[TƯ VẤN LUẬT HÌNH SỰ] Khám nghiệm hiện trường

Quá trình khám nghiệm tại hiện trường nhằm khai thác thông tin từ những phản ánh vật chất cụ thể, là bước vận dụng tổng hợp những tri thức chiến thuật hình sự, kỹ thuật hình sự với sự hỗ trợ của các phương tiện kỹ thuật để phát hiện, thu thập, phân tích, đánh giá toàn bộ những phản ánh vật chất về một vụ việc mang tính hình sự đã xảy ra cụ thể tại hiện trường, nhằm rút ra những chứng cứ chứng minh về các tình tiết cần thiết của một vụ việc mang tính hình sự cụ thể đã xảy ra tại hiện trường. Trình tự các bước trong quá trình phát hiện và thu lượm dấu vết hình sự ở hiện trường tuân thủ như sau:

Nguyên tắc:

–  Trước hết, tiến hành các biện pháp phát hiện dấu vết, xác định mối liên quan giữa các dấu vết đã phát hiện, đánh dấu những dấu vết đã phát hiện bằng số;

–  Chụp ảnh hiện trường, dấu vết… Mô tả, vẽ sơ đồ vị trí dấu vết và mối quan hệ của chúng, đo đạc và vẽ chi tiết dấu vết;

–  Thu lượm dấu vết, vật chứng bằng những phương pháp thích hợp nhất, trong đó ưu tiên phương pháp thu vật mang dấu vết;

–  Đóng gói những dấu vết, vật chứng, mẫu so sánh đã thu lượm được theo đúng quy định, tránh mọi sự tiếp xúc giữa các dấu vết, vật chứng và mẫu so sánh, cũng như tránh sự lẫn lộn giữa chúng…

Do tính đa dạng, phong phú của dấu vết hình sự tồn tại ở hiện trường, ngoài những dấu vết dễ nhìn thấy, còn có những dấu vết mờ hoặc vi dấu vết. Cần chú ý rằng, với những thủ đoạn gây án ngày càng tinh vi, xảo quyệt của bọn tội phạm, chúng đã lợi dụng những thành tựu của khoa học kỹ thuật và công nghệ vào việc thực hiện hành vi phạm tội, cũng như việc tìm mọi cách xoá bỏ hoặc hạn chế việc để lại dấu vết ở hiện trường.

Vì thế, những dấu vết dễ nhìn thấy bằng mắt thường tồn tại trên hiện trường không phải là nhiều, cho nên việc tìm, phát hiện được những dấu vết hoặc những vi dấu vết ngày càng có ý nghĩa quan trọng đối với công tác điều tra các vụ án hình sự. Do vậy, trong quá trình khám nghiệm hiện trường, cán bộ khám nghiệm cần phải xem xét kỹ lưỡng từng nơi, từng đồ vật nhằm tìm kiếm dấu vết, vật chứng với thái độ, tác phong làm việc: Thận trọng, tỉ mỉ, chính xác, khách quan và toàn diện.

Trong khi tìm kiếm dấu vết, vật chứng, một mặt ngay từ đầu phải tính xem sẽ gặp những loại dấu vết, vật chứng nào, ở đâu?… Bởi sự hình thành của dấu vết, vật chứng bao giờ cũng mang tính đặc trưng cho từng hành vi phạm tội. Một hệ thống dấu vết nhất định được tạo ra trên hiện trường là do một phương thức, thủ đoạn hoạt động nhất định của tội phạm, hay nói một cách khác, mỗi một phương thức, thủ đoạn hoạt động nhất định của bọn tội phạm đều gây ra và để lại trên hiện trường một hệ thống dấu vết, vật chứng đặc trưng riêng.

Mặt khác, hiện trường còn có hiện tượng thiếu dấu vết, hay dấu vết tồn tại ở những nơi mâu thuẫn với phương thức gây án, đây là những dấu hiệu quan trọng để có thể đặt ra được những giả thuyết về sự giả tạo hiện trường, đánh lạc hướng quá trình điều tra tại hiện trường. Hoặc cũng có thể nhầm lẫn do những người không liên quan đến sự việc xảy ra vứt lại, hoặc bỏ quên những đồ vật ở hiện trường. Cũng như những thay đổi, những tồn tại có trước hoặc sau sự việc xảy ra được coi là có liên quan, do vậy công tác điều tra cũng có thể bị lạc hướng…

Ghi nhận dấu vết:

Ghi nhận dấu vết là cách thức để ghi nhận các thông tin, tài liệu có thật được phát hiện trong quá trình khám nghiệm theo đúng thủ tục, trình tự và phương pháp.

Trong mọi trường hợp, trước khi thu lượm dấu vết, vật chứng đều phải tiến hành ghi nhận dấu vết, vật chứng đã phát hiện bằng cách: Chụp ảnh, mô tả, vẽ sơ đồ. Ghi chép và mô tả vị trí, số lượng, trạng thái, màu sắc… của toàn bộ dấu vết, vật chứng vào biên bản khám nghiệm hiện trường.

Các phương pháp được ghi nhận:

–  Chụp ảnh

–  Quay phim

–  Ghi hình hình sự

Trong mọi trường hợp, khi khám nghiệm hiện trường đều phải chụp ảnh (quay phim, ghi hình hình sự) hiện trường.

4 loại ảnh hiện trường:

–  Ảnh định hướng hiện trường

–  Ảnh trung tâm hiện trường

–  Ảnh từng phần hiện trường

–  Ảnh chụp chi tiết hiện trường.

Trong mọi trường hợp, dấu vết hình sự ở hiện trường khi phát hiện được, trước khi thu lượm đều phải được chụp ảnh, ảnh chụp dấu vết ở hiện trường thường có hai loại như sau:

Một là, chụp cả hệ thống: Yêu cầu của bức ảnh phải phản ánh được vị trí, trạng thái, chiều hướng… của cả hệ thống dấu vết, mối quan hệ, liên hệ giữa các dấu vết với nhau, dấu vết với vật mang vết và dấu vết với môi trường vật chất xung quanh.

Hai là, chụp chi tiết từng dấu vết: Đòi hỏi phải ghi nhận trung thực và phản ánh khách quan về hình dạng, kích thước, màu sắc, hệ thống đặc điểm chung, đặc điểm riêng của từng dấu vết. Do vậy, khi chụp nhất thiết phải đặt thước tỷ lệ cạnh dấu vết… trục ống kính phải vuông góc với bề mặt của dấu vết (hoặc mặt phim song song với bề mặt dấu vết).

Mô tả hiện trường, dấu vết… vào biên bản khám nghiệm hiện trường:

Khi mô tả hiện trường phải mô tả từ chung đến từng phần và đến chi tiết… mô tả theo quá trình khám nghiệm;

Mọi dấu vết phát hiện được trong quá trình khám nghiệm hiện trường đều phải được mô tả vào biên bản khám nghiệm hiện trường đúng trình tự, thủ tục, phương pháp do luật quy định tại các Điều 102, 133, 201 BLTTHS năm 2015;

Khi mô tả dấu vết, vật chứng vào biên bản khám nghiệm hiện trường phải phản ánh được loại dấu vết, hình dạng, vị trí, kích  thước, chiều hướng, số lượng, màu sắc cũng như trạng thái và mối tương quan của dấu vết trên vật mang vết và với môi trường vật chất xung quanh;

Vẽ sơ đồ hiện trường, vẽ dấu vết và đánh dấu các dấu vết, vật chứng… vào bản vẽ sơ đồ hiện trường.

Dấu vết là thương tích trên cơ thể nạn nhân cần phải mô tả thêm về chiều hướng, độ nông, sâu của dấu vết, đặc điểm của thành, miệng, đáy và bờ mép của thương tích, những dấu hiệu, dấu vết xung quanh vết thương…

Đây là một trong các cách thức để ghi nhận hiện trường, dấu vết, vật chứng, tử thi… không thể thiếu được của bất cứ hiện trường nào khi tiến hành khám nghiệm. Là hình thức diễn tả hiện trường, dấu vết, vật chứng, đồ vật, tử thi… và hệ thống dấu vết ở hiện trường bằng hình vẽ  kỹ thuật. Nó không chỉ là hình thức ghi nhận hiện trường, dấu vết mà còn là tài liệu minh hoạ cho biên bản khám nghiệm hiện trường và bổ sung cho bản ảnh hiện trường.

Thu lượm dấu vết:

Thu lượm dấu vết, vật chứng là bước đầu tiên và quan trọng nhất  cho việc bảo đảm khả năng sử dụng dấu vết, vật chứng làm chứng cứ, phục vụ cho quá trình điều tra và xét xử tội phạm. Cần phải tính toán những dấu vết xét thấy cần thiết và sử dụng những biện pháp kỹ thuật thích hợp để thu lượm những dấu vết đã phát hiện được. Trong khi củng cố và tiến hành thu lượm tất cả những dấu vết, vật chứng phải bảo đảm những yêu cầu kỹ thuật và tính pháp lý của nó.

Thu lượm dấu vết, vật chứng không đúng phương pháp, sử dụng phương tiện kỹ thuật không phù hợp, tác phong làm việc cẩu thả, thiếu tinh thần trách nhiệm sẽ làm hư hỏng dấu vết, vật chứng, làm mất đi những tiền đề chứng cứ vật chất quan trọng gây khó khăn cho công tác  đấu tranh và phòng ngừa tội phạm.

Trong quan hệ tìm kiếm – thu giữ dấu vết còn một vấn đề quan trọng, đó là: đối tượng gây ra dấu vết đồng thời cũng có thể là đối tượng mang dấu vết. Từ đó cho thấy sự cần thiết phải thu mẫu so sánh để tạo điều kiện cho việc truy nguyên sau này. Khi thu mẫu so sánh phải bảo đảm cùng loại, có liên quan đến dấu vết cần giám định và đúng yêu cầu kỹ thuật, đủ yếu tố giám định. Trong việc tìm, thu lượm dấu vết, vật chứng phải nghiên cứu, sử dụng hợp lý những phương tiện kỹ thuật và những biện pháp, phương pháp thu lượm cho phù hợp với từng loại dấu vết, vật chứng trong từng loại hiện trường cụ thể.

Những phương tiện và phương pháp thường dùng để thu lượm dấu vết, vật chứng:

–  Chụp ảnh, ghi hình;

–  Vẽ sơ đồ, mô tả;

–  Thu cả vật mang vết;

–  Dùng thạch cao, cao su, hồ silicon để đổ khuôn;

–  Dùng băng dính hoặc poli để in lại hình dạng của dấu vết;

–  Thu trực tiếp dấu vết.

Để thu lượm dấu vết, vật chứng có kết quả tốt, thường vận dụng một số phương pháp sau:

Một là, thu dấu vết cùng với vật mang vết: Phương pháp này dùng để thu lượm hầu hết các loại dấu vết có ở hiện trường, với điều kiện áp dụng là vật mang vết có kích thước nhỏ, dễ bảo quản, dễ vận chuyển.

Hai là, sao in dấu vết: Phương pháp này chỉ áp dụng trong trường  hợp các dấu vết để lại trên hiện trường là dấu vết in, nằm trên các vật mang vết nhẵn bóng có kích thước lớn, trên các đồ vật có giá trị mà ta không thể thu lượm được bằng phương pháp thu dấu vết cùng với vật mang vết.

Ba là, đúc khuôn dấu vết: Phương pháp này chỉ áp dụng đối với  các dấu vết để lại trên hiện trường là dấu vết lõm.

Bốn là, đối với dấu vết là chất lỏng phải sử dụng bơm hút để hút (pi pép), sau đó cho vào các bình thuỷ tinh sạch, với độ tinh khiết cao để bảo quản, hoặc dùng miếng bông, vải bông sạch thấm chất lỏng vào bông, vải sau đó để khô ở nhiệt độ bình thường (khô tự nhiên) và tiến hành bảo quản bình thường.

Năm là, đối với dấu vết là chất khí: Phải sử dụng bình con chuột để thu lượm và bảo quản dấu vết.

Sáu là, cùng với việc thu lượm dấu vết thì cần phải tiến hành thu lượm mẫu so sánh.

Bảy là, tuỳ từng vật chứng (mẫu vật) mà có phương pháp thu lượm và bảo quản cho thích hợp nhằm bảo đảm giá trị của vật chứng làm chứng cứ.

Tám là, ngoài các phương pháp trên còn có thể sử dụng phương pháp chụp ảnh (phương pháp ghi nhận) làm phương pháp thu lượm dấu vết. Phương pháp này chỉ áp dụng khi và chỉ khi các phương pháp khác không thể áp dụng được.

Thu mẫu so sánh: Đồng thời với việc thu lượm dấu vết, phải tìm và thu được đầy đủ mẫu so sánh cần thiết, tương ứng với những dấu vết đã thu được để phục vụ cho việc đánh giá dấu vết tại hiện trường cũng như trong công tác giám định.

Bảo quản dấu vết:

Việc bảo quản dấu vết, vật chứng và mẫu so sánh bao gồm:

–  Đóng gói;

–  Bảo quản, lưu giữ;

–  Quá trình vận chuyển.

Tiến hành các biện pháp bảo quản dấu vết, vật chứng và vật mang vết… là nhằm bảo đảm cho khả năng sử dụng chúng.

Việc bảo quản dấu vết, vật chứng… phải được thực hiện ngay trên hiện trường cũng như quá trình vận chuyển và lưu giữ chúng. Yêu cầu của công tác bảo quản dấu vết, vật chứng và mẫu so sánh là:

–  Bảo quản theo đúng yêu cầu luật định;

–  Tránh mọi tác động bên ngoài có thể làm cho dấu vết, vật chứng vụ án mẫu so sánh bị hư hỏng…;

–  Chống sự tự huỷ hoại do quá trình bị thối rữa, các phản ứng hoá, lý…;

–  Tránh gây nhầm lẫn, mất mát…

Bảo quản dấu vết, vật chứng… bảo đảm nguyên tắc: Không làm hư hỏng, mất mát, nhầm lẫn dấu vết cũng như đặc điểm của chúng.

Tùy thuộc vào từng dấu vết, vật chứng cũng như vật mang vết cụ thể mà có phương pháp bảo quản cho thích hợp, bảo đảm nguyên tắc của kỹ thuật hình sự trong việc bảo quản dấu vết, cũng như việc bảo đảm các yêu cầu, những quy định của pháp luật trong việc bảo quản dấu vết, vật chứng…

Kết thúc khám nghiệm:

Sau khi kết thúc cuộc khám nghiệm hiện trường cần tiến hành các bước sau đây:

Bước 1, họp rút kinh nghiệm và thông qua biên bản khám nghiệm hiện trường. Đối với bất kỳ một hiện trường nào, sau khi khám nghiệm xong thì lực lượng khám nghiệm tại hiện trường phải tiến hành họp nhằm: Kiểm tra, rà soát lại toàn bộ công tác khám nghiệm đã bảo đảm tính khách quan, toàn diện cho quá trình nghiên cứu, phát hiện, thu lượm, bảo quản dấu vết, vật chứng theo đúng yêu cầu kỹ thuật và pháp luật. Đồng thời thông qua biên bản khám nghiệm hiện trường.

Bước 2, đánh giá sơ bộ dấu vết, vật chứng và những tin tức, tài liệu thu thập được qua việc điều tra, truy xét tại hiện trường. Để đánh  giá các dấu vết, vật chứng và những tin tức tài liệu thu nhận được trong quá trình điều tra các vụ án hình sự tại hiện trường, cần phải tiến hành các hoạt động sau đây:

Thứ nhất, tiến hành đánh giá từng dấu vết, vật chứng nhằm rút ra những giá trị thông tin, thông báo của từng dấu vết, vật chứng. Sau đó đánh giá tổng hợp cả hệ thống dấu vết, vật chứng trong mối quan hệ biện chứng với nhau nhằm rút ra giá trị thông tin, thông báo của cả hệ thống dấu vết, vật chứng về vụ việc xảy ra.

Thứ hai, tiến hành đánh giá các tin tức, tài liệu nhằm rút ra giá trị  thông tin, thông báo của từng tin tức, tài liệu đã thu nhận được qua các  hoạt động chiến thuật. Sau đó đánh giá tổng hợp cả hệ thống những tin tức, tài liệu trong mối quan hệ biện chứng với nhau nhằm rút ra giá trị thông tin, thông báo của cả hệ thống tin tức, tài liệu về vụ việc đã xảy ra.

Ba là, đóng gói niêm phong và vận chuyển dấu vết, vật chứng. Khi tiến hành niêm phong, vận chuyển dấu vết, vật chứng cần thực hiện theo các bước sau:

    1. Mỗi loại dấu vết, vật chứng được để riêng và bao gói riêng;
    2. Việc gói bọc, niêm phong, vận chuyển dấu vết, vật chứng phải bảo đảm đúng quy cách, yêu cầu kĩ thuật: An toàn, chắc chắn, không nhầm lẫn, không hư hỏng, mất mát, đổ nát…
    3. Khi dấu vết, vật chứng được bao gói, phía ngoài cần ghi rõ:

–  Vụ gì;

–  Xảy ra ở đâu;

–  Ngày, tháng, năm xảy ra sự việc;

–  Ngày, tháng, năm thu giữ;

–  Tên dấu vết, vật chứng thu giữ;

–  Số lượng vật chứng thu giữ;

–  Thu giữ trên đồ vật mang vết nào;

–  Phương pháp thu giữ, người thu giữ…

Để được tư vấn chi tiết từ luật sư của Luật 3 Chung

Vui lòng liên hệ số hotline 085.200.8585

Hoặc liên hệ qua email: luatsu@luat3chung.vn

Bài viết liên quan