[TƯ VẤN LUẬT LAO ĐỘNG] Kỹ năng của luật sư chuẩn bị cho việc tham gia phiên tòa sơ thẩm trong tranh chấp về xử lý vi phạm kỹ luật lao động

Các phần việc chuẩn bị cho việc tham gia phiên tòa bao gồm: thu thập, cung cấp chứng cứ; nghiên cứu hồ sơ, xây dựng phương án hỏi; chuẩn bị bản luận cứ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng tại phiên tòa.

Như đã đề cập, nhìn chung mục tiêu của Luật sư nguyên đơn tham gia giải quyết tranh chấp về xử lý vi phạm kỷ luật lao động là chứng minh quyết định kỷ luật của người sử dụng lao động đối với khách hàng của mình là trái pháp luật, từ đó thuyết phục Hội đồng xét xử chấp nhận các yêu cầu của nguyên đơn. Ngược lại, Luật sư của bị đơn theo đuổi mục tiêu chứng minh quyết định xử lý vi phạm kỷ luật lao động của khách hàng của mình đối với nguyên đơn là hợp pháp, để từ đó thuyết phục Hội đồng xét xử không chấp nhận các yêu cầu của nguyên đơn. Đây chính là cơ sở quan trọng định hướng cho toàn bộ quá trình thu thập, cung cấp chứng cứ, nghiên cứu hồ sơ, xây dựng phương án hỏi tại phiên tòa và chuẩn bị bản luận cứ bảo vệ quyền lợi cho khách hàng của các Luật sư.

Vì vậy, hơn ai hết, Luật sư cần phải nắm vững những điều kiện bảo đảm cho một quyết định xử lý vi phạm kỷ luật lao động được công nhận là hợp pháp. Căn cứ vào các quy định có liên quan của Bộ luật Lao động và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, có thể chỉ ra các điều kiện sau đây:

– Người sử dụng lao động phải có nội quy lao động hợp pháp bằng văn bản khi xử lý vi phạm kỷ luật lao động đối với người lao động, trừ trường hợp đơn vị sử dụng lao động có dưới 10 người lao động. Từ ngày 01/01/2021 trở đi, theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019, nếu người sử dụng lao động chưa ban hành nội quy lao động hoặc tuy đã ban hành nhưng trong nội quy lao động chưa quy định hành vi vi phạm kỷ luật lao động mà người lao động mắc phải thì người sử dụng lao động có thể viện dẫn hợp đồng lao động hoặc quy định của pháp luật (nếu có) để xử lý kỷ luật đối với người lao động.

– Người sử dụng lao động phải có căn cứ hợp pháp khi xử lý vi phạm kỷ luật lao động đối với người lao động (người sử dụng lao động phải chứng minh được lỗi của người lao động). Nói cách khác, người sử dụng lao động phải chứng minh được người lao động đã vi phạm kỷ luật lao động – hành vi vi phạm kỷ luật lao động của người lao động được sử dụng là lý do để xử lý kỷ luật đã được quy định trong nội quy lao động hợp pháp của người sử dụng lao động hoặc đã được thỏa thuận trong hợp đồng lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động hoặc đã được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật về lao động.

– Người sử dụng lao động phải tuân thủ các nguyên tắc và thủ tục xử lý vi phạm kỷ luật lao động theo quy định của pháp luật. Người sử dụng lao động phải sử dụng đúng hình thức kỷ luật theo quy định của Bộ luật Lao động và nội quy lao động hợp pháp của người sử dụng lao động;

– Người ký quyết định kỷ luật đối với người lao động phải là người sử dụng lao động hoặc đại diện hợp pháp của người sử dụng lao động.

– Quyết định xử lý kỷ luật lao động phải được ký trong thời hiệu xử lý kỷ luật lao động do pháp luật quy định.

– Người sử dụng lao động không vi phạm các quy định cấm của pháp luật khi xử lý vi phạm kỷ luật lao động.

Nhìn ở góc độ chung nhất, phải thỏa mãn đồng thời các điều kiện nói trên thì quyết định xử lý vi phạm kỷ luật của người sử dụng lao động đối với người lao động mới được coi là hợp pháp. Ngược lại, nếu vi phạm một trong các điều kiện đó thì quyết định xử lý vi phạm kỷ luật lao động của người sử dụng lao động sẽ bị coi là trái pháp luật. Khi nắm chắc các điều kiện này, Luật sư sẽ biết được mình cần làm gì để chuẩn bị cho việc tham gia phiên tòa. Trong đó, nếu theo đuổi mục tiêu chứng minh quyết định xử lý vi phạm kỷ luật lao động của người sử dụng lao động đối với khách hàng của mình là trái pháp luật thì Luật sư của nguyên đơn cần chứng minh người sử dụng lao động (bên bị đơn trong vụ kiện) đã vi phạm (không thỏa mãn) một trong những điều kiện nói trên. Đương nhiên, nếu Luật sư của nguyên đơn chứng minh được sự vi phạm từ phía người sử dụng lao động càng nhiều thì khả năng bảo vệ quyền lợi cho khách hàng của mình càng chắc chắn. Luật sư của bị đơn sẽ phải chứng minh khách hàng của mình (người sử dụng lao động) đã đáp ứng đầy đủ các điều kiện nêu trên khi ra quyết định xử lý vi phạm kỷ luật lao động đối với người lao động.

Trên thực tế, khi tham gia giải quyết tranh chấp về xử lý vi phạm kỷ luật lao động (mà thường là tranh chấp về kỷ luật sa thải) tại TAND, Luật sư của bị đơn thường gặp nhiều khó khăn hơn Luật sư của nguyên đơn trong việc bảo vệ quyền lợi cho khách hàng của mình. Nguyên nhân chính của vấn đề này là do sự am hiểu pháp luật và kỹ năng vận dụng pháp luật lao động trong xử lý vi phạm kỷ luật lao động đối với người lao động của nhiều đơn vị sử dụng lao động hiện nay còn rất hạn chế, dẫn tới nhiều sai sót trong trong quá trình xem xét, ra quyết định kỷ luật người lao động, nhất là những sai sót về trình tự, thủ tục. Để bảo đảm đồng thời các điều kiện nêu trên khi xử lý kỷ luật người lao động đối với người sử dụng lao động không phải là điều dễ thực hiện, nếu người sử dụng lao động không được tư vấn pháp luật ngay từ những khâu đầu tiên.

Khi tham gia giải quyết tranh chấp về xử lý vi phạm kỷ luật lao động, Luật sư (cả bên nguyên đơn và bên bị đơn) cần lưu ý và vận dụng linh hoạt các kỹ năng thu thập, cung cấp chứng cứ, nghiên cứu hồ sơ đã được đề cập trong phần kỹ năng cơ bản của Luật sư khi tham gia giải quyết các vụ việc dân sự để có thể chuẩn bị tốt nhất cho việc tham gia phiên tòa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của khách hàng của mình. Riêng đối với Luật sư bên nguyên đơn khi tham gia giải quyết tranh chấp về xử lý vi phạm kỷ luật lao động cần lường trước khó khăn trong việc thu thập, cung cấp chứng cứ là: (1) Khả năng lưu giữ và cung cấp đầy đủ chứng cứ liên quan đến vụ tranh chấp là rất khó khăn, nhất là những chứng cứ liên quan đến những việc chứng minh người sử dụng lao động có chấp hành đúng các quy định của pháp luật về nguyên tắc, thủ tục xử lý vi phạm kỷ luật lao động hay không; (2) Khả năng “cấy” hoặc hủy chứng cứ của người sử dụng lao động trên thực tế là có. Vì vậy, Luật sư bên nguyên đơn cần hướng dẫn khách hàng của mình tận dụng tối đa quyền yêu cầu Tòa án yêu cầu người sử dụng lao động, các tổ chức, cá nhân khác đang lưu giữ chứng cứ cung cấp chứng cứ theo quy định của BLTTDS để phục vụ việc giải quyết tranh chấp.

Để được tư vấn chi tiết từ luật sư của Luật 3 Chung

Vui lòng liên hệ số hotline 085.200.8585

Hoặc liên hệ qua email: luatsu@luat3chung.vn

Bài viết liên quan