[TƯ VẤN LUẬT LAO ĐỘNG] Kỹ năng của luật sư chuẩn bị bản luận cứ cho việc tham gia phiên tòa sơ thẩm trong tranh chấp về xử lý vi phạm kỹ luật lao động

Bản luận cứ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của khách hàng cần bảo đảm cơ cấu và cách thức trình bày đã được đề cập trong phần kỹ năng cơ bản của Luật sư trong việc chuẩn bị bản luận cứ bảo vệ. Đối với mỗi loại tranh chấp lao động khác nhau, tùy quan hệ pháp luật tranh chấp cần giải quyết và tùy vào yêu cầu của nguyên đơn, yêu cầu phản tố của bị đơn (nếu có), Luật sư sẽ thể hiện phần luận điểm chứng minh và những yêu cầu cụ thể trong bản luận cứ của mình. Trong việc giải quyết tranh chấp về xử lý vi phạm kỷ luật lao động, các Luật sư cần lưu ý khi thể hiện phần luận điểm chứng minh và những yêu cầu cụ thể trong bản luận cứ như sau:

a) Đối với bản luận cứ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn:

Mục tiêu của Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nguyên đơn là chứng minh quyết định xử lý vi phạm kỷ luật lao động của người sử dụng lao động đối với khách hàng của mình là trái pháp luật, bằng cách chứng minh người sử dụng lao động đã vi phạm một trong những điều kiện (hoặc một số điều kiện) bảo đảm một quyết định xử lý kỷ luật là hợp pháp đã đề cập trên đây. Vì vậy, trong bản luận cứ, Luật sư cần đưa ra luận điểm theo từng điều kiện bị vi phạm mà Luật sư muốn chứng minh. Với mỗi luận điểm, Luật sư cần chứng minh bằng những căn cứ pháp lý và những chứng cứ có trong hồ sơ vụ án hoặc/và được thẩm tra tại phiên tòa. Luận điểm cuối cùng trong bản luận cứ nên hướng tới những yêu cầu cụ thể của nguyên đơn đã thể hiện trong đơn khởi kiện và được khẳng định tại phiên tòa.

Ví dụ:

Vào ngày 01/5/2019, chị H (là Tổ trưởng Tổ Công đoàn, đang làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn tại Công ty A với vị trí công việc: nhân viên kế toán, tại thành phố Hà Nội) không có mặt tại Công ty A khi được Giám đốc triệu tập để giải quyết công việc khẩn cấp, vì vậy, chị đã bị khiển trách, đồng thời bị chuyển làm công việc khác (lễ tân) trong thời gian 04 tháng. Trong thời gian thi hành quyết định kỷ luật chuyển làm công việc khác, khi bê khay tiếp tân chị H đã để đổ cà phê ra tấm thảm trải nền phòng khách của Công ty A. Trên cơ sở phiếu trình giải quyết công việc của Phòng Nhân sự, Giám đốc Công ty A đã ký quyết định sa thải chị H với 02 lý do: (1) Làm hỏng tấm thảm trị giá 50 triệu đồng của Công ty (50 triệu đồng là giá mua tấm thảm); và (2) Vi phạm của chị H thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm.

Chị H cho rằng việc Công ty sa thải mình là trái pháp luật nên đã khởi kiện Công ty A ra TAND với các yêu cầu:

1. Hủy quyết định sa thải của Công ty A đối với mình.

2. Công ty A phải xin lỗi công khai đối với chị H.

3. Công ty A phải nhận chị H trở lại làm công việc theo hợp đồng lao động.

4. Công ty A phải bồi thường cho chị H tổng cộng là (x) đồng, bao gồm các khoản:

– Toàn bộ tiền lương, tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong thời gian chị H không được làm việc (kể từ ngày… đến ngày…) và tiền lãi trên số tiền lương, tiền bảo hiểm chậm trả;

– 02 tháng lương bồi thường theo quy định của pháp luật; Chi phí thuê Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng tại Tòa án mà chị H phải chi trả;

– Tiền bồi thường danh dự, nhân phẩm cho chị H.

(Có bảng kê chi tiết kèm theo)

Nếu là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho chị H trong ví dụ nêu trên thì trong bản luận cứ, Luật sư cần đưa ra các luận điểm sau đây để chứng minh quyết định sa thải của Công ty A đối với chị H là trái pháp luật:

– Công ty A không có căn cứ hợp pháp để sa thải chị H.

Để lập luận cho luận điểm này, Luật sư nên bắt đầu bằng việc chỉ dẫn các căn cứ sa thải người lao động được quy định tại Điều 126 Bộ luật Lao động năm 2012 (Điều 125 Bộ luật Lao động năm 2019). Sau đó căn cứ vào những chứng cứ có trong hồ sơ vụ án để chứng minh Công ty A không có căn cứ theo quy định của Bộ luật Lao động để sa thải chị H (Công ty A đã vi phạm pháp luật ngay từ việc xử lý kỷ luật lao động lần đầu tiên đối với chị H bởi vì: (1) Chị H không vi phạm kỷ luật lao động khi không có mặt tại Công ty A vào ngày 01/5/2019 theo yêu cầu của Giám đốc, vì đó là ngày nghỉ của chị H theo quy định của pháp luật, mà muốn chị H làm thêm giờ thì phải có sự đồng ý của chị H; (2) Công ty A đã áp dụng đồng thời hai hình thức kỷ luật đối với chị H, trong đó có hình thức chuyển làm lễ tân không được quy định trong Bộ luật Lao động. Từ đó, Công ty A không thể lấy lý do chị H đã tái phạm để sa thải chị H. Công ty A cũng không thể lấy lý do chị H đã gây thiệt hại 50 triệu đồng để sa thải chị H, vì 50 triệu đồng không phải là giá trị thiệt hại do chị H gây ra, 50 triệu đồng chỉ là giá mua tấm thảm; hơn nữa, tấm thảm vẫn có thể tiếp tục được sử dụng sau khi vết cà phê được tẩy rửa).

– Công ty A đã không tiến hành các thủ tục theo quy định của pháp luật khi sa thải chị H.

Để lập luận cho luận điểm này, Luật sư nên bắt đầu bằng việc chỉ dẫn các quy định về thủ tục xử lý vi phạm kỷ luật lao động được quy định tại Điều 123, Điều 192 Bộ luật Lao động năm 2012 (Điều 122 và Điều 177 Bộ luật Lao động năm 2019) và các điều khoản có liên quan (lập biên bản sự việc; tổ chức họp xét kỷ luật với sự tham gia của đại diện hợp pháp của Công ty A, đại diện tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở, chị H…; thỏa thuận với tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở; báo cáo cơ quan quản lý nhà nước về lao động địa phương trong trường hợp tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở không nhất trí với việc sa thải chị H; ký và thông báo quyết định kỷ luật). Sau đó, căn cứ vào những chứng cứ có trong hồ sơ vụ án để chứng minh Công ty A đã không thực hiện các thủ tục theo quy định của Bộ luật Lao động khi sa thải chị H (Công ty A không tiến hành họp xét kỷ luật đối với chị H để chứng minh lỗi của chị H; không bảo đảm quyền bào chữa của chị H khi xem xét xử lý kỷ luật, mà chỉ căn cứ vào phiếu trình giải quyết công việc của Phòng Nhân sự để ra quyết định sa thải chị H. Công ty A cũng không tiến hành thủ tục thỏa thuận với tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở).

Bên cạnh những luận điểm chứng minh quyết định sa thải của Công ty A đối với chị H là trái pháp luật nêu trên, Luật sư cần căn cứ vào những chứng cứ đã khai thác được để có thể đưa thêm vào bản luận cứ những luận điểm khác chứng minh cho yêu cầu của chị H là có căn cứ và hợp pháp (nếu có).

Sau khi đã đưa ra và lập luận đầy đủ cho những luận điểm chứng minh quyết định sa thải của Công ty A đối với chị H là trái pháp luật, Luật sư cần khẳng định lại một lần nữa (theo hướng: với những lập luận trên đây, tôi khẳng định việc Công ty A sa thải khách hàng của tôi là trái pháp luật) và lấy đó làm cơ sở để đưa ra luận điểm và chứng minh luận điểm về những yêu cầu của chị H tại phiên tòa.

b) Đối với bản luận cứ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn:

Khác với Luật sư bên nguyên đơn, Luật sư bên bị đơn hướng tới mục đích chứng minh quyết định sa thải của khách hàng của mình đối với người lao động là hợp pháp, bằng cách chứng minh khách hàng của mình có căn cứ hợp pháp để sa thải người lao động và đã tuân thủ các quy định của pháp luật về thủ tục xử lý vi phạm kỷ luật lao động cũng như đáp ứng các điều kiện khác.

Từ ví dụ 4, trong bản luận cứ của Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho Công ty A cần lần lượt đưa ra các luận điểm để chứng minh Công ty A đã đáp ứng tất cả các điều kiện để bảo đảm quyết định sa thải chị H là hợp pháp. Hướng đưa ra các luận điểm để chứng minh có thể như sau:

Bắt đầu bằng khẳng định việc Công ty A sa thải chị H là đúng pháp luật. Sau đó dùng các luận điểm sau để chứng minh cho khẳng định của Luật sư:

– Việc Công ty A sa thải chị H là có căn cứ hợp pháp.

Trước hết, Luật sư cần chỉ dẫn quy định của Bộ luật Lao động về căn cứ sa thải người lao động: có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động theo khoản 1 Điều 126 Bộ luật Lao động năm 2012 (khoản 2 Điều 125 Bộ luật Lao động năm 2019), đồng thời chỉ dẫn quy định về mức thiệt hại được coi là nghiêm trọng được quy định tại Điều 130 Bộ luật Lao động năm 2012 (Điều 129 Bộ luật Lao động năm 2019) (trên 10 tháng lương tối thiểu vùng tại thời điểm xảy ra vi phạm) và nội quy lao động của Công ty A (nếu có). Tiếp theo, Luật sư cần chứng minh được việc chị H làm đổ cà phê ra tấm thảm trải nền phòng khách của Công ty đã dẫn tới việc Công ty A phải mua tấm thảm mới để thay thế thì mới đáp ứng được yêu cầu của phòng khách của Công ty theo tiêu chí đã được quy định từ trước. Từ đó khẳng định, tuy số tiền 50 triệu đồng là giá mua tấm thảm (mà chị H đã làm hỏng) nhưng trong trường hợp này phải được coi là mức thiệt hại mà chị H đã gây ra cho Công ty A. Vì vậy, việc Công ty A căn cứ vào hành vi này của chị H để ra quyết định sa thải chị là phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 126, Điều 130 Bộ luật Lao động năm 2012 (khoản 2 Điều 125, Điều 129 Bộ luật Lao động năm 2019), phù hợp với nội quy lao động và thực tế quản lý lao động tại Công ty.

– Công ty A đã thực hiện các thủ tục theo quy định của pháp luật và nội quy lao động của Công ty khi xem xét, xử lý kỷ luật lao động đối với chị H.

Luật sư có thể chỉ dẫn các quy định về thủ tục tiến hành xử lý vi phạm kỷ luật lao động đối với người lao động tại Điều 123, Điều 192 Bộ luật Lao động năm 2012 (Điều 122, Điều 177 Bộ luật Lao động năm 2019) và nội quy lao động của Công ty A để làm cơ sở chứng minh Công ty A đã thực hiện các thủ tục này khi sa thải chị H. Điều quan trọng ở đây là Luật sư phải chứng minh được Công ty A đã chứng minh được lỗi của chị H bằng việc lập biên bản xảy ra sự việc có chữ ký của đại diện hợp pháp của Công ty, của chị H và những người làm chứng sự việc xảy ra. Trong thủ tục trình giải quyết công việc, Phòng Nhân sự đã gửi các tổ chức, bộ phận có liên quan cho ý kiến trước khi trình Giám đốc Công ty quyết định. Trong phiếu trình thể hiện đơn vị nơi chị H làm việc (Phòng Tài chính – Kế toán), Công đoàn bộ phận và Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở đều nhất trí sa thải chị H. Tất cả những thủ tục này đều được thực hiện một cách công khai, chị H biết nhưng cũng không có ý kiến gì. Từ đó, Luật sư khẳng định Công ty A đã tuân thủ thủ tục tiến hành xử lý vi phạm kỷ luật lao động đối với chị H.

– Công ty A đáp ứng các điều kiện khác theo quy định của pháp luật khi tiến hành sa thải chị H.

Bên cạnh việc chứng minh Công ty A có căn cứ và tuân thủ các thủ tục, Luật sư cũng cần chứng minh Công ty A còn đáp ứng các điều kiện khác khi tiến hành sa thải chị H, như: Công ty có nội quy lao động hợp pháp khi tiến hành xử lý kỷ luật lao động đối với chị H, trong nội quy lao động có quy định cụ thể về căn cứ sa thải, thủ tục và các vấn đề khác có liên quan và Công ty A đã thực hiện đúng các quy định trong nội quy này khi tiến hành sa thải chị H; Công ty A đã tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc xử lý vi phạm kỷ luật lao động; Giám đốc là người đại diện theo pháp luật của Công ty đã ký quyết định sa thải chị H trong thời hiệu xử lý vi phạm kỷ luật lao động được quy định trong Bộ luật Lao động sau khi đã thực hiện các thủ tục có liên quan…

Để được tư vấn chi tiết từ luật sư của Luật 3 Chung

Vui lòng liên hệ số hotline 085.200.8585

Hoặc liên hệ qua email: luatsu@luat3chung.vn

Bài viết liên quan