Kỹ năng của Luật sư trong việc chuẩn bị hồ sơ khởi kiện (đối với Luật sư của nguyên đơn) trong quá trình giải quyết tranh chấp về xử lý vi phạm kỷ luật lao động về cơ bản cũng giống kỹ năng của Luật sư khi tham gia giải quyết các tranh chấp lao động khác. Bên cạnh những kỹ năng chung, khi tham gia giải quyết tranh chấp về xử lý vi phạm kỷ luật lao động, Luật sư cần lưu ý thêm những vấn đề sau đây:
Khi tư vấn hoặc giúp khách hàng chuẩn bị đơn khởi kiện, ngoài việc ghi đầy đủ các thông tin theo mẫu quy định, đơn cần thể hiện khái quát quá trình làm việc và khẳng định ý thức tổ chức kỷ luật tốt của khách hàng trong quá trình làm việc cho người sử dụng lao động, khái quát lập luận để chứng minh người sử dụng lao động đã xử lý kỷ luật đối với khách hàng trái pháp luật. Đơn khởi kiện cũng cần thể hiện những yêu cầu cụ thể của khách hàng đối với Tòa án giải quyết vụ việc. Các yêu cầu này phải bảo đảm có cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn (phù hợp với các tình tiết có trong hồ sơ vụ việc và thực tế diễn biến quan hệ lao động của khách hàng với người sử dụng lao động).
Kèm theo đơn khởi kiện, các tài liệu để chứng minh yêu cầu của nguyên đơn là có căn cứ và hợp pháp phải bảo đảm đầy đủ, phù hợp với những lập luận và yêu cầu của khách hàng đã thể hiện trong đơn khởi kiện. Các tài liệu có giá trị làm chứng cứ trong quá trình giải quyết tranh chấp mà khách hàng và Luật sư thu thập được có thể rất nhiều, nhưng nên đưa những tài liệu nào vào hồ sơ khởi kiện thì Luật sư cần phải tính toán kỹ. Có hai vấn đề quan trọng quyết định việc lựa chọn những tài liệu nào đưa vào hồ sơ khởi kiện: Thứ nhất, tài liệu đó có trở thành chứng cứ có lợi cho khách hàng và tạo thuận lợi cho Luật sư khi sử dụng bảo vệ quyền lợi của khách hàng trước Tòa án hay không? Thứ hai, khả năng bị đối phương phản bác bằng những chứng cứ khác họ có đến mức độ nào?
Đối với vụ tranh chấp được nêu tại ví dụ 3, khi chuẩn bị hoặc hướng dẫn anh S chuẩn bị hồ sơ khởi kiện, Luật sư cần lưu ý những vấn đề sau đây:
– Trong đơn khởi kiện, cần khái quát quá trình anh S làm việc tại Công ty TP, việc anh S được bầu làm Chủ tịch BCH Công đoàn cơ sở, được tổ chức Công đoàn cấp trên trực tiếp ra quyết định công nhận, lý do anh S kêu gọi người lao động trong Công ty đình công, việc Công ty TP hai lần xử lý kỷ luật đối với anh S, khẳng định việc xử lý kỷ luật đối với mình là trái pháp luật, nêu rõ từng yêu cầu và cơ sở pháp lý của từng yêu cầu đó.
Nếu anh S muốn trở lại Công ty TP làm việc thì những yêu cầu Tòa án giải quyết vụ trong tranh chấp này có thể bao gồm:
+ Hủy Quyết định số 80/QĐ và Quyết định số 85/QĐ của Công ty TP.
+ Công ty TP phải nhận anh S trở lại làm việc theo công việc ghi trong hợp đồng lao động theo khoản 1 Điều 42 Bộ luật Lao động năm 2012 (khoản 1 Điều 41 Bộ luật Lao động năm 2019).
+ Công ty S phải thanh toán (bồi thường) toàn bộ tiền lương, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế cho anh S (hoặc thanh toán trực tiếp trong trường hợp anh S đã đi làm và đang đóng bảo hiểm ở đơn vị sử dụng lao động khác) kể từ thời điểm Quyết định số 85/QĐ có hiệu lực đến khi Công ty TP nhận anh S trở lại làm việc cộng với tiền lãi chậm trả (kèm theo bản kê các khoản chi tiết tạm tính đến thời điểm khởi kiện; đồng thời dự phòng phương án tính bổ sung cho đến thời điểm Hội đồng xét xử tuyên án) theo quy định tại khoản 1 Điều 42 Bộ luật Lao động năm 2012 (khoản 1 Điều 41 Bộ luật Lao động năm 2019).
+ Công ty S phải bồi thường cho anh S theo quy định tại khoản 1 Điều 42 Bộ luật Lao động năm 2012 (khoản 1 Điều 41 Bộ luật Lao động năm 2019). Lưu ý: mức thấp nhất là 02 tháng tiền lương của anh S. Tùy vào yêu cầu của anh S để ghi rõ trong đơn khởi kiện.
Nếu anh S không muốn trở lại Công ty TP làm việc thì những yêu cầu Tòa án giải quyết trong vụ tranh chấp này có thể bao gồm:
+ Hủy Quyết định số 80/QĐ và Quyết định số 85/QĐ của Công ty TP.
+ Công ty TP phải thanh toán/bồi thường/đóng góp cho anh S các khoản tiền như trường hợp trên.
+ Công ty TP phải thanh toán tiền trợ cấp thôi việc cho anh S theo quy định tại Điều 48 Bộ luật Lao động năm 2012 (Điều 46 Bộ luật Lao động năm 2019).
Ở cả hai trường hợp trên, nếu anh S có những yêu cầu khác (như: Công ty TP phải công khai xin lỗi anh S, Công ty TP phải bồi thường cho anh S một khoản tiền để tìm việc mới; Công ty TP phải bồi thường cho anh S chi phí thuê Luật sư, đi lại trong quá trình tham gia phiên tòa…) thì Luật sư cần trao đổi lại và có những lời khuyên cần thiết cho anh S để đưa vào đơn khởi kiện những yêu cầu thực sự có cơ sở pháp lý.
– Luật sư cần hướng dẫn anh S lựa chọn những tài liệu phù hợp để gửi kèm theo đơn khởi kiện chứng minh cho những yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp.
Các tài liệu gửi theo đơn khởi kiện trong vụ tranh chấp này có thể bao gồm nhưng không giới hạn như: (1) Hợp đồng lao động không xác định thời hạn giữa anh S và Công ty TP; (2) Biên bản Đại hội Công đoàn cơ sở (chứng cứ về việc bầu BCH Công đoàn mà anh S là thành viên của BCH Công đoàn đó); (3) Biên bản bầu Chủ tịch BCH Công đoàn cơ sở; (4) Quyết định công nhận BCH Công đoàn cơ sở Công ty TP của tổ chức Công đoàn cấp trên trực tiếp; (5) Quyết định số 80/QĐ của Công ty TP cách chức Chủ tịch BCH Công đoàn cơ sở đối với anh S; (7) Quyết định số 85/QĐ của Công ty TP sa thải anh S; (8) Bảng kê các khoản mà anh S yêu cầu Công ty TP phải bồi thường/thanh toán.
Để được tư vấn chi tiết từ luật sư của Luật 3 Chung
Vui lòng liên hệ số hotline 085.200.8585
Hoặc liên hệ qua email: luatsu@luat3chung.vn