[TƯ VẤN LHS – VỤ ÁN CÓ YẾU TỐ NƯỚC NGOÀI ] Trong phần xét hỏi

Luật sư tham gia phiên tòa để bào chữa cho bị cáo hoặc bảo vệ quyền lợi cho người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự có yếu tố nước ngoài cũng giống như các phiên tòa hình sự thông thường khác. Tuy nhiên có một số điểm mà Luật sư cần lưu ý trong phần xét hỏi tại phiên tòa:

Luật sư cần bố trí cho người phiên dịch riêng do mình lựa chọn tham gia phiên tòa ngay từ đầu để lắng nghe, phát hiện xem lời dịch của người phiên dịch do cơ quan tiến hành tố tụng chỉ định tham gia xét xử có gian dối, thiếu trung thực không. Khi có đầy đủ căn cứ chứng minh người phiên dịch không đúng với câu hỏi mà người tiến hành tố tụng đặt ra cho bị cáo hay dịch không đúng câu trả lời, lời khai của bị cáo thì cần kiến nghị với HĐXX yêu cầu người phiên dịch đó dịch lại cho đúng, trường hợp người phiên dịch cố tình dịch sai thì Luật sư có quyền đề nghị HĐXX thay đổi người phiên dịch. Thực tế không phải người phiên dịch nào cũng đủ khả năng truyền tải đúng ý chí của bị cáo, nhất là khi bản thân bị cáo là người nước ngoài.

Luật sư có thể đặt các dạng câu hỏi khác nhau tùy theo phương pháp, chiến thuật bào chữa được xác định. Có câu hỏi yêu cầu người được xét hỏi trả lời theo nội dung; có câu hỏi yêu cầu người được xét hỏi xác nhận hay phủ nhận; thậm chí có những câu hỏi đưa những người được xét hỏi khai báo bất lợi cho khách hàng vào “thế bí” nên có thể không nhất thiết phải được trả lời mà thỏa mãn bởi sự im lặng của họ… Trong quá trình xét hỏi, Luật sư có thể sử dụng một số loại câu hỏi như câu hỏi xác định một tình tiết, chứng cứ nào đó; câu hỏi bổ sung lời khai; câu hỏi gợi mở; câu hỏi vạch rõ sự gian dối, mâu thuẫn trong lời khai…Việc xét hỏi của Luật sư phải thể hiện được bản lĩnh nghề nghiệp, việc nắm vững hồ sơ và thái độ ứng xử văn hóa của Luật sư. Phải đảm bảo câu hỏi và câu trả lời phục vụ cho việc chứng minh trong bản luận cứ của Luật sư do vậy, cần luôn chủ động đưa ra câu hỏi phụ để làm rõ sự mâu thuẫn trong lời khai của người được hỏi.

Việc xét hỏi của Luật sư không chỉ về các tình tiết của vụ án mà còn để làm sáng tỏ các yếu tố liên quan đến vụ án (như quan hệ giữa những người tham gia tố tụng, các động cơ khác nhau của họ trước, trong và sau khi phạm tội cũng như thái độ khai báo tại CQĐT, tại phiên tòa…) nhằm giúp cho HĐXX có cơ sở đánh giá chính xác, khách quan các chứng cứ thu thập được; đánh giá toàn diện về khách hàng mà Luật sư bào chữa, bảo vệ.

Luật sư chỉ hỏi khách hàng những câu hỏi để họ khẳng định thêm về các tình tiết gỡ tội, các tình tiết giảm nhẹ. Nếu bị cáo nhận tội thì xét hỏi xem bị cáo giải thích thế nào về mâu thuẫn trong lời nhận tội với các chứng cứ khác; hỏi để làm rõ hoàn cảnh phạm tội, động cơ, mục đích phạm tội theo hướng có lợi cho bị cáo. Nếu bị cáo không nhận tội, cần hỏi để làm rõ các chứng cứ ngoại phạm của bị cáo, làm rõ những điểm mâu thuẫn trong các tài liệu, lời khai buộc tội đối với bị cáo. Luật sư luôn để ý diễn biến, thái độ của bị cáo cũng như của người đặt câu hỏi. Nếu người hỏi dồn dập khiến cho việc dịch không đúng, đầy đủ thì cần kiến nghị HĐXX nhắc nhở để điều chỉnh. Cần chú ý sau phần dịch mà bị cáo không trả lời mà việc không trả lời đó có thể dẫn đến hiểu lầm bất lợi cho khách hàng thì xét thấy cần thiết Luật sư cần đề nghị chủ tọa yêu cầu hỏi lại, dịch lại để bị cáo trả lời.

Để được tư vấn chi tiết từ luật sư của Luật 3 Chung

Vui lòng liên hệ số hotline 085.200.8585

Hoặc liên hệ qua email: luatsu@luat3chung.vn

Bài viết liên quan