Khi tham gia vụ tranh chấp về đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, nhìn chung Luật sư nguyên đơn sẽ tập trung chứng minh việc đơn phương chấm dứt hợp đồng của bên kia là trái pháp luật. Ngược lại, Luật sư của bị đơn sẽ chứng minh việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của mình với nguyên đơn là đúng pháp luật, từ đó thuyết phục Hội đồng xét xử không chấp nhận các yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Trọng tâm vấn đề cần chứng minh này sẽ chi phối toàn bộ các hoạt động của Luật sư hai bên trong giai đoạn chuẩn bị tham gia phiên tòa sơ thẩm.
Ngoài các chứng cứ Luật sư cần hướng dẫn khách hàng thu thập và cung cấp cho Tòa án đã đề cập trong Giáo trình Kỹ năng giải quyết vụ việc dân sự, khi tham gia giải quyết những tranh chấp về đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, Luật sư cần lưu ý:
– Tranh chấp về đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo theo điểm a khoản 1 Điều 38 Bộ luật Lao động năm 2012/điểm a khoản 1 Điều 36 Bộ luật Lao động năm 2019 (người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng với người lao động do người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động).
Pháp luật lao động không quy định cụ thể thế nào là “người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động” nên để chứng minh quyết định đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của khách hàng là đúng pháp luật, Luật sư của bị đơn (người sử dụng lao động) cần hướng dẫn để khách hàng giao nộp cho Toà án Quy chế đánh giá mức độ hoàn thành công việc của người lao động; các biên bản/giấy tờ thể hiện người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng; giấy tờ thể hiện bị đơn đã thông báo trước cho nguyên đơn đủ số ngày theo quy định của pháp luật về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Nếu người lao động là cán bộ công đoàn không chuyên trách thì bị đơn còn phải cung cấp giấy tờ thể hiện bị đơn đã thực hiện đúng quy định của pháp luật khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động là cán bộ công đoàn không chuyên trách (khoản 7 Điều 192 Bộ luật Lao động năm 2012)/thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở (khoản 3 Điều 177 Bộ luật Lao động năm 2019).
Tuỳ từng vụ việc cụ thể, Luật sư của nguyên đơn trong vụ tranh chấp về đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo điểm a khoản 1 Điều 38 Bộ luật Lao động năm 2012 (điểm a khoản 1 Điều 36 Bộ luật Lao động năm 2019) cần hướng dẫn khách hàng giao nộp cho Toà án các chứng cứ chứng minh: người sử dụng lao động chưa ban hành Quy chế quy định về tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc của người lao động; người lao động luôn hoàn thành công việc được giao theo hợp đồng lao động; người lao động chưa bao giờ bị nhắc nhở bằng văn bản về việc không hoàn thành công việc; người sử dụng lao động không thực hiện đúng thủ tục đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc các chứng cứ thể hiện người lao động bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động khi đang thuộc đối tượng quy định tại Điều 39 Bộ luật Lao động năm 2012 (Điều 37 Bộ luật Lao động năm 2019).
– Tranh chấp về đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo điểm c khoản 1 Điều 38 Bộ luật Lao động năm 2012/điểm c khoản 1 Điều 36 Bộ luật Lao động năm 2019 (người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa hoặc di dời, thu hẹp sản xuất, kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải giảm chỗ làm việc).
Luật sư của bị đơn cần hướng dẫn để khách hàng giao nộp cho Toà án các tài liệu, chứng cứ thể hiện: người sử dụng lao động bị thiên tai, hoả hoạn, địch họa, dịch bệnh; do phải di dời hoặc thu hẹp địa điểm sản xuất, kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; người sử dụng lao động đã thực hiện các biện pháp cụ thể để khắc phục sự cố thiên tai/hoả hoạn…; người sử dụng lao động phải giảm chỗ làm việc của người lao động.
Luật sư của nguyên đơn cần hướng dẫn để nguyên đơn cung cấp cho Tòa án các tài liệu, chứng cứ thể hiện: người sử dụng lao động không gặp các sự kiện thiên tai, hoả hoạn, địch họa, dịch bệnh, di dời hoặc thu hẹp địa điểm sản xuất, kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc người sử dụng lao động có bị ảnh hưởng bởi thiên tai, hoả hoạn, địch họa, dịch bệnh… nhưng người sử dụng lao động chưa hề thực hiện các biện pháp nào để khắc phục.
Để được tư vấn chi tiết từ luật sư của Luật 3 Chung
Vui lòng liên hệ số hotline 085.200.8585
Hoặc liên hệ qua email: luatsu@luat3chung.vn