a) Kỹ năng tiếp xúc, trao đổi với khách hàng là bị đơn:
Khách hàng là bị đơn thường tìm đến Luật sư sau khi nhận được Thông báo thụ lý vụ án của Toà án. Khi trao đổi với khách hàng là bị đơn trong vụ tranh chấp về đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, Luật sư cần tập trung làm rõ các vấn đề như mối quan hệ lao động giữa hai bên; lý do bị đơn chấm dứt hợp đồng lao động với nguyên đơn; số ngày bị đơn đã báo trước cho nguyên đơn khi chấm dứt hợp đồng lao động; các chế độ đã thanh toán cho nguyên đơn; yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn… Việc làm rõ những vấn đề này sẽ giúp cho Luật sư có sự đánh giá sơ bộ ban đầu về tính hợp pháp của việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, từ đó thể hiện chính xác các ý kiến, quan điểm của bị đơn trong các văn bản gửi Tòa án.
Với ví dụ 5 nêu trên, khi trao đổi với Luật sư, đại diện Công ty cổ phần H trình bày: Sau khi hợp đồng lao động ký ngày 04/7/2016 hết hạn vào ngày 04/7/2017, Công ty cổ phần H và anh Bình không ký hợp đồng lao động mới nhưng Công ty đã thoả thuận với anh Bình để kéo dài thời hạn hợp đồng lao động thêm 24 tháng.
Trong quá trình làm việc tại Công ty, anh Bình thường xuyên không hoàn thành công việc được giao theo hợp đồng lao động nên Công ty đã cho anh Bình nghỉ việc. Trước khi cho anh Bình nghỉ việc, Công ty đã báo trước cho anh Bình 30 ngày.
Đại diện Công ty cổ phần H cung cấp cho Luật sư: (1) Hợp đồng lao động ký ngày 04/7/2016 với anh Bình; (2) Quyết định đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động số 34/QĐ ngày 01/7/2019; (3) Thông báo thụ lý vụ án của Toà án.
Thông báo thụ lý vụ án nêu rõ: Ngày 05/7/2020, Toà án đã thụ lý vụ án về đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động giữa anh Bình và Công ty cổ phần H theo đơn khởi kiện ngày 03/7/2019 của anh Bình. Trong đơn khởi kiện anh Bình cho rằng anh đang làm việc cho Công ty cổ phần H theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn thì bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Anh Bình khởi kiện Công ty cổ phần H với các yêu cầu khởi kiện như đã nêu ở trên.
Sau khi nghe đại diện Công ty cổ phần H trình bày sự việc và nghiên cứu các tài liệu Công ty cổ phần H cung cấp, Luật sư cần hỏi đại diện Công ty cổ phần H để làm rõ hơn các vấn đề sau:
– Việc thỏa thuận để kéo dài thời hạn hợp đồng lao động ký ngày 04/7/2016 được hai bên thực hiện bằng hình thức gì? Có tài liệu, chứng cứ nào thể hiện vấn đề này không?
– Công ty cổ phần H có quy chế quy định cụ thể về tiêu chí đánh giá người lao động hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động không? Công ty cổ phần H có chứng cứ gì thể hiện anh Bình thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động không?
– Công ty cổ phần H gửi Quyết định số 34/QĐ cho anh Bình bằng hình thức nào? Ngày nào anh Bình nhận được quyết định này? Công ty có chứng cứ gì liên quan đến việc giao nhận Quyết định số 34/QĐ không?
– Số ngày nghỉ hằng năm của năm 2019 anh Bình được nghỉ là bao nhiêu ngày? Anh Bình đã nghỉ hết chưa?
– Quan điểm của Công ty với các yêu cầu khởi kiện của anh Bình?
– Công ty cổ phần H có yêu cầu phản tố nào không?
Việc làm rõ những nội dung trên với Công ty cổ phần H sẽ giúp Luật sư có sự đánh giá sơ bộ về thời hạn của hợp đồng lao động giữa anh Bình và Công ty cổ phần H vào thời điểm Công ty cổ phần H chấm dứt hợp đồng lao động với anh Bình; quyết định đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của Công ty cổ phần H là đúng hay trái pháp luật; Công ty đã thanh toán/chưa thanh toán các quyền lợi, chế độ của anh Bình; quan điểm của Công ty cổ phần H với yêu cầu khởi kiện của anh Bình… Trên cơ sở các thông tin này, Luật sư sẽ soạn thảo hoặc tư vấn cho Công ty cổ phần H soạn thảo công văn gửi cho Toà án và chuẩn bị các tài liệu, chứng cứ có liên quan để giao nộp cho Toà án.
b) Kỹ năng soạn thảo công văn trả lời Tòa án cho bị đơn:
Khi soạn thảo công văn trả lời Tòa án cho bị đơn, Luật sư cần lưu ý thể hiện một số nội dung sau:
– Tóm tắt ngắn gọn quá trình làm việc của người lao động theo trình tự thời gian, trong đó lưu ý những điểm mà nguyên đơn trình bày chưa chính xác. Nếu nguyên đơn đã trình bày đúng về quan hệ lao động thì chỉ cần xác nhận lại vấn đề đó mà không nhất thiết phải trình bày lại.
– Sự kiện chấm dứt hợp đồng lao động với nguyên đơn, quan điểm của bị đơn về việc chấm dứt hợp đồng lao động này. Khi trình bày phần này, Luật sư cần nêu rõ căn cứ bị đơn áp dụng để đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với nguyên đơn cũng như thủ tục bị đơn đã thực hiện. Từ đó, khẳng định việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của bị đơn là đúng pháp luật.
– Các quyền lợi đã giải quyết cho nguyên đơn khi chấm dứt hợp đồng lao động (nếu có): phần này nên ghi rõ những khoản tiền bị đơn đã thanh toán và nguyên đơn đã nhận. Nếu nguyên đơn chưa nhận thì cần nêu rõ lý do (ví dụ, Công ty đã gửi thông báo cho người lao động đến nhận các khoản tiền theo chế độ nhưng người lao động không đến).
– Quá trình hai bên thương lượng, giải quyết (nếu có).
– Quan điểm của bị đơn đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn: thông thường trong phần này, bị đơn đưa ra quan điểm để chứng minh rằng các yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là không có cơ sở để chấp nhận hoặc bị đơn chỉ chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Kèm theo công văn trả lời Tòa án, Luật sư cần giúp bị đơn chuẩn bị các giấy tờ, tài liệu có liên quan để chứng minh cho quan điểm đã nêu của bị đơn. Trong vụ kiện về đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, bị đơn thường là người sử dụng lao động nên Luật sư cần hướng dẫn để bị đơn cung cấp các tài liệu nội bộ của người sử dụng lao động có liên quan đến việc giải quyết vụ án như Quy chế đánh giá mức độ hoàn thành công việc của người lao động; Thỏa ước lao động tập thể, Quy chế lương, thưởng; các giấy tờ/tài liệu thể hiện người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động.
Để được tư vấn chi tiết từ luật sư của Luật 3 Chung
Vui lòng liên hệ số hotline 085.200.8585
Hoặc liên hệ qua email: luatsu@luat3chung.vn