[TƯ VẤN LUẬT THỪA KẾ] Kỹ năng trình bày của luật sư tại phiên tòa sơ thẩm trong tranh chấp thừa kế

Bắt đầu thủ tục tranh tụng, Luật sư bảo vệ quyền lợi cho nguyên đơn trình bày, sau đó đến trình bày của Luật sư bảo vệ quyền lợi cho bị đơn và cuối cùng là trình bày của Luật sư bảo vệ quyền lợi cho người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Kỹ năng trình bày của Luật bảo vệ quyền lợi cho nguyên đơn

Nội dung Luật sư trình bày là yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và căn cứ để chứng minh cho yêu cầu đó là có căn cứ và hợp pháp. Luật sư cần trình bày rõ ràng, ngắn gọn nhưng cụ thể từng yêu cầu của  nguyên đơn và chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu đó là có căn cứ và hợp pháp. Phần trình bày của Luật sư bảo vệ quyền lợi cho nguyên đơn có thể theo nhiều cách khác nhau, nhưng nhìn chung nên theo các nhóm tình tiết của vụ án làm căn cứ cho yêu cầu một cách logic như nhóm tình tiết về người để lại di sản thừa kế, người thừa kế, thời điểm mở thừa kế… Việc trình bày về tình tiết cần gắn liền với chứng cứ. Xác định trình tự các nhóm tình tiết sẽ giúp Luật sư tránh được tình trạng trình bày một cách thiếu mạch lạc, thiếu chính xác, trùng lặp, không đầy đủ về các tình tiết. Luật sư bảo vệ quyền lợi cho nguyên đơn là người trình bày đầu tiên nên cần trình bày đầy đủ các nhóm tình tiết, chứng cứ của vụ án thừa kế. Tuy nhiên, Luật sư lưu ý không trình bày những tình tiết bất lợi cho nguyên đơn. Có nhiều phương pháp trình bày nhưng Luật sư nên trình bày các tình tiết và chứng cứ về các vấn đề cần giải quyết của vụ án thừa kế, cuối cùng là yêu cầu.

Để việc trình bày các nhóm tình tiết, chứng cứ theo trật tự logic, trước hết Luật sư trình bày tình tiết về người để lại di sản thừa kế, người thừa kế, tiếp theo là trình bày các tình tiết về thời điểm mở thừa kế, thừa kế theo di chúc hay theo pháp luật, di sản thừa kế; trình bày về yêu cầu khởi kiện (yêu cầu chia thừa kế; xác định người thừa kế; tháo dỡ tài sản xây dựng trái phép trên đất…). Tùy thuộc vào tính chất phức tạp hay đơn giản của từng vụ án cũng như đối tượng tranh chấp trong mỗi vụ án cụ thể mà cách trình bày của Luật sư về các tình tiết có sự khác nhau.

– Kỹ năng trình bày của Luật sư bảo vệ quyền lợi cho bị đơn

Sau trình bày của Luật sư bảo vệ quyền lợi cho nguyên đơn và trình bày bổ sung của nguyên đơn (nếu có) là trình bày của Luật sư bảo vệ quyền lợi cho bị đơn về ý kiến của bị đơn đối với yêu cầu của nguyên đơn và các yêu cầu của bị đơn: yêu cầu chia thừa kế; yêu cầu thanh toán công sức quản lý, bảo quản, duy trì di sản; yêu cầu phản tố (nếu có)… tùy thuộc vào từng vụ án. Luật sư bảo vệ quyền lợi cho bị đơn trình bày các tình tiết và chứng cứ để khẳng định cho ý kiến và các yêu cầu của bị đơn là có căn cứ. Tuy nhiên, kỹ năng trình bày của Luật sư bảo vệ quyền lợi cho bị đơn khác với trình bày của Luật sư bảo vệ quyền lợi cho nguyên đơn. Đối với các nhóm tình tiết, chứng cứ đã thống nhất với trình bày của bên nguyên đơn thì không cần thiết phải trình bày lại mà chỉ trình bày ngắn gọn đồng ý với phần trình bày của bên nguyên đơn. Do đó, Luật sư tập trung trình bày cụ thể, đầy đủ những tình tiết, chứng cứ không thống nhất với trình bày của bên nguyên đơn.

Dù bảo vệ quyền lợi cho nguyên đơn hay bị đơn thì khi trình bày các tình tiết, chứng cứ, yêu cầu, ý kiến của Luật sư cần phải diễn đạt ngắn gọn, mạch lạc, rõ ràng và logíc; không trình bày, diễn đạt văn hoa, dài dòng. Ngoài ra, Luật sư phải sử dụng các thuật ngữ luật học một cách chính xác; không sử dụng các từ ngữ mang tính địa phương, trừu tượng, khó hiểu. Các thuật ngữ luật học chính xác là các thuật ngữ đã được các văn bản pháp luật sử dụng. Ví dụ, thuật ngữ trong BLDS là người để lại di sản thừa kế, không phải là người để lại thừa kế; người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc, không phải là người thừa kế bắt buộc; hoặc thuật ngữ trong BLTTDS là người làm chứng, không phải là nhân chứng; người chưa thành niên, không phải là vị thành niên…

Để được tư vấn chi tiết từ luật sư của Luật 3 Chung

Vui lòng liên hệ số hotline 085.200.8585

Hoặc liên hệ qua email: luatsu@luat3chung.vn

Bài viết liên quan