[ Kỹ năng của Luật sư chuẩn bị tham gia phiên tòa sơ thẩm ] Kỹ năng tham gia việc hòa giải

Theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự, hòa giải là hoạt động do Tòa án tiến hành nhằm giúp các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án dân sự. Hòa giải là thủ tục bắt buộc trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm đối với tranh chấp về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở. Song, ở các thời điểm khác, Tòa án luôn khuyến khích và tôn trọng sự tự thỏa thuận của các đương sự. Do đó, ở cả hai trường hợp các đương sự tự hòa giải với nhau và hòa giải do Thẩm phán tiến hành, Luật sư đều cần thiết phải tham gia. Ngoài ra, Luật sư cũng có thể tham gia hòa giải trực tiếp với bên kia trong trường hợp được ủy quyền hoặc được sự đồng ý của khách hàng. Để việc hòa giải tiến hành có hiệu quả, Luật sư cần thiết phải có những chuẩn bị sau đây:

  • Chuẩn bị tài liệu, chứng cứ cho khách hàng trước khi tham dự phiên hòa giải và phiên họp xét chứng cứ:

Nhìn chung các chứng cứ cần sử dụng khi hòa giải không có gì khác so với các chứng cứ của toàn bộ vụ án. Tuy vậy, cũng cần phải phân loại chúng theo yêu cầu khác nhau để khi sử dụng những chứng cứ này đối phương thấy được rằng họ đang gặp bất lợi hoặc nếu họ tiếp tục theo đuổi vụ kiện thì sẽ gặp bế tắc.

Về nguyên tắc, các tài liệu, chứng cứ của khách hàng (trong trường hợp họ là nguyên đơn) đều đã được thể hiện trong hồ sơ khởi kiện. Trước khi tham gia hòa giải, Luật sư chỉ cần tập hợp lại và giới thiệu qua cho nguyên đơn biết để trong quá trình hòa giải, nguyên đơn có thể tự mình đưa ra được các chứng cứ để minh họa cho giải trình của mình. Để giúp cho khách hàng nắm bắt một cách có hệ thống và dễ hiểu thì Luật sư nên sắp xếp lại hồ sơ khởi kiện để phục vụ riêng cho giai đoạn hòa giải. Đối với trường hợp khách hàng của mình là bị đơn thì Luật sư cũng căn cứ vào bộ hồ sơ mà khách hàng cùng với Luật sư đã chuẩn bị trước đó và cũng sắp xếp lại tương tự như trong trường hợp là Luật sư cho nguyên đơn.

  • Thỏa thuận trước với khách hàng về các yêu cầu cần đạt được trong hòa giải, những vấn đề cần nhượng bộ:

Trước khi hòa giải, Luật sư cần thỏa thuận trước với khách hàng của mình về một số yêu cầu cần đạt được sau khi nhượng bộ là như thế nào? Thông thường, không phải lúc nào đương sự cũng sẵn sàng đồng ý với Luật sư để nhượng bộ đối phương, nhất là trong những trường hợp liên quan đến danh dự hoặc các quyền lợi tinh thần. Do đó, trước phiên hòa giải, Luật sư cần thông báo cho khách hàng về những nội dung như tình trạng pháp lý của họ, những ưu thế và bất lợi của họ, những ưu thế và bất lợi của đối phương, các chứng cứ của cả hai bên, khả năng đối phương sẽ phản ứng như thế nào khi mình đưa ra các đề xuất, từ đó đưa ra các giải pháp nhượng bộ để khách hàng lựa chọn và thống nhất với khách hàng về một số giải pháp tối ưu.

  • Thỏa thuận về án phí:

Án phí cũng là một nội dung rất quan trọng trong hòa giải. Trong nhiều trường hợp, các bên thỏa thuận được với nhau về nội dung giải quyết tranh chấp nhưng lại không thỏa thuận được với nhau về án phí, bởi án phí tranh chấp về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà là những vụ án có giá ngạch lớn, tiền án phí thường rất cao. Tùy từng trường hợp mà Luật sư tư vấn cho khách hàng của mình chấp nhận mức án phí bao nhiêu là phù hợp và cần thiết để tạo thuận lợi cho bên đối phương. Tất nhiên, nếu hai bên không thỏa thuận để đi đến thống nhất về ai phải chịu và chịu bao nhiêu thì án phí sẽ được quyết định theo pháp luật.

  • Ghi chép lại nội dung phiên hòa giải:

Nói chung, khi tiến hành hòa giải, các bên cũng như Tòa án đều mong muốn đạt được những lợi ích nhất định. Tuy vậy, không phải lúc nào mong muốn của các bên cũng đều đạt được. Vì vậy, ghi chép lại diễn biến của giai đoạn này để có cơ sở cho các giai đoạn tiếp theo, thậm chí những ý kiến, quan điểm của các bên có thể được sử dụng lại trong phần hỏi nhằm nhắc lại cho họ rằng đã có lúc họ bày tỏ những mong muốn như thế nhưng họ đã không đạt được và bây giờ họ vẫn còn cơ hội để thực hiện những mong muốn đó. Ngoài ra, khi biết được quan điểm của đối phương trong giai đoạn hòa giải, Luật sư cũng có thể dựa vào đó để giúp đương sự điều chỉnh yêu cầu hoặc phản bác yêu cầu của đối phương. Nếu không ghi chép lại những diễn biến đó, Luật sư rất có thể sẽ bị quên hoặc nhớ không chính xác.

Để được tư vấn chi tiết từ luật sư của Luật 3 Chung

Vui lòng liên hệ số hotline 085.200.8585

Hoặc liên hệ qua email: luatsu@luat3chung.vn

Bài viết liên quan