chấm dứt quan hệ pháp luật hiện tại. Ví dụ, khách hàng là phụ nữ có con nhỏ, sống phụ thuộc vào kinh tế của chồng hoặc gia đình chồng thì khi ly hôn, cuộc sống của họ sẽ như thế nào, các điều kiện về chỗ ở mới sau khi ly hôn, điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng con khi chấm dứt hôn nhân…
Xác định một số điều kiện khởi kiện đặc thù của tranh chấp HN&GĐ của khách hàng là nguyên đơn
Thứ nhất, điều kiện về chủ thể. Trong các vụ án tranh chấp về HN&GĐ có những đặc trưng khác biệt về điều kiện chủ thể căn cứ vào từng loại tranh chấp về HN&GĐ, đó là:
– Quyền khởi kiện trong vụ án ly hôn:
So với Luật HN&GĐ 2000, khoản 2 Điều 51 Luật HN&GĐ 2014 có quy định mới theo hướng mở rộng hơn với chủ thể có quyền khởi kiện trong vụ án ly hôn, không chỉ là vợ, chồng. Theo đó, cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn trong trường hợp một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ. Như vậy, để Tòa án có thể thụ lý đơn khởi kiện của cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn trong trường hợp trên thì cần phải chứng minh về việc: (i) Người vợ hoặc chồng bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình; (ii) Người vợ hoặc chồng là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng hoặc vợ của họ gây ra; (iii) Có hành vi ngược đãi, hành hạ của người vợ hoặc người chồng mà hành vi này đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng sức khỏe, tinh thần của họ.
– Xác định người khởi kiện vụ án ly hôn có thuộc trường hợp bị hạn chế quyền khởi kiện hay không, cụ thể là:
+ Hạn chế quyền xin ly hôn của người chồng trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi (khoản 3 Điều 51 Luật HN&GĐ 2014).
+ Đối với người có đơn yêu cầu xin ly hôn mà bị Tòa án không chấp nhận đơn xin ly hôn hoặc nguyên đơn rút yêu cầu khởi kiện, Tòa án đã ban hành quyết định đình chỉ giải quyết vụ án thì đương sự vẫn được quyền khởi kiện lại.
Đối với các tranh chấp khác về HN&GĐ như trường hợp bản án, quyết định về ly hôn có giải quyết quan hệ về con, mức cấp dưỡng.
Sau khi bản án, quyết định này có hiệu lực pháp luật, nếu điều kiện nuôi con, cấp dưỡng thay đổi thì người bố hoặc mẹ có có quyền khởi kiện yêu cầu thay đổi người nuôi con, thay đổi về mức cấp dưỡng. Bên cạnh đó, pháp luật có quy định các chủ thể khác không nhất thiết là vợ, chồng trong quan hệ hôn nhân mà có thể là các cơ quan, tổ chức xã hội cũng có quyền khởi kiện.
Thứ hai, xác định về thẩm quyền giải quyết của Tòa án
Về nguyên tắc, việc xác định thẩm quyền giải quyết của Tòa án trong vụ án về HN&GĐ không có điểm gì khác biệt với các tranh chấp dân sự khác. Tuy nhiên, Luật sư cần lưu ý là:
– Thẩm quyền theo vụ việc HN&GĐ: được xác định theo ý chí của các đương sự thể hiện trong đơn khởi kiện, xác định tính chất của quan hệ hôn nhân và các đặc điểm của từng loại yêu cầu khởi kiện. Ví dụ, yêu cầu giải quyết việc ly hôn do một bên yêu cầu thì đó là một vụ án ly hôn được quy định tại Điều 28 BLTTDS 2015 và chỉ được Tòa án thụ lý giải quyết khi quan hệ hôn nhân đó là hợp pháp hoặc được coi là hợp pháp trong một số trường hợp cụ thể mà pháp luật quy định. Nếu các bên cùng thuận tình về yêu cầu ly hôn, chia tài sản chung, nuôi con và cấp dưỡng thì đó là việc dân sự về HN&GĐ được quy định tại Điều 29 BLTTDS 2015.
– Thẩm quyền theo cấp Tòa án: Luật HN&GĐ 2014 có quy định riêng tại khoản 3 Điều 123 về thẩm quyền của TAND cấp huyện đối với tranh chấp ly hôn, các tranh chấp về quyền và nghĩa vụ của vợ chồng, cha mẹ và con, về nhận cha, mẹ, con, nuôi con nuôi và giám hộ giữa công dân Việt Nam cư trú ở khu vực biên giới với công dân của nước láng giềng cùng cư trú ở khu vực biên giới với Việt Nam. Quy định đặc thù này của Luật HN&GĐ 2014 dựa trên điều kiện địa lý, sự phân bố dân cư và tập quán sinh hoạt giữa công dân Việt Nam và công dân nước láng giềng ở khu vực biên giới, tạo điều kiện cho người dân khi tiếp cận với Tòa án.
Ví dụ :
Ông Nguyễn Văn K sinh năm 1960, hiện có hai quốc tịch là Việt Nam và Mỹ. Ông đang sinh sống và có đăng ký tạm trú tại địa chỉ cùng với bà Nguyễn Thị N, sinh năm 1965. Giữa hai người có con chung là cháu Nguyễn Thanh V, sinh năm 1999. Toàn bộ tài sản của ông ở Việt Nam đều giao cho bà N quản lý. Do ông kinh doanh cả trong và ngoài nước, thường xuyên vắng nhà nên bà Nguyễn Thị N đã công khai ngoại tình với đồng nghiệp của bà trong Công ty. Khi trao đổi, xác định được thực tế bà N đã bỏ nhà theo người khác, không quan tâm chăm sóc con nên ông muốn ly hôn với bà N. Tài sản chung ông yêu cầu chia cho ông phần nhiều hơn. Sau khi ly hôn, ông sẽ đón con về Mỹ để sinh sống cùng ông.
Với những thông tin khách hàng cung cấp ở ví dụ 4, khi tiếp xúc, trao đổi với ông K, Luật sư cần lưu ý làm rõ những vấn đề cụ thể sau đây:
– Xác định giữa ông K và bà N có tồn tại mối quan hệ hôn nhân hợp pháp không: Ông K và bà N có đăng ký kết hôn không? Nếu có thì ngày đăng ký kết hôn là ngày nào? Ở đâu?… Câu trả lời của ông K sẽ cho Luật sư biết được: Tính chất của cuộc hôn nhân, thời điểm bắt đầu chung sống, thời kỳ hôn nhân và thu thập tài liệu khi nộp đơn khởi kiện (là Giấy chứng nhận kết hôn).
Nếu ông K và bà N không có đăng ký kết hôn thì họ chung sống với nhau từ khi nào? Nếu chung sống với nhau trước ngày 13/01/1987 mà không đăng ký kết hôn thì có các chứng cứ nào (như làm lễ cưới theo tập quán…) và còn đang chung sống không để xác định có hay không căn cứ công nhận quan hệ vợ chồng được pháp luật thừa nhận?
– Diễn biến tranh chấp giữa ông K và bà N: Ông K thường xuyên sinh sống ở đâu? Ông bà có mâu thuẫn với nhau từ khi nào? Bà N ngoại tình có chứng cứ gì không? Giải pháp nào mà ông bà đã đưa ra để giải quyết mâu thuẫn? Quan điểm của bà N về việc ông yêu cầu ly hôn?…
– Yêu cầu của ông K cụ thể là gì: (i) Yêu cầu xin ly hôn; (ii) Yêu cầu chia tài sản chung: Tài sản chung gồm có những gì? Tài sản riêng của mỗi người? Ai đứng tên đối với những tài sản phải đăng ký quyền sở hữu? Chứng cứ chứng minh cho tài sản riêng và tài sản chung? Yêu cầu chia tài sản chung gồm những gì? Chia bằng tiền hay chia bằng hiện vật?…; (iii) Về nuôi con sau ly hôn và yêu cầu cấp dưỡng: Cháu V mong muốn ở với ai? Điều kiện thực tế ông có thể đáp ứng khi nuôi dưỡng và chăm sóc cháu như thế nào để bảo đảm quyền lợi mọi mặt của con? Ông có yêu cầu bà N cấp dưỡng nuôi con không? Mức cấp dưỡng là bao nhiêu? Điều kiện thực tế để bà N đáp ứng yêu cầu đóng góp nuôi con như thế nào?…
– Những lợi thế và bất lợi của ông K khi tham gia giải quyết vụ tranh chấp này tại Tòa án. Với những dữ liệu cơ bản nêu trên, nếu xác định được các chứng cứ chứng minh, có thể thấy yêu cầu của ông K có khả năng được Tòa án chấp nhận là: (i) Về yêu cầu ly hôn: Do bà N là người đã ngoại tình nên bà N là người có lỗi trong việc trong việc duy trì quan hệ hôn nhân, mâu thuẫn có thể kéo dài, đời sống chung không thể duy trì là căn cứ để Tòa án xem xét cho ly hôn; (ii) Về yêu cầu chia tài sản: Ông K có thể được chia tài sản nhiều hơn vì công sức đóng góp của ông, về việc bà N có lỗi (theo nguyên tắc chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn theo khoản 2 Điều 59 Luật HN&GĐ 2014); (iii) Về việc nuôi cháu V: ông K có những thuận lợi về điều kiện vật chất (ông là người độc lập, chủ động về tài chính), về điều kiện nuôi dưỡng, dạy dỗ (bà N thường xuyên vắng nhà, bỏ bê việc chăm sóc con cái…). Sẽ thuận lợi hơn cho ông K được giao trực tiếp nuôi con nếu cháu V có nguyện vọng ở với bố.
Tuy nhiên, bên cạnh đó ông K cũng có những bất lợi nhất định:
(i) Ông K không trực tiếp quản lý tài sản chung của vợ chồng mà bà N là người nắm giữ toàn bộ tài sản, trong trường hợp xảy ra tranh chấp về nguồn gốc tài sản, ông phải chứng minh được về công sức đóng góp của mình trong việc tạo lập tài sản chung của vợ chồng, đặc biệt là những tài sản là bất động sản hoặc động sản bắt buộc phải đăng ký sở hữu mà ông K không được đứng tên sở hữu; khả năng việc tẩu tán tài sản có thể đã, đang và sẽ xảy ra; (ii) Vì bé V sống chủ yếu với mẹ là bà N ở Việt Nam, điều kiện học tập, nuôi dưỡng cháu ở Việt Nam vẫn bình thường, trong trường hợp cháu V không đồng ý ở với ông thì việc ông yêu cầu đưa bé V ra nước ngoài ở cùng với ông sẽ khó thuyết phục được Tòa án chấp nhận.
– Trao đổi với ông K về thủ tục khởi kiện.
– Thu thập tài liệu và chuẩn bị hồ sơ khởi kiện giúp ông K.
Sau khi trao đổi với khách hàng là nguyên đơn, Luật sư nắm bắt được diễn biến cũng như bản chất của tranh chấp, từ đó, Luật sư xác định được hệ thống các chứng cứ cần thiết để chứng minh cho quan hệ tranh chấp, xây dựng kế hoạch hỏi và tranh tụng tại phiên tòa theo hướng bảo vệ quyền lợi cho khách hàng ở khả năng cao nhất.
Để được tư vấn chi tiết từ luật sư của Luật 3 Chung
Vui lòng liên hệ số hotline 085.200.8585
Hoặc liên hệ qua email: luatsu@luat3chung.vn