[TƯ VẤN LUẬT LAO ĐỘNG] Kỹ năng của luật sư tiếp xúc, trao đổi và chuẩn bị hồ sơ khởi kiện cho khách hàng là người khởi kiện trong giai đoạn khởi kiện tranh chấp về đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động

a) Kỹ năng tiếp xúc, trao đổi với khách hàng là người khởi kiện:

Mục đích của Luật sư khi tiếp xúc, trao đổi với khách hàng là người khởi kiện trong tranh chấp về đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhằm tìm hiểu nội dung sự việc, xác định yêu cầu khởi kiện và điều kiện khởi kiện của khách hàng, từ đó đưa ra ý kiến tư vấn phù hợp cho khách hàng.

Để thu được các thông tin đầy đủ nhất về vụ tranh chấp, khi trao đổi với khách hàng, Luật sư cần làm rõ về mối quan hệ lao động trước khi khách hàng bị chấm dứt hợp đồng lao động; căn cứ, lý do người sử dụng lao động chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động; thủ tục người sử dụng lao động đã tiến hành trước khi cho người lao động nghỉ việc; các chế độ người lao động đã được nhận khi bị chấm dứt hợp đồng lao động.

Thực tế, những thông tin liên quan đến vụ tranh chấp về đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thường thể hiện trong các bản hợp đồng lao động, bảng lương cá nhân; giấy tờ chuyển khoản lương vào tài khoản của người lao động; quyết định chấm dứt hợp đồng lao động; giấy tờ thanh toán chế độ khi chấm dứt hợp đồng lao động. Do đó, việc trao đổi với khách hàng để làm rõ nội dung tranh chấp tuỳ thuộc vào phần trình bày của khách hàng cũng như các giấy tờ, tài liệu ban đầu khách hàng cung cấp cho Luật sư.

Ví dụ:

Ngày 03/7/2020, anh Nguyễn Văn Bình đến gặp và đề nghị Luật sư giúp anh khởi kiện tranh chấp về đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đến Toà án.

Theo trình bày của anh Bình: anh Bình làm việc tại Công ty cổ phần H từ tháng 7/2016. Công việc theo hợp đồng lao động là Trưởng phòng Hành chính của Công ty cổ phần H. Trong quá trình làm việc tại Công ty, anh luôn hoàn thành công việc được giao. Tuy nhiên ngày 01/7/2019, anh bị Giám đốc Công ty cổ phần H ban hành quyết định chấm dứt hợp đồng lao động. Cho rằng việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của Công ty cổ phần H với mình là trái pháp luật nên anh Bình muốn khởi kiện vụ tranh chấp đến Toà án để Toà án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho anh.

Anh Bình cung cấp cho Luật sư: (i) 01 bản hợp đồng lao động có thời hạn 12 tháng (từ 04/7/2016 đến 04/7/2017); (ii) Quyết định chấm dứt hợp đồng lao động số 34/QĐ ngày 01/7/2019.

Khi nghiên cứu tài liệu anh Bình cung cấp, Luật sư thấy rằng: Hợp đồng lao động có thời hạn 12 tháng; mức lương anh Bình được hưởng là 36.000.000 đồng/tháng. Quyết định số 34/QĐ do Tổng giám đốc Công ty cổ phần H ký có ghi rõ lý do Công ty cổ phần H đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với anh Bình là do anh Bình thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động.

Sau khi nghe anh Bình trình bày và nghiên cứu các tài liệu do anh Bình cung cấp, Luật sư cần hỏi anh Bình để làm rõ hơn các vấn đề sau:

Thứ nhất: Về mối quan hệ lao động giữa anh Bình và Công ty cổ phần H trước khi anh Bình bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.

Theo lời trình bày của anh Bình và tài liệu anh Bình cung cấp thì hợp đồng lao động ký giữa anh Bình và Công ty cổ phần H có thời hạn 12 tháng (04/7/2016 đến 04/7/2017). Thời điểm anh Bình bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động là ngày 01/7/2019. Vậy khoảng thời gian từ ngày 05/7/2017 đến ngày 01/7/2019 giữa anh Bình và Công ty cổ phần H tồn tại hợp đồng lao động có thời hạn như thế nào? Để làm rõ vấn đề này, Luật sư cần hỏi anh Bình: Sau khi hợp đồng lao động ký ngày 04/7/2016 hết hạn, giữa anh và Công ty cổ phần H có ký tiếp hợp đồng lao động mới không? Nếu có thì thời hạn của hợp đồng lao động là bao lâu? Các bên đã ký thêm mấy bản hợp đồng lao động? Nếu không ký hợp đồng lao động mới thì hai bên có ký phụ lục hợp đồng lao động để sửa đổi điều khoản thời hạn của hợp đồng lao động không? Nếu có thì sửa đổi điều khoản thời hạn hợp đồng lao động như thế nào…?

Ngoài ra, Luật sư cần hỏi anh Bình xem tiền lương hàng tháng anh Bình được hưởng trên thực tế là bao nhiêu? Có nhiều hơn tiền lương ghi trong hợp đồng lao động không? Anh Bình có phải là cán bộ công đoàn không chuyên trách của Công ty cổ phần H không?

Thứ hai: Về tính hợp pháp của Quyết định số 34/QĐ ngày 01/7/2019.

Vì anh Bình đã cung cấp cho Luật sư quyết định chấm dứt hợp đồng lao động. Trong quyết định đã nêu rõ căn cứ pháp lý Công ty cổ phần H viện dẫn để chấm dứt hợp đồng lao động với anh Bình (điểm a khoản 1 Điều 38 Bộ luật Lao động năm 2012) nên phạm vi các vấn đề cần trao đổi, làm rõ với khách hàng của Luật sư sẽ hẹp hơn trường hợp khách hàng không cung cấp được quyết định chấm dứt hợp đồng lao động hoặc khách hàng có cung cấp nhưng quyết định không ghi rõ căn cứ chấm dứt hợp đồng lao động.

Trong trường hợp này, Luật sư cần hỏi anh Bình xem Công ty cổ phần H có quy định tiêu chí đánh giá mức độ thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động của người lao động không? Nếu có thì quy định trong tài liệu nào của Công ty? Tài liệu nào thể hiện anh Bình không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động? Anh Bình có được Công ty báo trước khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không? Báo trước bao nhiêu ngày?

Nếu anh Bình là cán bộ công đoàn không chuyên trách của Công ty cổ phần H thì Luật sư cần hỏi anh Bình về thủ tục trao đổi với Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở.

Thứ ba: Các chế độ anh Bình đã được nhận khi Công ty cổ phần H đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Luật sư cần hỏi anh Bình để làm rõ Công ty cổ phần H đã chốt và trả sổ bảo hiểm xã hội cho anh chưa? Số ngày nghỉ hằng năm của năm 2019 anh Bình đã nghỉ hết chưa? Nếu chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm thì Công ty đã thanh toán tiền lương những ngày chưa nghỉ cho anh Bình chưa?

b) Kiểm tra điều kiện khởi kiện của khách hàng:

Khi kiểm tra điều kiện khởi kiện của khách hàng trong vụ tranh chấp về đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, Luật sư cần lưu ý: ngoài việc kiểm tra các điều kiện khởi kiện chung như quyền khởi kiện, thẩm quyền của Toà án, sự việc chưa được giải quyết bằng bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật…102, Luật sư cũng cần kiểm tra xem các bên tranh chấp có yêu cầu Hoà giải viên lao động hoà giải không; có yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết không?103

Luật sư cần kiểm tra vấn đề này vì theo quy định của pháp luật, tranh chấp về đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động là tranh chấp không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải tại Hoà giải viên lao động trước khi khởi kiện nhưng nếu các bên của tranh chấp đã yêu cầu Hoà giải viên lao động tiến hành hòa giải thì Toà án chỉ thụ lý vụ án khi Hòa giải viên lao động đã hoà giải nhưng không thành; Hoà giải viên lao động không hoà giải trong thời hạn 05 ngày làm việc; Hòa giải viên lao động đã hòa giải thành nhưng các bên không thực hiện các thỏa thuận trong biên bản hoà giải thành. Trường hợp các bên tranh chấp thỏa thuận yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết tranh chấp về đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thì Toà án chỉ thụ lý vụ án trong trường hợp hết thời hạn 07 ngày làm việc mà Ban trọng tài lao động không được thành lập; hết thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được thành lập mà Ban trọng tài lao động không ra quyết định giải quyết tranh chấp; một trong các bên không thi hành quyết định của Ban trọng tài lao động. Nếu tranh chấp về đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đã được Hòa giải viên lao động hoà giải thành, bên có nghĩa vụ đã thực hiện đúng thoả thuận trong biên bản hoà giải thành/tranh chấp về đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đã được Ban trọng tài lao động ra quyết định giải quyết và bên có nghĩa vụ đã thực hiện theo đúng phán quyết của Ban trọng tài lao động thì Tòa án sẽ không thụ lý vụ án.

Mặc dù thời hiệu khởi kiện không phải là điều kiện thụ lý vụ án nhưng Luật sư cũng cần trao đổi với khách hàng để xác định thời hiệu khởi kiện còn không, từ đó có hướng tư vấn phù hợp nhất cho khách hàng. Theo quy định tại khoản 2 Điều 202 Bộ luật Lao động năm 2012 (khoản 3 Điều 190 Bộ luật Lao động năm 2019) thì thời hiệu khởi kiện các tranh chấp lao động cá nhân nói chung là 01 năm, kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm. Với các tranh chấp về đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thì ngày phát hiện ra hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm được tính một cách linh hoạt. Cụ thể:

– Trường hợp người sử dụng lao động có ban hành quyết định chấm dứt hợp đồng lao động: Nếu người lao động nhận được quyết định đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động trước ngày quyết định có hiệu lực thì thời hiệu khởi kiện sẽ tính từ ngày tiếp theo ngày quyết định đó có hiệu lực. Nếu người lao động nhận được quyết định đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động sau ngày quyết định có hiệu lực pháp luật thì thời hiệu khởi kiện sẽ tính từ ngày tiếp theo ngày người lao động nhận được quyết định. Tuy nhiên, trong trường hợp này người lao động sẽ phải lưu giữ các tài liệu, chứng cứ để chứng minh ngày họ nhận được quyết định chấm dứt hợp đồng lao động.

– Trường hợp người sử dụng lao động không ban hành quyết định chấm dứt hợp đồng lao động: thời hiệu khởi kiện sẽ tính từ ngày tiếp theo ngày người lao động biết hành vi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động (ngày người lao động bị người sử dụng lao động buộc bàn giao tài liệu, giấy tờ và phải ra khỏi phạm vi làm việc của người sử dụng lao động; ngày người lao động không được bảo vệ công ty cho vào làm việc…).

Trong vụ việc tranh chấp giữa anh Bình và Công ty cổ phần H ở ví dụ 5 nêu trên, Quyết định số 34/QĐ được ban hành ngày 01/7/2019 và có hiệu lực từ ngày ban hành. Thời điểm anh Bình đến gặp Luật sư là ngày 03/7/2020 – đã quá 01 năm kể từ ngày Quyết định số 34/QĐ có hiệu lực. Trong trường hợp này, Luật sư cần trao đổi với anh Bình để làm rõ thời điểm anh Bình nhận được Quyết định số 34/QĐ, từ đó có hướng tư vấn cho anh Bình có nên khởi kiện vụ tranh chấp đến Toà án không.

c) Kỹ năng chuẩn bị hồ sơ khởi kiện cho khách hàng:

Ngoài các kỹ năng chung đã được trình bày, khi chuẩn bị hồ sơ khởi kiện vụ án tranh chấp về đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, Luật sư cần lưu ý một số vấn đề sau:

Đơn khởi kiện: Khi soạn thảo đơn khởi kiện vụ tranh chấp về đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, để Tòa án hiểu qua về nội dung sự việc, trước khi trình bày các yêu cầu khởi kiện của khách hàng, Luật sư cần trình bày khái quát về nội dung tranh chấp như: quan hệ lao động giữa hai bên (chỉ nêu những thông tin có liên quan trực tiếp đến vụ tranh chấp), quá trình thực hiện hợp đồng lao động; quá trình người sử dụng lao động ban hành quyết định đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động/quá trình người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động; những chứng cứ/lý do người khởi kiện đưa ra để chứng minh quyết định đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người bị kiện là trái pháp luật; quá trình thương lượng, hòa giải giữa hai bên (nếu có)…

Tài liệu, chứng cứ nộp kèm theo đơn khởi kiện: ngoài những tài liệu, chứng cứ như những vụ tranh chấp lao động khác, Luật sư cần hướng dẫn khách hàng nộp kèm các tài liệu, chứng cứ để chứng minh khách hàng bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Thông thường, tài liệu nộp kèm theo đơn khởi kiện sẽ là giấy tờ thể hiện người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động (quyết định chấm dứt hợp đồng lao động). Tuy nhiên, nhiều trường hợp người lao động không có tài liệu này để nộp cho Toà án do người sử dụng lao động không ban hành quyết định chấm dứt hợp đồng lao động; người sử dụng lao động có ban hành quyết định chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không giao cho người lao động hoặc người sử dụng lao động chỉ ban hành thông báo về việc chấm dứt hợp đồng lao động nhưng lại có hành vi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động trên thực tế… Trong những trường hợp này, Luật sư cần hướng dẫn khách hàng nộp các tài liệu, chứng cứ khác để chứng minh có việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động như: chứng cứ thể hiện bảo vệ của công ty không cho người lao động vào làm việc; chứng cứ thể hiện công ty ngăn cản quyền làm việc của người lao động …

Với ví dụ 5 nêu trên, qua việc trao đổi với anh Bình, Luật sư được biết: sau khi hợp đồng lao động ký ngày 04/7/2016 hết hạn, anh Bình và Công ty cổ phần H không ký thêm hợp đồng lao động nào. Ngoài tiền lương ghi trong hợp đồng lao động, hằng tháng anh Bình không được hưởng thêm khoản tiền nào khác. Công ty cổ phần H báo cho anh Bình biết trước 30 ngày khi chấm dứt hợp đồng lao động. Khi bị nghỉ việc tại Công ty cổ phần H, anh Bình đã nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm của 2018 nhưng chưa nghỉ năm 2019. Công ty cổ phần H đã trả sổ bảo hiểm xã hội chốt đến ngày 01/7/2019 cho anh Bình.

Anh Bình không muốn trở lại làm việc tại Công ty cổ phần H mà chỉ muốn được Công ty bồi thường theo đúng quy định của pháp luật.

Theo tư vấn của Luật sư, anh Bình quyết định khởi kiện vụ tranh chấp về đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật đến Toà án. Anh Bình muốn Luật sư giúp anh soạn thảo đơn khởi kiện và chuẩn bị các tài liệu, chứng cứ nộp kèm theo đơn khởi kiện.

Trước khi thể hiện các yêu cầu khởi kiện của anh Bình trong đơn khởi kiện, Luật sư cần tóm tắt qua về nội dung sự việc, trong đó lưu ý trình bày các thông tin quan trọng có ý nghĩa cho việc giải quyết vụ án như: sau khi hợp đồng lao động hết hạn vào ngày 04/7/2016, anh Bình và Công ty cổ phần H không ký tiếp hợp đồng mới; anh Bình chưa bao giờ bị nhắc nhở về việc không hoàn thành công việc, Công ty cổ phần H chỉ thông báo cho anh Bình trước 30 ngày khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với anh Bình… Mục đích của việc trình bày này để khẳng định đến thời điểm có tranh chấp, giữa anh Bình và Công ty cổ phần H tồn tại hợp đồng lao động không xác định thời hạn. Quyết định đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của Công ty cổ phần H với anh Bình là trái pháp luật vì không có căn cứ và vi phạm số ngày báo trước.

Vì anh Bình không muốn tiếp tục làm việc tại Công ty cổ phần H mà chỉ muốn Công ty cổ phần H bồi thường theo quy định của pháp luật nên Luật sư cần thể hiện các yêu cầu khởi kiện như sau:

– Đề nghị Toà án tuyên Quyết định đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động số 34/QĐ ngày 01/7/2019 của Công ty cổ phần H là trái pháp luật và buộc Công ty cổ phần H phải huỷ bỏ quyết định này.

– Đề nghị Toà án buộc Công ty cổ phần H phải:

+ Trả đủ tiền lương trong những ngày nguyên đơn không được làm việc, từ ngày 01/7/2019 đến ngày Toà án giải quyết xong vụ án theo mức lương 36.000.000 đồng/tháng;

+ Thanh toán cho nguyên đơn… tháng lương theo mức lương 36.000.000 đồng/tháng là… đồng;

+ Đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho thời gian nguyên đơn không được làm việc (từ ngày 01/7/2019 đến ngày Toà án giải quyết xong vụ án);

+ Thanh toán 12 ngày nghỉ hằng năm của năm 2019 mà nguyên đơn chưa nghỉ là… đồng.

Tổng cộng là… đồng.

Kèm theo đơn khởi kiện, Luật sư cần hướng dẫn để anh Bình nộp các tài liệu sau: chứng minh nhân dân/thẻ căn cước công dân, sổ hộ khẩu; hợp đồng lao động, bảng lương cá nhân; Quyết định chấm dứt hợp đồng lao động số 34/QĐ.

Để được tư vấn chi tiết từ luật sư của Luật 3 Chung

Vui lòng liên hệ số hotline 085.200.8585

Hoặc liên hệ qua email: luatsu@luat3chung.vn

Bài viết liên quan