Quan hệ HN&GĐ xuất hiện và tồn tại mang tính chất riêng biệt đối với mỗi cá nhân. Pháp luật HN&GĐ là một “đại lượng” chung nhất do Nhà nước quy định để điều chỉnh cho mỗi mối quan hệ HN&GĐ vốn dĩ là rất khác nhau. Do đó, hoạt động áp dụng pháp luật để giải quyết tranh chấp HN&GĐ cho từng vụ án cụ thể, đòi hỏi phải có sự linh hoạt, mềm dẻo, không thể áp dụng pháp luật trong mọi trường hợp tranh chấp là như nhau. Tuy nhiên, để hoạt động áp dụng pháp luật được thống nhất, thì cần có các nguyên tắc mang tính chất “dẫn đường” cho việc lựa chọn quy phạm pháp luật HN&GĐ khi giải quyết tranh chấp.
Hệ thống hóa các thời kỳ lịch sử hình thành và phát triển của Luật HN&GĐ Việt Nam, có thể tổng hợp các mốc thời điểm ban hành văn bản quy phạm pháp luật HN&GĐ như sau:
– Thời kỳ từ năm 1945 đến năm 1954: Với sự ra đời của Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ghi nhận sự bình đẳng của nam và nữ về mọi mặt, đó là cơ sở pháp lý quan trọng của việc xây dựng chế độ HN&GĐ dân chủ, tiến bộ. Năm 1950, Nhà nước đã ban hành 02 sắc lệnh liên quan đến HN&GĐ. Sắc lệnh số 97/SL ngày 22/5/1950 về sửa đổi một số quy lệ và chế định trong dân luật gồm 15 điều trong đó 08 điều quy định về HN&GĐ, 05 điều quy định về một số nguyên tắc của pháp luật dân sự. Sắc lệnh số 159/SL ngày 17/11/1950 quy định về vấn đề ly hôn gồm 09 điều chia thành 03 mục: Duyên cớ ly hôn, thủ tục ly hôn và hiệu lực của việc ly hôn.
– Thời kỳ từ năm 1954 đến năm 1975:
+ Ở miền Bắc: Hiến pháp năm 1959 là cơ sở pháp lý để xây dựng chế độ HN&GĐ mới xã hội chủ nghĩa. Luật HN&GĐ 1959 được Quốc hội khóa thứ nhất, kỳ họp thứ 11 thông qua ngày 29/12/1959 và được Chủ tịch nước ký Sắc lệnh số 02/SL công bố ngày 13/01/1960 (Đạo luật số 13 về HN&GĐ).
+ Ở miền Nam: Bộ luật Gia đình ngày 02/01/1959 (Luật số 01/59) quy định về giá thú, tử hệ, chế độ phu phụ tài sản, ly thân, nuôi con nuôi; Sắc luật số 15/64 ngày 23/07/1964 quy định về giá thú, tử hệ và tài sản cộng đồng và Bộ Dân luật ngày 20/12/1972.
– Thời kỳ từ năm 1975 đến nay:
+ Luật HN&GĐ 1986 được Quốc hội khóa VII, kỳ họp thứ 12 thông qua ngày 29/12/1986 và được Hội đồng Nhà nước công bố ngày 03/01/1987;
+ Luật HN&GĐ 2000 được Quốc hội khóa X, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 09/6/2000 và được Chủ tịch nước ký Lệnh công bố ngày 22/6/2000, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2001;
+ Luật HN&GĐ 2014 được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 19/6/2014 thay thế cho Luật HN&GĐ 2000, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2015.
Khi xem xét phạm vi áp dụng Luật HN&GĐ cùng những văn bản hướng dẫn của Luật HN&GĐ qua các thời kỳ lịch sử, Luật sư cần lưu ý những vấn đề mang tính nguyên tắc sau:
Thứ nhất, lựa chọn văn bản pháp luật áp dụng để giải quyết tranh chấp phụ thuộc vào thời điểm xác lập quan hệ pháp luật HN&GĐ.
Từ thời điểm xác lập quan hệ HN&GĐ đến khi có tranh chấp, quan hệ HN&GĐ có thể chịu sự điều chỉnh của các đạo luật, các văn bản hướng dẫn thi hành về HN&GĐ khác nhau và tiếp nối nhau. Vì vậy, lựa chọn văn bản pháp luật là cơ sở pháp lý cho việc giải quyết tranh chấp là một vấn đề đã được các nhà làm luật quy định khi có sự thay đổi các đạo luật về HN&GĐ.
Nghị quyết số 35/2000/QH10 ngày 09/6/2000 về việc thi hành Luật HN&GĐ 2000 quy định về việc Tòa án áp dụng pháp luật về HN&GĐ để giải quyết các vụ, việc về HN&GĐ, như sau:
a) Đối với những vụ, việc mà Tòa án đã thụ lý trước ngày 01/01/2001 thì áp dụng Luật HN&GĐ 1986 để giải quyết;
b) Đối với những vụ, việc mà Tòa án thụ lý từ ngày 01/01/2001 thì áp dụng Luật HN&GĐ 2000 để giải quyết;
Như vậy, với quy định trên cho thấy, cơ sở để lựa chọn luật áp dụng là Luật HN&GĐ 1986 hay Luật HN&GĐ 2000 để giải quyết tranh chấp là thời điểm Tòa án thụ lý tranh chấp (trước hay sau ngày 01/01/2001).
Luật HN&GĐ 2014 quy định một điều luật riêng có tên là “Điều khoản chuyển tiếp” (Điều 131) như sau:
1. Quan hệ HN&GĐ được xác lập trước ngày Luật này có hiệu lực thì áp dụng pháp luật về HN&GĐ tại thời điểm xác lập để giải quyết.
2. Đối với vụ việc về HN&GĐ do Tòa án thụ lý trước ngày Luật này có hiệu lực mà chưa giải quyết thì áp dụng thủ tục theo quy định của Luật này.
Với các quy định mới tại khoản 1 Điều 131 Luật HN&GĐ 2014 thì thời điểm xác lập quan hệ HN&GĐ là thời điểm có ý nghĩa quyết định việc lựa chọn văn bản pháp luật áp dụng. Theo đó, tại thời điểm xác lập quan hệ HN&GĐ, văn bản nào đang có hiệu lực điều chỉnh trực tiếp thì chính văn bản đó sẽ là cơ sở pháp lý khi giải quyết tranh chấp.
Ví dụ 1:
Anh A và chị B kết hôn vào ngày 02/01/2001. Ngày 02/01/2018, anh A làm đơn yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn, chia tài sản chung.
Trong trường hợp này, áp dụng Luật HN&GĐ 2000 để xác định quan hệ hôn nhân, quan hệ tài sản (xác định tài sản chung của vợ chồng) để làm cơ sở giải quyết tranh chấp. Tại thời điểm anh A làm đơn yêu cầu ly hôn là ngày 02/01/2018, do vậy, cần áp dụng Luật HN&GĐ 2014 để xem xét các căn cứ giải quyết ly hôn, chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn.
Ví dụ 2:
Anh C và chị D kết hôn ngày 02/01/2001. Tại thời điểm hiện nay, chị D bị tâm thần và đang là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng là anh C gây ra. Anh C không làm đơn yêu cầu ly hôn với chị D. Vậy làm thế nào để bảo vệ quyền và lợi ích của chị D trong trường hợp chị D không thể tự mình làm đơn khởi kiện xin ly hôn với anh C?
Điều 85 Luật HN&GĐ 2000 quy định, quyền yêu cầu Tòa án cho ly hôn chỉ thuộc về người vợ, người chồng hoặc cả hai vợ chồng. Tuy nhiên, Điều 51 Luật HN&GĐ 2014 đã quy định hoàn toàn mới theo hướng mở rộng về đối tượng được quyền làm đơn yêu cầu giải quyết ly hôn trong một số trường hợp đặc biệt để bảo vệ người yếu thế trong quan hệ hôn nhân. Mặc dù, quan hệ hôn nhân giữa anh C và chị D xác lập vào thời điểm Luật HN&GĐ 2000 có hiệu lực, nhưng sau ngày Luật HN&GĐ 2014 có hiệu lực, về thủ tục khởi kiện vụ án ly hôn, trong trường hợp này, cần áp dụng khoản 2 Điều 51 Luật HN&GĐ 2014 để giải quyết. Theo đó, cha, mẹ, người thân thích của chị D có quyền làm đơn yêu cầu Tòa án giải quyết cho ly hôn.
Thứ hai, các quy định của pháp luật điều chỉnh các quan hệ trước đây mà Luật HN&GĐ đã có hướng dẫn nhưng nay đã được sửa đổi, bổ sung và có hướng dẫn thay thế thì phải áp dụng hướng dẫn mới. Ví dụ, Luật HN&GĐ 2000 đã có hướng dẫn về căn cứ cho ly hôn. Khi Luật HN&GĐ 2014 có hiệu lực thì cần áp dụng hướng dẫn mới của Luật HN&GĐ 2014 để giải quyết ly hôn.
Thứ ba, việc vận dụng, áp dụng Luật HN&GĐ cần lưu ý đến yếu tố không gian, thời gian và tính lịch sử đặc thù của Luật HN&GĐ. Luật HN&GĐ 1959 có hiệu lực ngày 13/01/1960 ở miền Bắc, những trường hợp kết hôn vi phạm nguyên tắc một vợ, một chồng là hôn nhân không hợp pháp. Các quan hệ hôn nhân xác lập trước thời điểm ngày 13/01/1960 không bị điều chỉnh bởi nguyên tắc của Luật HN&GĐ 1959. Vì vậy nam, nữ dù có quan hệ hôn nhân nhiều vợ, nhiều chồng vẫn được coi là hôn nhân hợp pháp.
Ở miền Nam, ngày 25/3/1977, Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị quyết số 76-CP quy định về vấn đề hướng dẫn thi hành và xây dựng pháp luật thống nhất cho cả nước (trong đó có Đạo luật số 13 về HN&GĐ). Những quan hệ hôn nhân xác lập trước ngày 25/3/1977 ở miền Nam không tuân theo nguyên tắc một vợ, một chồng vẫn được công nhận là hợp pháp.
Trường hợp công nhận hôn nhân hợp pháp theo Thông tư số 60/TATC ngày 22/02/1978 của TANDTC hướng dẫn giải quyết các việc tranh chấp về HN&GĐ của cán bộ, bộ đội có vợ, có chồng trong Nam, tập kết ra Bắc lấy vợ, lấy chồng khác: Sau khi đất nước thống nhất ngày 30/4/1975, cán bộ, bộ đội ở miền Nam khi tập kết ra Bắc năm 1954 lại trở về đoàn tụ gia đình dẫn đến thực tế một người có hai vợ hoặc hai chồng. Về hình thức, việc kết hôn của họ là vi phạm trường hợp cấm kết hôn, tuy nhiên đây là trường hợp đặc biệt không bị coi là kết hôn trái pháp luật. Thông tư số 60/TATC là trường hợp công nhận hôn nhân hợp pháp trên cơ sở xét đến hoàn cảnh đặc biệt của chiến tranh, yêu cầu ổn định quan hệ gia đình phù hợp và giải quyết hậu quả của chiến tranh, một vấn đề xã hội phức tạp, vấn đề tình cảm, hạnh phúc gia đình, nhất là của người vợ và con.
Về nguyên tắc, việc kết hôn chỉ có giá trị pháp lý khi hai bên nam, nữ tuân thủ các quy định của pháp luật về kết hôn và đăng ký kết hôn. Tuy nhiên, thực tế do tác động của điều kiện lịch sử trong thời gian dài đất nước có chiến tranh, do ảnh hưởng của phong tục, tập quán… nên có rất nhiều trường hợp nam, nữ chung sống như vợ chồng không có đăng ký kết hôn. Mặc dù, đăng ký kết hôn là thủ tục công nhận giá trị pháp lý của việc kết hôn nhưng pháp luật Việt Nam đã có sự thừa nhận “việc công nhận quan hệ vợ, chồng” như một hiện tượng xã hội mang tính lịch sử và khách quan trong những điều kiện cụ thể.
Luật sư cần lưu ý, những vấn đề đã có hướng dẫn trước đây nhưng quy định mới của pháp luật HN&GĐ không đề cập và hướng dẫn cũ không trái với quy định của Luật mới thì cần vận dụng linh hoạt áp dụng tương tự pháp luật khi đề xuất quan điểm pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng mình.
Để được tư vấn chi tiết từ luật sư của Luật 3 Chung
Vui lòng liên hệ số hotline 085.200.8585
Hoặc liên hệ qua email: luatsu@luat3chung.vn